“Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo – Phần 2
WDN. 25.5.2024
Trong dịp Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu (1885 – 2020), Giáo phận đã tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề: “ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU”: LỊCH SỬ VÀ LINH ĐẠO tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu vào ngày thứ hai, 23/11/2020 với loạt bài xoay quanh chuyên đề này:
- Chủ đề: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”: Thánh Kinh, giáo phụ và lịch sử( Cha Phêrô Phan Tấn Khánh)
- Chủ đề: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng của Tông Huấn Marialis cultus của Đức Phaolô VI, 1974 (Cha Giêrađô Trần Công Dụ)
- Chủ đề: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng Thông điệp Redemptoris Mater của Đức Gioan-Phaolô II, 1987 (Soeur Maria Clara Nguyễn Thị Thảo)
- Chủ đề: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ( Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ)
- Chủ đề: “Sự Hiển Linh Của Đức Mẹ Trà Kiệu” (Giáo dân Giuse. M Phạm Cảnh Đáng)
Nay, Ban Truyền thông GP trước hết xin lần lượt đăng từng phần bài trình bày của Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS.
- Đức Maria: “Trinh Nữ Diễm Phúc”
Từ những gì được gợi mở trên đây, thiết tưởng có thể nói đến một chiều kích khác nữa trong mầu nhiệm Đức Maria mà chúng ta suy tưởng triển khai, đó là mối tương quan biểu nghĩa giữa tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” với tước hiệu “Đức Trinh Nữ Diễm Phúc”. Như Giáo Lý Hội Thánh dẫn chứng và minh giải: “Lòng sùng kính của Hội Thánh đối với Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc thuộc về chính bản chất phụng tự Kitô giáo. Đức Trinh Nữ diễm phúc đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó”.[1] Thật vậy, trước hết, chúng ta có thể ghi nhận tước hiệu Đức Maria “Trinh Nữ Diễm Phúc” trong cảnh ngữ của Tin Mừng Luca qua bản văn: “Mừng vui lên, hỡi Đấng Đầy Ân Sủng! Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28). Đây chính là tước hiệu mà sứ thần Gabriel đến chào kính Đức Maria trong trình thuật Truyền Tin, biểu thị cho ơn gọi và chức phận cao quý của Người. Một lời chào lạ thường như thể muốn nói lên rằng Đức Maria là người duy nhất diễm phúc “hơn mọi người nữ”, vì Người đã mở lòng đón nhận và vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong việc cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu, Đấng Kitô, “Đấng Thánh sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Và nếu Con Thiên Chúa làm người là “Ngôi Lời Nhập Thể”, là “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14), thì chăng phải Đức Maria là Đấng “đầy ơn phúc”, theo nghĩa là “đầy” sự hiện diện chủ vị của chính Chúa, vì “có Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28).
Với một viễn tượng như thế, có thể nói tất cả là do ân sủng của Thiên Chúa mà Đức Maria được coi trọng như người “Thiếu Nữ Sion”, tượng trưng và cô đọng tất cả tinh hoa của Dân được Thiên Chúa mến chuộng và tuyển chọn làm gia nghiệp trong thời Cựu Ước, cũng như là “hiện thân” của đoàn Dân Mới được thiết lập là Giáo Hội trong thời Tân Ước. Bởi đó mà tước hiệu duy nhất này có thể được gặp thấy qua Thư Ephêsô liên quan đến ơn cứu độ và sự tuyển chọn này. Như Giáo Lý Hội Thánh cũng trưng dẫn một đoạn văn thư để diễn giải ý nghĩa về vai trò độc đáo của Đức Maria trong Lịch Sử Cứu Độ qua tước hiệu “đầy ân sủng”: “Chúa Cha đã “thi ân giáng phúc” cho Mẹ hơn bất cứ thụ tạo nào khác, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời trong Đức Kitô” (Ep 1, 3). Ngài đã chọn Mẹ “trong Đức Kitô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài”, Mẹ trở nên “tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Ngài” (Ep 1, 4).[2]
Hơn nữa, trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ ngữ “Ân Sủng” phát xuất từ động từ “Charitoun”, có gốc bởi “Charis”, nên thực sự còn mang ý nghĩa là vẻ đẹp, sự duyên dáng. Một người “đầy ân sủng”, “đầy ơn phúc” là người đầy nét tươi thắm mặn mà, “đầy vẻ tôn quý”, là người được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Có nghĩa là được đẹp mắt và đẹp lòng Thiên Chúa, được Thiên Chúa sủng ái, ưng ý, nên được lựa chọn vào một sứ mạng cao cả trong những công trình kỳ diệu của Người.[3] Như thế, phải chăng Đức Maria là “Trinh Nữ Diễm Phúc”, thì cũng là “Đấng Tuyệt Mỹ” tinh tuyền, thánh thiện? Vì đó là một vẻ đẹp thuần khiết thanh thoát diệu vời, và tự nhiên cuốn hút con người qua sự dịu dàng trìu mến và lòng khoan dung nhân hậu.
Tuy nhiên, vẻ đẹp thật sự là gì? Theo ngôn ngữ và quan niệm thông thường của con người, vẻ đẹp quả thực có nhiều nghĩa, tùy thuộc vào những yếu tố cấu thành vẻ đẹp như tương quan, cân đối, hòa hợp, sáng ngời của một trật tự thống nhất. Và do đó, cũng tùy thuộc nhiều vào cảm nhận khách quan hay chủ quan của người đối diện.[4] Nhưng theo Kinh Thánh và trong ngôn ngữ của lịch sử mặc khải, từ nguyên thủy vẻ đẹp được hiểu như là “sự gắn bó, sự phù hợp với Lời của Thiên Chúa”.[5] Như bản văn tiêu biểu nhất trong Sách Sáng Thế chứng thực rằng Lời của Thiên Chúa phán ra thì mọi thụ tạo đều hiện hữu (St 1, 3- 30). Và sau đó, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 31). Như vậy, phải chăng toàn bộ thụ tạo đều xuất hiện tốt đẹp là vì đã đi vào một trật tự hiện hữu, hòa nhịp vào cuộc vận hành kỳ diệu của sự sống đúng như Lời Chúa phán ra và ấn định? Và nếu vâng nghe theo Lời của Thiên Chúa là tiêu chuẩn đích thực của vẻ đẹp, hẳn chúng ta có thể thấy trường hợp của Israel trong tư cách là dân được Thiên Chúa tuyển chọn làm gia nghiệp.
Như Sách Xuất Hành dẫn chứng câu chuyện lúc ở chân núi Sinai, sau khi “Toàn dân nhất trí đáp lại: Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo” (Xh 19, 8; 24, 3.7), thì họ được rửa sạch khỏi mọi tì ố tội lỗi, được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Và do đó, theo mỹ quan thần học của Kinh Thánh, Israel trở nên xinh đẹp tuyệt vời. Hơn nữa, nếu vẻ đẹp đích thực của Israel hệ tại trong sự vâng theo và tuân giữ Lời của Thiên Chúa, thì hẳn có thể nói rằng, chính thái độ “xin vâng” với tước hiệu “đầy ơn phúc” của Đức Maria là một liên quan tương ứng tạo nên vẻ đẹp toàn bích toàn hảo của Người. Nếu ở chân núi Sinai, Israel đã có thể nói tiếng “xin vâng” là tiếng làm cho mình trở thành một “dân tộc đẹp nhất trong các dân tộc” như “hiền thê” trong trắng diễm lệ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa (Dc 6, 4-9), thì cũng thế và hơn thế nữa, ở Nazaret Đức Maria là người đẹp nhất vì “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1, 42) khi cất lên tiếng “Xin Vâng” khiêm hạ của mình theo Lời của Thiên Chúa. Bởi đó, Phụng Vụ của Giáo Hội thường áp dụng cho Đức Mẹ lời đáp ca: “Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái” (Tv 45, 12). Hay như lời nhận định xác thực của Hiến Chế “Lumen Gentium” cũng như của Giáo Lý Hội Thánh: “Vì sự hoàn toàn gắn bó của Mẹ với Thánh Ý Chúa Cha, với công trình cứu chuộc của Con mình, và với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu về đức tin và đức mến cho Hội Thánh”.[6]
Trong cảnh ngữ này, nói như thế cũng có nghĩa là, nhờ hai tiếng “Xin Vâng” mà Đức Maria trở nên xinh đẹp, được đầy quyền năng chính đáng để thực thi Thánh Ý Chúa, để thực hiện “ảnh hưởng cứu độ” của mình trên toàn thể nhân loại, “từ công nghiệp chan chứa và tuyệt hảo của Đức Kitô”, Đấng Trung Gian duy nhất là Lời của Thiên Chúa?[7] Với lối nhìn và cách hiểu đó, thì mục đích cuối cùng của ơn cứu độ là gì nếu chẳng phải là sự tỏ hiện vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa trên trần gian – “Xin cho Danh Cha được cả sáng” – qua công trình thánh hóa và giải thoát con người khỏi mọi sự dữ, khỏi mọi tội lỗi và sự chết để làm cho con người được “trở nên xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”?(Ep 1, 3-5; 5, 27). Nói theo lời Thánh Irenê, thì vinh quang của Thiên Chúa chính là con người sống động tràn đày sung mãn. Đó cũng là ý nghĩa trọng tâm của Lịch Sử Cứu Độ theo mặc khải của Kinh Thánh và sự diễn giải của Giáo Lý Hội Thánh: “Ngôi Lời đã làm người để trở thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta… Ngôi Lời đã làm người để là cho chúng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (2Pr 1, 4)…được trở nên con cái Thiên Chúa”.[8]
Nếu quả đúng như vậy, thì ở đây, một cách nào đó, chúng ta có thể nhận được lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi nổi tiếng của Dostoievski: “Vẻ đẹp sẽ cứu độ thế giới” sao?[9] Nhất là một vẻ đẹp siêu phàm của một tình yêu “cho đến cùng” cao vời khôn sánh, chứa đầy sự thiện và toát lên chân lý sự sống thì hẳn có khả năng khơi dậy lòng ngưỡng mộ, niềm khát khao và đánh động một sự phản tỉnh nội tâm nơi con người, để dẫn tới những cuộc hoán cải đổi đời. Và như thế, cũng là nghiệm ra được hiệu quả của ơn cứu độ qua vẻ đẹp thần linh như ánh quang chiếu tỏa, thách thức mọi thế lực đen tối trên trần gian, giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ, sự ác và sự chết.
Thật ra, trong lịch sử Giáo Hội, khi nói đến vẻ đẹp thiện hảo ngọt ngào của Đức Maria, chúng biết đã có nhiều người được diễm phúc nhìn thấy, chiêm ngưỡng, và cảm nhận. Rồi từ đó mà có thể cảm thấy trong tâm hồn một sức mạnh siêu nhiên thánh hóa lạ thường khơi gợi cho cuộc đời được biến đổi. Chẳng hạn, qua những câu chuyện truyền thuyết về các phép lạ Đức Mẹ hiện ra, chúng ta đọc thấy trong lịch sử các chứng nhân như là Bernadette ở Lộ Đức (1858), Catherine Laboure ở Rue de Bac, Paris (1830); Melanie và Maximin ở La Salette (1846). Và có lẽ nổi bật nhất là Lucia, Francisco và Jacinta ở Fatima (1917). Còn ở Linh Địa Trà Kiệu chúng ta lại nghe được một câu chuyện kể rằng: “Suốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau (10 và 11-9-1885) giáo dân Trà Kiệu và cả Cha quản xứ đều nghe rất rõ ràng là quân lính Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn không ngớt tranh cãi với nhau: Thật lạ lùng, có một người đàn bà luôn trên nóc nhà thờ. Bà rất đẹp, mặc áo trắng, mà bắn không trúng… Cha quản xứ và giáo dân Trà Kiệu tin là Đức Mẹ đã hiện ra, các ngài cố nhìn lên nóc nhà thờ nhưng không ai được nhìn thấy Đức Mẹ. Theo khẩu truyền được lưu lại… thì chỉ có hai người được nhìn thấy…”[10]
Chúng ta không biết rõ sau biến cố kỳ diệu nơi đây có điều gì thực sự đã xảy ra đối với những người được nhìn thấy Đức Mẹ như một “Bà rất đẹp, mặc áo trắng”, siêu thoát như thế? Cuộc đời của họ có được biến đổi và trở nên tốt lành hay không? Điều này tuy còn ẩn giấu, chưa biết khi nào được phổ biến. Nhưng chắc hẳn có một điều mà chúng ta có thể nhận thấy. Đó là niềm tin của các tín hữu trong Giáo Xứ ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn cùng với lòng đạo đức sùng mộ tôn kính Đức Mẹ. Vì như văn liệu lịch sử tường trình: “tất cả mọi người đều tin tưởng mãnh liệt rằng chính Đức Mẹ đã hiện ra và làm phép lạ tỏ tường để chở che cho Giáo Xứ Trà Kiệu”. Bởi vậy, các tín hữu, một cách đặc biệt, cũng đã đọc ra được các dấu lạ về sự phù hộ của Đức Maria, nên mới có đủ sức mạnh để chống trả được cuộc tấn công hung hãn khốc liệt như thế. Quả thật, cuối cùng là tất cả đã tìm được nơi an trú dưới bóng Đức Mẹ từ bi nhân ái. Một niềm an ủi vô biên khi được cứu thoát khỏi mọi hiểm nguy khốn cùng. Trong khi đó, quân lính Văn Thân lại rất đỗi kinh ngạc đến độ hoảng sợ, phải tan hàng rã đám, buông cả vũ khí chiến đấu mà bỏ chạy thoát thân.
[1] GLHTCG, số 971.
[2] GLHTCG, số 492.
[3] Cf. “Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh”, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, NXB Tôn Giáo (Hà Nội, 2016), 81; X. Giuse Phan Tấn Thành, “Magnificat”, HV. Đa Minh, (2010), 54.
[4] Cf. Giuse Phan Tấn Thành, “Cái Đẹp trong Lịch Sử Triết Học”, Chủ Đề Mỹ Đạo, Thời Sự Thần Học (TTHV Đa Minh, 2016), Số 73, 21-22.
[5] Cf. “Myriam – Thiếu Nữ Sion”, Tài Liệu Thánh Mẫu Học, Giáo Hoàng Học Viện Marianum (Roma, 2003), 189.
[6] Lumen Gentium, 63; GLHTCG, 967.
[7] GLHTCG, số 970. Cũng xem những văn kiện của Giáo Hội về sự cộng tác của Đức Mẹ vào kế hoạch cứu độ: HC. “Lumen Gentium”, 52-59, 60,63; TĐ. “Redemptoris Mater” của ĐGH Gioan Phaolô II, 38-47; GLHTCG 968-970.
[8] GLHTCG, số 458-460.
[9] Cf. F. Dostoevsky, “The Idiot”, trans. Constance Garnett (London: Heinemann, 1913), P. III, Chap.5, 383. Trích dẫn trong Bruno Forte, The Portal of Beauty – Towards a Theology of Aesthetics, (Grand Rapids: Michigan, 2008), p. 43. Cũng xem Matej Stroky, “Cái Đẹp có Phản Ánh Thiên Chúa không?” trong “Mỹ Đạo” Thời Sự Thần Học, số 73 (TTHV Đa Minh, 8/2016), 61.
[10] Cf. Jos. M. PCĐ và Matheo LVT, “Linh Địa Trà Kiệu”, 93.