Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ nhận Giải thưởng Charlemagne tại Vatican
Giải thưởng Charlemagne lần thứ 58 sẽ được trao cho Đức giáo hoàng Phanxicô tại Vatican vào thứ Sáu 06 tháng Năm tới. Đây là lần đầu tiên giải này được trao cho một người ngoài châu Âu. Đức giáo hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng thứ hai được trao giải này, sau Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2004.
Giải thưởng Charlemagne quốc tế được thành lập năm 1949 và hằng năm kể từ năm 1950 được thành phố Aachen,Đức, trao cho các cá nhân có những đóng góp vào đời sống chính trị, kinh tế và tinh thần của châu Âu, đặc biệt là thúc đẩy sự đoàn kết Âu châu. Giải thưởng bao gồm một huy chương, một chứng chỉ và khoản tiền tượng trưng 5000 euro.
Khi công bố trao giải cho Đức giáo hoàng Phanxicô vào tháng Mười Hai năm ngoái, Ủy ban này đã nhắc đến bài diễn văn của Đức giáo hoàng tại Nghị viện châu Âu ngày 25-11-2014, đến sứ điệp của ngài về hòa bình và sự cảm thông,cũng như lòng nhân ái, khoan dung, và tình liên đới của Đức giáo hoàng.
Ủy ban nhận định: “Đức giáo hoàng Phanxicô đưa ra một sứ điệp hy vọng và can đảm” và “tiếng nói của ngài đã trở thành một tiếng nói của lương tâm”, nhắc nhở mọi công dân phải dành ưu tiên cho con người và châu Âu phải kiên trì dấn thân xây dựng nền “tự do, hòa bình, công lý, dân chủ và đoàn kết”.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Sala Regia của Điện Tông Tòa, bắt đầu với các bài diễn văn của Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (người nhận giải này năm 2015); của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker; và củaChủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Hoàng gia Tây Ban Nha cho biết Vua Tây Ban Nha Philippe VI, cũng sẽ có mặt tại buổi lễ. Ngoài ra Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng xác nhận bà sẽ đến tham dự lễ trao giải.
Ngày hôm trước, ba vị Chủ tịch châu Âu sẽ tham dự một cuộc thảo luận về tình hình của Liên minh châu Âu. Trước đó là tuyên bố của Thủ tướng Italia Matteo Renzi.
Giải thưởng được đặt theo tên của Charlemagne (742-814), là vua của người Franc, là Hoàng đế của phương Tây và là người sáng lập đế chế Carolingian – ngày nay vẫn còn dấu tích ở Aachen. Charlemagne được coi như Người cha của cả châu Âu.
(Zenit)
Minh Đức
(Nguồn: Web hội đồng giám mục VN)