Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI – 65 năm phục vụ Giáo hội trong thiên chức Linh mục


Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ năm nay (2016) là ngày kỷ niệm 65 năm Đức nguyên giáo hoàng Biển đức, một trong những thần học gia vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, được lãnh nhận thiên chức Linh mục. Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 tại nước Đức, trong một gia đình bình dân và đạo đức. Ngài đã  khám phá ra vẻ đẹp và chân lý nơi Chúa Kitô phần lớn là nhờ ảnh hưởng của gia đình luôn sống tốt lành và cậy trông vào Chúa, gắn bó với Giáo hội trong mọi hoàn cảnh. Ngày 29-6-1951, ngài được nhận lãnh thiên chức linh mục cùng với người anh của mình là Đức ông George Ratzinger. Ngài đã góp phần đáng kể cho Công đồng Vaticanô II trong tư cách chuyên viên. Ngày 25-3-1977, Đức Phaolô VI đã đặt ngài làm Tổng giám mục München và Freising. Cũng trong năm 1977, tại Công nghị hồng y vào ngày 27-6, Đức Phaolô VI nâng ngài lên hàng hồng y. Ngày 25-11-1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh và Ủy ban Thần học.

Sau khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, ngày 19-4-2005, Đức hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, lấy tước hiệu là Bênêđictô XVI. Lời đầu tiên vị tân giáo hoàng gửi đến toàn thể thế giới là: “Anh chị em thân mến, sau vị giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các hồng y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm hạ làm việc trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi vì niềm tin rằng Chúa có thể làm việc và hành động ngay cả với những phương thế bất toàn, và trên hết mọi sự, tôi phó thác mình cho lời cầu nguyện của anh chị em”. Trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI nói với mọi người tham dự và với cả thế giới: “Mọi ý thức hệ về quyền lực đều hành động như nhau. Những ý thức hệ ấy biện minh cho việc tiêu diệt bất cứ cái gì có thể cản đường tiến bộ và giải phóng nhân loại. Còn Thiên Chúa, Đấng đã nên Chiên (xá tội), lại nói với chúng ta rằng: thế giới được cứu độ nhờ Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chứ không phải nhờ những kẻ đóng đinh tha nhân”. Rồi ngài nói thêm: “Xin cầu nguyện cho tôi để tôi không vì sợ hãi sói dữ mà bỏ trốn”.

Cuộc đời 65 năm phục vụ như Linh mục, Giám mục, Hồng y, rồi Giáo hoàng và ngày nay là nguyên Giáo hoàng, trong những giai đoạn sáng tối khác nhau của lịch sử và Giáo hội, nhưng Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức vẫn luôn là “một con người hiện thân của sự thánh thiện, một con người của hòa bình và con người của Thiên Chúa” như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét. Ngài luôn là tấm gương sáng cho các Linh mục và toàn thể Giáo Hội về lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội, về đời sống cầu nguyện và sự khiêm nhường.

Ngay từ ngày đầu của đời Linh mục, Đức Biển đức XVI đã xác tín thiên chức Linh mục là một thánh chức, qua đó Thiên Chúa biến một con người tầm thường thành quà tặng cho nhân loại và hành động nhân danh Người. Linh mục không cô đơn lẻ loi, nhưng có các thánh đồng hành, các thánh trên trời cũng như các thánh đang sống ở trần gian, những tín hữu hôm nay và ngày mai luôn nâng đỡ và đồng hành với các Linh mục. Linh mục được trở nên bạn của Chúa Giêsu, được gọi ở cùng Người và loan truyền sứ điệp của Người. Câu hỏi Chúa Giêsu nói với Phêrô: con có yêu mến Ta không, được Đức Biển Đức suy tư như là câu hỏi cho chính mình, để rồi cuộc đời ngài được định nghĩa như “tìm kiếm Đấng yêu thương” trong suốt cuộc đời phục vụ của Linh mục cũng như nghiên cứu giảng dạy thần học. Thiên Chúa là Đấng ngài yêu mến ao ước, gắn bó kết hiệp và tin tưởng.

Cuộc đời Linh mục của Đức Biển Đức là một cuộc đời cầu nguyện, chìm sâu trong sự kết hiệp với Thiên Chúa. Không phài chỉ đến khi từ chức, nghỉ hưu, rút về đan viện trong nội thành Vatican ngài mới bắt đầu cuộc sống chiêm niệm cầu nguyện, nhưng trong suốt cuộc đời Linh mục, cuộc đời của một thần học gia đương thời lỗi lạc nhất, ngài đã là một chuyên gia cầu nguyện. Thật không sai khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong lời giới thiệu của cuốn sách “Dạy và học tình yêu Thiên Chúa” được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 65 Linh mục của Đức Biển Đức: điều căn bản và quan trọng nhất không phải là giải quyết các công việc ngày qua ngày, nhưng là cầu nguyện không ngừng nghỉ cho người khác, cả hồn và xác, như Đức nguyên giáo hoàng Biển đức”. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi ngài là một “thần học gia quỳ gối”, vì trước khi là thần học gia lỗi lạc và thầy dạy đức tin ngài đã thật sự tin, thật sự cầu nguyện. Ngài là hiện thân mẫu mực của hoạt động của Linh mục là đâm rễ sâu trong Chúa. Đức Biển đức cho thấy cầu nguyện là yếu tố quyết định và là điều thế giới đang cần.

Là một thần học gia lỗi lạc và đã là Giáo hoàng đứng đầu Giáo hội, nhưng Đức Biển đức còn cho thấy lòng khiêm nhường tuyệt đối của ngài. Khi ngài cảm thấy sức khỏe không cho phép ngài tiếp tục sứ vụ thánh Phêrô, ngài đã khiêm nhường can đảm từ chức để đi vào đời sống cầu nguyện. Mới đây trên chuyến bay trở về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi: có chăng 2 Đức giáo hoàng, nhắc lại lời của Đức Biển đức khi tuyên bố từ chức: “Trong số anh em đây, có người kế nhiệm tôi; tôi hứa vâng phục ngài”. Đức Thánh Cha nhận xét: ngài giữ lời đã nói và rất khôn ngoan.

Khi tuyên bố từ chức, Đức Biển đức đã nói: Thiên Chúa goi tôi “lên núi”, để dành bản thân mình cho việc cầu nguyện nhiều hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là bỏ rơi Giáo hội. Nếu Thiên Chúa yêu cầu tôi, thì chính xác là để tôi có thể tiếp tục phục vụ Giáo hội với cùng sự dấn thân và cùng tình yêu mà tôi đã cố gắng dành cho Giáo hội cho đến nay, nhưng trong một cách thức khác thích hợp với tuổi già và sức khỏe của tôi.” Ngày nay trong đời sống âm thầm nơi đan viện, ngài chắc chắn vẫn yêu mến và bảo vệ Giáo hôi như những ngày còn hoạt động trong môi trường nghiên cứu giảng dạy và như những vị lãnh đạo hướng dẫn Giáo hội. Sự hiện diện âm thầm của ngài nhưng vẫn được cảm thấy qua sự thanh tĩnh, bình an, mạnh mẽ, đầy tin tưởng và niềm tin, trung thành và tận hiến, là một điều tốt lành và sức mạnh cho toàn thể Giáo hội.

Hồng Thủy Op

(Nguồn: Đài Vatican)