Đức Thánh Cha: Buồn Bã Không Phải Là Lối Sống Của Người Ki-Tô Hữu


Buồn bã không phải là thái độ của người Kitô hữu. Đức Thánh Cha đã khẳng định như thế trong thánh lễ sáng 28/5/2019 tại nhà nguyện thánh Marta. Ngay cả khi cuộc sống không phải là một lễ hội, và dù có rất nhiều khó khăn chăng nữa, chúng ta cũng có thể vượt qua và luôn bước tới. Nhưng chúng ta cần trò chuyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày. Người luôn đồng hành với chúng ta.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính mà Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay đề cập tới. Trong những lời sau cùng dành cho các môn đệ trước khi về trời, thầy Giêsu cho chúng ta một bài giáo lý thực sự về Chúa Thánh Thần, và Người giải thích cho chúng ta Đấng ấy là ai. Các môn đệ tỏ ra buồn bã khi biết rằng ít lâu nữa Thầy của họ sẽ rời bỏ họ. Và thầy Giêsu quở trách họ vì điều này bởi sự buồn bã không phải là thái độ nơi người Kitô hữu. Nhưng làm thế nào để không buồn bã? Đức Thánh Cha nhấn mạnh: trong cầu nguyện, chúng ta xin Thiên Chúa gìn giữ sự tươi trẻ của Thánh Thần trong chúng ta. Chính tại đây, Thần Khí làm cho sự trẻ trung ấy luôn đổi mới nơi cuộc đời chúng ta.

Một vị thánh buồn là vị thánh đáng buồn

Có một vị thánh từng nói rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. Cũng thế, một Kitô hữu buồn là một Kitô hữu đáng buồn. Người ấy không bước tới. Thánh Thần chính là Đấng có thể giúp chúng ta vác lấy thập giá. Trong  bài trích sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay, khi đang bị giam cầm, ông Phaolo và Xila đã hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa. Thánh Thần làm mới lại mọi sự. Thánh Thần là Đấng đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Người là Đấng Bảo Trợ. Nhưng cái tên này lạ quá!

Một lần kia, một linh mục hỏi các em nhỏ trong thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống rằng các con có biết Chúa Thánh Thần là ai không? Một em nhỏ đã trả lời rằng: người bại liệt (Trong tiếng Ý, hai chữ Paraclito (Đấng bảo trợ) và  paralitico (người bại liệt) phát âm gần giống nhau). Và chúng ta cũng nhiều lần nghĩ rằng Thánh Thần bại liệt và Ngài chẳng làm gì cả.

Từ “bảo trợ” muốn nói đến một người ở gần bên tôi và nâng đỡ tôi, để tôi không vấp ngã, để tôi bước đi, để tôi có thể gìn giữ sự tươi trẻ của Thần Khí trong cuộc đời mình. Kitô hữu luôn là những người trẻ trung. Khi con tim của người Kitô hữu bắt đầu già nua, thì ơn gọi Kitô hữu của người ấy bắt đầu nhỏ lại. Hoặc là bạn có một con tim và một tâm hồn tươi trẻ, hoặc là bạn không thực sự là Kitô hữu.

Trò chuyện mỗi ngày với Thánh Thần giúp chúng ta bước đi

Trong cuộc đời này, chúng ta có rất nhiều đau khổ, Phaolo và Xila cũng đã bị đánh đập và chịu đau khổ, “nhưng họ tràn đầy niềm vui, họ đã hát …” Đó chính là sự tươi trẻ. Sự tươi trẻ luôn làm bạn nhìn thấy hy vọng. Nhưng để có được sự tươi trẻ này, chúng ta cần đối thoại hàng ngày với Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta. Đó là món quà tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta: nguồn trợ lực này giúp bạn tiến bước.

Tội lỗi làm tâm hồn già nua, Thần Khí làm cho tươi trẻ

Ngay cả khi chúng ta là tội nhân, Thánh Thần cũng giúp chúng ta ăn năn và giúp chúng ta nhìn về phía trước. Hãy nói với Thánh Thần và Người sẽ trợ giúp bạn và trao lại cho bạn sự tươi trẻ. Ngược lại, tội lỗi làm cho chúng ta già nua. Nó làm linh hồn chúng ta già nua, nó làm mọi sự cằn cỗi. Đừng sống nỗi buồn của những kẻ ngoại giáo này.

Đúng là cuộc sống có những thời điểm khó khăn nhưng trong những lúc khó khăn ấy, chúng ta nhận thấy Thánh Thần trợ giúp chúng ta bước tới và vượt thắng gian nan. Các vị tử đạo đã kinh nghiệm về điều ấy.

Chúng ta hãy xin Thiên Chúa để mình đừng đánh mất sự tươi trẻ này, đừng là những Kitô hữu hưu trí đã đánh mất niềm vui và không còn muốn bước tới. Kitô hữu không bao giờ nghỉ hưu. Kitô hữu sống và tiếp tục sống bởi vì họ là những người trẻ. Và khi sống tươi trẻ, họ là những Kitô hữu đích thực.

Trần Đỉnh, SJ

Nguồn: Vatican News