ĐTC Với Giới Trẻ Nhật: Không Thể Tự Chụp Hình (Selfie) Linh Hồn


Vào lúc 11 giờ 30’ 25/11/2019, ĐTC di chuyển tới Nhà thờ Chính tòa Thánh Maria để gặp giới trẻ. Trọng tâm của buổi gặp gỡ được bắt đầu với các chứng từ của ba bạn trẻ: Công giáo, Phật giáo và di dân. ĐTC nhấn mạnh: Điều quan trọng không phải là hỏi tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai; Chúng ta không thể tự chụp hình selfie cho linh hồn.

Nhà thờ Thánh Maria nằm ở quận Bunkyo, được xây dựng vào năm 1899, bằng gỗ, kiến trúc Gothic. Vào năm 1920 trở thành Nhà thờ Chính tòa và bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai. Nhà thờ mới được kiến trúc sư Kenzo Tange thiết kế vào năm 1960 và khánh thành vào năm 1964. Nhà thờ với kiến trúc hiện đại, được coi là một trong những công trình quan trọng của Tange, người cũng đã thiết kế Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, là một trong những kiến trúc được được đánh giá cao ở Tokyo.

Khi đến nơi, ĐTC được Đức TGM Tokyo, cha xứ và cha Tổng Đại diện chào đón ở lối vào Nhà thờ. Sau đó tất cả tiến vào Nhà thờ và hai bạn trẻ dâng hoa cho ĐTC. ĐTC đến trước Nhà tạm, thinh lặng cầu nguyện.

Trọng tâm của buổi gặp gỡ được bắt đầu với các chứng từ của ba bạn trẻ: Công giáo, Phật giáo và di dân. Sau đó, ĐTC có bài diễn văn dành cho các bạn trẻ dựa trên những chia sẻ và những câu hỏi của ba bạn đại diện.

Cô đơn và cảm giác không được yêu là nghèo đói khủng khiếp nhất

Trả lời cho câu hỏi của Miki “làm thế nào để người trẻ có thể dành một chỗ cho Chúa trong một xã hội cuồng nhiệt và chỉ tập trung vào việc cạnh tranh và lợi nhuận”, ĐTC nói: “Chúng ta thường thấy có những người hoặc cộng đoàn bên ngoài thì phát triển tốt nhưng đời sống nội tâm thì giảm sút. Đối với họ, mọi thứ trở nên nhàm chán, họ không còn mơ ước, họ không mĩm cười, họ không chơi, họ không biết cảm giác tuyệt vời và những điều bất ngờ. Giống như xác chết, trái tim họ đã ngừng đập vì không thể vui hưởng cuộc sống với người khác. Có bao nhiêu người trên thế giới giàu có về vật chất, nhưng sống cô đơn! Mẹ Teresa, người làm việc giữa những người nghèo đã từng nói ngôn sứ: “Cô đơn và cảm giác không được yêu là nghèo đói khủng khiếp nhất”.

Điều quan trọng không phải là: tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai?

Tới đây, ĐTC mời gọi các bạn trẻ “Đấu tranh chống lại sự nghèo nàn tinh thần là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta được mời gọi. Chúng ta phải ý thức rằng điều quan trọng không phải là tất cả những gì tôi sở hữu, mà là tôi có thể chia sẻ với ai điều tôi có được. Điều quan trọng không phải là hỏi tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai. Điều quan trọng khi tự hỏi: “Tôi sống cho ai?”. Tất nhiên, các bạn sống cho Thiên Chúa. Nhưng Người cũng đã định rằng các bạn cũng cần sống cho người khác, và Người đã ban cho các bạn nhiều đức tính, khuynh hướng, tài năng và đặc sủng không cho riêng các bạn, mà là để chia sẻ với những người xung quanh các bạn” (Christus vivit, 286).

Không thể tự chụp hình (selfie) cho linh hồn

Trả lời cho câu hỏi của Masako, một giáo viên, ĐTC nói: “Masako hỏi làm thế nào giúp đỡ người trẻ để họ nhận ra điều tốt và giá trị của họ. Một lần nữa, cha muốn nói rằng để phát triển, để khám phá căn tính, chúng ta không thể nhìn vào cái gương. Nhân loại đã phát minh ra rất nhiều thứ, nhưng chúng ta không thể tự chụp hình selfie cho linh hồn chúng ta. Để hạnh phúc, chúng ta cần nhờ người khác giúp đỡ, nghĩa là ra khỏi chính mình và đến với người khác, đặc biệt là những người cần sự giúp đỡ hơn cả”.

“Một vị thầy khôn ngoan đã từng nói rằng chìa khóa để phát triển trí tuệ không phải là việc tìm ra câu trả lời đúng, mà là ở việc khám phá ra những câu hỏi đúng. Cha hy vọng các con có thể đặt câu hỏi hay, tự đặt câu hỏi và giúp người khác hỏi những câu hỏi tốt về ý nghĩa cuộc sống và làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt hơn cho những người đến sau chúng ta”.

Cuối cùng trả lời cho câu hỏi của Leonardo, một bạn trẻ di dân, bị bắt nạt ở trường, ĐTC cám ơn và ca ngợi hành động can đảm của Leonardo vì dám nói đau khổ của mình tại cuộc gặp gỡ này. ĐTC nói nạn bắt nạt nơi học đường làm tổn thương tinh thần và lòng tự trọng của chúng ta trong lúc chúng ta cần thêm sức mạnh để chấp nhận bản thân và đối diện với những thách đố mới trong cuộc sống.

Cùng nhau chống lại văn hóa bắt nạt ở trường học

ĐTC nhắc nhở: “Tất cả chúng ta phải cùng nhau chống lại văn hóa bắt nạt này và học cách nói: thôi đủ rồi! Đó là một bệnh truyền nhiễm mà thuốc tốt nhất cho căn bệnh này ở nơi các con. Các con phải cùng nhau nói: Không! Điều này thật tệ! Không có vũ khí nào lớn hơn để bảo vệ bản thân khỏi những hành động này hơn là “đứng dậy” giữa bạn bè và nói: “Những gì bạn đang làm là một việc nghiêm trọng”.
“Đừng sợ hãi, vì sợ hãi luôn là kẻ thù của điều tốt, là kẻ thù của tình yêu và hòa bình. Các tôn giáo lớn dạy lòng khoan dung, hòa hợp và thương xót; họ không dạy sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giêsu luôn nói với những người theo Ngài: đừng sợ”.

ĐTC kết thúc bài diễn văn với lời mời gọi các bạn trẻ hãy quảng đại trao ban cho người khác tất cả những gì mình có thể, mặc dù ý thức mình vẫn còn thiếu nhiều thứ. Cụ thể, ĐTC mời các bạn dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, hiểu họ. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể mở cuộc đời và vết thương lòng cho một tình yêu có thể biến đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta không trao ban và nếu chúng ta “tiết kiệm thời gian” với người khác, chúng ta sẽ mất thời gian vào nhiều thứ. Và vào cuối ngày, chúng ta cảm thấy trống rỗng và bàng hoàng, giống như bị bội thực. Vì thế, hãy dành thời gian cho gia đình và bạn bè, và đặc biệt cho Chúa trong cầu nguyện.

Kết thúc buổi gặp gỡ, trong lúc ca đoàn hát, đại diện bạn trẻ dâng quà cho Đức Thánh Cha.

Ngọc Yến

Nguồn: Vatican News