Đức Thánh Cha kêu gọi Hội nghị COP21 về sự thay đổi khí hậu


NAIROBI. Đức Thánh Cha kêu gọi chính quyền các nước tham dự Hội nghị COP21 về sự thay đổi khí hậu đặt công ích lên trên tư lợi.

 Hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu sẽ khai diễn ngày 30-11 tới đây tại Paris với sự tham dự của 150 phái đoàn chính phủ các nước. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tháp tùng ĐTC trong chuyến viếng thăm Phi châu, sẽ rời phái đoàn, về Paris tham dự Hội nghị trong tư cách là đại diện Tòa Thánh.   ĐTC đưa ra lời kêu gọi trên đây qua diễn văn trong cuộc viếng thăm trụ sở ở Nairobi, Kenya, của hai cơ quan LHQ ở Phi châu, gọi là UNON, gồm ”Chương trình LHQ về môi sinh”, gọi tắt là UNEF, và Chương trình LHQ định cư con người, gọi tắt là UN-Habitat.

 Khi đến nơi vào lúc 5 giờ chiều ngày 26-11-2015, ĐTC đã được bà Sable Work Zewde, người Ethiopia, Tổng giám đốc trụ sở LHQ ở Phi châu, cùng với các cộng sự viên đón tiếp. Bà hướng dẫn ngài trồng tượng trưng một cây ở vườn trụ sở, trước khi tiến vào hội trường mới của trụ sở để gặp gỡ hàng ngàn người gồm đại diện các nước và các nhân viên hai tổ chức UNEF và UN-Habitat.

 Diễn văn của ĐTC

 Lên tiếng sau lời chào mừng của bà tổng giám đốc Zewde, ĐTC nhắc đến cử chỉ trồng cây và nói bằng tiếng Tây Ban nha:

 ”Trồng một cây, trước tiên, đó là một lời mời gọi tiếp tục chiến đấu chống những hiện tượng như phá rừng và sự lan rộng sa mạc. Điều này nhắc nhớ chúng ta tầm quan trọng của việc bảo vệ và quản trị trong tinh thần trách nhiệm ”những lá phổi của trái đất đầy những sinh vật khác nhau, như lưu vực sông Congo, nơi quan trọng đối với toàn thể trái đất và tương lai của nhân loại”.

 ĐTC nhắc đến hội nghị COP21 ở Paris và khẳng định rằng: ”Trong vài ngày nữa tại Paris sẽ bắt đầu một cuộc gặp gỡ quan trọng về sự thay đổi khí hậu, trong đó cộng đồng quốc tế sẽ tái bàn đến vấn đề này. Thật là buồn, và tôi dám nói rằng, thật là thảm họa, nếu các tư lợi chiếm ưu thế trên công ích và đưa tới sự lèo lái thông tin để bảo vệ các dự án của họ”.

 ”Khí hậu là một công ích của tất cả và cho tất cả mọi người (..) Sự thay đổi khí hậu là một vấn đề hoàn cầu có âm hưởng nặng nề trên các môi trường, xã hội, kinh tế, phân phối cũng như chính trị, và là một trong những thách đố chính hiện nay đối với nhân loại. Câu trả lời cho vấn đề này phải bao gồm một viễn tượng xã hội, để ý đến các quyền căn bản của những người kém may mắn nhất.”

 ĐTC nhận xét rằng hội nghị COP21 ở Paris về sự thay đổi khí hậu là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển một hệ thống mới về năng lượng, ít lệ thuộc các nhiên liệu phiến thạch, nhiều hiệu năng hơn về năng lượng và có cấu trúc nhờ sử dụng năng lượng có ít chất than hoặc không có chất này. Chúng ta đang đứng trước một sự dấn thân chính trị và kinh tế to lớn, hệ tại xét lại và sửa chữa những bất ổn và sai trái trong kiểu mẫu phát triển hiện nay”.

 ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: ”Hiệp định ở Paris trong Hội nghị COP21 có thể gửi một tín hiệu rõ ràng theo chiều hướng đó, với điều kiện chúng ta tránh cám dỗ rơi vào một thứ chủ thuyết duy danh trong những lời tuyên bố nhắm trấn an lương tâm. Chúng ta phải cảnh giác làm sao để các cơ chế của chúng ta thực sự hữu hiệu. Vì thế tôi hy vọng Hội nghị COP21 sẽ đi tới kết quả là một hiệp định toàn cầu, và biến đổi, dựa trên các nguyên tắc liên đới, công bằng, ngay chính và tham gia, hướng đến việc thực thi 3 mục tiêu phức tạp và liên hệ với nhau, đó là làm dịu bớt ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu, chiến đấu chống nghèo đói và tôn trọng phẩm giá con người”… Cần có sự đối thoại chân thành và cởi mở, với sự cộng tác trách nhiệm của tất cả mọi người: các giới chức chính quyền, cộng đồng khoa học, các xí nghiệp và xã hội dân sự”.

 Cuộc viếng thăm trụ sở LHQ UNON là hoạt động cuối cùng của ĐTC trong ngày 26-11-2015 là ngày thứ hai trong cuộc viếng thăm của ngài tại Phi châu.

 Thứ sáu, 27-11-2015, ngài sẽ viếng thăm một khu phố nghèo ở Nairobi, gặp gỡ các bạn trẻ ở sân vận động thành phố và các GM Kenya, trước khi lên đường sang Uganda, chặng thứ hai trong chuyến tông du của ngài ở Phi châu.

 G. Trần Đức Anh OP