Đức Thánh Cha Dâng Lễ Với Các Tân Hồng Y Và Tân Tổng Giám Mục Chính Tòa


VATICAN. Sáng ngày 29-6-2018, ĐTC đã làm phép các dây Pallium cho 30 vị TGM chính tòa trong thánh lễ với 14 tân Hồng Y và 26 vị tân TGM.

Đầu thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi, nhân lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, ĐTC đã làm phép các dây Pallium cho 30 vị tân TGM đứng đầu giáo tỉnh được các phó tế đưa từ mộ thánh Phêrô tới trước bàn thờ. Các vị TGM này thuộc 17 quốc gia, trong đó có 4 vị Argentina, 4 vị Italia, 3 vị người Mehicô, từ Á châu có Đức TGM giáo phận Tokio Nhật Bản, 1 vị Philippines và 2 vị người Ấn Độ.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ này, ngoài 14 tân Hồng Y và 26 vị TGM mới về Roma (4 vị vắng mặt), còn có 120 Hồng Y, 200 GM và khoảng 400 LM trước sự hiện diện của 15 ngàn tín hữu.

 Ở chỗ danh dự gần bàn thờ chính có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Job, thuộc giáo phận Telmessos, làm trưởng đoàn và có 1 GM và 1 Phó tế tháp tùng, cạnh đó là ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và hai chức sắc cấp cao của Hội đồng này.

 Dây Pallium

 Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

 Lúc 9 giờ 20, ĐTC đã cùng với Đức TGM Job trưởng phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, xuống tầng hầm dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô mặc niệm trước mộ thánh nhân, rồi tiến đến trước pho tượng thánh nhân trong Đền thờ, với phẩm phục Giáo Hoàng, để cầu nguyện, trước khi cùng với 14 vị HY mới tiến ra bên ngoài, nơi bàn thờ trên thềm của Đền thờ.

 Trước đây, các vị tân TGM chính tòa vẫn về Roma để nhận dây Pallium từ ĐTC trong thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, dây này được vị Đại Diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo Hội địa phương.

 Nhưng từ 3 năm nay (2015), do quyết định của ĐTC Phanxicô, dây Pallium được trao cho vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại giáo phận địa phương thay vì tại Roma. Sự thay đổi này nhắm làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM chính tòa với Giáo phận của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là là cho các Giám Mục thuộc hạt – trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối dây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa ĐTC và các vị tân TGM chính tòa, và đồng thời, qua sự trao dây này ở địa phương, có thêm mối liên hệ với Giáo hội địa phương”.

 Làm phép dây Pallium

 Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng phó tế, đã thưa với ĐTC: các vị TGM chính tòa, ”với lòng kính mến trung thành và vâng phục đối với ĐTC và Tòa Thánh, khiêm tốn xin ĐTC ban cho các vị dây Pallium, được lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, như dấu chỉ quyền bính của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Roma, được thiết định hợp pháp trong giáo phận của các vị.”

 Rồi ĐHY mời các vị TGM cùng đọc công thức tuyên thệ tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, ĐTC và các Đấng Kế vị hợp pháp.

 ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

 Thánh lễ tiếp tục với kinh Vinh Danh, lời Tổng Nguyện, và phần phụng vụ Lời Chúa.

 Bài giảng Thánh Lễ

 Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Mathêu, đoạn 16, thuật lại, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Ngừơi ta bảo Thầy là ai? thánh Phêrô đã trả lời thay cho các tông đồ khác: ”Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, – tức là Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu-. Rồi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ Ngài phải lên Jerusalem chịu đau khổ, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Vị được Thiên Chúa xức dầu mang tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha cho đến hệ luận cuối cùng. Nhưng đứng trước lời loan báo bất ngờ ấy, Phêrô đã phản ứng và cản trở Chúa, xin Thiên Chúa đừng bao giờ để điều ấy xảy ra cho Thầy mình (Mt 16,22). Phêrô biến thành hòn đá vấp trên con đường của Đấng được Xức dầu. Ông tưởng mình bênh vực các quyền của Thiên Chúa, nhưng lại biến ngay thành Satan, kẻ thù của Chúa. ĐTC giải thích thêm rằng:

 ”Chiêm ngắm cuộc đời của Phêrô và sự tuyên xưng của thánh nhân cũng có nghĩa là học biết những cám dỗ xảy ra trong cuộc đời các môn đệ. Trong tư cách là Giáo Hội, như thánh Phêrô, chúng ta cũng luôn luôn bị cám dỗ vì những “tiếng thì thầm” của ma quỉ là những hòn đá vấp cản trở sứ vụ của Giáo Hội. Tôi nói là ”những tiếng thì thầm” vì ma quỉ âm thầm cám dỗ, làm sao để ta không nhận ra chủ ý của hắn, ”cư xử như một điều giả dối khi muốn ở trong sự kín đáo và không muốn bị khám phá” (S. Ignaxiio Loyola, Linh Thao, n.326).

 ”Trái lại, tham gia vào sự xức dầu của Chúa Kitô là tham dự vinh quang của Chúa, là Thập Giá của Ngài: Lạy Cha, xin làm vinh danh Con Cha.. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha” (Ga 12,28). Vinh quang và thập giá trong Chúa Giêsu Kitô đi song đôi với nhau và không thể tách rời, vì khi ta từ bỏ thập giá, kể cả khi chúng ta bước vào sự rạng ngời của vinh quang, thì chúng ta tự lừa dối mình, bởi lẽ thứ vinh quang ấy không phải của Thiên Chúa, nhưng là sự chế nhạo của đối phương”.

 ĐTC cũng nhận xét rằng, ”nhiều khi chúng ta cảm thấy cám dỗ: tuy là Kitô hữu, nhưng đồng thời đồng thời giữ một khoảng cách thận trọng đối với những vết thương của Chúa. Chúa Giêsu động chạm đến sự lầm than của con ngừơi, và mời gọi chúng ta ở với Ngài, quan tâm đến những thân thể đau khổ của tha nhân. Việc tuyên xưng đức tin bằng miệng và con tim, như trường hợp thánh Phêrô, đòi chúng ta phải nhận ra những ”tiếng thì thầm” của ma quỷ. Học cách nhận diện và khám phá “đâu là những che đậy bản thân và cộng đoàn khiến chúng ta xa cách thảm trạng sinh động của con người; những che đậy ấy ngăn cản không để chúng ta tiếp xúc với cuộc sống cụ thể của tha nhân, và xét cho cùng, không để chúng ta nhận biết sức mạnh cách mạng sự dịu dàng của Thiên Chúa (Xc Tông huấn E.G. 270).

 Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhấn mạnh rằng ”Khi không tách biệt vinh quang khỏi thập giá, Chúa Giêsu muốn cứu các môn đệ và Giáo Hội của Ngài khỏi thái độ hiếu thắng trống rỗng: trống rỗng tình thương, trống rỗng phục vụ, cảm thương, cũng trống rỗng dân. Chúa muốn cứu Giáo Hội khỏi một sự tưởng tượng vô hạn không biết ăn rễ sâu nơi đời sống của dân trung thành, hoặc tệ hơn nữa, đó là thái độ tưởng rằng việc phụng sự Chúa đòi Giáo Hội phải loại bỏ những con đường bụi bặm của lịch sử. Chiêm mgắm và bước theo Chúa đòi chúng ta phải để tâm hồn rộng mở đối với Chúa Cha và tất cả những người mà chính Chúa muốn đồng hóa với họ (Xc Thánh Gioan Phaolô 2, Tông thư Novo millennio ineunte, 49) và với xác tín chắc chắn Chúa không bỏ rơi dân Ngài.

 Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến, câu hỏi ”Ông có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi phải đợi một người khác?” (Mt 11,3) là điều tiếp tục ở trên hàng triệu khuôn mặt. Chúng ta tuyên xưng trên môi và trong con tim: Đức Giêsu Kitô là Chúa (Xc Phil 2,11). Đây chính là bài ca nòng cốt mà hằng ngày chúng ta được mời gọi xướng lên. Trong sự đơn sơ, chắc chắn và vui mừng được biết rằng ”Giáo Hội sáng ngời không phải bằng ánh sáng riêng của mình nhưng bằng ánh sáng của Chúa Kitô. Giáo Hội kín múc ánh quang của mình từ Mặt Trời công chính, để có thể nói: ”Không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) (Thánh Ambrosio, Hexaemeron, IV, 8,32)

 Trong phần lời nguyện giáo dân, các ý nguyện đã được xướng lên bằng các thứ tiếng Pháp, tiếng Aramaico, Bồ đào nha, tiếng Hoa và tiếng Nhật lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và Giáo Hội hoàn vũ, cho các vị lãnh đạo chính quyền và các dân tộc được ủy thác cho họ, cho ơn gọi linh mục, và sự hiệp nhất của Giáo Hội, sau cùng là cho các tội nhân và những người không tin.

 Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ với bài ca: ”Chúng con chạy đến nương náu nơi sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa”.

 Sau đó, ĐTC về dinh tông tòa và lúc 12 giờ trưa, ngài xuất hiện tại cửa sổ lầu 3 để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với các tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

 Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, ngài nhấn mạnh tới lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: ”Con là Đá và trên Đá này Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy và các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi” (v.18). Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu nói lên từ ”Giáo Hội”, và đồng thời Chúa biểu lộ tất cả tình yêu đối với Hội Thánh của Ngài. Đây là một cộng đồng Giao Ước mới, không dựa trên dòng dõi và Luật, nhưng dự trên niềm tin vào Ngài là Đức Giêsu, Tôn Nhan của Thiên Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: Đài Vatican