Dù Sự Ác Hiện Diện Khắp Nơi, Chúa Giêsu Luôn Đứng Về Phía Chúng Ta


Trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 15.05, ĐTC Phanxicô đã giải thích lời nguyện xin cuối cùng trong Kinh Lạy Cha: “xin giải thoát chúng con khỏi sự dữ” (Mt 6,13b). ĐTC nhắc các tín hữu rằng dù cho sự dữ rõ ràng hiện hữu trên thế giới, thậm chí trong trái tim chúng ta, và đôi lúc dường như nó còn rõ ràng hơn lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu luôn đứng về phía chúng ta, và trợ giúp chúng ta thoát khỏi sự dữ.

ĐTC bắt đầu bài giáo lý như sau: Với lời cầu xin này, người cầu nguyện không chỉ xin đừng bị bỏ rơi trước cơn cám dỗ, nhưng còn cầu xin được giải thoát khỏi sự dữ. Động từ gốc tiếng Hy lạp có nghĩa rất mạnh: nó gợi lên sự hiện diện của ma quỷ, muốn nắm chặt lấy chúng ta và cắn xé chúng ta (x. 1Pr 5,8) và chúng ta cầu xin Chúa giải thoát. Thánh Phêrô tông đồ cũng nói rằng ma quỷ như sư tử dữ tợn, rảo quanh chúng ta để cắn xé chúng ta, và chúng ta xin Thiên Chúa giải thoát.

Lời cầu nguyện của người con chứ không phải lời cầu nguyện ngây ngô

ĐTC nhận xét rằng lời cầu xin kép: “xin đừng bỏ rơi chúng con” và “xin giải thoát chúng con”, cho chúng ta thấy đặc tính cốt yếu của lời cầu nguyện Kitô giáo. ĐTC giải thích: Chúa Giêsu dạy các bạn của người đặt việc cầu khẩn Chúa Cha lên trên hết mọi sự, ngay cả và đặc biệt trong những lúc mà ma quỷ khiến chúng ta cảm thấy nó hiện diện và đe dọa chúng ta. Thật ra, lời cầu nguyện Kitô giáo không có nghĩa là nhắm mắt lại trước cuộc sống. Nó là lời cầu nguyện của người con chứ không phải là lời cầu nguyện ngây ngô. Lời cầu nguyện Kitô giáo không vì quá say mê, bị mê hoặc bởi tình phụ tử của Thiên Chúa đến nỗi quên rằng đường đời của con người đầy những khó khăn. Nếu không có những câu cuối cùng trong Kinh Lạy Cha thì làm sao những người tội lỗi, những người bị bách hại, những người thất vọng, những người đang hấp hối có thể cầu nguyện? Lời cầu nguyện cuối cùng chính là lời cầu xin của chúng ta.

Lịch sử: một danh mục đầy thất bại

ĐTC nhắc rằng sự ác hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, đó là sự hiện diện không thể chối cải. Các sách lịch sử là danh mục đau buồn cho thấy sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới này là một cuộc phiêu lưu và thường xuyên bị thất bại. Có một mầu nhiệm về sự ác, điều mà chắc chắn không phải là do Thiên Chúa tạo nên, nhưng nó lặng lẽ thâm nhập vào giữa các nếp gấp của lịch sử. Nó âm thầm như con rắn mang nọc độc cách thầm lặng. Trong một vài thời điểm, sự ác dường như thắng thế: vào một số ngày sự hiện diện của nó thậm chí còn rõ ràng hơn cả lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong những lúc thất vọng thì sự ác dường như càng rõ ràng hơn!

Sự ác thật sự hiện diện

ĐTC khẳng định rằng người cầu nguyện không phải là người mù quáng; họ nhìn thấy rõ ràng trước mắt sự ác to lớn và qúa mâu thuẫn với mầu nhiệm của chính Thiên Chúa. Họ nhìn thấy nó trong tự nhiên, trong lịch sử, thậm chí trong trái tim của chính mình. Bởi vì không ai trong chúng ta có thể nói rằng họ được miễn trừ khỏi sự ác, hoặc ít nhất là không bị cám dỗ. Tất cả chúng ta biết sự ác là gì; tất cả chúng ta biết cám dỗ là gì; tất cả chúng ta đã có kinh nghiệm cá nhân về cám dỗ, về bất cứ thứ tội nào. Nhưng tên cám dỗ hoạt động trong chúng ta – làm điều này, nghĩ điều này, đi theo lối này – nó đẩy chúng ta làm điều xấu.

Lời cầu nguyện phơi bày sự ác

Tiếp đến, ĐTC giải thích rằng lời cầu nguyện phơi bày những sự dữ trên thế gian. Lời kêu than cuối cùng của Kinh Lạy Cha chống lại sự ác này; nó bao gồm những trải nghiệm đa dạng nhất: tang tóc của con người, nỗi đau vô tội, sự nô lệ, sự bóc lột của người khác, tiếng khóc của những đứa trẻ vô tội. Tất cả những sự kiện này phản kháng trong trái tim của con người và trở thành tiếng nói trong lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã cảm nghiệm sức mạnh của sự ác

Một số lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha vang vọng cách ấn tượng nhất trong chính các tường thuật về cuộc Thương Khó. Chúa Giêsu kêu lên: “Abbà! Cha ơi!. Mọi sự đều có thể với Cha: xin hãy cất khỏi con chén này! Nhưng không phải là theo ý con nhưng theo ý Cha” (Mc 14,36). Chúa Giêsu hoàn toàn nếm trải sự đâm thâu của sự ác. Không chỉ là chết, mà còn chết trên thập giá. Không chỉ cô đơn, mà cả bị khinh bỉ, hạ nhục. Không chỉ sự ác ý, mà cả sự tàn nhẫn, sự giận dữ chống lại Người. Con người là như thế này: một người dấn thân cho cuộc sống, người mơ ước tình yêu và điều thiện hảo, nhưng rồi chính bản thân và đồng loại của mình liên tục bị sự ác tấn kích, đến mức chúng ta có thể bị cám dỗ tuyệt vọng về con người.

Chúa Giêsu luôn đứng về phía chúng ta

ĐTC nhận định: Kinh Lạy Cha giống như một bản giao hưởng muốn được hoàn thành nơi mỗi người chúng ta. Kitô hữu biết quyền lực của sự ác áp đảo đến mức nào, đồng thời cũng hiểu được rằng Chúa Giêsu, Đấng chưa bao giờ chịu khuất phục trước sự ngon ngọt của ma quỷ, đứng về phía chúng ta và đến để giúp đỡ chúng ta như thế nào.

Do đó, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trao lại cho chúng ta những gia sản quý giá nhất: sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, khi đấu tranh để biến đổi nó. Trong trận chiến cuối cùng, Người đã ra lệnh cho Phêrô bỏ gươm vào lại vỏ bọc của nó, Người hứa ban nước thiên đàng cho tên trộm có lòng hối cải, và với tất cả những người đang đứng xung quanh, không hay biết về thảm kịch đang diễn ra, Người cầu xin bình an cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ bởi họ không biết việc họ làm “(Lc 23:34).

Bình an xuất phát từ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu

Từ sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá đã phát sinh sự bình an, bình an đích thực đến từ đó: món quà của Chúa Phục sinh là bình an, quà tặng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ đến lời chào đầu tiên của Chúa Giêsu phục sinh là “bình an cho anh em”, bình an cho tâm hồn anh em, cho trái tim anh em, cho cuộc sống của anh em. Chúa ban cho chúng ta bình an, ban cho chúng ta sự tha thứ nhưng chúng ta phải xin Người “giải thoát chúng ta khỏi sự dữ”, để không rơi vào sự dữ. Đây là hy vọng của chúng ta, sức mạnh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Chúa Giêsu Phục Sinh ở đây, ở giữa chúng ta. Và sức mạnh Người ban cho chúng ta để tiến bước và Người hứa giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.

Hồng Thủy

Nguồn: Vatican News