Đức Thánh Cha Phanxicô: “Trung Quốc cần phải hoà giải với lịch sử của mình”
WHĐ (04.02.2016) – Lần đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận trả lời phỏng vấn về Trung Quốc, do tờ Asia Times, trụ sở tại Hong Kong, ấn bản Anh ngữ, thực hiện và phát hành ngày 02-02-2016. Cuộc phỏng vấn kéo dài một tiếng đồng hồ, diễn ra tại Vatican, ngày 28-01 vừa qua, do Francesco Sisci, biên tập viên người Ý của tờ báo, đồng thời là nhà nghiên cứu tại trường Đại học Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh, thực hiện.
Trả lời phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã điểm qua nhiều chủ đề, ít nhiều đều liên quan đến Trung Quốc. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha cũng đã gửi lời chúc mừng Tết Nguyên đán đến Chủ tịch Tập Cận Bình và nhân dân Trung Hoa và bày tỏ mong ước “mọi người Trung Hoa sẽ không bao giờ đánh mất ý thức mang tính lịch sử mình là một dân tộc lớn, với một lịch sử minh triết vĩ đại, và mong đất nước này có nhiều đóng góp cho thế giới”. Cuối cùng ngài hy vọng mọi người Trung Hoa tiếp tục “phát triển nhằm giúp sức và cộng tác với tất cả những ai đang gánh vác trách nhiệm chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho mọi dân tộc”.
Không thể đàm đạo về Trung Quốc với một vị giáo hoàng, vốn là tu sĩ Dòng Tên, mà lại không nhắc đến Matteo Ricci, một tu sĩ Dòng Tên thế kỷ 17, đã dành phần lớn đời mình sống ở Trung Hoa. “Kinh nghiệm của cha Ricci cho chúng ta thấy cần phải đối thoại với Trung Quốc vì đây là cả một sự tích lũy về minh triết và lịch sử”. Bày tỏ niềm “ngưỡng mộ” đối với đất nước này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh ngài thật sự “quý trọng” Trung Hoa.
Vì thế không có vấn đề e ngại đối với nước lớn này. Trên bình diện những mối quan hệ quốc tế, “đây là một thách đố lớn đối với việc giữ được sự bình ổn”. Vì thế, cần phải đối thoại, nghĩa là không thỏa hiệp nhưng cùng nhau xây dựng.
Đề cập việc dân số Trung quốc đang già đi, Đức Thánh Cha nói tình trạng không có con quả là “nhức nhối” và nhìn nhận Trung Quốc đã có thay đổi về chính sách gia đình. Trước những khó khăn này, Đức Thánh Cha nhắc lại đề nghị Trung Quốc hãy tiến triển theo đường của mình. “Cần nhận lấy trách nhiệm đối với con đường mình đi”, Đức Thánh Cha lưu ý, đồng thời ngài nói: “các bạn đừng tỏ ra cay đắng, nhưng hãy bình tâm với con đường mình đã chọn, cả khi mắc sai lầm”.
Nói cách khác, “mỗi dân tộc đều phải hoà giải với lịch sử của mình”, nhờ đó sẽ “thêm trưởng thành và phát triển”. “Người sống lành mạnh thì biết thương xót chính mình, chứ không sống tàn ác, bạo liệt”.
Một thách đố khác đối với các gia đình là: cha mẹ phải xa lìa con cái vì công ăn việc làm, đây là tình trạng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Đức Thánh Cha đề nghị phải có “một chủ nghĩa hiện thực lành mạnh”, đó là “phải chấp nhận nguyên nhân phát sinh hiện thực”. Tiếp đến phải “làm việc để cải thiện hiện thực và thay đổi chiều hướng phát triển hiện thực”. Từ đó, Đức Thánh Cha bày tỏ tin tưởng: “Tiềm lực phong phú của Trung Quốc ngày nay là hướng đến tương lai từ hiện tại, một hiện tại biết đặt trên ký ức về nền văn hoá được hình thành trong quá khứ của mình”.
Thành Thi