Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Bộ Giáo Dục Công Giáo


Trong buổi tiếp kiến Bộ Giáo dục Công giáo, sáng ngày 20/02/2020 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô cổ võ một nền giáo dục toàn diện, đặt con người ở trung tâm, bao gồm cả những người bị loại trừ, góp phần xây dựng hòa bình và biết hoạt động theo ê-kíp.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có các tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ Giáo dục Công giáo, tiến hành tại Roma, từ ngày 17 đến 20/20/2020, với sự tham dự của hơn 30 hồng y và giám mục thành viên, trong đó có Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, và một số chuyên gia các ngành.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Hồng y Tổng trưởng Giuseppe Versaldi, Đức Thánh cha nói đến những chiều kích cần phải để ý thực hiện trong việc giáo dục: chiều kích môi sinh, hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, đầy đủ, giúp con người nhận thức bản thân, khám phá tình huynh đệ, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, như căn nhà chung của nhân loại.

Chiều kích “bao gồm” thúc đẩy việc giáo dục tìm đến những người bị loại trừ vì nghèo đói, chiến tranh, đói kém, thiên tai, sự chọn lọc xã hội hoặc những khó khăn gia đình. Chiều kích bao gồm được cụ thể hóa qua các công tác giáo dục cho người tị nạn, các nạn nhân nạn buôn người, di dân, không phân biệt phái tính, tôn giáo hay chủng tộc.

Giáo dục góp phần xây dựng hòa bình

Đức Thánh cha cũng đề cao vai trò của giáo dục trong việc góp phần xây dựng hòa bình, giáo dục là sức mạnh cần nuôi dưỡng chống lại thái độ “tôn thờ cái tôi”, gây ra những rạn nứt giữa các thế hệ, các dân tộc, các nền văn hóa, giữa những người giàu người nghèo.

Tinh thần đồng đội

Sau cùng, Đức Thánh cha cổ võ việc hoạt động ê-kíp trong giáo dục. Giáo dục không bao giờ là hoạt động của một cá nhân hoặc tổ chức đơn độc. Đức Thánh cha nhận xét rằng chiều kích hoạt động ê-kíp này, từ lâu bị khủng hoảng vì thế, ngài cảm thấy cần cổ võ Ngày Hiệp Ước giáo dục hoàn cầu, cử hành vào ngày 14/05 tới đây, và ủy thác cho Bộ Giáo dục Công giáo cổ võ mọi người, thuộc các giới khác nhau, tái tạo “ngôi làng giáo dục”: họp nhau để khơi lại sự dấn thân cho và với giới trẻ, canh tân lòng hăng say đối với một nền giáo dục cởi mở và bao gồm hơn, có khả năng kiên nhẫn lắng nghe, đối thoại xây dựng và cảm thông lẫn nhau”.

(Sala Stampa 20-2-2020)

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu