Đưa các băn văn cổ của Thánh Kinh lên mạng Internet
Phỏng vấn cha Olivier-Thomas Venard, dòng Đa Minh, về dự án đưa các văn bản cổ của Thánh Kinh lên liên mạng Internet
Ngày mùng 7 tháng 12 năm 2016 vừa qua cha Olivier-Thomas Venard, dòng Đa Minh đã giới thiệu dự án đưa các văn bản cổ khác nhau của sách Thánh Kinh lên liên mạng Internet. Dự án có tên gọi là “Thánh Kinh trong các truyền thống của nó” dự trù đưa các văn bản kinh thánh tiếng Do Thái, Aramei, Hy Lạp và Latinh lên mạng, mà không ưu tiên văn bản nào nhân danh sự “trung thực” thường gây tranh luận. Nghĩa là đây là một cuốn Thánh Kinh đa ngữ, với các ghi chú liên quan tới văn bản và việc tiếp nhận trong các truyền thống tôn giáo và văn hóa, khiến cho mọi người đều có thể tham khảo chúng.
Đây là một cuộc cách mạng trong lịch sử nền văn chương thế giới.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn cha về dự án này. Cha Olivier-Thomas Venard có bằng tiến sĩ thần học và văn chương, là giáo sư Thánh Kinh Tân Ước và phó giám đốc trường Thánh Kinh và Khảo Cổ Pháp tại Giêrusalem
Hỏi: Thưa cha, vào tháng 12 cha đã giới thiệu dự án đưa các văn bản cổ khác nhau của Thánh Kinh lên liên mạng Internet. Nó bao gồm những gì?
Đáp: Tất cả các sách Thánh Kinh chúng ta có hiện nay trình bầy một văn bản nhân tạo: trên thực tế đó là một sự tái tạo dựng văn bản “gốc” do các học giả làm ra. Vấn đề đó là không thể tìm ra văn bản gốc, và trong một vài trường hợp, có lẽ nó đã không bao giờ hiện hữu. Thật ra thì Thánh Kinh không phải là một cuốn sách cho bằng một thư viện, đã thu thập từ từ các sách được viết ra, các ấn bản và các tái uốn nắn, thành hai hay ba ngôn ngữ trong khoảng thời gian một ngàn năm. Lồng khung vào trong lịch sử các sách kinh thánh như thế cho thấy ngay các khác biệt. Cũng như các kitô hữu có bốn Phúc Âm kể cùng lịch sử, nhưng với nhiều khác biệt giữa chúng, khoảng một phần ba Thánh Kinh Cựu Ước được trình bầy cho chúng ta trong các bản văn khác nhau bằng tiếng Do thái, Hy Lạp, Latinh và Siriac, tới lượt chúng cũng khác nhau , mà không thể dành ưu tiên một cách tuyệt đối cho bản văn này hay bản văn khác. Nhưng đây không phải là môt thiếu sót cần sửa đổi, mà là một sự phong phú. Như tác giả thánh vịnh 62 ghi nhận: “Thiên Chúa đã nói một lời, tôi nghe được hai lời.” Khi Thiên Chúa thật nói với loài người trong ngôn ngữ của họ, lời Ngài lập tức sản xuất ra sự đa dạng. Dự án của chúng tôi là đưa lên trên mạng các văn bản kinh thánh khác nhau, mà không ưu tiên bản văn nào cả. Trước hết bởi vì các văn bản đến từ các thủ bản gần đây hơn có thể đã lấy lại các truyền thống cổ xưa hơn. Chẳng hạn thánh Girolamo đã biên soạn văn bản kinh thánh Vulgata vào thế kỷ thứ V sau Chúa Kitô, khởi hành từ bản văn hy lạp 70 thuộc thế kỷ thứ III truớc Chúa Kitô, nhưng cũng bằng cách dịch các thủ bản tiếng Do thái có được thời đó, nhưng ngày nay đã mất. Thế rồi, sự cổ xưa không phải là một tiêu chuẩn một cách cần thiết: cần bỏ đi hình ảnh của một cuốn Thánh Kinh được Thiên Chúa đọc cho tác giả thánh viết, theo kiểu Jibril thiên thần Gabriel đọc Kinh Coran cho Mahomét viết. Sự linh ứng của Thiên Chúa đi qua nhân tính của nhiều tác giả và người biện soạn, và đồng hành với việc biên soạn lâu dài trong Thánh Kinh, bao gồm cả công việc của các ký lục dịch giả và các người biên chép lại. Mô thức dịch của chúng tôi sẽ trình bầy sự phong phú này cho phép đọc các bản văn khác nhau trên cùng một trang. Trên thực tế người ta không thoả mãn nghe Thánh Kinh trên một loa nữa. mà giờ đây trên cả hai loa: Lời Chúa không phải là một giai điệu, mà là một bản hoà ca nhiều bè. Sau cùng chúng tôi cống hiến bản dịch này hoàn toàn miễn phí. Vì thật là một gương mù gương xấu, biến các sách Thánh Kinh thành đối tượng thương mại, ít nhất là trong thế giới nói tiếng Pháp.
Hỏi: Tính cách không hạn chế của liên mạng cũng cho phép gia tăng các ghi chú, có đúng thế không thưa cha?
Đáp: Trong các ghi chú có tính cách rất lịch sử đa số các bản Thánh Kinh hiện có tìm giải thích thế giới có trước văn bản, tức thế giới đã sản xuất ra các văn bản đó, trong một cách thế nào đó. Chúng tôi muốn bổ túc chúng với các ghi chú về thế giới tiếp theo sau văn bản, tức thế giới mà văn bản ảnh hưởng, hay còn hơn thế nữa, làm nảy sinh ra. Đó là điều được gọi là lịch sử tiếp nhận: chúng ta không phải là những người đầu tiên đọc Thánh Kinh, và chúng ta cũng ý thức ít nhiều rằng việc đọc hiểu của chúng ta cũng không bao giờ đơn sơ và luôn luôn tràn đầy các hình ảnh, các giải thích của các văn bản ở trong ký ức cá nhân hay tập thể của chúng ta. Để có thể hiểu một trình thuật kinh thánh, thật là đáng công ý thức được điều này, và không phải chỉ khám phả ra kiểu mà các tín hữu do thái và kitô đã chú giải dọc dài các thế kỷ, mà cũng khám phá ra kiểu các tác giả văn chương đã lấy hứng từ đó và đã trình bầy nó, các nhạc sĩ đã phổ nhạc, và các nhà làm phim đã biến thành phim ảnh vv. Như vậy cũng phải tìm hiểu các bức tranh của tu sĩ Beato Angelico, bản hoà tấu Nabucco của nhạc sĩ Verdi, hay phim Mười Điều Răn của Cecil.B. DeMille. Một phần công việc này của chúng tôi bắt đầu được đưa lên Internet vào tháng 12 dưới địa chỉ scroll.bibletraditions.org. Bởi vì phải cần nhiều năm để soạn thảo toàn cuốn Thánh Kinh theo kiểu này. Vì thế trong việc chia sẻ các kết quả đầu tiên chúng tôi mời gọi mọi độc giả cải tiến chúng và làm giầu cho chúng một cách liên tục trong bất cứ lúc nào, khi đọc họ có thể gửi điện thư cho chúng tôi để đề nghị các sửa đổi, các đào sâu.
Hỏi: Hệ thống ghi chú của quý vị cho thấy các phát triển mà văn bản kinh thánh đã không ngừng có trong các lãnh vực từ văn hoá, tới hội họa, văn chương, từ kịch hát tới nghệ thuật vũ. Bỏ sang một bên chiều kích thiêng liêng, làm sao có thể giải thích được sự phong phú không thể tưởng tượng được của các câu chuyện kể trong Thánh Kinh thưa cha?
Đáp: Vì chính kiểu được biên soạn Thánh Kinh chứa đựng một tích tụ tuyệt vời hàng ngàn năm khôn ngoan của nhân loại trải dài trong các nền văn minh rất uy tín như các nền văn minh Sumer, Babilonia, Ai Cập. Tất cả đã được các tác giả do thái cổ xưa tích chiết và sàng lọc, trong một cách thế nào đó, các tôn giáo của các dân tộc bao quanh, duy trì kho tàng khôn ngoan nhân bản của chúng, đồng thời phê bình các quan niệm sai lầm về Thiên Chúa và về sự thánh thiêng. Thế rồi ở trọng tâm của Thánh Kinh Kitô có sự tuyệt diệu đó là biến cố nhập thể: Thiên Chúa yêu con người đến độ trở thành một người trong chúng ta. Dù có tin hay không, không thể không nhận ra rằng niềm tin đó đã sản xuất ra điều mà chính ông Erich Auerbach, nhà phê bình mác xít nổi tiếng, đã định nghĩa là một cuộc cách mạng đích thật trong lịch sử văn học. Kể từ đó những gì là cao quý nhất, sâu xa nhất, đảo lộn nhất không còn được dành riêng cho các vua chúa, các hoàng hậu trong các lâu đài hoàng gia nữa, mà trở thành điều bất cứ ai cũng có thể đạt tới. Nếu tin rằng chính Thiên Chúa đã nhập thể từ thịt máu của một thiếu nữ như Maria thành Nagiaret, thì từng bản vị con người, đã có ngay từ nguồn gốc, một giá trị khôn sánh: các nét cá nhân thu hút các hoạ sĩ, lịch sử không thể thay thế được của mỗi người gợi hứng cho các nhà văn, không gì trong tất cả những thứ có thể hiện hữu, nếu không có tình trạng mới này, mà mạc khải kitô đã trao ban cho mỗi một người.
Hỏi: Thưa cha, Thánh Kinh Cựu Ước trình bầy một Thiên Chúa báo oán, ghen tưong, gia tăng các lời mời gọi bạo lực, và xem ra sơ khai đối với tâm thức tân tiến của chúng ta, cha nghĩ sao?
Đáp: Xin lỗi quý vị, nếu tôi hơi nghiêm khắc một chút, nhưng đối với tôi xem ra là “sơ khai” sự dốt nát về Thánh Kinh mà chúng ta những người tân tiến đang ở trong đó. Dừng lại trên vì Thiên Chúa giận dữ hay báo oán của các nhà diễn thuyết của Đại Thế Kỷ hay trên Adonai Sabaoth của các tiểu thuyết gia như Victor Hugo là một bức tranh khôi hài, bởi vì Thánh Kinh Cựu Ước cũng giới thiệu một Thiên Chúa khổ đau, một Thiên Chúa nói với dân Ngài rằng họ bất trung, chẳng hạn như lời Chúa nói trong chương 43 câu 24 sách ngôn sứ Isaia: “Với các tội lỗi của ngươi ngươi khiến cho Ta thành nô lệ”; hay cho tới độ là một Thiên Chúa hầu như diu ngọt vì là “người cha ngọt ngào”, chẳng hạn như trong ngôn sứ Hosea, là một trong các ngôn sứ cổ xưa của Thánh Kinh hồi thế kỷ thứ VIII trước kỷ nguyên kitô, đối với ông Thiên Chúa dịu hiền “như người mẹ nựng con thơ trên má và cho con ăn” (Hs 2,4). Có đúng thật là trong Thánh Kinh có vấn nạn liên quan tới bạo lực. Từ khi chúng tôi loan báo dự án tái dịch Thánh Kinh và ghi chú, chúng tôi thường xuyên nhận được các thư cảm động của một ông cụ lớn tuổi nằm trong nhà thương, chuyên chăm đọc Thánh Kinh. Cụ bị rúng động vì các đoạn nói đến bạo lực, và cụ xin chúng tôi “loại bỏ” chúng đi. Có một cách làm khác đó là chú ý tới sự phát triển từ từ của mạc khải. Những người mà Thiên Chúa ngỏ lời với đã đi tới chỗ thực thi việc báo thù mù quáng. Giản lược sự báo thù vào luật báo oán đã là một bước tiến rồi: “mắt thế mắt răng đền răng” thì vẫn còn hơn là “Mày đã ăn cắp của tao, thì tao tàn sát cả gia đình mày”. Rõ ràng là lòng thương xót và sự tha thứ tốt hơn là thi hành bạo lực, cho dù nó có chừng mực tới đâu đi nữa. Nhưng ở đây là việc bắt chước lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa – đừng lấy ác báo ác nhưng hãy thương xót như Cha các con ở trên Trời là Đấng thương xót – cần có thời gian để học. Từ các trang man rợ nhất của Cựu Ước cho tới lời cầu xin của Chúa Kitô cho các kẻ giết Ngài trên thập giá: “Lậy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” Thánh Kinh được linh hứng bởi một vì Thiên Chúa vô cùng cảm thương có thể đồng hành với chúng ta trên con đường kiểm soát bạo lực.
Hỏi: Luật lệ của ông Môshê có lẽ lại không nặng nề như các giáo huấn của Kinh Coran hay sao thưa cha Venard?
Đáp: Đây tuyệt nhiên không phải là kinh nghiệm của tôi. Chắc chắn nó không như luật của Do thái giáo của trường phái rabbi mà chúng ta yêu mến, trong đó sách Torah là tất cả, ngoại trừ là một cuốn sách cần phải áp đặt cho tất cả mọi người, nhưng nó là một ngòi thuốc nổ của các giải thích hầu như vô tận, một xúc tác của trí thông minh thực hành.
Hỏi: Trong quá khứ các kitô hữu đã lại không bị cám dỗ phổ biến đức tin của họ với lưỡi gươm hay sao thưa cha?
Đáp: Khi họ đã làm điều đó là họ đã chống lại chính các văn bản thánh, và như vậy không phải như là các kitô hữu, nhưng như là những kẻ gian ác hay tội lỗi. Vào đầu ngàn năm thứ ba một cách đúng đắn thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xin lỗi vì các phản bội sứ điệp tin mừng ấy.
Hỏi: Đức Giêsu mà các Phúc Âm trình bầy có phải là một phản ánh của các trình thuật của các chứng nhân mắt thấy tai nghe, hay là kinh nghiệm đức tin của cộng đoàn các kitô hữu, thưa cha?
Đáp: Các Phúc Âm dựa trên các chứng tá và thông truyền các sự kiện lịch sử không thể giản lược được, vượt ngoài việc biên soạn văn chương biểu thị chúng. Các nhà chú giải đã nhận diện ra trong toàn Thánh Kinh Tân Ước sự hiện hữu của một “truyền thống cô lập” liên quan tới Chúa Giêsu: một tổng thể các trình thuật và các lời nói được gán cho Ngài, và đã được truyền tụng một cách trung thực mà không có các thay đổi hay thêm thắt. Chẳng hạn việc có hay không cắt bì cho các tín hữu mới đến từ thế giới không do thái đã gây xôn xao trong các cộng đoàn kitô tiên khởi, không cho phép chúng ta chế ra một diễn văn rõ ràng của Chúa Giêsu liên quan tới vấn đề này. Hay chẳng hạn như trong Phúc Âm thánh Gioan hay Luca, Chúa Giêsu được tôn kính như Ngôi Lời, nhưng người ta không gán cho Ngài các lời trong đó chính Ngài gọi rõ ràng mình là như thế. Nhưng chắc chắn để thông truyền ký ức này về Chúa Giêsu một cách sống động, ngay từ ban đầu người ta đã thích ứng nó với cử tọa mà họ muốn thông truyền điều này cho. Chẳng hạn chính các Phúc Âm như Phúc Âm thánh Luca trong các hàng đầu tiên, miêu tả công việc đã làm là: lựa chọn, kiểm thực, hoàn thiện các tài liệu. Nhưng tất cả những điều đó đã được làm trong các giới hạn xem ra phản ánh tốt từ các khác biệt có giữa bốn Phúc Âm hợp quy.
Hỏi: Thưa cha, Kitô giáo như là sự kiện một “tôn giáo của sách” và vì thế gắn liền với các điều kiện của những người đã biên soạn ra các văn bản của nó với các thành kiến và các quan niệm thời họ, có phải vậy không?
Đáp: Xin hãy coi chừng! Kitô giáo không phải là tôn giáo của sách, cả khi nó là một tôn giáo “với” sách. Kiểu nói “tôn giáo của sách” là phần của diễn văn hồi giáo, mà nói chung nó không để cho Do thái giáo cũng như Kitô giáo tự định nghĩa một mình và tái định nghĩa lại chúng trong các từ riêng của mình. Công thức dễ dãi “tôn giáo của sách” không thuộc gia tài kitô, và chắc chắn cần phải khước từ nó, trừ khi ngưòi ta không xác tín về tích cách đích thực của Hồi giáo. Dù sao đi nữa đối với chúng tôi là tín hữu công giáo Thánh Kinh có quy chế nhắc nhớ. Nhắc nhớ thánh thiêng, có lẽ, được hôn kính và xông hương trong phụng vụ, nhưng luôn luôn là nhắc nhớ. Nói một cách đơn sơ hơn: tôi không tin rằng Chúa Kitô đã sống lại bởi vì đã viết trong sách, nhưng điều này đã được viết, bởi vì ngay từ đầu đã có vài chứng nhân kể lại cuộc gặp gỡ của họ với Ngài và đã thấy Ngài để lại các dấu vết. Đối với Kitô giáo ở trung tâm không có cuốn sách, nhưng là con người của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã nhập thể để tự biểu lộ, trao ban chính mình với các dây âm thanh, phổi, môi miệng, tất cả một thân xác, để nói năng với các lời nói và cử chỉ, và thông truyền một sứ điệp sống, nòng cốt đối với con người. Và việc thông truyền sống động và liên tục sự mạc khải của Ngài, mà chúng ta gọi là truyền thống, một cách liên tục được tưới gội bởi con sông các Sách Thánh.
(Oss. Roma 2-12-2016)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Đài Vatican)