Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Chung Các Tín Hữu Hành Hương: 07/08/2019


Sau 5 thứ Tư tạm ngưng trong tháng 7, cũng là tháng nghỉ hè của Đức Thánh Cha và nhiều nhân viên tại Vatican, lúc quá 9 giờ sáng thứ Tư, 07/08/2019, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến hơn 7 ngàn tín hữu hành hương ngồi chật đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung hằng tuần thứ 280 của Đức Thánh Cha Phanxicô kể khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, trong số này cũng có các buổi tiếp kiến vào những ngày thứ 7 nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, 2016.

Trên bục cao, ở phía bên tay trái của Đức Thánh Cha có 8 GM là những người hướng dẫn các đoàn hành hương của giáo phận thuộc quyền.

Sau phần tôn vinh Lời Chúa, qua một đoạn ngắn của Sách Tông Đồ công vụ kể lại sự tích hai Tông Đồ Phêrô và Gioan chữa lành người què ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp thuộc Đền thờ Jerusalem, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý, bài thứ 5 về sách Tông Đồ công vụ, là cuốn sách nói về cuộc du hành của Tin Mừng trong thế giới và tỏ cho chúng ta sự hợp tác kỳ diệu giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Linh, Đấng khai mào một thời kỳ loan báo Tin Mừng. Hai tác nhân chính, sinh động và hữu hiệu, trong sách Tông Đồ công vụ là Lời Chúa và Chúa Thánh Linh.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong sách Tông Đồ công vụ, việc rao giảng Tin Mừng không phải chỉ được ủy thác cho Lời nói, nhưng còn cho những hoạt động cụ thể làm chứng về sự thật được loan báo. Đó là những “kỳ công và những dấu lạ” (Cv 2,43) xảy ra nhờ hoạt động của các Tông Đồ, và có tác dụng củng cố lời nói của của vị, đồng thời chứng tỏ rằng các Tông Đồ hành động nhân danh Chúa Kitô. Vì thế các Tông Đồ chuyển cầu, can thiệp, và Chúa Kitô hành động, “cùng hành động với các Tông Đồ”, xác nhận Lời rao giảng bằng những dấu chỉ đi kèm (Mc 16,20) (..)

Hôm nay, chúng ta vừa nghe trình thuật đầu tiên của sách Tông đồ công vụ về việc chữa lành. Trình thuật này có một mục tiêu truyền giáo rõ rệt, nhắm khơi lên đức tin. Phêrô và Gioan đến Đền Thờ để cầu nguyện, trung tâm cảm nghiệm đức tin của Israel, mà các tín hữu Kitô đầu tiên vẫn còn gắn bó chặt chẽ (..). Thánh Luca ghi lại: “vào giờ thứ 9, tức là 3 giờ chiều, khi hy tế được cử hành trong nghi thức toàn thiếu, như dấu chỉ hiệp thông của dân với Thiên Chúa; và đó cũng là giờ Chúa Kitô chịu chết, hiến dâng bản thân “một lần cho tất cả” (Dt 9,12; 10;10). Khi đến cửa Đền thờ gọi là “Cửa Đẹp” hai Tông Đồ thấy một người hành khất, một người bị bất toại từ khi sinh ra. Luật Môisê (Xc Lv 21.18) không cho những người bị khuyết tật thể lý được dâng các hy tế, vì những khuyết tật này bị coi là hậu quả của một tội lỗi nào đó (…). Và sau đó, họ cũng bị cấm không được vào Đền Thờ.

Người què, tượng trưng cho bao nhiêu người bị loại bỏ và gạt ra ngoài lề xã hội, ông ta ở đó, xin của bố thí như ông vẫn làm mọi ngày (..). Bất ngờ xảy ra một cái gì đó: Phêrô và Gioan đi đến nơi, và khi ấy xảy ra một sự trao đổi cái nhìn. Người què nhìn hai vị để xin làm phúc, trái lại hai Tông Đồ nhìn ông ta, mời gọi ông hãy nhìn hai vị một cách khác, để nhận được một món quà khác. Người hành khất nhìn 2 Tông đồ và Phêrô nói: “Vàng bạc tôi không có, nhưng điều mà tôi có thì tôi cho anh: nhân danh Chúa Giêsu Kitô thành Nazareth, anh hãy đứng lên mà đi!” (Cv 3,6). Các Tông đồ đã thiết lập ngay một liên hệ, vì đó là cách thức Thiên Chúa ưa tỏ mình ra, trong quan hệ, qua một cuộc gặp gỡ thực sự giữa con người, cuộc gặp gỡ ấy chỉ có thể xảy ra trong tình thương.

Đền thờ, không những là một trung tâm tôn giáo, nhưng cũng là nơi trao đổi kinh tế và tài chánh: hơn một lần các ngôn sứ và cả Chúa Giêsu cũng đã chống lại việc biến Đền thờ thành nơi trao đổi như thế (Xc Lc 19,45-46). Bao nhiêu lần tôi nghĩ đến điều này khi thấy có vài giáo xứ tại đó người ta nghĩ rằng tiền bạc quan trọng hơn các bí tích! Giáo Hội nghèo: chúng ta hãy xin Chúa ơn này.

Người hành khất ấy, khi gặp các Tông đồ, không kiếm được tiền bạc, nhưng tìm được Danh cứu độ con người: đó là Chúa Giêsu Kitô thành Nazareth. Phêrô kêu cầu danh Chúa Giêsu, truyền cho người bất toại đứng lên, trong vị thế của người sống, và động đến người bệnh, nghĩa là cầm tay và nâng người ấy trỗi dậy, một cử chỉ qua đó thánh Gioan Kim Khẩu thấy đó là “hình ảnh sự phục sinh” (Bài giảng về sách Tông đồ công vụ, 8). Ở đây bức chân dung của Giáo Hội được tỏ lộ: Giáo Hội thấy người ở trong tình trạng khó khăn, nhưng không nhắm mắt bỏ qua, Giáo Hội biết nhìn tận mắt nhân loại để kiến tạo những tương quan đầy ý nghĩa, những nhịp cầu thân hữu và liên đới thay vì những hàng rào. Ta thấy xuất hiện khuôn mặt “của một Giáo Hội không biên giới, cảm thấy mình là mẹ của tất cả mọi người” (Evangelium gaudium, 210), biết cầm tay và đồng hành để nâng con người lên (…). Đó là “nghệ thuật đồng hành”, mang đặc tính tế nhị khi đến gần “nơi thánh của tha nhân”, mang lại cho hành trình “một nhịp độ gần gũi lành mạnh, với cái nhìn tôn trọng và đầy cảm thương nhưng đồng thời cũng có tính chất lành mạnh, tự do và khích lệ trưởng thành trong đời sống Kitô” (Ibd 169) (..)

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Phêrô và Gioan dạy chúng ta đừng tín thác nơi các phương tiện, tuy chúng hữu ích, nhưng hãy tín thác nơi sự phong phú ích thực là tương quan với Đấng Phục Sinh. Thực vậy – như thánh Phaolô đã nói – “Họ nghèo, nhưng có khả năng làm cho nhiều người được phong phú; như những người chẳng có gì, nhưng thực tế họ lại sở hữu tất cả” (2 Cr 6,10). Toàn thể những gì chúng ta có là Tin Mừng, biểu lộ quyền năng của danh Chúa Giêsu, Đấng thực hiện những kỳ công.

Và Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Còn chúng ta, chúng ta sở hữu cái gì? Đâu là sự giàu sang, kho tàng của chúng ta? Chúng ta có thể làm cho người khác trở nên giàu có nhờ cái gì? Chúng ta hãy xin Chúa Cha hồng ân được một trí nhớ biết ơn, khi nhớ lại những ơn lành tình thương của Chúa trong đời sống chúng ta, để làm chứng cho mọi người về sự ngợi khen và lòng biết ơn”.

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh lần lượt tóm tắt ý chính bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong các ngôn ngữ chính, kể cả tiếng Arập…, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh Cha dành cho các đoàn hành hương.

Chẳng hạn bằng tiếng Pháp, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ đến từ thành Toulouse, các tín hữu thuộc giáo xứ Russ. Ngài nói: Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha ơn được tưởng nhớ với lòng biết ơn những ơn lành tình thương của Chúa trong đời sống chúng ta. Xin Chúa Thánh Linh giúp chúng ta làm chứng về Chúa trong việc ngợi khen Chúa và qua việc phục vụ tha nhân.

Trong số những người được Đức Thánh Cha chào bằng tiếng Anh, cũng có các tín hữu đến từ đảo Malta, Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha cầu chúc các tín hữu nghỉ hè tốt đẹp, như một cơ hội để nghỉ ngơi, và cũng như dịp để làm cho những quan hệ tình thương với Thiên Chúa và con người được sinh động. Ngài nói: “Anh chị em đừng lơ là với việc cầu nguyện hằng ngày, tham dự Thánh Lễ chúa nhật và chia sẻ thời gian với những người khác. Hãy chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên, chúc tụng sự toàn năng, khôn ngoan và tình thương của Đấng Tạo Hóa…

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha chào thăm các nữ tu thuộc dòng Nữ Tử Thừa Sai Thánh Gia Nazareth và Nữ tử Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và những đau khổ của Mẹ Maria. Các chị đang tham dự Tổng Hội của dòng liên hệ. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở cho các tín hữu rằng ngày 9-8 tới đây, chúng ta sẽ mừng kính thánh Nữ Bernadatte Thánh Giá, tục danh là Edith Stein, trinh nữ tử đạo, Đồng bổn mạng của Âu Châu. Ngài nói: “Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy nhìn ngắm sự chọn lựa can đảm của Thánh Nữ, được biểu lộ qua sự hoán cải chân thành, trở về cùng Chúa Kitô, và qua sự hiến dâng mạng sống của thánh nữ chống lại mọi hình thức bất bao dung và sa đọa ý thức hệ.”

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.

Sau đó, Đức Thánh Cha còn đứng lại để bắt tay chào thăm hàng chục người, đặc biệt là các chị em khuyết tật và bệnh nhân, ngồi ở hàng đầu trong Đại thính đường.

G. Trần Đức Anh, O.P.   Roma

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu