Đức Thánh Cha viếng thăm tổ chức Lương nông quốc tế (FAO)
VATICAN. ĐTC kêu gọi khắc phục các cuộc xung đột và sự thay đổi khí hậu trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh lương thực trên thế giới.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng ngày 16-10-2017 trong cuộc viếng thăm Tổ chức lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, ở Roma, nhân ngày Thế giới về lương thực.
FAO hiện có 194 quốc gia thành viên, mỗi quốc gia đóng góp tùy theo khả năng của mình. Với các ngân khoản này, FAO hoạt động cho các nước thành viên. Một số quốc gia đóng góp thêm để nâng đỡ các dự án tại chỗ.
ĐGH Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 viếng thăm tổ chức Fao. Vị đầu tiên là Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô 6 ngày 16-11 năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức quốc tế này. ĐGH Biển Đức 16 đã đến thăm tổ chức Fao hồi tháng 11 năm 2012 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực.
Khi tới tổ chức FAO, ĐTC đã làm phép pho tượng bằng cẩm thạch diễn tả hai trẻ em: một em tên là Aylan tị nạn người Siria chết đuối trước bãi biển Bodrum ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10 năm 2015 và một em đang khóc. Tượng cao 75 phân, dài hơn 1 mét 7 và rộng 1 mét 2, nạng 9 tạ do Tòa Thánh thuê tạc để tặng cho tổ chức FAO.
Diễn văn của ĐTC
Trong bài diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC nhắc đến những thành tựu của những cố gắng cho đến nay trong việc chống nạn đói và giải quyết nạn thiếu lương thực, nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến thách đố đang được đề ra cho cộng đồng quốc tế và nói rằng:
”Bối cảnh những tương quan quốc tế cho thấy khả năng ngày càng gia tăng trong việc mang lại câu trả lời cho những mong đợi của gia đình nhân loại, cũng như những đóng góp của khoa học và kỹ thuật, nghiên cứu và đề ra các giải pháp thích hợp. Tuy nhiên những thành tựu này chưa thành công trong việc xóa bỏ tình trạng bị loại trừ của một phần lớn dân chúng thế giới: họ là nạn nhân của nạn suy dinh dưỡng, chiến tranh, thay đổi khí hậu. Bao nhiêu người thiếu công ăn việc làm và những thiện ích cơ bản và buộc lòng phải rời bỏ quê hương, chịu bao nhiêu hình thức bóc lột kinh khủng.”
ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Chúng ta chỉ có thể bàn đến tương quan giữa nạn đói và di cư nếu đi tới căn cội của vấn đề. Về khía cạnh này, các nghiên cứu do LHQ thực hiện, cũng như bao nhiêu nghiên cứu do các tổ chức của xã hội dân sự, đều đồng ý ở điểm này là có hai chướng ngại chính cần khắc phục: đó là các cuộc xung đột và những thay đổi khí hậu.
Làm sao khắc phục các xung đột? Công pháp quốc tế chỉ cho chúng ta những phương thế để phòng ngừa và giải quyết các xung đột một cách mau lẹ, bằng cách tránh nạn hán đừng xảy ra và kéo dài, và sự phá hủy các tế bào xã hội. Chúng ta hãy nghĩ đến các dân tộc bị tàn hại vì chiến tranh đã kéo dài từ nhiều thập niên, và lẽ ra những xung đột ấy có thể tránh được hoặc ít là hạn chế, nhưng trái lại chúng làm lan tràn các hậu quả tàn khốc trong đó có tình trạng bấp bênh về lương thực và nhiều người phải di tản. Cần có thiện chí và đối thoại để ngăn chặn các xung đột và sự dấn thân hoàn toàn nhắm tới một sự dần dần và có hệ thống giải trừ võ trang như Hiến chương LHQ đã dự trù, cũng như để sửa chữa tai ương là nạn buôn bán võ khí. Tố giác sự kiện các cuộc xung đột võ trang làm cho hàng triệu người bị đói và suy dinh dưỡng có ích gì nếu không thực hiện một cách hữu hiệu những công tác kiến tạo hòa bình và giải trừ võ trang?
– Về những thay đổi khí hậu, chúng ta thấy hậu quả của nó mỗi ngày. Nhờ những kiến thức khoa học, chúng ta biết cách thức đối phó với các vấn đề, và cộng đồng quốc tế đã đề ra những văn kiện pháp lý cần thiết, ví dụ Hiệp định Paris, mà rất tiếc là một số nước đang từ bỏ. Dầu vậy, người ta thấy tái xuất hiện thái độ cẩu thả thờ ơ đối với những quân bình mong manh của các hệ thống môi sinh, chủ chương lèo lái và kiểm soát các tài nguyên hạn hẹp của trái đất, sự ham hố lợi lộc. Vì thế, cần cố gằng cổ võ một sự đồng thuận cụ thể và thực tiễn nếu chúng ta muốn tránh các hậu quả bi thảm hơn, sẽ tiếp tục đổ xuống trên những người nghèo nhất và vô phương thế tự vệ. Chúng ta được kêu gọi đề nghị một lối sống, trong việc sử dụng các tài nguyên, các tiêu chuẩn sản xuất, cho đến sự tiêu thụ, liên quan đến các lương thực, khiến cho sự thất thoát gia tăng. Chúng ta không thể trấn an mình và nói rằng “những người khác sẽ làm thay chúng ta”.
”Tôi nghĩ những điều đó là điều tiên quyết đối với bất kỳ diễn văn nghiêm túc nào về an ninh lương thực, trong tương quan với hiện tượng di cư. Hiển nhiên là chiến tranh và những thay đổi khí hậu gây ra nghèo đói, nhưng chúng ta cần tránh trình bày nó như một thứ bệnh bất trị. Những dự đoán gần đây do các chuyên gia của quí vị đề ra cho biết sẽ có sự gia tăng sản xuất ngũ cốc, làm gia tăng đáng kể số dự trữ của thế giới. Sự kiện này mang lại cho chúng ta hy vọng và chỉ cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta làm việc và quan tâm tới những nhu cầu, tránh nạn đầu cơ, thì sẽ đạt được những kết quả. Thực vậy, lương thực thường bị bỏ mặc cho nạn đầu cơ, người ta chỉ đo lương chúng theo mức độ lợi nhuận kinh tế của các nhà đại sản xuất, hoặc trong tương quan với dự báo về mức tiêu thụ, chứ không theo những nhu cầu thực sự của con người.. Vì thế, người ta tạo điều kiện cho các xung đột và những phung phí, làm tăng số người nghèo trên thế giới, họ phải tìm kiếm tương lai xa lãnh thổ nguyên quán của họ.”
Trong việc đề ra những đường hướng để giải quyết những thách đố trên đây, ĐTC nói:
”Tôi tự hỏi và cũng đặt câu hỏi cho quí vị: Phải chăng là điều thái quá khi du nhập vào ngôn ngữ cộng tác quốc tế những từ ngữ như tình thương, cùng với đặc tính nhưng không, đối xử bình đẳng, liên đới, nền văn hóa trao tặng, tình huynh đệ, từ bi thương xót? Những từ này thực sự diễn tả nội dung thực tế của từ ”nhân đạo”, rất được sử dụng trong các hoạt động quốc tế. Yêu thương anh chị em, đề ra sáng kiến mà không mong đợi được đáp lại, đó là nguyên tắc Tin Mừng chủ yếu cũng có trong lối diễn tả của nhiều nền văn hóa và tôn giáo, trở thành nguyên tắc nhân đạo, trong ngôn ngữ của những tương quan quốc tế. Cần làm sao để ngành ngoại giao và các tổ chức đa phương nuôi dưỡng và điều hợp khả năng yêu thương này, vì đó là con đường tốt nhất bảo đảm không những an ninh lương thực, nhưng cả an ninh của con người trong chiều kích hoàn cầu. Chúng ta không thể chỉ thực hiện điều mà những người khác đang làm, và không chỉ giới hạn vào lòng thương xót, vì lòng thương xót chỉ giới hạn vào những cứu trợ cấp thiết, trong khi đó tình thương gợi hứng cho công lý và là điều thiết yếu để thực hiện một trật tự xã hội công chính giữa các thực tại khác nhau, mong muốn có sự gặp gỡ nhau. Yêu thương có nghĩa là góp phần để mỗi nước gia tăng sản xuất và đạt tới sự tự túc về lương thực. Yêu thương được biểu lộ qua việc nghĩ đến những kiểu mẫu mới trong việc phát triển và tiêu thụ, và chấp nhận những chính sách không làm cho tình trạng dân chúng kém phát triển trợ nên đồi tệ hơn, và gia tăng sự lệ thuộc ngoại viện của họ. Yêu thương có nghĩa là không tiếp tục phân chia gia đình nhân loại thành những người sống dư thừa và những người thiếu thốn những điều cần thiết nhất”.
Trong phần kết luận, ĐTC kêu gọi đại diện các nước: ”Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu của bao nhiêu anh chị em chúng ta bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ: ”Tôi đói, tôi là người ngoại quốc, tôi trần trụi, tôi yếu đau, tôi bị giam giữ trong một trại tị nạn”. Đó là một lời thỉnh cầu công lý, chứ không phải là một lời kêu xin hoặc là một tiếng kêu cấp thiết. Cần làm sao để ở mọi cấp độ có sự đối thoại rộng rãi và chân thành để tìm ra những giải pháp tốt đẹp nhất và đạt tới một quan hệ mới giữa các tác nhân khác nhau trên trường quốc tế, mang tinh thần trách nhiệm hỗ tương, liên đới và hiệp thông”.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican