Đức Thánh Cha: Thiên Chúa Không Bao Giờ Bỏ Rơi Giáo Hội


Trưa Chúa nhật 9/8/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 2.000 người, gồm các tín hữu Roma và nhiều người hành hương từ các nước tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XIX thường niên năm A về phép lạ Chúa đi trên mặt nước. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Xc. Mt 14,22-33) kể lại Chúa Giêsu đi trên mặt hồ trong bão tố. Sau khi cho đám đông 5.000 người được ăn no, với năm chiếc bánh và hai con cá, – như chúng ta đã thấy Chúa nhật tuần trước – Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ lên thuyền để sang bờ bên kia. Ngài giải tán dân chúng rồi lên một ngọn đồi một mình để cầu nguyện. Ngài chìm đắm trong sự hiệp thông với Chúa Cha.

Các môn đệ gặp khó khăn và Phêrô bị chìm

“Trong cuộc vượt hồ đêm khuya, thuyền của các môn đệ bị khựng lại vì cơn bão bất ngờ. Đến một lúc, các môn đệ thấy có người đi trên mặt nước đến gần họ. Hoảng hồn vì tưởng là ma, họ kêu lên vì sợ hãi. Chúa Giêsu trấn an họ: “Hãy can đảm lên, Thầy đây, đừng sợ!”. Lúc ấy Phêrô đáp: “Lạy Chúa, nếu đúng là Thầy, thì xin truyền cho con được đi trên mặt nước để đến với Thầy”. Và Chúa Giêsu đáp: “Hãy đến!”. Phêrô xuống thuyền và bước đi vài bước, nhưng rồi sóng gió làm cho ông hoảng sợ và bắt đầu chìm. Ông kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con!” và Chúa Giêsu nắm lấy tay ông và nói: “Hỡi người thiếu đức tin, tại sao con nghi ngờ?”

Tín thác vào tình thương của Chúa

Đức Thánh cha giải thích rằng: “Trình thuật này là một lời mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa trong mọi lúc của cuộc sống chúng ta, nhất là trong giờ thử thách và xao xuyến. Khi chúng ta cảm thấy nghi ngờ và sợ hãi mạnh mẽ, và dường như bị chìm, chúng ta không được xấu hổ và kêu lên như Phêrô: “Lạy Chúa, xin cứu con!” (v.30). Đó là một kinh nguyện đẹp! Và cử chỉ của Chúa Giêsu, – giơ ngay cánh tay để nắm lấy tay người bạn của Ngài, – cần được chiêm ngắm lâu dài: Chúa Giêsu là như thế, là bàn tay của Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta; bàn tay mạnh mẽ và trung tín của Chúa Cha, Đấng luôn muốn và chỉ muốn điều tốt lành cho chúng ta. Thiên Chúa không phải là cuồng phong, là hỏa hoạn, động đất, như trong trình thuật hôm nay về ngôn sứ Elia -; Thiên Chúa là làn gió nhẹ không áp đặt nhưng kêu gọi lắng nghe (Xc 1 V 19,11-13). Có đức tin nghĩa là giữa bão tố vẫn giữ tâm hồn hướng về Thiên Chúa, về tình thương của Ngài, sự dịu dàng của người Cha. Chúa Giêsu muốn dạy cho Phêrô và các môn đệ điều đó, và cho cả chúng ta ngày nay. Chúa biết rõ rằng đức tin của chúng ta nghèo nàn và con đường của chúng ta có thể bị chao đảo, bị những thế lực đối nghịch ngăn chặn. Nhưng Ngài là Đấng Phục sinh, là Chúa đã vượt qua cái chết để cứu thoát chúng ta. Cả trước khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm Chúa, Chúa đã hiện diện cạnh chúng ta. Và khi trỗi dậy sau khi sa ngã, chúng ta tăng trưởng trong đức tin. Có lẽ cả chúng ta, trong tối tăm, chúng ta kêu lên: “Lạy Chúa, lạy Chúa! Nghĩ rằng Chúa ở xa. Nhưng Chúa nói: “Ta ở đây!”

Chúa không bỏ rơi Giáo hội

Áp dụng bài Tin mừng vào tình cảnh Giáo hội, Đức Thánh cha nói: “Con thuyền bị bão tố dập vùi là hình ảnh Giáo hội, trong mỗi thời đại đều gặp những gió ngược, và nhiều khi rất mạnh mẽ: chúng ta hãy nghĩ đến những cuộc bách hại dài dẵng và quyết liệt trong thế kỷ vừa qua và cả ngày nay nữa, tại một số nơi. Trong những tình cảnh ấy, có thể có cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa bỏ rơi Giáo hội. Nhưng trong thực tế, chính trong những lúc ấy mà chứng tá đức tin chiếu tỏa rạng ngời, chứng tá tình yêu và hy vọng. Chính sự hiện hiện của Chúa Kitô phục sinh trong Giáo hội của Ngài, ban ơn làm chứng tá cho đến tử đạo, từ đó nảy sinh những tín hữu Kitô mới và những thành quả hòa giải và hòa bình cho toàn thế giới.”

Và Đức Thánh cha kết luận với lời nguyện: “Xin Mẹ Maria chuyển cầu, giúp chúng con kiên trì trong niềm tin yêu, khi bóng đen và bão tố của cuộc sống làm cho niềm tín thác của chúng con nơi Chúa bị khủng hoảng”.

Nhắn nhủ và mời gọi

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến,

“Ngày mùng 6 và mùng 9 tháng 8 năm 1945, cách đây 75 năm, đã xảy ra vụ bỏ bom nguyên tử bi thảm ở Hiroshima và Nagasaki. Tôi xúc động và biết ơn, nghĩ đến cuộc viếng thăm tôi đã thực hiện tại những nơi ấy hồi năm ngoái, và tôi tái kêu gọi cầu nguyện và dấn thân để thế giới không còn võ khí hạt nhân.

Tình trạng đau thương của Liban

“Trong những ngày này tôi thường nghĩ đến Liban. Thảm họa hôm thứ Ba vừa qua, kêu gọi tất cả mọi người, bắt đầu từ những người dân Liban, hãy cộng tác cho công ích của quốc gia yêu quí ấy. Liban có một căn tính đặc biệt, thành quả cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa khác nhau, nổi bật lên qua dòng thời gian như mẫu gương sống chung. Chắc chắn sự sống chung bây giờ rất mong manh, nhưng tôi cầu nguyện để, nhờ sự phù trợ của Thiên Chúa và sự tham gia chân thành của tất cả mọi người, Liban có thể tái sinh tự do và vững mạnh. Tôi mời gọi Giáo hội tại Liban, các giám mục, linh mục, tu sĩ hãy gần gũi với dân tộc trong cuộc khổ nạn này, như đang xảy ra trong những ngày này, với tình liên đới và cảm thương, với con tim và đôi tay rộng mở để chia sẻ. Ngoài ra, tôi lập lại lời kêu gọi quảng đại giúp đỡ từ phía cộng đồng quốc tế. Lạy Đức Trinh Nữ Harissa, Nữ Vương Liban, xin cầu cho chúng con”.

Chào thăm các tín hữu hiện diện

Kế đó, Đức Thánh cha nói: “Tôi chân thành chào thăm tất cả anh chị em, các tín hữu Roma và những người hành hương đến từ các nước khác: các gia đình, các nhóm giáo dân từ các giáo xứ, hội đoàn. Đặc biệt, tôi thào thăm những ngừơi trẻ từ Pianego, thuộc giáo phận Creman, đã đi theo con đường Francigena, từ thành Viterbo đến Roma này (80 cây số)!

“Tôi gửi lời chào thân ái đến các tham dự viên cuộc đua “vòng Ba Lan”, cuộc đua xe đạp quốc tế, năm nay được diễn ra để kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh Gioan Phaolô II.”

Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “Tôi cầu chúc tất cả một Chúa nhật tốt đẹp. Và xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi!”