Đức Thánh Cha tiếp kiến các Thừa Sai lòng thương xót
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến hơn 700 LM thừa sai lòng thương xót chiều ngày 9-2-2016, ĐTC nhắn nhủ các vị hãy biểu lộ lòng từ mẫu của Giáo hội đối với các hối nhân.
Các vị thuộc số 1071 LM thừa sai lòng thương xót thuộc các nước trên thế giới được ĐTC trao ban sứ vụ rao giảng, trao ban lòng thương xót và năng quyền tha các vạ dành quyền giải cho Tòa Thánh. Trong số các vị cũng có một số linh mục Việt Nam.
Trong bài huấn dụ, ĐTC đã trình bày vài chỉ dẫn để sứ vụ của các vị thừa sai được chu toàn thích hợp và như một sự giúp đỡ cụ thể cho bao nhiêu người tìm đến với các vị. Ngài nói:
– Trước tiên tôi muốn nhắc nhở anh em rằng trong sứ vụ này, anh em được kêu gọi biểu lộ lòng từ mẫu của Giáo Hội. Giáo Hội là Mẹ vì luôn sinh ra những người con mới trong đức tin. Giáo Hội là Mẹ cũng vì Giáo Hội trao ban ơn tha thứ của Thiên Chúa, tái sinh vào đời sống mới, thành quả của sự hoán cải. Chúng ta không thể chấp nhận nguy cơ một hối nhân không cảm nghiệm được sự hiện diện từ mẫu của Giáo Hội đón nhận và yêu thương họ”.
– Một khía cạnh quan trọng khác là biết nhìn ước muốn được tha thứ nơi con tim của hối nhân. Đó là một ước muốn thành quả của ơn thánh và hoạt động của ơn thánh trong đời sống con người, giúp họ cảm thấy nhớ nhung Thiên Chúa, tình thương của Chúa và nhà của Ngài… Ước muốn này cần phải được củng cố khi hối nhân quyết định thay đổi cuộc sống và không muốn phạm tội nữa. Đó là lúc họ tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, tin tưởng hoàn toàn mình được Chúa cảm thông, tha thứ và nâng đỡ. Chúng ta hãy dành không gian rộng lớn cho ước muốn Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài.
– ĐTC đặc biệt nói đến yếu tố thứ 3 ít được nói đến, nhưng có vai trò quyết định, đó là sự xấu hổ. .. Người ta cảm thấy xấu hổ vì những gì sai phạm, và phải xưng thú điều ấy với một người khác. Sự xấu hổ là một tâm tình thầm kín ảnh hưởng đến đời sống bản thân và đòi cha giải tội phải có một thái độ tôn trọng và khích lệ.
ĐTC nhắc đến những sự tích trong Kinh Thánh về cảm thức xấu hổ, đặc biệt là sự kiện Ông Noe say rượu và trần truồng, hai người con lấy áo che thân cho cha. ĐTC nói: ”Đứng trước chúng ta cũng có một người ”trần trụi”, với sự yếu đuối và giới hạn của họ, với sự xấu hổ vì là tội nhân. Chúng ta đừng quên: trước mặt chúng ta không có tội lỗi, nhưng là một người tội lỗi thống hối. Một người cảm thấy ước muốn được đón nhận và tha thứ. Một tội nhân hứa không muốn xa rời nhà Cha nữa, và với sức lực ít ỏi còn lại, họ muốn làm tất cả những gì có thể để sống như con cái Thiên Chúa. Vì thế, ĐTC nói, chúng ta không được kêu gọi để xét xử, với một mặc cảm tự cao, như thế chúng ta không mắc tội, trái lại chúng ta được kêu gọi hành động như hai người con ông Noé, Sem và Jafet, lấy chăn phủ thân cho cha mình, khỏi xấu hổ”.
Và ĐTC kết luận rằng ”không phải với chìa khóa phán xét mà chúng ta đưa con chiên lạc trở về chuồng chiên, nhưng với đời sống thánh thiện là khởi đầu sự canh tân và cải tổ trong Giáo Hội. Sự thánh thiện được nuôi dưỡng bằng tình thương và mang trên mình gánh nặng của những người yếu hơn. Thừa sai lòng thương xót mang trên vai mình tội nhân, an ủi họ với sức mạnh của lòng cảm thương” (SD 9-2-2016)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Đài Vatican)