Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo liên tôn Kenya
NAIROBI. Trong cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo Kitô và các tôn giáo khác ở Kenya, ĐTC tái lên án sự lạm dụng danh Thiên Chúa để thi hành bạo lực.
Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 8 giờ 15 phút sáng thứ năm, 26-11-2015, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Nairobi, thủ đô Kenya.
Tại phòng khánh tiết Tòa Sứ Thần Tòa Thánh trong cuộc gặp gỡ, ngoài các HY, GM Công Giáo, có 17 vị đại diện các Giáo Hội Kitô: Tin Lành, Anh giáo, Giáo hội Kitô Phi châu, và các tôn giáo không Kitô như Do thái, Phật Giáo, Hồi giáo, đạo cổ truyền của Phi châu. Ngoài ra có 7 nhân vật đặc biệt dấn thân trong việc thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn.
Trong số 43 triệu dân cư của Kenya, hơn 80% là Kitô hữu, trong số này có gần 14 triệu tín hữu Công Giáo, tương đương với 32% dân số toàn quốc. 20 triệu Kitô hữu còn lại thuộc Anh giáo, Tin Lành, Methodist, Pentecostal, Giáo Hội Phi châu nội địa, v.v. Hồi giáo có 4 triệu 300 ngàn tín đồ, tương đương với 10% dân số Kenya. Còn lại khoảng 5 triệu rưỡi dân cư theo các đạo cổ truyền của Phi châu
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đức Cha Peter Kairo đặc trách đối thoại liên tôn thuộc HĐGM Kenya đã đại diện mời chào mừng ĐTC và giới thiệu các tham dự viên.
Phát biểu của Anh giáo
Đức TGM Anh giáo Kenya kiêm GM Nhà thờ chính tòa các thánh, tiến sĩ Eliud Wabakala, đại diện các vị lãnh đạo Kitô cũng chào mừng ĐTC và nói:
”Sự hiện diện của ngài giữa chúng tôi là một khích lệ lớn đối với tất cả các tín hữu Kitô Kenya, trong lúc chúng tôi cố gắng theo Chúa Giêsu Kitô qua sự trung thành làm môn đệ Chúa.
”Chúng tôi cám ơn ngài vì Thông điệp mới đây, trong đó ngài thúc giục các dân nước chấp nhận một kiểu mẫu sản xuất có thể bảo tồn các tài nguyên cho các thế hệ hiện nay và tương lai, đồng thời hết sức giới hạn việc sử dụng các tài nguyên không thể tái tạo được, tiêu thụ điều độ và gia tăng tối đa việc sử dụng chúng một cách hiệu quả, dùng lại chúng như một phương thức chống lại thứ văn hóa vứt bỏ ảnh hưởng tới toàn thể trái đất.”
Đức TGM Wabakala cũng nhắc đến Thượng HĐGM thế giới mới đây về gia đình và nói rằng ”Trong tư cách là Kitô hữu Phi châu, chúng tôi quí chuộng gia đình, như Kinh Thánh vẫn dạy. Chúng ta đang bị đe dọa vì điều mà ĐGH mô tả là chủ nghĩa thực dân ý thức hệ của những lối sống tục hóa. Tôi cầu mong rằng tất cả các Giáo Hội chúng ta sẽ cộng tác với nhau trong việc công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu đã chịu đóng đanh và sống lại, để soi sáng các tâm trí của mọi tín hữu.
Sau cùng, Đức TGM Anh giáo nói: xin ngài cho phép tôi kêu gọi: nhờ nỗ lực của ngài và các vị lãnh đạo khác, các nước Phi châu được trợ giúp để phát huy tiềm năng kinh tế và quản trị của họ. Phi châu là một đại lục có nhiều tài nguyên, cần phải được quản lý hữu hiệu để mưu ích cho dân của mình.
Phát biểu của Hồi giáo
Tiếp lời vị TGM Anh giáo, giáo sư Abdulghafur El Busaidy, chủ tịch toàn quốc Hội đồng tối cao của người Hồi giáo ở Kenya đã lên tiếng. Đây là cơ quan qui tụ tất cả các tổ chức, Hội đường và các nhóm Hồi giáo ở Kenya được thành lập cách đây 42 năm (1973) nhắm liên kết toàn thể Hồi giáo ở Kenya, chiếm khoảng 30% dân số toàn quốc.
Ông nói: ”Trong tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có nghĩa vụ thăng tiến công bằng, ngay chính, tình thương, lòng trung thành và hy vọng. Đồng thời chúng ta phải chống lại hiện tượng phạm pháp mà không bị luật pháp trừng phạt, bất công, oán thù, tham lam, gian ác, lừa đảo, tống tiền, gian giảo, chết chóc và tàn phá. Thật là một thảm trạng nếu đa số những người tốt lành trên thế giới đứng đó mà nhìn thế giới đang bị lôi cuốn vào sự quên lãng.”
Giáo sư chủ tịch các cộng đoàn Hồi giáo cũng nhân xét rằng: ”Thế giới chúng ta ngày nay đang có những cuộc chiến tranh điên rồ, sa lầy trong sự tham lam, ác ý, coi mình là trung tâm, tốn tiền và càng ngày chúng ta càng chứng kiến cảnh tượng vô lý nhất. Ngày nay chúng ta bị kẹt trong vũng lầy các nền chính trị không nguyên tắc, kinh doanh không luân lý đạo đức, giàu sang mà không phải làm việc, giáo dục không có nhân cách, khoa học không có tình người, hưởng thụ vô lương tâm, tôn giáo không có tâm linh, nghề nghiệp không có trách nhiệm trong đó người ta chỉ lo kiếm tiền dù có gây hại cho người khác. Chắc chắn chúng ta không thể tiến bước theo chiều hướng đó!”
Diễn từ của ĐTC
Về phần ĐTC, lên tiếng trong dịp này, ngài cho biết khi viếng thăm các tín hữu Công Giáo của một Giáo Hội địa phương, ngài luôn thấy một điều quan trọng là làm sao có dịp gặp gỡ các vị lãnh đạo của các cộng đoàn Kitô và các tôn giáo khác. ĐTC nói:
”Tôi hy vọng thời gian cùng trải qua với nhau này có thể là một dấu chỉ lòng quí chuộng của Giáo Hội đối với các tín đồ của mọi tôn giáo và củng có các mối liên hệ thân hữu đã có giữa chúng ta.
”Nói thật ra, quan hệ của chúng ta đang đặt chúng ta trước những thách đố, và đề ra cho chúng ta những câu hỏi. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đại kết và liên tôn không phải là một điều xa xỉ, không phải là một cái gì thêm vào hoặc là tùy ý, nhưng là điều thiết yếu, là điều mà thế giới của chúng ta bị tổn thương vì xung đột và chia rẽ luôn cần đến.
”Thực vậy, các tín ngưỡng tôn giáo và cách thức thực hành các tín ngưỡng ấy có ảnh hưởng tới con ngừơi và sự hiểu biết của chúng ta về thế giới chúng quan. Những tín ngưỡng ấy là nguồn sáng, sự khôn ngoan và liên đới, và qua đó làm cho xã hội chúng ta đang sống được phong phú. Chúng ta hãy chăm sóc sự tăng trưởng tinh thần cho của các cộng đoàn chúng ta, huấn luyện tâm trí đón nhận sự thật và các giá trị được các truyền thống tôn giáo chúng ta giảng dạy, chúng ta trở thành một phúc lành cho cac cộng đoàn nơi dân của chúng ta sinh sống. Trong một xã hội dân chủ và đa nguyên như hiện nay, sự cộng tác giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và các cộng đoàn liên hệ trở thành một việc phục vụ quan trọng cho công ích.
Sau cùng, ĐTC cũng nhắc đến những kẻ lạm dụng danh Thiên Chúa để thi hành bạo lực. Ngài nói:
”Ở đây tôi nghĩ đến xác tín quan trọng chung của chúng ta, tin rằng Thiên Chúa mà chúng ta tìm cách phụng sự là một Thiên Chúa hòa bình. Không bao giờ được lạm dụng thánh danh của Chúa để biện minh cho oán thù và bạo lực. Tôi biết rằng trong ký ức của quí vị vẫn còn sinh động về những cuộc tấn công dã man ở siêu thị Westgate, tại Đại học Garissa và Mandera. Quá nhiều khi những người trẻ trở nên cực đoan nhân danh tôn giáo để gieo rắc bất thuận và sợ hãi và để xâu xé chính xã hội chúng ta. Thật là điều quan trọng dường nào khi chúng ta được nhìn nhận là những ngôn sứ của hòa bình, những người xây dựng hòa bình mời gọi tha nhân sống trong an bình, hòa hợp và tôn trọng nhau! Xin Đấng Toàn Năng đánh động con tim của những kẻ gây ra bạo lực và ban an bình cho các gia đình và cộng đoàn chúng ta.”
G. Trần Đức Anh OP