Đức Giê-Su – Hoàng Tử Bình An


ĐỨC GIÊ-SU – HOÀNG TỬ BÌNH AN 

(Chủ đề học hỏi và suy tư tháng 1 năm 2020)

Trong gia đình nhân loại, ai cũng muốn có bình an. Xin cho hai chữ ‘bình an’ là câu nói của nhiều người. Tuy nhiên, mỗi người có quan niệm khác nhau về bình an. Thông thường, người ta quan niệm rằng đạt được điều mình mong muốn là có bình an. Chẳng hạn, những người nghèo khó hy vọng rằng nếu họ có đủ điều kiện vật chất, họ sẽ có bình an; những người bệnh tật hy vọng rằng nếu sức khỏe của họ hồi phục, họ sẽ có bình an; những em học sinh hy vọng rằng nếu họ vượt qua được kỳ thi, họ sẽ có bình an.

Đối với văn hóa Do-thái, bình an (שׁלום, shalom) là từ được dùng phổ biến. ‘Shalom’ không chỉ mang nghĩa bình an, mà còn mang nhiều nghĩa tốt đẹp khác nữa, chẳng hạn: Hòa hợp, viên mãn, hoàn thành, nguyên vẹn. Mỗi khi gặp nhau hay chia tay, câu cửa miệng của người Do-thái là ‘shalom’.

Bình an cũng là chủ đề rất quan trọng của mặc khải Ki-tô giáo. Sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng con người được dựng nên trong ‘cảnh bình an’. Thế nhưng, khi con người muốn tự quyết định vận mệnh của mình ngược với thánh ý Thiên Chúa, con người trở nên bất an và các mối tương quan của con người cũng không còn diễn ra trong trật tự và hòa hợp nữa (St 3,1-24). Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người và đã thiết lập giao ước bình an vĩnh cửu với con người.

Khoảng 700 năm trước Giáng Sinh, tiên tri I-sai-a đã loan báo về Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An đến để thiết lập bình an giữa con người với Thiên Chúa và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo (Is 9,5). Nhờ Hoàng Tử Bình An, nhân loại sẽ “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4). Giữa cảnh tha hương, lưu đày, Thiên Chúa nói với Dân Người: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời” (Ed 37,26).

Biến Cố Đức Giê-su hiện diện trong lịch sử nhân loại cách đây hơn 2000 năm là Biến Cố Bình An. Khi Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem, các thiên thần ca hát rằng “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Trong hành trình dương thế của mình, Đức Giê-su trao ban bình an cho tất cả mọi người, nhất là những người tội lỗi, nghèo khó, bị bỏ rơi trong xã hội. Đức Giê-su chữa bệnh, trừ quỷ, tha thứ tội lỗi, thiết lập nhóm Mười Hai và công bố những tiêu chuẩn luân lý mới nhằm minh chứng rằng sự hiện diện của Người là sự hiện diện của Hoàng Tử Bình An.

Trong tâm tình thầy trò trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Lời đầu tiên của Đức Giê-su sau khi sống lại và hiện ra với các môn đệ là: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36). Sứ mệnh của Đức Giê-su là sứ mệnh bình an, không chỉ là bình an tạm thời, mà còn quan trọng hơn, bình an vĩnh cửu, bình an mà thế gian không thể ban tặng. Đây là bình an đích thực mà Đức Giê-su, Đấng đã chịu khổ nạn, chết và phục sinh, đem lại cho nhân loại. Bình an này đồng nghĩa với ơn cứu độ.

Trong Cựu Ước, với ‘cơn hồng thủy’, tác giả Sách Sáng Thế trình thuật rằng khi Nô-ê thả con chim bồ câu khỏi thuyền, con chim bay đi và khi trở về, miệng ngậm cành Ô-liu báo ‘tin bình an’ cho ông và toàn thể gia đình ông rằng nước đang rút dần và sự sống đã xuất hiện (St 6,5-9,17). Trong Tân Ước, với ‘cơn hồng phúc’, Đức Giê-su không chỉ mang một cành lá, Người mang cả cây thập giá, là ‘cây bình an’ báo tin cho gia đình nhân loại biết rằng hồng thủy tội lỗi đã đến hồi kết và hồng phúc bình an vĩnh cửu đã khai mở cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Nhờ cây thập giá, Đức Giê-su đã nối trời với đất, Môi Trường Thiên Chúa với môi trường nhân loại, môi trường sự sống với môi trường sự chết. Cũng nhờ cây thập giá, Đức Giê-su đã nối kết mọi người lại với nhau “không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do…” (Gl 3,28), vì Ngài đã xóa bỏ ranh giới hận thù và nối kết bằng ‘cây bình an’.

Thật vậy, căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng bình an không phải là một đặc tính giữa những đặc tính của Người. Bởi vì, chính Đức Giê-su là Bình An. Viết thư cho các tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô khẳng định: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập bình an, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,13-16).

Về căn bản, bình an của Đức Giê-su là bình an bên trong, bình an nội tâm, bình an mà không mãnh lực nào có thể cướp mất được, cho dù là sự chết. Sở dĩ Đức Giê-su có thể ‘cam lòng chịu chết’ để cứu độ nhân loại vì Người có bình an đó hay đúng hơn, chính Người là Bình An. Noi gương Đức Giê-su, biết bao chứng nhân trong lịch sử Giáo Hội kết hiệp mật thiết với Người và cảm nghiệm được bình an của Người, nhờ đó, họ đã thắng vượt những giới hạn, nghịch cảnh của bản thân và trung thành với Thiên Chúa đến hơi thở cuối cùng.   

Trước khi bước vào vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đã an ủi các môn đệ của Người rằng “anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Câu hỏi đặt ra: ‘Tại sao tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su lại giúp các môn đệ khỏi xao xuyến, khỏi bất an?’. Thưa, bởi vì, Đức Giê-su chính là Hoàng Tử Bình An của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Ai thiết lập tương quan mật thiết, tương quan liên vị với Người, sẽ vượt qua muôn hình thức sợ hãi gieo rắc bởi thế lực bóng đêm, ma quỷ, thế gian, xác thịt.

Tác giả thánh vịnh 62 đã diễn tả niềm tin tưởng của mình rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,6). Còn thánh Augustine, trong bộ Tự Thuật (Confessions), đã thân thưa cùng Thiên Chúa: “Ngài tạo dựng chúng con cho Ngài và tâm hồn chúng con xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài” (Confessions I, 1, 1). Như vậy, con người không thể tìm được bình an đích thực ở ai đó hay nơi nào đó ngoài Thiên Chúa giữa thế giới đầy bất an này. Bình an của Thiên Chúa thẳm sâu và kỳ diệu hơn tất cả các hình thức bình an mà con người có thể cảm nghiệm được trong thế giới thụ tạo này.

Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng ai đi theo Đường của Thiên Chúa, Đường của Đức Giê-su, người đó đi theo đường bình an. Trong Bài Ca Chúc Tụng (Benedictus), được đầy Thánh Thần, Da-ca-ri-a (bố của thánh Gio-an Tẩy Giả) đã thốt lên rằng “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79). Ai thấy Đức Giê-su, người đó thấy bình an. Chẳng hạn, ông Si-mê-ôn, một người sùng đạo đã mong mỏi nhìn thấy Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, và khi nhìn thấy Người, ông đã ẵm Người trên tay và cất lời chúc tụng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được ra đi bình an” (Lc 2,29).

Thánh Phao-lô quả quyết: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,7). Tất cả mọi người được mời gọi kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, với Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, trong mọi hoàn cảnh, để có bình an của Người, và nhờ đó, đóng góp phần mình cho bình an của gia đình nhân loại. Mẹ Têrêsa Calcutta đã diễn tả rất đúng rằng: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là đức tin, hoa trái của đức tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an.” Trong nhãn quan của mẹ Têrêsa Calcutta, bình an vừa là đích đến, vừa là khởi đầu cho hành trình mới của người Ki-tô hữu, cũng như tất cả mọi người.

Bình an vừa là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, vừa là tác vụ của con người cho anh chị em đồng loại. Người lãnh nhận bình an từ Thiên Chúa, cũng là người chia sẻ bình an cho người khác. Trong Bài Giảng Trên Núi hay còn gọi là Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình [bình an], vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Những người cộng tác với Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, cũng được Người ủy thác để trao ban bình an. Chằng hạn, khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nhắn nhủ họ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10,5).

Hôm nay, Đức Giê-su đang mời gọi mỗi người chúng ta, hãy là khí cụ bình an của Người giữa dòng đời. Viết thư cho các tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô nhắc nhở họ về Đức Giê-su rằng “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,17). Đồng thời, thánh nhân cũng khuyến khích họ: “Hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an” (Ep 6,14-15).

Bình an của Thiên Chúa chỉ đến với những ai khát khao chờ đợi và luôn mở lòng thành của mình để đón nhận, vun đắp và làm cho bình an triển nở. Không chỉ mỗi cá nhân, các hình thức cộng đoàn đều được mời gọi là sứ giả của Tin Mừng Bình An trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Bao lâu nhân loại còn bất an, bấy lâu Tin Mừng Bình An của Thiên Chúa, được thực hiện bởi Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, cần được loan báo, đón nhận, sống và diễn tả. Bao lâu ngôn ngữ bình an chưa trở thành ngôn ngữ chung của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại, bấy lâu nhân loại vẫn còn chia rẽ, chiến tranh, hận thù và muôn hình thức bất an chế ngự.

Để bình an, trở thành ngôn ngữ chung của tất cả mọi người, điều cần thiết là mỗi người, trước hết, phải ý thức tầm quan trọng của bình an trong đời sống con người, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Đồng thời, mỗi người cần nhận thức rằng không phải mình hay ai đó, hay thể chế nào đó là tiêu chuẩn bình an, bởi vì, tất cả đều nhuốm màu tội lỗi. Tiêu chuẩn bình an là Thiên Chúa, Nguồn Mạch Bình An, và Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An.

Mặc khải Kinh Thánh và giáo huấn Giáo Hội minh định rằng hòa bình hay bình an đích thực trong gia đình nhân loại không chỉ là vắng bóng chiến tranh, cân bằng lực lượng giữa các phe phái, hay sự thỏa hiệp giữa các quốc gia (GS 78). Bình an đích thực trong xã hội loài người luôn là công trình dang dở, cần phải được xây dựng và kiến tạo. Bao lâu còn trong hành trình trần thế, bấy lâu gia đình nhân loại còn phải nỗ lực xây dựng bình an dựa trên nội dung mặc khải của Thiên Chúa mà đỉnh cao là Biến Cố Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, hiện diện và hoạt động trong gia đình nhân loại.

Sau khi hoàn tất cuộc hành trình lịch sử, Đức Giê-su không để lại bất cứ gia sản vật chất nào cho con người, bởi vì, Người không có chỗ tựa đầu (Mt 8,20). Tuy nhiên, ‘gia sản bình an’ mà Đức Giê-su để lại thì cao quý hơn tất cả những gì trong thế giới thụ tạo. Hơn nữa, bình an cũng là đặc tính căn bản của Nước Thiên Chúa như thánh Phao-lô quả quyết: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Tất cả mọi người được mời gọi đón nhận bình an của Đức Giê-su và trao ban bình an của Đức Giê-su cho anh chị em đồng loại; đồng thời, cùng nhau làm cho bình an của Đức Giê-su thẩm thấu mọi chiều kích của cuộc sống hằng ngày trong hành trình tiến về Nước Thiên Chúa, Nước Bình An Vĩnh Cửu.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
Nguồn: Ủy ban Giới Trẻ và Thiếu Nhi / HĐGMVN