Đức Phanxicô Xin Các Phóng Viên Giúp Ngài Kể Lại Thượng Hội Đồng
Tiếp kiến phái đoàn các nhà báo người Ý tại Vatican vào Thứ Bảy ngày 26 tháng 8, Đức Phanxicô đã xin họ một việc: không nói về Thượng hội đồng về tính hiệp hành “bằng những câu chuyện có sẵn” nhưng minh họa “tiến trình này thực sự là gì”.
Chỉ trong hơn một tháng nữa, các giám mục và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới sẽ quy tụ tại Rome để tham dự Thượng hội đồng về hính hiệp hành. Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô nhắc nhở một nhóm nhà báo Ý, là một cuộc hành trình được Đức Giáo hoàng Phaolô VI khởi xướng và mang lại “kết quả lớn lao”. Một kế hoạch mà “Giáo hội ngày nay cống hiến cho thế giới, một thế giới thường không có khả năng đưa ra quyết định, ngay cả khi liên quan đến sự sống còn của chúng ta”.
Vì vậy, Đức Phanxicô đã xin họ giúp tường thuật Thượng hội đồng, trong tất cả sự phức tạp của nó: “Hãy giúp tôi kể lại tiến trình này thực sự là gì, bỏ qua một bên lôgíc của các khẩu hiệu và các câu chuyện có sẵn”.
Những mối nguy hiểm của việc thông tin sai lệch
Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn đề cập đến việc “thông tin sai lệch” và tin giả, mà theo ngài, khi cố gắng định hướng dư luận, biểu lộ “tội lỗi đầu tiên của báo chí“. Ngài vạch chi tiết trước đoàn giải thưởng báo chí Ý : “Thông tin sai lệch là một trong những tội lỗi của báo chí, vốn có 4 tội: Thông tin sai lệch, khi nhà báo không đưa tin hoặc đưa tin xấu; vu khống (đôi khi được sử dụng); phỉ báng, khác với vu khống nhưng có tính hủy hoại; và thứ tư là tình yêu đối với sự tai tiếng”.
Cuối cùng, sau khi đề cập đến tầm quan trọng của văn hóa kỹ thuật số, Đức Thánh Cha mời gọi họ “đừng để mình bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ hận thù”. “Trong bối cảnh đầy kịch tính mà châu Âu đang trải qua, với việc cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine, chúng ta được kêu gọi gánh lấy trách nhiệm. Tôi mong muốn rằng không gian sẽ được dành cho những tiếng nói của hòa bình, cho những người dấn thân chấm dứt cuộc xung đột này như biết bao người khác, cho những người không đầu hàng lôgíc “Cain” của chiến tranh nhưng vẫn tiếp tục tin tưởng, bất chấp mọi thứ, vào lôgíc hòa bình, vào lôgíc đối thoại, vào lôgíc ngoại giao”.