Đức Thánh Cha Cử Hành Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót
Lúc gần 11 giờ, sáng Chúa nhật 19/4/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, do thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng tuyên bố thiết lập cách đây đúng 20 năm.
Thực vậy, vào cuối thánh lễ Chúa nhật 30/4 Năm Thánh 2000, để tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina Kowalska, tông đồ lòng Chúa Thương Xót, cử hành tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức thánh Giáo hoàng đã tuyên bố lập lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, cử hành hằng năm vào Chúa nhật thứ II sau Phục Sinh.
Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót tại Roma
Trước đó, vào năm 1994, Đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu một linh mục Ba Lan, cha Jozef Bart, biến nhà thờ Chúa Thánh Thần, Santo Spirito, ở khu vực Sassia, gần Vatican làm Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót ở Roma. Thánh đường nhỏ bé này, có thể chứa được gần 200 người, được xây cất hồi giữa thế kỷ XVI, dưới thời Đức Giáo hoàng Phaolô III, đã được dùng trước đó làm nhà nguyện của nhà thương Santo Spirito bên cạnh.
Cha Jozef Bart hiện nay là Đức ông Quản đốc Đền thánh này, với sự cộng tác của một số nữ tu dòng Đức Mẹ Từ Bi Thương Xót, thi hành sứ mạng phổ biến sự tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót qua các buổi lễ phụng vụ, thuyết trình và học hỏi, ban bí tích hòa giải. Thánh đường này chỉ cách Vatican khoảng 500 mét, đối diện với trụ sở Bề trên Tổng quyền Dòng Tên và có giữ thánh tích của thánh nữ Faustina Kowalska và thánh Gioan Phaolô II.
Thánh lễ
Thánh lễ do Đức Thánh cha Phanxicô cử hành không có giáo dân tham dự, vì đại dịch Covid-19 và chỉ có một số người có phận vụ trong buổi lễ, như bốn người thuộc ca đoàn, đánh đàn, hai người đọc sách thánh, người giúp lễ, vài nhân viên thu hình và truyền thông. Đồng tế với Đức Thánh cha, chỉ có Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh tái truyền giảng Tin mừng, và Đức ông Quản đốc Jozef Bart.
Hai bên gian cung thánh có ảnh Lòng Chúa Thương Xót và tượng thánh nữ Faustina Kowalska, và nhiều kỷ vật hình trái tim tạ ơn của các tín hữu vì những ơn đã xin được.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng, Đức Thánh cha đã diễn giải bài Tin mừng theo thánh Gioan (Ga 20, 19tt), kể lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh với các môn đệ đang tụ họp nhau, với cửa nhà đóng kín. Lần này có cả tông đồ Tôma cứng lòng tin, và, – Đức Thánh cha nhận xét – đây là cơ hội Chúa Giêsu đặc biệt tỏ lòng thương xót của Ngài, luôn nâng chúng ta trỗi dậy sau khi sa ngã. Đức Thánh cha cũng rút ra bài học cần áp dụng vào thời hậu đại dịch Covid-19.
Lòng Chúa thương xót luôn nâng chúng ta trỗi dậy
Đức Thánh cha nói: “Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã mừng sự sống lại của Thầy, hôm nay chúng ta chứng kiến sự sống lại của môn đệ. Một tuần đã trôi qua, các môn đệ, tuy đã nhìn thấy Đấng Phục Sinh, nhưng các ông còn sống trong sợ hãi, “cửa đóng then cài” (Ga 20-26), và các ông không thuyết phục nổi tông đồ Tôma, là người duy nhất vắng mặt khi Chúa hiện ra…”
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Chúa Giêsu trở lại, hiện ra với các môn đệ, đứng giữa các ông và lặp lại lời chào “Bình an cho các con!” (Ga 20,19.26). Cuộc sống lại của môn đệ bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót, trung tín và kiên nhẫn của Chúa, từ khám phá thấy Thiên Chúa không mệt mỏi giơ tay ra cho chúng ta để nâng chúng ta trỗi dậy từ những sa ngã của chúng ta. Chúa muốn chúng ta thấy Ngài như thế: không phải như một ông chủ mà chúng ta phải bá cáo, phải thanh toán nợ nần, nhưng như người Cha luôn nâng chúng ta trỗi dậy. Trong cuộc sống, chúng ta tiến bước chập chững, như một em bé bắt đầu tập đi và ngã xuống; bước đi vài bước, em lại ngã lên ngã xuống; mỗi lần như thế, cha em nâng em dậy. Bàn tay luôn nâng chúng ta đứng dậy là lòng thương xót: Thiên Chúa biết rằng nếu không có lòng thương xót, chúng ta sẽ nằm dưới đất, và để bước đi chúng ta cần được đứng dậy.”
Đức Thánh cha nêu nhận xét: “Có thể bạn sẽ nêu vấn nạn ‘Nhưng mà con không bao giờ ngừng sa ngã!’. Chúa biết điều đó và Ngài luôn sẵn sàng nâng bạn dậy. Chúa không muốn chúng ta cứ liên tục nghĩ đến những sa ngã của chúng ta, nhưng muốn chúng ta nhìn Ngài là vị nhìn thấy, trong những sa ngã của chúng ta, những người con cần được nâng dậy; trong những lầm than của chúng ta, Chúa thấy những người con cần yêu mến với lòng xót thương. Ngày hôm nay, trong nhà thờ này, là Đền thánh Lòng Chúa Thương xót ở Roma, trong Chúa nhật, cách đây 20 năm, thánh Gioan Phaolô II lập lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta hãy tín thác đón nhận sứ điệp này”.
Noi gương thánh nữ Faustina dâng “lầm than” cho Chúa
“Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Cha là tình yêu và chính lòng thương xót; không có lầm than nào có thể đọ với lòng thương xót của Cha” (Nhật ký, 14-9-1937). Rồi một lần kia, thánh nữ mãn nguyện nói với Chúa Giêsu là đã dâng hiến cho Chúa trọn cuộc sống, tất cả những gì mình có. Nhưng câu trả lời của Chúa khiến thánh nữ ngỡ ngàng: “Con đã không dâng cho Cha điều thực sự là của con”. Vị nữ tu thánh thiện đã giữ lại cho mình điều gì mà không dâng cho Chúa? Chúa Giêsu thân ái nói với thánh nữ: “Hỡi con, hãy cho Cha sự lầm than của con” (10-10-1937).
Đức Thánh cha nói: “Cả chúng ta cũng có thể tự hỏi: tôi có dâng cho Chúa lầm than của tôi hay không? Tôi có tỏ cho Chúa những sa ngã của tôi để Chúa nâng tôi dậy hay không? Hay là có điều gì đó tôi còn giữ trong lòng? Một tội lỗi, một sự day dứt quá khứ, một vết thương trong tâm hồn, một điều oán hận đối với người nào đó, một thành kiến về ai đó… Chúa chờ đợi chúng ta dâng cho Ngài những lầm than của chúng ta để giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Ngài”.
Đức Thánh cha gợi lại thái độ của Chúa Giêsu khi hiện ra với tông đồ Tôma. Chúa không giảng giải dài, nhưng tỏ cho Tôma thấy những vết thương và thánh nhân đã có thể chạm tới, khám phá tình thương, khám phá thấy Chúa Giêsu đã chịu đau khổ dường nào cho Tôma, nhưng Tôma đã bỏ rơi Ngài. Trong những vết thương ấy, Tôma đã chạm đến sự gần gũi dịu dàng của Chúa…
Đừng bỏ rơi người bị lùi đằng sau
Từ những điều trên đây, Đức Thánh cha áp dụng vào hoàn cảnh nhân loại ngày nay và nói:
“Anh chị em thân mến, trong thử thách chúng ta đang trải qua, cả chúng ta cũng như tông đồ Tôma, với những lo sợ và nghi ngờ, chúng ta thấy mình mong manh. Chúng ta cần Chúa, Đấng nhìn thấy nơi chúng ta vẻ đẹp không thể xóa bỏ, ngoài những mong manh yếu đuối của chúng ta. Với Chúa, chúng ta khám phá thấy mình quí giá trong những yếu đuối của chúng ta…”
Bài trừ virus dửng dưng đối với người nghèo
“Trong lễ kính Lòng Chúa Thương xót này, lời loan báo đẹp nhất đã được thông truyền qua người môn đệ đến trễ. Chỉ thiếu ông Tôma. Nhưng Chúa chờ đợi ông. Lòng thương xót không bỏ rơi người ở lại đàng sau. Giờ đây, trong lúc chúng ta nghĩ đến sự phục hồi chậm chạp và khó khăn từ đại dịch này, chúng ta thấy có một nguy cơ, đó là quên những người ở lại đằng sau. Nguy cơ ở đây là chúng ta có thể bị một thứ virus tệ hại hơn nữa, đó là virus ích kỷ, dửng dưng. Nó lan lây từ ý nghĩ cho rằng cuộc sống tốt đẹp hơn nếu nó tốt cho tôi, và tất cả sẽ diễn tiến tốt đẹp nếu nó có lợi cho tôi. Từ thái độ đó, người ta đi tới sự chọn lựa người, gạt bỏ những người nghèo, sát tế trên ‘bàn thờ tiến bộ’ những ai chậm chạp lùi lại đằng sau. Nhưng đại dịch này nhắc nhớ chúng ta rằng không có khác biệt và ranh giới giữa những người đau khổ. Tất cả chúng ta đều mong manh, tất cả đều giống nhau, tất cả đều quí giá. Điều đang xảy ra đánh động chúng ta từ bên trong: đây là lúc loại bỏ những bất bình đẳng, chữa lành bất công đang đe dọa căn cội sức khỏe của toàn thể nhân loại! Chúng ta hãy học từ nơi cộng đoàn Kitô tiên khởi, như được mô tả trong sách Tông đồ Công vụ. Cộng đoàn đã nhận lãnh lòng thương xót và sống thương xót: “Tất cả các tín hữu đều để mọi sự làm của chung; họ bán tài sản và của cải của họ, phân chia cho tất cả, theo như cầu của mỗi người” (Cv 2,44-45). Đó không phải là ý thức hệ, nhưng là Kitô giáo.”
Nhìn thấy Chúa Giêsu nơi người nghèo
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Trong cộng đoàn tiên khởi ấy, sau khi Chúa Giêsu sống lại, chỉ có một người ở lại đằng sau và tất cả đều chờ đợi người ấy. Ngày hôm nay, dường như ngược lại: một phần nhỏ của nhân loại tiến bước, trong khi đại đa số bị ở lại đằng sau. Có thể có người nói: “Đó là những vấn đề phức tạp, tôi không có nhiệm vụ săn sóc những người túng thiếu, những người khác phải nghĩ đến vấn đề đó!”. Thánh Faustina, sau khi gặp Chúa Giêsu, đã viết: “Chúng ta phải nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đanh nơi một tâm hồn đau khổ, chứ không phải nhìn họ như một người ăn bám và một gánh nặng… [Chúa] ban cho chúng ta khả năng tập luyện trong những công việc bác ái và chúng ta tập luyện trong các phán đoán” (Nhật ký 6-9-1937). Nhưng chính thánh Faustina, một hôm cũng đã than phiền với Chúa Giêsu rằng, sống từ bi thương xót thì bị coi là thơ ngây. Thánh nữ nói: “Lạy Chúa, họ thường lạm dụng lòng tốt của con”, nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Hỡi con, chẳng hệ gì, con đừng bận tâm, con hãy luôn luôn sống từ bi thương xót đối với tất cả mọi người”. Với tất cả mọi người: chúng ta đừng chỉ nghĩ đến tư lợi, những lợi lộc phe phái. Chúng ta hãy đón nhận thử thách này như một cơ hội để chuẩn bị cho tương lai của tất cả mọi người. Vì nếu không có một cái nhìn chung, thì sẽ chẳng ai có tương lai.”
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Ngày hôm nay tình yêu nhưng không chân thành của Chúa Giêsu đã làm cho tâm hồn môn đệ sống lại. Cả chúng ta, như thánh tông đồ Tôma, cũng hãy đón nhận lòng thương xót, là ơn cứu độ trần thế. Và chúng ta hãy thi hành lòng thương xót cho những người yếu thế nhất: chỉ như thế chúng ta mới tái tạo một thế giới mới”.