Đức Thánh Cha phê bình chính sách Âu Châu về tị nạn


ROMA. ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tị nạn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Vương cung thánh đường thánh Bartolomeo ở Roma chiều thứ bẩy 22-4-2017 do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm ”các vị tử đạo mới” trong thế kỷ 20 và 21.

 Mở đầu, Giáo Sư Andrea Riccardi, Sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, đã cám ơn ĐTC và nêu nhận xét: ”Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng trong tư cách là Kitô hữu chúng ta không chiến thắng bằng quyền lực, võ khí, tiền bạc, sự đồng thuận, Kitô hữu không phải là những anh hùng, nhưng họ chỉ có một sức mạnh duy nhất là sức mạnh khiêm tốn của đức tin và tình yêu; họ không cướp mất sự sống nhưng trao ban sự sống, như Chúa Giêsu đã làm, Đấng đã không tự cứu bản thân, và không trốn chạy khỏi Jerusalem”.

 Trong buổi cầu nguyện cho 3 chứng nhân trình bày chứng từ, đặc biệt là bà Roselyne Hamel, em gái của cha Jacques Hamel bị hai tên khủng bố Hồi giáo sát hại hồi năm ngoái ở Pháp. Bà nói: ”Ước gì sự hy sinh của cha Jacques mang lại những hoa trái, để con người ngày nay có thể tìm được con đường sống chung trong an bình”.

 Trong bài giảng sau các bài sách thánh, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng Giáo Hội là Giáo Hội nếu là Giáo Hội của những vị tử đạo, tức là những người đã nhận được ơn tuyên xưng Chúa Giêsu cho đến chết.. và cũng có bao nhiêu vị tử đạo âm thầm, những ngừơi nam nữ trung thành với sức mạnh dịu dàng của tình thương, với tiếng nói của Chúa Thánh Linh, và trong cuộc sống hằng ngày, họ tìm cách giúp đỡ anh chị em và yêu mến Thiên Chúa không chút dè dặt”.

 ĐTC cũng ứng khẩu nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo Lesbo bên Hy Lạp hồi tháng 4 năm 2016, và nói: ”Ngày hôm nay tôi muốn thêm một hình ảnh nữa, đó là những người tị nạn và những cuộc bách hại các tín hữu Kitô.. Khi ở đảo Lesbo, tôi chào những người tị nạn, tôi thấy một người đàn ông khoảng 30 tuổi với 3 đứa con nhỏ, ông nhìn tôi và nói: ”Thưa cha, con là người Hồi giáo, vợ con là tín hữu Kitô và những tên khủng bố đến đất nước chúng con. Họ nhìn chúng con và hỏi xem chúng con theo đạo nào, và khi thấy vợ có một thánh giá, chúng bảo vợ con vứt thánh giá đi. Vợ con không chịu làm theo lời chúng, thế là chúng cắt cổ vợ con ngay trước mặt con. Chúng con rất thương yêu nhau”.

 ĐTC nói tiếp: ”Đó là hình ảnh mà ngày hôm nay tôi mang như một món quà. Tôi không biết người đàn ông ấy còn ở đảo Lesbo hay đã được đi định cư tại nơi hác. Tôi không biết ông ấy có khả năng ra khỏi cái trại tập trung ấy hay không, các trại tị nạn là những trại tập trung, vì có đông chật người tại đó. Người ta bỏ họ tại đó vì những hiệp định quốc tế dường như quan trọng hơn các quyền con người. Người đàn ông tị nạn ấy không nuôi oán hận, ông ta là người hồi giáo đã phải chịu thập giá đau khổ ấy và ông mang thập giá đó không chút oán hận. Ông nương náu trong tình thương của vợ”.

 Sau buổi cầu nguyện, ĐTC còn gặp gỡ và chào thăm những người tị nạn được đến Italia qua hành lang nhân đạo do Cộng đồng thánh Egidio và Ban lãnh đạo Tin Lành Valdesi làm trung gian.

 ĐTC cũng tố giác sự tàn ác chống lại những người di dân và nói: ”Ước gì lòng quảng đại từ miền nam, nơi đảo Lampedusa, Sicilia, và Lesbo có thể lây sang tất cả chúng ta. Chúng ta ở trong nền văn minh không sinh con cái, nhưng chúng ta lại khép kín cửa đối với những người di dân, thái độ này có nghĩa là tự sát. Chúng ta hãy nghĩ đến sự tàn ác mà ngày nay người ta hăng say gây ra cho dân tị nạn, cho sự bóc lột những người đến từ những con thuyền, và họ ở lại đó tại những nước quảng đại, Italia và Hy Lạp đón nhận họ nhưng các hiệp định quốc tế không để họ được đi định cư nơi khác”. Và ĐTC khuyên: ”Nếu tại Italia mỗi thành phố làng xã đón tiếp 2 người di dân thì sẽ có chỗ cho tất cả mọi người” (RG, Repubblica 22-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: Đài Vatican)