Đức Giêsu Kitô – Đường Ánh Sáng


Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (12)
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 12 năm 2020

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ: ĐƯỜNG ÁNH SÁNG

 

+ Pet. Nguyễn Văn Viên

 

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng Mười Một vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Tôi Tớ. Tháng Mười Hai này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Ánh Sáng. Theo Kinh Tin Kính, Đức Giê-su là ‘Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng’. Người đã đi Đường Ánh Sáng đến với thế gian để giải phóng con người khỏi cảnh tối tăm, đau khổ cũng như sự chết đời đời và dẫn đưa con người về với Quê Hương Ánh Sáng Vĩnh Cửu là Nước Thiên Chúa.

Từ ‘ánh sáng’ thường được hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ánh sáng theo nghĩa đen là ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng vật lý (ánh sáng có tính chất sóng và hạt), còn ánh sáng theo nghĩa bóng là ánh sáng siêu nhiên hay ánh sáng hướng con người về thế giới chân, thiện, mỹ. Chúng ta không thể liệt kê đầy đủ tác dụng của ánh sáng tự nhiên đối với con người và muôn vật muôn loài. Ánh sáng tự nhiên cần thiết cho sự sống của thực vật, động vật và con người. Hơn nữa, ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp con người nhìn thấy và phân biệt những gì chung quanh mình, mà còn giúp con người thiết lập các mối liên hệ với vạn vật. Trong khi đó, ánh sáng siêu nhiên giúp con người ý thức hơn về phẩm giá của mình giữa muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo, đồng thời, giúp con người biết phân định và sống theo những giá trị cốt lõi của môi trường chân, thiện, mỹ. Là con người, ai cũng ý thức rằng càng gần ánh sáng siêu nhiên càng hay, càng xa bóng tối sự dữ càng tốt. Nhờ ánh sáng siêu nhiên soi dẫn, con người được hiện diện, hoạt động và hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn, đồng thời, giúp con người giảm thiểu những nỗi sợ hãi và muôn hình thức ám ảnh của thế giới bóng tối.

Theo nội dung đức tin Ki-tô Giáo, ánh sáng và bóng tối là hai chủ đề đối ngược nhau. Ánh sáng là hình ảnh của sự sống, chân thật, thánh thiện, trật tự, vinh quang, tốt đẹp, tỏ hiện, minh bạch, thanh sạch, thành công, hy vọng, thông suốt, niềm vui. Ánh sáng là hình ảnh của những gì thuộc về Môi Trường Thiên Chúa hoặc giúp con người hướng về Môi Trường Thiên Chúa. Ngược lại, bóng tối là hình ảnh của sự chết, giả dối, tội lỗi, hỗn loạn, đau khổ, xấu xa, ẩn giấu, u ám, nhơ bẩn, thất bại, vô vọng, bế tắc, buồn sầu. Bóng tối là hình ảnh của những gì thuộc về ma quỷ, sự dữ và dẫn xuất của chúng. Tuy nhiên, ánh sáng và bóng tối không phải là hai nguồn lực cùng tồn tại song song. Trong nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, sở dĩ có bóng tối là vì thiếu ánh sáng, sở dĩ có sự ác là vì thiếu sự thiện từ phía con người. Còn về phía Thiên Chúa, tối tăm không thể loại trừ được ánh sáng của Người (Tv 139,12).

Ánh sáng là yếu tố đầu tiên trong công trình Thiên Chúa sáng tạo: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối” (St 1,1-4). Trích đoạn này giúp chúng ta nhận thức rằng khi ánh sáng xuất hiện, hỗn mang, tăm tối nhường chỗ cho trật tự, lớp lang. Ánh sáng tốt đẹp vì là ‘sản phẩm đầu tay của Thiên Chúa’, được Thiên Chúa cho xuất hiện trước vạn vật, đồng thời, ánh sáng tham dự vào sự hình thành và phát triển của muôn vật muôn loài. Đó là lý do giải thích tại sao muôn vật muôn loài có tương quan mật thiết với ánh sáng. Kinh nghiệm cho chúng ta nhận thức rằng nếu thiếu ánh sáng, muôn vật muôn loài sẽ không được nhìn thấy, không được nhận diện, không được định dạng. Nếu không có ánh sáng thì tất cả chỉ là tối tăm, hư vô, trống rỗng, không có hình dạng (St 1,2). Không có ánh sáng cũng đồng nghĩa với không có gì chân thật, hài hòa, tiến triển. Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh đã diễn tả rất sâu sắc chân lý này: “Ngài quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).

Chủ đề ánh sáng được đề cập và khai triển khá nhiều trong các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước, chẳng hạn: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa làm cho ngọn đèn của con sáng tỏ, Ngài soi chiếu vào đời con tăm tối mịt mù” (Tv 18,29); “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105); “Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19,9); “Huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng” (Cn 6,23); “Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa” (Kn 7,26). Đặc biệt, Lời Chúa trong Cựu Ước đã loan báo về Đức Giê-su là Ánh Sáng của thế gian (φώς τοῦ κόσμου), chẳng hạn: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1); “Mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3,20).

Trong Tân Ước, hơn ai hết, thánh Gio-an Tông Đồ cho chúng ta những ý tưởng chính yếu về chủ đề ánh sáng như sau: (1) Thiên Chúa là Ánh Sáng: “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào” (1 Ga 1,5); (2) Ai hiệp thông với Thiên Chúa thì không đi trong bóng tối: “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối” (1 Ga 1,6); (3) Ai đi trong ánh sáng thì hiệp thông với nhau và được máu Đức Giê-su thanh tẩy tội lỗi: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giê-su, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga 1,7); (4) Khi chương trình cứu độ đến thời viên mãn, thì “chính vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi” và “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ” (Kh 21,23; 22,5). Như vậy, Ánh Sáng của Thiên Chúa là Ánh Sáng được Đức Giê-su thực hiện và diễn tả nhằm thiết lập mối hiệp thông trường cửu giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Ánh Sáng đó là khởi điểm và cũng là cùng đích cho những ai được cứu độ.

Thánh Gio-an không chỉ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Ánh Sáng, mà còn cho chúng ta biết Đức Giê-su là Ánh Sáng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,1-4). Những câu đầu tiên của Lời Tựa Tin Mừng này gợi lên trong chúng ta những câu đầu tiên của bộ Kinh Thánh (St 1,1-4). Theo thánh Gio-an, Đức Giê-su là Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Nhờ Người, muôn vật muôn loài được tạo thành. Đặc biệt, Người là Ánh Sáng cho nhân loại, nhờ Người, muôn người được Ánh Sáng Thiên Chúa soi dẫn.

Theo thánh Lu-ca, được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, Da-ca-ri-a đã nói về Đức Giê-su khi Người đang trong lòng mẹ: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79). Trong biến cố Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se dâng Đức Giê-su vào Đền Thánh, khi bồng ẵm Đức Giê-su, cụ Si-mê-ôn đã cảm nhận được hơi ấm cứu độ và cuộc đời cụ như vậy là mãn nguyện: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2,29-32).

Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su nói rằng Thiên Chúa là Ánh Sáng (1 Ga 1,5). Người cũng nói rằng Người là Ánh Sáng (Ga 8,12; 9,5; 12,46). Như vậy, cách gián tiếp, Đức Giê-su cho chúng ta biết Người là Thiên Chúa. Dầu là Ánh Sáng, nhưng Người đã được sinh ra trong đêm tối. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi vì, Người không chỉ được sinh ra trong đêm tối theo nghĩa tự nhiên mà còn theo nghĩa siêu nhiên: Người được sinh trong đêm tối của thế gian nhuốm màu tội lỗi. Hành trình trần thế của Người là hành trình nối kết tất cả mọi người đang lần bước trong đêm tối. Đặc biệt, Người đã trừ quỷ, tha tội, chữa bệnh, hồi sinh kẻ chết và nâng đỡ những người bị loại trừ trong xã hội. Nói cách khác, Người đã xua đuổi các hình thức bóng tối nhằm đem lại ánh sáng hy vọng cho tất cả mọi người.

Đức Giê-su mở ra viễn cảnh tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Người không chỉ khẳng định rằng Người là Ánh Sáng, mà còn minh chứng điều đó bằng những hành động cụ thể. Lời nói, việc làm của Người diễn tả quyền năng, danh dự và vinh quang của Thiên Chúa. Đặc biệt, Người có sức lôi cuốn lớn lao đối với những ai lòng ngay thiện chí.

Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đề cập đến chủ đề ánh sáng (Ga 3,1-21). Chúng ta biết rằng Ni-cô-đê-mô là người thuộc phái Pha-ri-sêu, người học cao, hiểu rộng. Hình ảnh ông đến với Đức Giê-su ban đêm cho phép chúng ta suy luận rằng ông sáng về tri thức, sáng về địa vị xã hội, sáng về sự giàu có, nhưng lại tối về đời sống nội tâm, tối về thế giới siêu nghiệm, đặc biệt, tối về chương trình của Thiên Chúa đối với nhân loại. Dù sao, việc ông đến với Đức Giê-su cũng diễn tả tâm hồn thiện chí và nỗi khao khát chân lý của ông. Sau khi được Đức Giê-su khai thông, tâm trí ông đã sáng ra và ông đã dõi theo Đức Giê-su trong hành trình trần thế của Người. Các sách Tin Mừng không cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về Ni-cô-đê-mô, tuy nhiên, chúng ta có thể nhận định rằng, sau cuộc gặp gỡ Đức Giê-su, Ni-cô-đê-mô hằng dõi theo Người (Ga 7,50-51; Ga 19,39-42). Ni-cô-đê-mô rất quảng đại, hào phóng, khi an táng Đức Giê-su, ông đã “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” (Ga 19,39). Như vậy, sau khi gặp gỡ Đức Giê-su là Ánh Sáng, ông đã không rời Đức Giê-su ngay cả khi Người đối diện với cái chết, bởi vì ông tin tưởng và hy vọng vào những lời của Đức Giê-su trong cuộc nói chuyện: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,14-16).

Khi gặp người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9,2). Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,3-5). Sau đó, Đức Giê-su làm cho người mù được sáng mắt. Chúng ta biết rằng về mặt y khoa, chữa cho người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt là chuyện vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, Đức Giê-su không chỉ chữa lành, Người còn giúp anh nhận ra Người là Ánh Sáng cho thế gian. Với cuộc gặp gỡ Đức Giê-su, anh không chỉ được sáng mắt mà còn ‘sáng lòng’, anh đã tin tưởng vào Đức Giê-su và trở nên nhân chứng của Người cho những người xung quanh. Trong khi đó, những người Pha-ri-sêu sáng mắt nhưng lại ‘tối lòng’, bởi vì họ không nhận ra Đức Giê-su là Ánh Sáng thật cho thế gian, Đấng mà họ luôn mong đợi và rao giảng.

Theo thánh Gio-an, Đức Giê-su thực hiện dấu lạ cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn là cho La-da-rô hồi sinh (Ga 11,1-44). Đây là dấu lạ quan trọng vì La-da-rô đã ở trong bóng tối tử thần bốn ngày, đã nặng mùi rồi (Ga 11,39). Tuy nhiên, Đức Giê-su cho La-da-rô hồi sinh trước sự ngỡ ngàng của chị em Mác-ta, Ma-ri-a, các môn đệ Đức Giê-su và nhiều người khác. Ánh Sáng Đức Giê-su đã chiếu tỏa vào bóng tối của La-da-rô, thức tỉnh La-da-rô và cho La-da-rô được sống. Hồi sinh La-da-rô là dấu lạ lớn lao nhằm gia tăng niềm tin cho các môn đệ cũng như những người khác theo Đức Giê-su. Qua biến cố này, Đức Giê-su hướng tất cả mọi người về sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người nhằm hoàn tất chương trình của Thiên Chúa là đem lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người.

Nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giê-su đề cập đến sự liên kết hai chủ đề quan trọng là sự sống và niềm tin với chủ đề ánh sáng. Chẳng hạn, Người nói với những người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12); “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,44-46). Những lời của Đức Giê-su cho chúng ta thấy sự liên kết mật thiết giữa Người là Ánh Sáng và niềm tin cũng như sự sống đích thật của các tín hữu. Nói cách khác, Đức Giê-su là Ánh Sáng đem lại sự sống đời đời cho những ai tin tưởng, yêu mến và thực thi thánh ý Người.

Đức Giê-su là Ánh Sáng thật. Thánh Gio-an khẳng định: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Ánh Sáng Đức Giê-su chiếu soi mọi người, tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều nhận ra điều đó: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Đức Giê-su giải thích tại sao người ta không chấp nhận ánh sáng: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,19-20). Như vậy, để có thể nhận ra Đức Giê-su là Ánh Sáng, con người cần phải từ bỏ môi trường bóng tối, môi trường tội lỗi, môi trường sự dữ.

Nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng ai không hoán cải, ai không từ bỏ môi trường bóng tối, môi trường sự dữ thì không thể nhận ra Ánh Sáng Đức Giê-su. Ai tự cho mình là tiêu chuẩn, thì không thể tiếp cận Ánh Sáng Đức Giê-su. Chẳng hạn, khi Đức Giê-su được sinh ra ở Bê-lem, các mục đồng và các đạo sĩ nhận ra Ánh Sáng của Người, trong khi những người am hiểu Kinh Thánh, giảng dạy Kinh Thánh và trung thành với truyền thống Do-thái Giáo cách nghiêm ngặt nhất lại không nhận ra. Như thế, việc nhận ra Đức Giê-su là Ánh Sáng thật không lệ thuộc vào danh hiệu, công việc hay gia sản truyền thống mà lệ thuộc vào tâm trí lành mạnh và cảm thức bén nhạy trước các dấu chỉ xuất hiện hằng ngày trong đời sống mình.

Theo thánh Gio-an, người đi trong bóng tối là người ghét anh chị em mình, còn người đi trong ánh sáng là người yêu thương anh chị em mình: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối; Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm” (1 Ga 2,9-10). Như vậy, đối với thánh Gio-an ‘đi trong ánh sáng’ hay ‘đi trong bóng tối’ không còn là những ý tưởng trừu tượng nữa, mà là những thực hành cụ thể mà ai cũng có thể làm được. Thánh nhân khẳng định: “Bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng” (1 Ga 2,8). Đồng thời, theo thánh nhân: “Thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2,17).

Trong gia đình nhân loại, không ai ‘tối’ đến mức không thể biến đổi được, cũng không ai ‘sáng’ đến mức không cần được Ánh Sáng Đức Giê-su soi dẫn. Tất cả mọi người được mời gọi hướng về Đức Giê-su, Ánh Sáng đích thật. Tất cả mọi người được mời gọi hướng về Đức Giê-su luôn mãi, bởi vì, vẫn còn đó vô số hình thức bóng tối đang hoành hành giữa lòng thế giới. Nếu chúng ta không hướng về Đức Giê-su như cây cối hướng về ánh mặt trời thì chúng ta không thể có được sự sống xứng với phẩm giá của mình và không thể đi đường chính trực để đến với Thiên Chúa. Nếu chúng ta không nhìn nhận bóng tối của lòng trí chúng ta, nếu chúng ta không nhìn nhận có nhiều hình thức bóng tối trong môi trường sống của chúng ta, thì chắc chắn rằng chúng ta đang rơi vào cạm bẫy của thế giới bóng tối và vẫn đắm mình trong thế giới này.

Chúng ta có thể so sánh tâm hồn mỗi người với căn phòng mình ở. Bình thường, chúng ta thấy căn phòng sạch sẽ. Tuy nhiên, khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào, chúng ta thấy căn phòng đầy dẫy những hạt bụi li ti bay lượn khắp nơi. Tâm hồn chúng ta cũng vậy, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình thanh sạch, bởi vì mình luôn tuân giữ lề luật Thiên Chúa và không làm hại ai, tuy nhiên, điều đó chưa đủ. Chẳng hạn, nếu chúng ta chỉ biết tuân giữ lề luật mà không biết làm điều tốt để giúp đỡ anh chị em mình thì chúng ta cũng đang ở trong bóng tối vậy (Mt 25,31-46). Nhờ Ánh Sáng Đức Giê-su soi dẫn, chúng ta sẽ thấy rõ tâm hồn mình nhiều bụi bặm, nhiều sự xấu xa hơn mình tưởng. Đó là lý do giải thích tại sao chúng ta cần phải mở lòng đón nhận Ánh Sáng Đức Giê-su để chúng ta biết rõ tình trạng tâm hồn mình nhiều hơn, từ đó, chúng ta biết cộng tác với Người trong việc biến đổi tâm hồn mình sao cho ngày càng phù hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn nữa.

Với trình độ khoa học kỹ thuật hôm nay, con người hầu như có đủ ánh sáng cho đời sống thể lý. Tuy nhiên, xem ra con người đang thiếu thốn ánh sáng siêu nhiên, ánh sáng cho phép con người hiệp thông với Thiên Chúa, với anh chị em mình và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo cách phù hợp nhất. Quả thật, con người cần ánh sáng tự nhiên cho đời sống thể xác thế nào thì cũng cần ánh sáng siêu nhiên cho đời sống tâm hồn như vậy. Khi nào con người có được sự hòa hợp giữa đời sống thể xác và đời sống tâm hồn, khi đó con người mới thực sự sống xứng đáng với phẩm giá của mình là thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa (Ga 1,12).

Vì là con cháu của Nguyên Tổ sa ngã, chúng ta trở thành con cái bóng tối. Từ đó, có lời hứa về ánh sáng của ngày kỳ diệu (Is 30,26). Trong ngày đó, con cái ánh sáng sẽ “Đứng lên, bừng sáng lên. Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi” (Is 60,1); “Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 60,19). Ngày đó chính là ngày Đức Giê-su xuất hiện. Chúng ta biết rằng, tự thân, chúng ta không thể giải thoát mình khỏi thân phận ‘con cái bóng tối’, nhưng nhờ Đức Giê-su là Ánh Sáng, chúng ta trở thành ‘con cái Ánh Sáng’. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói: “Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi. Các ông hãy bước đi, bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông. Ai bước đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu. Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (Ga 12,35-36). Còn thánh Phao-lô minh định: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9). Cũng theo thánh nhân: “Tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối” (1 Tx 5,5).

Sau khi công bố Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói với các môn đệ và những người đang lắng nghe: “Anh em là ánh sáng cho thế gian” (Mt 5,14). Đồng thời, Người cũng nói: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Điều Đức Giê-su muốn diễn tả về những người sống Tám Mối Phúc chính là những người đón nhận Ánh Sáng Đức Giê-su, sống theo Ánh Sáng Đức Giê-su và phản chiếu Ánh Sáng Đức Giê-su cho mọi người. Đây là bài học lớn cho mỗi người chúng ta, bởi vì, là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi trở thành con cái Ánh Sáng, nhưng lắm lúc chúng ta đắm mình trong thế giới bóng tối. Hơn nữa, chúng ta cần ý thức rằng nếu chúng ta không có khả năng đón nhận, sống và phản chiếu Ánh Sáng Đức Giê-su cho người khác thì ít ra chúng ta đừng trở thành vật cản Ánh Sáng Đức Giê-su đến với họ.

Đức Giê-su là Ánh Sáng thế gian, do đó, Tin Mừng của Đức Giê-su chính là Tin Mừng Ánh Sáng cho mọi người. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã khiêm tốn làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng Ánh Sáng của Người cách hữu hiệu và triệt để nhất: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,6-9). Với kinh nghiệm gặp gỡ và được Ánh Sáng Đức Giê-su soi dẫn, hai thánh Phao-lô và Ba-na-ba đã trở nên khí cụ hữu hiệu của Người. Các ngài khẳng định: “Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13,47). Trong diễn từ trước mặt vua Ác-ríp-pa, thánh Phao-lô quả quyết: “Đấng Ki-tô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do-thái cũng như cho các dân ngoại” (Cv 26,23). Tiếp tục gia sản các tông đồ để lại và ý thức về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng thế giới, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật” (LG 1). Như thế, Ánh Sáng Đức Giê-su là Ánh Sáng cần được loan báo, cần được chia sẻ, cần được trao ban cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Hơn nữa, Ánh Sáng Thiên Chúa, Ánh Sáng Đức Giê-su cũng là Ánh Sáng xét xử mọi người. Tư tưởng này đã được diễn tả trong Cựu Ước, chẳng hạn: “Đức Chúa là thẩm phán công minh đã phơi bày ra ánh sáng những điều bí ẩn” (2 Mcb 12,41); “Thiên Chúa vạch trần những tối tăm bí ẩn, phơi bày bóng tối tử thần ra ánh sáng” (G 12,22); “Người [Đức Chúa] mặc khải điều thẳm sâu và bí ẩn: Người biết những gì ở trong cõi tối tăm, và ánh sáng ở với Người” (Đn 2,22). Trong Tân Ước, được Ánh Sáng Phục Sinh của Đức Giê-su biến đổi, thánh Phao-lô viết: “Tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng” (Ep 5,13-14). Ngài cũng viết: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người” (1 Cr 4,5). Chúng ta cần để tâm suy niệm giáo lý này và áp dụng vào đời sống bằng cách luôn ý thức rằng khi chúng ta không có đủ ánh sáng cần thiết, chúng ta đừng phán xét người khác. Thông thường, chúng ta hay phán xét người khác dựa trên cảm tính bất ổn của chúng ta hay dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng. Hậu quả là chúng ta gây tổn thương lớn cho người khác và nhiều khi không thể bù đắp được. Do đó, cách tốt nhất và duy nhất để chúng ta có được sự hiểu biết đúng đắn về con người hay sự vật, hiện tượng nào đó là chúng ta hãy đi Đường Ánh Sáng Đức Giê-su và nhìn nhận mọi sự dưới Lăng Kính Ánh Sáng này.

Như đã được trình bày ở trên, theo mặc khải Kinh Thánh, ánh sáng và bóng tối không phải là hai ‘quyền lực’ cân tài ngang sức, hai quyền lực tương đương hay bằng nhau. Ánh Sáng Đức Giê-su là Ánh Sáng Vĩnh Cửu. Ánh Sáng Đức Giê-su luôn mạnh mẽ hơn các hình thức bóng tối của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Tiếng nói cuối cùng của nhân loại, của toàn thể thế giới thụ tạo không phải là tiếng nói của bóng tối, nhưng là tiếng nói của Ánh Sáng. Theo thánh Gio-an: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Các Ki-tô hữu được mời gọi cộng tác với Đức Giê-su và với nhau để thanh tẩy muôn hình thức bóng tối trong cộng đoàn mình, chẳng hạn, bóng tối của sự chia rẽ lòng người, bóng tối của sự hận thù ghen ghét, bóng tối của sự giấu mặt vu oan, bóng tối của sự phổ biến thông tin nặc danh gây phương hại cho người khác, bóng tối của sự đồng lõa trong việc làm cho sự dữ lan truyền.

Với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng nhân thế, thời cánh chung đã bắt đầu: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày” (Rm 13,12-13). Quả thật, càng ngày chúng ta càng gần với cánh chung của đời mình hơn, nghĩa là càng ngày chúng ta càng gần hơn với biến cố kết thúc hành trình trần thế của mình. Đức Giê-su là Ánh Sáng, là ‘Ngày’ của chúng ta. Do đó, như lời thánh Phao-lô, chúng ta hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy Khí Giới Ánh Sáng Đức Giê-su để luôn được biến đổi, được tỏa sáng và cộng tác với Người trong việc chiếu rọi Ánh Sáng vào chốn tối tăm ở bất cứ nơi đâu chúng ta hiện diện và hoạt động (Rm 13,11-14).

Chương trình Thiên Chúa đối với nhân loại được thực hiện nhờ Đức Giê-su có thể tóm lược vào ba điểm chính: (1) Đức Giê-su là Ánh Sáng, Người đã đi Đường Ánh Sáng để đến với nhân loại; (2) Các Ki-tô hữu được mời gọi sống theo Đường Ánh Sáng của Người; (3) Các Ki-tô hữu được mời gọi phản chiếu Ánh Sáng của Người trong môi trường sống của mình. Viễn cảnh cánh chung của những ai đi Đường Ánh Sáng và phản chiếu Ánh Sáng Đức Giê-su được tác giả sách Khải Huyền (cuốn sách cuối cùng và cũng là chương cuối cùng của Bộ Kinh Thánh) diễn tả: “Các tôi tớ Thiên Chúa sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,4-5).

Những điểm được trình bày trên đây giúp chúng ta có được nhận thức tổng quát rằng Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại. Người đã sai Con của Người là Đức Giê-su đi Đường Ánh Sáng để đến với mọi người. Biến Cố Đức Giê-su hiện diện và hoạt động giữa lòng nhân thế, đặc biệt, việc mạc khải Người là Ánh Sáng thế gian làm nổi bật cuộc xung đột giữa ánh sáng và bóng tối trên phương diện luân lý: Ánh sáng xác định phẩm tính các lãnh vực thuộc về Thiên Chúa và Đức Giê-su, trong khi đó bóng tối xác định phẩm tính các lãnh vực thuộc về ma quỷ và sự dữ. Con người bị giằng co giữa hai thái cực phải chọn lựa để trở thành ‘con cái ánh sáng’ hoặc ‘con cái bóng tối’. Nhờ Đức Giê-su chiếu rọi, chúng ta trở thành con cái Ánh Sáng. Do đó, chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với phẩm giá của mình. Trong hành trình dương thế, Đức Giê-su đã tới thung lũng tối tăm nhất của thân phận con người là thung lũng sự chết. Nhờ đó, chúng ta được Thiên Chúa “gọi ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9) và được “chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng” là “vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1,12-13).

WHĐ (1.12.2020)