Đức Hồng Y Parolin Kêu Gọi Tái Thiết Và Tiếp Tục Trợ Giúp Các Tín Hữu Kitô Bị Bách Hại


Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi tiếp tục trợ giúp phục hồi cuộc sống, tái thiết các cộng đoàn và đảm bảo một tương lai cho các tín hữu Kitô bị bách hại.

Đức Hồng y Parolin đưa ra lời kêu gọi trên đây hôm 27/09/2019 vừa qua, trong cuộc hội thảo cấp cao tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, với sự tham dự của nhiều vị đại sứ các nước, đặc biệt là ngoại trưởng Hungari, Ông Peter Szijjarto, cũng là vị mời Đức Hồng y tham dự và liên tiếng tại cuộc hội thảo này.

Nhu cầu của các tín hữu Kitô bị bách hại

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh thuật lại chuyến viếng thăm của ngài hồi áp lễ Giáng Sinh năm ngoái, từ 24 đến 28/12 tại vùng Bình nguyên Ninivê bên Irak và cử hành lễ giáng sinh với các tín hữu. Trong cuộc tham quan, Đức Hồng y đã thấy rất nhiều cơ cấu hạ tầng vẫn còn cần được tái thiết. Tình trạng an ninh là điều thiết yếu để miền này được tái triển nở, vẫn là điều cam go. Trợ giúp cơ bản về nhân đạo vẫn còn là điều cần thiết.

Công ăn việc làm và giáo dục người trẻ, chăm sóc sức khỏe tâm thần

Đức Hồng y nói: “Có một nhu cầu cấp thiết là làm sao cung cấp công ăn việc làm và huấn nghệ cho các tín hữu Kitô đã từng bị bách hại, nhu cầu giáo dục và các chương trình cho người trẻ, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Rất nhiều hỗ trợ đã được các chính phủ cung cấp cho vùng bình nguyên Ninive như chính phủ Hungari, các cơ quan từ thiện và nhân đạo như Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ, Hội Hiệp Sĩ Colombo và Caritas quốc tế, đã thực hiện. Nhưng để đảm bảo cho việc hồi hương và viễn tượng dài hạn giúp họ được ở lại an bình trong gia cư của họ, thì còn phải làm rất nhiều. Thực vậy trong khi an ninh là ưu tiên đầu tiên và thiết yếu nhất, việc phục hồi cuộc sống xứng đáng đối với các tín hữu ấy đòi hỏi phải nỗ lực hơn nhiều.

Vì thế, – Đức Hồng y Parolin nói – “Chúng tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế tiếp tục trợ giúp các tín hữu ấy một cách bao quát, toàn bộ, trong đó việc phòng ngừa, trợ giúp nhân đạo và những cố gắng phát triển có liên hệ mật thiết với nhau, đảm bảo cho các tín hữu ấy được hưởng các nhân quyền căn bản và các quyền tự do của con người, thuộc về các nhóm thiểu số, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, vốn là điều ở trong tâm của mọi cố gắng”. (HolySee UN 20190927)

G. Trần Đức Anh, O.P

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu