FABC: Kho Tàng Chôn Dấu Của Vatican II Tại Châu Á


Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB

DẪN NHẬPKINH NGHIỆM CÁ NHÂN VỚI FABC

LỊCH SỬ VẮN GỌN CỦA FABC: XUẤT PHÁT TỪ VATICAN II

FABC TRONG DÒNG CHẢY VỚI GIÁO HỘI HOÀN VŨ

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG THẦN HỌC MỤC VỤ CỦA FABC

KẾT LUẬN

DẪN NHẬP

Giáo hội tại Châu Á, dưới sự thúc đẩy của tiến trình chuẩn bị cho Synod 2024, mới cử hành kỷ niệm 50 năm thành lập của mình. Đó là một biến cố có tầm quan trọng của Giáo hội tại Châu Á, bất chấp thực tế là con số tín hữu tại Việt Nam biết về điều này là rất khiêm tốn. Dịp kỷ niệm FABC (Liên Hội đồng Giám mục Á châu) được 50 năm mới được cử hành, và có lẽ dư âm của nó hy vọng vẫn đang nóng bỏng, nên tôi cũng muốn chia sẻ đôi dòng về nó. Chủ đề tôi bàn đến là: FABC, Kho tàng Vatican II bị chôn giấu tại Châu Á. Đúng hơn, có lẽ nên nói: FABC, Kho tàng bị chôn giấu của Vatican II tại Việt Nam. Hy vọng nhờ đó các tín hữu tại Việt Nam biết đến và yêu mến FABC hơn chút nào đó. Ước nguyện bé nhỏ của tôi là đây, bởi lẽ thực tại này chính tôi đã trải nghiệm trong nhận thức đức tin.

Để diễn đạt điều này, tôi sẽ gợi nhắc kinh nghiệm của tôi về FABC; rồi tôi vắn gọn bàn đến lịch sử của nó, như hoa trái đầu tiên của Vatican II tại các Giáo hội Á Châu. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết được FABC tiến bước cùng với toàn Giáo hội ra sao qua những chủ đề của mình. Trước khi kết thúc, tôi sẽ đưa ra vài chiều hướng thần học và mục vụ mà Giáo hội Á châu qua FABC muốn cống hiến.

KINH NGHIỆM CÁ NHÂN VỚI FABC

Khi bắt đầu tìm đề tài để viết luận án của mình, tôi đã dự định viết về nhà thần học Yves Congar. Để được hướng dẫn cụ thể, tôi đến gặp cha giáo sư Kenan Osborne, OFM và trao đổi với ngài. Nghe tôi trình bày xong, ngài không phủ bác, nhưng cho tôi một gợi ý: anh là người Á Châu, tại sao lại không viết về Giáo hội tại Châu Á? Tôi hỏi lại làm sao mà viết được, vì có tài liệu gì đâu mà viết. Ngài làm tôi sững sờ khi nói rằng có rất nhiều tài liệu nói về FABC. Tôi xin thú nhận: cho đến lúc đó, ngay cả danh xưng FABC tôi chưa hề nghe nói đến. Chính từ gợi ý đó, tôi bắt đầu lần mò tìm tòi để viết luận văn của tôi. Tôi tìm được các địa chỉ của FABC để liên hệ những tài liệu cần thiết, chẳng hạn như tờ báo gọi là FABC Papers. Và tôi được giúp đỡ tận tình. Cũng trong thời gian này, các Giáo hội tại Châu Á chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục tại Châu Á do sáng kiến của Đức Gioan Phaolô II, với kết quả được đúc kết lại trong Tông huấn Ecclesia in Asia của ngài. Trong tiến trình tìm tòi này, tôi tìm hiểu những điểm mà FABC kiên nhẫn suốt bao năm trời để giới thiệu cho Giáo hội hoàn vũ những nghĩ suy thần học mục vụ của mình. Được thêm giáo sư Peter Phan giúp đỡ, tôi dần nhận biết rõ hơn những phúc lành và thách đố mà FABC mang đến cho toàn thể Giáo hội, ngay cả giữa những ngờ vực nào đó của một số nhân vật của Giáo triều; điều này ta có thể tìm thấy trong tiến trình đóng góp cho Thượng Hội đồng Giám mục tại Châu Á[1].

Khi về quê hương, lần đầu tiên tôi đề cập đến FABC cho các sinh viên chủng sinh. Tôi cũng bắt gặp cùng một thực tế như tôi trước kia: FABC hoàn toàn xa lạ trong tâm tư lẫn học thuật của sinh viên. Lần đầu tiên khi giới thiệu FABC và xu hướng làm thần học cho mục vụ, tôi cũng nhận ra tu sĩ và chủng sinh tại Việt Nam đều mù tịt về FABC. Danh xưng FABC chưa một lần vang lên trong tai họ, nói chi đến những định hướng thần học và mục vụ. Tuy nhiên, tôi đã bớt ngạc nhiên hơn bởi biết rằng FABC chẳng hề bắt buộc một Giáo hội Á Châu nào phải tiếp nhận mình. Đây là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện, với những điều lệ của nó, cho bất kỳ Hội đồng Giám mục quốc gia nào. Dù sao, tôi vẫn cứ tiếp tục giới thiệu FABC trong những môn học tôi phụ trách. Cùng khoảng thời gian đó, tôi được Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc cử làm thành viên của FABC/OTC (Office of Theological Concerns, Văn phòng những Quan tâm thần học). Nhờ đó, tôi được gặp gỡ làm việc với các thần học gia Á Châu, hiểu rõ hơn về những định hướng thần học Á Châu trong cuộc đối thoại với Giáo hội hoàn vũ cũng như có thể góp phần nhỏ nào đó của Giáo hội tại Việt Nam vào những mối ưu tư chung. Từ đó, mối tương giao của Giáo hội Việt Nam với FABC được nở rộ hơn cho đến ngày huy hoàng: FABC X họp tại Xuân Lộc, Việt Nam, năm 2012.

LỊCH SỬ VẮN GỌN CỦA FABC: XUẤT PHÁT TỪ VATICAN II

Trong luận văn của tôi, tôi đã trình bày FABC như hoa trái đầu tiên của Vatican II tại Châu Á. Đó là một trong những minh chứng Vatican II được tiếp nhận phong phú trong các Giáo hội Á châu[2]. Thật vậy, Vatican II khai mạc và kết thúc từ năm 1962 đến 1965. Trong thời gian đó, các Giám mục Á châu nhận ra một lỗ hổng là các Giáo hội tại Châu Á còn rất xa lạ với nhau, nhất là khi Vatican II nhấn mạnh nhiều đến các tương giao giữa các Giáo hội chị em. Ý thức về sự thiếu sót này càng sâu sắc hơn khi đối diện với trào lưu chính trị, xã hội và kinh tế tại Châu Á: các quốc gia Á châu đang liên đới với nhau nhiều hơn để có thể mạnh mẽ sánh vai với các quốc gia Âu Mỹ. Chính vì thế, các ngài quyết định phải tạo nên một tổ chức bền vững nào đó để cổ xuý được tình liên đới như dấu biểu lộ Giáo hội-hiệp thông và bí tích của ơn cứu độ cho Châu Á.

Khát vọng đó trở nên hiện thực nhân dịp Đức Phaolô VI thăm viếng Philippines, như một phần trong ao ước loan báo Tin Mừng. Chính trong dịp này, 180 Giám mục Á châu đã họp nhau (ABM, Asian Bishops’ Meeting). Cuộc họp đó có thể coi là tiền thân của FABC[3]. Trong phiên họp quan trọng này có sự góp mặt của các Giám mục Việt Nam. Có thể nói, Giáo hội tại Việt Nam luôn cùng bước đi với FABC ngay từ giai đoạn đầu cho đến nay. Giữa nhiều quan tâm khác, ABM đã cho thấy ít là hai quan tâm chính: xây dựng một Giáo hội bản địa thật sự trong mối liên hệ, hiệp thông chặt chẽ với Giáo hội hoàn vũ với một sự tự quản chân chính. Đồng thời, cố gắng tạo nên một thần học bản địa lại nhằm đến hỗ trợ nhau trước sứ mệnh loan báo Tin mừng tại Châu Á, vốn là một thách đố cực kỳ cam go bởi số Kitô hữu ít ỏi và bị bách hại, bị coi là xa lạ với chính anh chị em của mình. Cuộc họp đó cũng đặt ra cung giọng, phong thái của FABC sau này: suy tư thần học phải hướng tới mục vụ và những mục vụ phải được đi kèm bởi suy tư thần học[4]. Những thách đố tại Châu Á được nhìn dưới góc cạnh cơ hội nhiều hơn là đe doa. Và cũng từ đó khai sinh một phương pháp luận chủ yếu được gọi là AsIPA (lối tiếp cận mục vụ toàn diện của Châu Á)[5].

Từ cuộc họp đầu tiên đó, những điều lệ của FABC bắt đầu được soạn thảo và rồi được chấp nhận thử nghiệm năm 1972. Bản Điều lệ này làm lộ ra tính chất tự do chấp nhận những thành quả của FABC. Tổ chức này không hề mang tính chất bó buộc đối với bất kỳ Hội đồng Giám mục nào, cũng như bất kỳ Giám mục nào tại Châu Á. Tham gia vào FABC hoàn toàn mang tính cách tự nguyện. Và những quyết định, đúng hơn những đường nét được FABC đề ra mang tính chất đề nghị, những đề nghị rất hữu ích bởi chúng được tìm tòi, suy tư và rút tỉa từ những kinh nghiệm của các Giáo hội khác. Đây là điểm làm nên sự khác biệt giữa Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) với Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La-tinh (CELAM: El Consejo Episcopal Latinoamericano y Caribeño / Episcopal Conference of Latin America)[6].

Với lục địa Á Châu rộng lớn, FABC là một tổ chức của các Giám mục vượt các quốc gia. Nó có “những thành viên toàn vẹn: Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào-Cambodia, Malaysia- Singapore-Brunei, Myanmar (Burma), Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam. Số khác là thành viên liên kết (associate): Hong Kong, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macau, Mông Cổ, Nepal, Siberia, Tadjikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan. Do tư cách thành viên của mình trong Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn độ (CBBI), cả hai Giáo hội Công giáo Đông phương Syro-Malabar và Syro-Malankara cũng là thành viên và tham gia vào tư cách lãnh đạo và hoạt động của FABC. Còn Tây Á (Trung Đông) có cấu trúc vượt quốc gia của mình, Hội đồng của các Thượng phụ Công giáo của Đông phương hay CPCO không thuộc FABC”[7].

Qua đồ hình sau đây, ta có thể hiểu phần nào. FABC không có vị chủ tịch, nhưng sẽ là một ban điều hành.

CẤU TRÚC FABC[8]

FABC TRONG DÒNG CHẢY VỚI GIÁO HỘI HOÀN VŨ

Khi chấp nhận cho FABC thử nghiệm, Đức Phaolô VI yêu cầu FABC phải đi theo dòng chảy của Giáo hội hoàn vũ, hoàn toàn trình bày một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong sắc thái Á Đông mà điểm nổi bật của nó là tính tôn giáo, sự hài hòa phong phú của các văn hóa và tôn giáo cũng như sức sống của những người nghèo. Lối đi đó, FABC nỗ lực bước theo mọi lúc[9]. Chứng cớ cho điều này, ta có thể nhận thấy nơi các chủ đề được FABC tìm hiểu. Theo điều lệ, cứ bốn năm một lần, FABC sẽ tổ chức phiên họp khoáng đại về một chủ đề vốn thường hợp theo những chủ đề được Thượng Hội đồng Giám mục (Synod) bàn luận. Từ đầu cho đến giờ, FABC đã tìm hiểu những chủ đề sau:

FABC I: Loan báo Tin Mừng trong Châu Á tân tiến ngày nay

–   Taipei, Taiwan, 22-27 tháng Tư, 1974

–   tham dự viên: 50 Giám mục, 100 linh  mục  và  những  người khác

FABC II: Cầu nguyện – Sự sống của Giáo hội Á châu

–   Calcutta, India, 19-25 tháng Mười Một, 1978

–   tham dự viên: 44 Giám mục bỏ phiếu, 11 Giám mục không bỏ phiếu, 28 người khác

FABC III: Giáo hội – Một Cộng đoàn Đức tin ở Châu Á

–   Samphran, Thailand, 20-27 tháng Mười, 1982

–   tham dự viên: 37 Giám mục bỏ phiểu, 20 Giám mục không bỏ phiếu, 81 người khác

FABC IV: Ơn gọi và Sứ mệnh của Giáo dân trong Giáo hội và trong Thế giới Á châu

–   Tokyo, Japan, 16-25 tháng Chín, 1986

–   tham dự viên: 41 Giám mục bỏ phiếu, 36 Giám mục không bỏ phiếu, 82 người khác

FABC V: Những thách đố trồi hiện lên cho Giáo hội ở Châu Á trong thập niên 1990: Một tiếng gọi đáp ứng (Cách thức mới để là Giáo hội)

–   Bandung, Indonesia, 17-27 tháng Bảy, 1990

–   tham dự viên: 50 Giám mục bỏ phiếu, 36 Giám mục không bỏ phiếu, 70 người khác

FABC VI: Tư cách môn đệ Chúa Kitô ở Châu Á ngày nay: phục vụ sự sống

–   Manila, Philippines, 10-19 tháng Giêng, 1995

–   tham dự viên: 58 Giám mục bỏ phiếu, 119 Giám mục không bỏ phiếu, 67 người khác

FABC VII: Một Giáo hội được canh tân ở Châu Á: một sứ mệnh yêu thương và phục vụ

–   Samphran, Thailand, 3-12 tháng Giêng, 2000

–   tham dự viên: 70 Giám mục bỏ phiếu, 25 Giám mục không bỏ phiếu, 98 người khác

FABC VIII: Gia đình Á châu hướng tới một nền Văn hóa sự sống toàn diện

–   Daejeon, South Korea, 17-23 tháng Tám, 2004

–   tham dự viên: 59 Giám mục bỏ phiếu, 25 Giám mục không bỏ phiếu, 38 người khác

FABC IX: Sống Thánh Thể ở Châu Á

–   Manila, Philippines,10-16 tháng Tám, 2009

–   tham dự viên: 65 Giám mục bỏ phiếu, 27 Giám mục không bỏ phiếu, 43 người khác

FABC X: FABC tròn 40 năm – Đáp lại những thách đố của Châu Á: một cuộc Tân Phúc Âm hóa

–   Xuân Lộc, Việt Nam, 10-16 tháng Mười, 2012.

–   tham dự viên: 111 người (7 Hồng y, 69 Giám mục, 35 linh mục, tu sĩ và giáo dân).

FABC XI: Gia đình tại Châu Á: Giáo hội tại gia của những người nghèo thực thi một sứ mệnh của lòng thương xót

–   Colombo, Sri Lanka – 25 tháng Mười Một đến 6 tháng Mười Hai, 2016

–   tham dự viên: 11 Hồng y, 22 Tổng Giám mục, 53 Giám mục, 31 linh mục, 2 tu sĩ và 18 giáo dân.

Để ghi dấu 50 năm, FABC mở một Đại hội chung (General Conference). Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19, Đại hội chung năm 2020 được hoãn tới năm 2022; Đại hội này nhằm kỷ niệm cũng như phác họa hướng đi cho những năm sắp tới trước những câu hỏi quan trọng liên quan đến Giáo hội tại Châu Á cũng như Giáo hội ấy đóng góp thế nào để kiến tạo một Châu Á tốt hơn khi đáp ứng những thách đố của thời hiện tại. Hội nghị này diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, tại Trung tâm mục vụ Baan Phu Waan từ 12 đến 30 tháng Mười, 2022. Hẳn nhiên, Đại hội này cũng muốn đáp lại tiếng gọi của Giáo hội hoàn vũ trong việc chuẩn bị Synod 2024 sắp tới.

Suốt 50 năm qua và tiếp theo, được khai sinh từ tinh thần và lối thiêng mục vụ của Vatican II, FABC đã đóng góp phần của mình vào gia sản đức tin của Giáo hội hoàn vũ cách độc đáo như lời nhận định: “FABC đóng góp lớn lao cho thần học: là triển khai một thần học về các tôn giáo từ một viễn cảnh Á châu; là khai phá mối tương quan giữa Giáo hội và Vương quyền Thiên Chúa trong một bối cảnh đa tôn giáo; là hiểu Giáo hội địa phương với sự nhấn mạnh đặc biệt đến những khía cạnh văn hoá, xã hội và chính trị; là khám phá ý nghĩa và tầm quan trọng của đối thoại; là cống hiến những viễn cảnh mới về sứ vụ/truyền giáo và loan báo Tin Mừng”[10].

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG THẦN HỌC MỤC VỤ CỦA FABC

Bài giới thiệu này sẽ không tròn mấy, nếu ta không thể đưa ra một vài nét đặc sắc trong định hướng thần học mục vụ của FABC. Điều đập vào tâm trí chúng ta ngay cũng như điều ta phải nhấn mạnh ngay từ đầu là FABC không nhằm đến những suy tư thần học, nhưng đến những suy tư ấy phải trở thành mục vụ, nghĩa là chăm sóc những con người, những thụ tạo của Thiên Chúa. Nói cách khác, những suy tư thần học không dẫn đến mục vụ thì chẳng hiệu quả gì, chỉ thoả mãn lý trí suy luận, nhưng hoạt động mục vụ không dựa trên những chân lý của Thiên Chúa thì chỉ là theo thời, mị dân. FABC muốn đưa ra một sự thông giao năng động không thể thiếu giữa thần học và mục vụ. Suy nghĩ sao thì làm như vậy và làm ra sao bộc lộ suy nghĩ như thế.

Chính từ định hướng này, FABC lấy làm của mình phương pháp xem-xét-làm đã được Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh khai triển. Phương pháp đó làm nổi bật lên tính liên kết hỗ tương giữa praxis và theoria, giữa thần học và mục vụ. FABC gọi phương pháp được mình canh tân và thích ứng là AsIPA hay chu kỳ mục vụ năng động tại Châu Á. Đồ họa sau hy vọng cho ta một hình dung thực tiễn nào đó về phương pháp này[11]:

Mô hình mục vụ trên cho chúng ta thấy rõ điều này. Giáo hội không chỉ làm mục vụ, như một người thợ (worker), nhưng như một chứng nhân (witness). Ta có thể nói mạnh mẽ hơn rằng: người làm mục vụ nóng cháy với tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người, những con người cụ thể trong nơi chốn đặc thù. Họ đam mê để mang tình yêu Thiên Chúa đến chữa lành và kiện cường con người túng thiếu song họ cũng đam mê để trình bày những vui buồn sướng khổ của con người họ đang gặp gỡ cho Thiên Chúa[12]. Mục vụ khởi hứng từ, sinh động bởi và hoàn thiện nhờ tình yêu đầy ý thức.

Tính liên kết bất khả phân này không gì khác hơn là đòi hỏi tận bên trong của một ngôi vị tự do. Ngôi vị là một trong suy nghĩ và hành động. Nó cũng đến từ chính lõi tỦy của khoa thần nghiệm Kitô giáo. Kitô hữu nghiệm xem và biết Thiên Chúa, nếm cảm thật sự Ngài là ai không phải bằng cách ngồi thiền hay suy lý. Họ cảm nhận Thiên Chúa mầu nhiệm trong đời sống phục vụ, điều mà FABC và các thần học gia Á Châu gọi là khoa thần nghiệm của sự phục vụ[13]. Giáo hội phục vụ không phải như một chính trị gia, hay kinh tế gia, và ngay cả không phải là một người nhân đạo suông, dù đó luôn là một giá trị. Giáo hội phục vụ với mắt nhìn đăm đăm vào Chúa của mình. Chính khoa thần nghiệm của sự phục vụ này bắt nguồn từ chính Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô. Ngài ở giữa dân để mang những gánh nặng của dân lên cho cha Ngài có uy quyền biến chúng thành gánh nhẹ nhàng, và để mang những lời an ủi, chữa lành, thánh hóa và hoàn thiện của chính Thiên Chúa cho để từ nay họ chạy mà không mỏi, họ chạy trong đức cậy. Chính Đức Giêsu trong sự phục vụ Vương Quốc của Cha là chính khuôn mẫu cho định hướng làm thần học trong mục vụ và mục vụ với thần học của FABC nên giá trị.

Định hướng thần học mục vụ của Châu Á không hề thiếu đi tính cách truyền giáo. Phải hơn, đó là lẽ sống còn của Giáo hội tại Châu Á[14], tuy là đàn chiên bé nhỏ song lại là dùng cụ được Thiên Chúa dùng, để hiện thực Tin mừng của Ngài cho nhân loại. Điều này có nghĩa là Giáo hội tại Châu Á sống chết phải công bố Danh Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ duy nhất, Con Thiên Chúa, Ánh sáng tuyệt đối, là Tình yêu tuyệt đối, là Mặc khải duy nhất của Thiên Chúa muốn cho con người. Giáo hội tại Châu Á biết rõ điều đó, bởi vì không có một việc loan báo Tin mừng nào đúng thực mà danh Đức Giêsu Kitô không được công bố[15]. Giáo hội tại Châu Á luôn lấy lời rao giảng Kerygma làm cội rễ và nguồn mạch cho việc truyền giáo của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Á châu, FABC lại đề xướng một lối đường khác để thực thi sứ mệnh này: Kể câu chuyện Giêsu[16]. Cũng như có một số tín hữu hỏi một nhà truyền giáo Phi Châu có mặt   tại Châu Âu để làm gì, nhà truyền giáo đó đơn sơ trả lời: để hát   bài ca Giêsu mà mọi người đều biết song đã bỏ quên. Cũng thế,  với người Á Châu vốn gần gũi hơn và dễ cảm hơn trước những câu chuyện đẹp, thì câu chuyện Giêsu luôn mang đến những sắc thái khôn lường trong truyền giáo. Kinh nghiệm này được các Giáo hội Á Châu nói lên cách riêng trong FABC XI về việc Tân Phúc Âm hóa (New Evangelization). Câu chuyện về Đức Giêsu được sinh ra, các câu chuyện dụ ngôn, khổ nạn của Đức Giêsu luôn tác động trên tâm trí anh chị em bình dân của Châu Á.

Quả thế, diện mạo Đức Giêsu luôn được toàn Giáo hội tại Châu Á chiêm ngắm. Dẫu đối diện với đa nguyên tôn giáo, họ không bao giờ mất đi niềm xác tín tuyệt đối được thừa hưởng từ các Tông đồ về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Có những thần học gia nào đó nghi ngờ về lập trường đức tin này của toàn Giáo hội tại Châu Á, họ có thể đọc lại một ít lời sau được phảng phất trong những văn kiện của FABC dọc suốt lịch sử là đủ:

ABM: “Chúng tôi biết rằng trách vụ hàng đầu phải là canh tân chính mình trong ánh sáng Đức Kitô. Chúng tôi phải luôn bắt đầu với việc quay về lại với Tin Mừng” (For All, số 15, trg 5)… “Chúng tôi quay sang Đức Kitô mà mối quan tâm của Người được nên hữu hình trong mảnh đất Châu Á khác, Đức Kitô cũng là Chúa của tương lai con người”[17].

FABC I về Loan báo Tin mừng. “Chúng tôi tin rằng chỉ trong và qua Đức Kitô cùng Tin mừng của Ngài và nhờ sự tuôn đổ Thánh Thần, mà những tìm tòi này [của Châu Á] mới được hiện thực. Bởi lẽ, chúng tôi tin chỉ Đức Kitô, đối với mọi người, chính là “Con Đường, là Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6)… Chúng tôi tin rằng chính nơi Ngài và Tin mừng Ngài mà các dân tộc chúng tôi rốt cục sẽ tìm được ý nghĩa sung mãn mà tất chúng ta tìm kiếm, và sự giải phóng chúng ta nỗ lực, tình huynh đệ và bình an vốn là chính ước ao của tất cả cõi lòng chúng ta”[18].

BIMA II: “Đức Giêsu, Đấng Cứu độ thế gian, ở chính trung tâm của đức tin chúng ta, và nơi Ngài Giáo hội tìm được lẽ sống (raison d’être) của mình”[19] BIRA IV/12 nói đến khoa linh đạo của đối thoại, của tự hủy (kenosis), của sự biến đổi. Tất cả cho thấy “một linh đạo đối thoại trong đó toàn nhân loại đang chuyển vần tới Đấng Tột Cùng. Cuộc đối thoại này bắt đầu trong thời khắc sáng tạo (Kn 1,1-3), và có sự diễn đạt xác thịt và dứt khoát trong Đức Giêsu Kitô, Lời đã thành xác phàm (Ga 1,1-3.14). Như vậy nó đặt nền cho sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Như vậy, linh đạo Kitô hữu mang tính chất nhập thể và Ba Ngôi.”[20]

FABC X: về Tân Phúc Âm hóa (New Evangelization). Chúng ta gặp được cùng sức mạnh xác tín trong những lời đầu tiên của Hội nghị: “Ý thức những đòi hỏi liên lỉ gia tăng của sứ mệnh và cảm thức về sứ mệnh giảm thiểu, với thiên niên kỷ thứ ba đến gần, họ vững vàng lặp lại Chúa Giêsu là trung tâm điểm trong việc loan báo Tin Mừng… Tuy nhiên, họ chủ trương rằng loan báo Đức Giêsu là Chúa và Đấng Cứu Độ thế gian vẫn là chính trái tim của loan báo Tin Mừng – một xác tín đức tin mà Giáo hội tại Châu Á nắm vững không thể thoả hiệp.” (FABC X, số 6) Cũng trong FABC X, chúng ta thấy “Giáo hội tại Châu Á tái cam kết cho sứ mệnh của Chúa, kể câu chuyện của Ngài, là chứng nhân khả tín cho Đức Kitô phục sinh và là dấu chỉ và bí tích của công trình cứu chuộc của Ngài” (số 50) Với Giáo hội tại Châu Á, “Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa được tỏ lộ trong Sáng tạo không bao giờ được bày tỏ cách đáng kể như trong biến cố Giêsu. Đây là câu chuyện mà chúng tôi kể ở Châu Á – Đức Giêsu sự Xót Thương của Thiên Chúa” (số 44) một câu chuyện cực kỳ diệu lạ: Đức Giêsu, là chính người Á Châu nghèo, Đấng Chữa Lành, Vị Tôn Sư, Người Tôi Tớ Đau Khổ, Đấng Cứu Chuộc, Đấng Khôi Phục sự Hài Hòa, Tình Liên Đới và Sự Hiệp Thông, là sự Bình An và Giao Hòa của chúng ta” (số 50).

Tôi còn có thể trích dẫn nhiều hơn. Nhưng thế đã đủ để minh chứng lời tố cáo “Giáo hội tại Châu Á đang xa rời đức tin vào Đức Giêsu do các Tông đồ truyền lại và tách xa khỏi đức tin của Giáo hội hoàn vũ” là vô căn cớ. Rất có thể có một vài thần học gia ồn ào nào đó đã khiến cho một số có ấn tượng này. Nhưng toàn thể Giáo hội tại Châu Á thì không. Cảm thức đức tin của các tín hữu Á Châu cũng mạnh mẽ không kém như các nhà thần học. Họ cũng là những nhà thần học, và nhà thần học chân chính nữa, dù không phải theo diện học thuật và nghiên cứu.

Điểm đặc sắc mà FABC mang đến trong khi tuyên xưng Đức Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất, là chính vị Hòa Giải muôn loài được Chúa Cha tuyển chọn được bộc lộ trong lời xác quyết sau:

“Giáo hội xác tín sâu xa rằng ‘ánh sáng đã chiếu soi vào thế giới’ soi sáng mọi người với ánh rạng ngời thần linh của nó. Ngày nay với tâm trí rộng mở, chúng tôi có thể thấy những kho tàng không lồ của Thiên Chúa đã tạo dựng trong các quốc gia của thế giới thứ ba những tôn giáo sống động vốn phản ánh ánh sáng thần linh và là một vinh quang viễn miên cho Đấng Tạo Hóa. Đây là một trong những tư duy xúc động nhất mà sứ mệnh của Giáo hội tại Châu Á ngày mai sẽ, không chỉ mang Đức Kitô và Giáo hội cho lục địa mênh mông này, nhưng cũng khám phá với niềm vui lớn lao sự hiện diện của Đức Kitô ẩn giấu này trong chính lục địa quê hương Ngài.”[21]

Khóe nhìn này làm cho Giáo hội tại Châu Á kiên quyết đi theo con đường hội nhập văn hóa. Giáo hội tại Châu Á nhìn ngắm Đức Giêsu xuống dòng sông Giordan không chỉ theo nghĩa địa lý. Nó còn mang ý nghĩa tôn giáo và văn hóa. Ngài được dìm mình vào dòng sông tôn giáo và văn hóa Á châu giữa những người nghèo để nên NGƯỜI HÒA GIẢI VÀ HÀI HÒA TUYỆT ĐỐI của Chúa Cha ban cho con người. Nói khác đi, đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất không hề và không thể làm cho tâm hồn cùng suy nghĩ của Giáo hội tại Châu Á co cụm, khép kín, loại trừ. Điều này, Đức Giêsu không bao giờ muốn. Ngài không bao giờ bảo Giáo hội làm thế. Nếu có tín hữu nào làm như vậy, họ đã làm méo mó Đức Giêsu, Dung nhan nhân từ của Chúa Cha. Chắc chắn, đức tin luôn là một ÂN BAN vô giá của Thiên Chúa cho Châu Á. Nhưng cũng chính khi chiêm ngắm Đức Giêsu nhập thể trong một nền văn hóa và tôn giáo đặc thù, các Giáo hội tại Châu Á cũng nhìn nhận rằng Châu Á cũng góp những điều tuyệt vời vào đức tin duy nhất. Đức tin không phải là chiếc áo độc mầu. Nó là chiếc áo nhiều mầu mà Giacóp đã may cho Giuse. Nó là Lễ Ngũ Tuần mà mọi tiếng nói và văn hóa đều có thể lắng nghe, hiểu và công bố Thiên Chúa tình yêu. Tín điều Kitô học đâu phải là chữ chết. Đó là thần khí tác sinh. Nó phải thúc đẩy toàn Giáo hội như Chúa Giêsu trở thành “nghèo để chăm sóc những người nghèo của Thiên Chúa”[22].

Trong ánh sáng này, hội nhập đức tin Kitô giáo vào các nền văn hóa Á châu không phải là chuyện nhiệm ý. Nó là mệnh lệnh, y như các môn đệ nghe Chúa ra lệnh: Anh em hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Hãy dạy họ mọi điều Thầy nói cho anh em”. Hội nhập văn hóa được nhìn trong ánh sáng loan báo Tin Mừng. Nó là một khía cạnh không thể thiếu của việc truyền giáo tại Châu Á. Và chỉ qua định hướng đó, Giáo hội mới trở nên ngày một bớt xa lạ hơn với anh chị em đồng hương của mình tại Châu Á. Đây là điều FABC liên tục nói đến suốt 50 năm qua[23].

Nếu thế, Đức Kitô mà các Kitô hữu Á châu muốn chiêm ngắm nổi bật lên như ĐẤNG ĐỐI THOẠI. Ngài là Lời, nhưng là Lời khai mở đối thoại và chờ đợi đối thoại cũng như hoàn tất đối thoại. Ngài không mệt mỏi để chờ đợi Châu Á trả lời. Và khi họ trả lời, Ngài không hề mỏi mệt đồng hành với họ và đưa những nỗ lực gắng sức đến đâm bông kết trái cho vinh quang của Cha Ngài. FABC VIII “Gia Đình Á châu hướng tới nền văn hóa sự sống toàn diện” nhìn xem “Đức Giêsu Sự Sống: Chia sẻ Tình yêu, sự Hiệp thông và Tình Liên đới”. “Chúng tôi tin Đức Giêsu Kitô là chính Lời Sự Sống… Điều họ đã nghe, đã xem, đã rờ chạm không phải một người có đời sống thể lý, nhưng là ĐẤNG có một phẩm chất Sự Sống hoàn toàn khác-siêu việt. Với họ, Đức Giêsu là Đấng đến để đem sự sống đến sung mãn.”[24] Tại Hội thảo chuyên đề về “Những khuôn mặt Á Châu của Chúa Kitô”, moi người nhất trí rằng mình “không đi tìm chân lý suông. Họ đi tìm chính Con Đường/ĐẠO.”[25] Giữa những diện mạo Đức Kitô được Hội nghị nêu lên ta đọc thấy những lời đồng thuận sau:

“Người ta có thể nhấn mạnh sự kiện là mối tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha, một hình ảnh vang lên với những trực giác của một số tôn giáo Á Châu; Đức Giêsu đau khổ, như người bị đối mặt với thực tại bất công, chủng tộc, giai cấp; cuối cùng là Đức Giêsu trong cội rễ lịch sử Á Châu như một người Do Thái. Những tham dự viên nhấn mạnh hình ảnh Đức Kitô tôi tớ rửa chân cho các môn đệ như dấu chỉ Đức Kitô ở với dân chúng và cho dân chúng, nói không trước tất cả sự thống trị của quyền lực. Khám phá diện mạo của Đức Kitô can dự đến việc trải nghiệm cõi lòng của Đức Kitô. Khi chúng tôi suy tư về những diện mạo của Đức Kitô, chúng tôi luôn ghi nhớ kỹ hai tiêu điểm của thực tại Á Châu: hàng triệu người nghèo Á Châu và nhiều tôn giáo và văn hóa khác nhau.”[26]

Những lời trên cho thấy các Kitô hữu Á Châu muốn nhìn xem Chúa Giêsu Kitô như CHỨNG NHÂN TRUNG THÀNH về Thiên Chúa đối thoại với những thụ tạo-con cái của Ngài trong Thánh Thần. Với các Kitô hữu Á Châu không thể có một đức tin vào vai trò tuyệt đối của Đức Kitô lại đóng kín cõi lòng trước cuộc đối thoại cứu độ mà chính Thiên Chúa thiết định. Chính khi càng tuyên xưng và sống đức tin vào Chúa Giêsu Kitô như thế, họ hằng ngày có thể hát vang: “Hỡi cửa đền hãy cất cao lên, cất cao lên nữa hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào.” Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu tiên, Giáo hội tại Châu Á luôn nói đến một cuộc đối thoại tam diện của đức tin với Á Châu: người nghèo, tôn giáo và văn hoá.

Liên quan đến một Đức Giêsu Kitô như thế, các Giáo hội Á Châu nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần. Tiếp nối với nhãn quan tích cực của đức tin nơi các giáo phụ, nhất là thánh Giuttinô, về những hạt mầm của Logos trong thế giới dân ngoại, các Giáo hội tại Châu Á đều nhìn ra những hoa trái thiện hảo nơi các tôn giáo, người nghèo và văn hóa tại Châu Á. Chúng chỉ có thể đến từ Thánh Thần luôn hoạt động mãnh liệt ngay cả trước khi Giáo hội hiện diện ở nơi đó. Trong quá khứ đã có những sự kiện làm cho mối tương quan của Đạo Thánh với các đạo khác tại Châu Á nên gay gắt, thì nay FABC nhìn ra “Thần khí hoạt động ở Châu Á ngày nay”[27] Tài liệu thần học này do OTC nghiên cứu đã cho thấy Thánh Thần hoạt động mãnh liệt trong các tôn giáo Á Châu để họ ngày một yêu mến SỰ THẬT là THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG VÀ CỨU ĐỘ mọi người, bất kể họ là ai và thế nào. Chính trong các tôn giáo họ thực hành từ khi được sinh ra và lớn lên, Thiên Chúa cứu độ họ, biến họ nên những người của Ngài, thậm chí ngay cả họ chẳng biết điều ấy nữa. Chính vẻ thiện mỹ nơi các tôn giáo đó đang mang đến một sự hoán cải sâu xa cho toàn Giáo hội tại Châu Á: “Chúng ta càng theo Thần khí hướng dẫn, chúng ta càng hiểu biết sâu xa hơn và mật thiết hơn mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Nó cũng giúp chúng ta liên hệ một cách hài hòa và toàn diện với kế hoạch phổ quát của Thiên Chúa được tỏ hiện trong Đức Giêsu Kitô với lịch sử và những kinh nghiệm Á Châu của chúng ta”[28]. Ta phải thú nhận rằng Thiên Chúa có nhiều cách để giáo hóa và làm Giáo hội tại Châu Á trưởng thành, nhiều khi xuyên qua chính các tôn giáo Á Châu. Điều này được tỏ bày trong niềm thâm tín của các thần học gia của FABC/OTC:

“Khi chúng ta đang bước vào một thiên niên kỷ mới, chúng ta cũng có bổn phận tăng trưởng  để  chăm  chú cách mãnh liệt hơn “điều Thần khí nói cho các Giáo hội” (Kh 2,7). Chúng ta thâm tín rằng hình dạng tương lai của các Giáo hội tại Châu Á sẽ lệ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thần khí và cho phép Ngài hoạt động giữa chúng ta không bị cản trở bởi những sức mạnh không chia sẻ những kinh nghiệm của chúng ta và những cách tư duy và dạng thức hành động của Châu Á chúng ta.”[29]

Bước theo lối đi của Thánh Thần như thế không có nghĩa là cào bằng mọi thần khí. Giáo hội tại Châu Á không cuồng tín để tin rằng mọi sự trong các tôn giáo Á Châu đều do ác thần/ma quỷ. Các Giáo hội ấy cũng không ấu trĩ lạc quan rằng mọi sự đều xuất phát từ Thánh Thần. Không. Điều ấy muốn cho thấy rằng Giáo hội tại Châu Á đang được thúc đẩy mở ra một trang sử mới: trang sử của phân định để dẫn tới tin tưởng nhau nhưng cũng đốt nóng nhiệt tâm loan báo Tin Mừng độc đáo duy nhất của Chúa Giêsu Kitô. Giáo hội tại Châu Á xác tín: Chúa Cha muốn tất cả mọi người nhận biết Con Của Ngài, Chúa Giêsu Kitô cũng như Thánh Thần dẫn mọi người đến Tin Mừng Giêsu Kitô, theo cách nào là tuỳ vào Ngài chứ không phải vào Giáo hội, và càng hơn nữa, vào chúng ta. Trong ánh sáng này một số thần học gia Á Châu nói đến “SPIRIT meets spirits”. FABC đã dám tìm trong các tôn giáo và văn hóa Á Châu những khái niệm mới để trình bày đức tin Kitô hữu. Như xưa, các giáo phụ đã dám dùng một số khái niệm Hy Lạp để trình bày đức tin, dĩ nhiên, với cả một tiến trình thanh lọc dài, thì FABC cũng bước theo lối đường này. FABC làm điều này rất táo bạo song nghiêm chỉnh trong những tài liệu của FABC/OTC, cách riêng tài liệu The Spirit at Work in Asia Today và “Methodology”: Asian Christian Theology[30].

Điều làm cho những định hướng này không nằm trên bình diện suy lý hay trên bút vở và trên bàn chính là bầu khí cầu nguyện vây phủ trong các văn kiện. FABC có thể nói khai mào đưa lời kinh được dọn theo chủ đề như một lời kết thúc văn kiện. Đó như thể muốn nói rằng giờ đây việc thực thi những gợi ý của đức tin mục vụ trong văn kiện chính là lời cầu nguyện. FABC diễn đạt biết bao ước mong và giấc mơ về Giáo hội tại Châu Á cho Thiên Chúa và toàn Giáo hội tại Châu Á hiểu rằng:

“Ước vọng của bạn chính là lời bạn nguyện cầu và nếu đó là ước vọng liên lỉ, thì cũng là lời cầu nguyện liên lỉ […] Có một cách cầu nguyện không ngừng khác trong nội tâm: đó là ước vọng […] Ước vọng của bạn liên tục, thì tiếng nói của bạn cũng liên tục. Bạn sẽ thinh lặng khi bạn thôi yêu mến […] Lòng yêu mến mà ra nguội lạnh thì con tim sẽ lặng thinh; lòng yêu mến mà bừng cháy thì con tim cũng kêu lên. Nếu lòng yêu mến còn mãi, thì bạn cũng sẽ kêu lên mãi; nếu bạn kêu lên mãi, thì bạn cũng ước vọng mãi; nếu bạn ước vọng thì bạn cũng nhớ đến sự an nghỉ.”[31]

Ta có thể nêu ra vài thí dụ về điều này. FABC I: “Lạy Chúa của lịch sử, vào thời điểm mà chỉ Ngài biết, Ngài sẽ làm cho chính mình được nhận biết sung mãn nơi các dân tộc chúng con. Một lời nguyện xa xưa thốt lên, ‘xin tình yêu Ngài bao phủ mọi dân tộc. Chúng con cũng thốt lên lời kinh này hôm nay. Nơi chúng con và qua chúng con, nhưng cũng trước chúng con và vượt qua chúng con, xin Ngài đến thăm đất nước và các dân tộc chúng con. Xin làm cho họ thành thuộc về Ngài. Xin tình yêu Ngài phủ che họ, để họ được sống, một đời sống hằng sung mãn hơn trong Ngài (x. Ga 10,10)[32].

FABC II: “Lạy Cha, xin thánh hóa chúng con trong sự thật. Xin thánh hóa chúng con trong Lời Ngài. Nơi chúng con và thậm chí qua sự bé nhỏ của chúng con, xin hoàn thành kế hoạch của Cha là làm cho các dân tộc chúng con nên một, mang tất cả mọi người lại với nhau trong Trái Tim xót thương của Ngài.”[33]

FABC IV: “Chúng con ký thác cho mẹ Giáo hội tại Châu Á và xin Mẹ ở với chúng con như mẹ đã ở với cộng đoàn môn đệ đầu tiên” (Cv 1,14).Ước mong vinh quang và danh tự thuộc về Chúa Giêsu Kitô, là Ánh sáng của Phương Đông, là Mặt trời không bao giờ lặn. Ước mong Vương quốc Ngài trị đến!”[34]

Vài lời kinh giữa rất nhiều lời kinh khác được nêu lên ở trên chỉ muốn xác minh rằng FABC muốn làm thần học mục vụ trong thái độ chiêm niệm và cầu nguyện, vốn từng là điểm nổi bật trong tâm thức Á Châu; nó cũng cho thấy rằng niềm thâm tín của FABC là đúng: nếu Giáo hội tại Châu Á không bộc lộ là người môn đệ cầu nguyện và trải nghiệm Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình thì chẳng thể hấp dẫn gì những anh chị em Á Châu cả.

Đôi khi một số người e sợ một quan điểm quy thần (theocentric), quy vương quốc (Regno-centric) hay quy thần khí (pneuma-centric) như thế sẽ làm lung lay đức tin. Thật ra cũng phải công bằng. FABC không dùng những lối nói như thế trong các văn kiện của mình. FABC để cho một số thần học gia Á Châu sử dụng chúng, nếu họ muốn. Nhưng FABC khẳng định mãnh liệt rằng đức tin Kitô giáo không thể không được khởi hứng, sinh động và hoàn thiện bởi Thánh Thần, không thể không tôn vinh Thiên Chúa là Cha, cũng như không thể làm chúng ta sao nhãng xây dựng Vương quốc Thiên Chúa, một Vương quốc tràn đầy bình an, hy vọng và hạnh phúc.

KẾT LUẬN

Bài giới thiệu FABC này hẳn đã dài đủ để đến lúc kết luận. Chúng ta thấy rõ FABC tiếp nối Vatican II tại Châu Á, nếu ta có  thể nói như thế. FABC không đi ra ngoài thao thức và kỳ vọng của Vatican II được Đức Gioan XXIII mong đợi là một công đồng mục vụ. Các Kitô hữu Á Châu đừng chôn vùi kho tàng quý giá của mình nữa. Hãy sinh lợi như Chúa Giêsu nhắn nhủ các người tôi tớ khi trao cho họ những nén bạc. Thật vậy, lịch sử của FABC rõ ràng là lịch sử của những phúc lành đến từ Thiên Chúa cho Giáo hội tại Châu Á. Và từ phúc lộc ấy, Thiên Chúa ban tràn sự sống sung mãn trên nhân loại. Khi Giáo hội tại Châu Á cam kết chăm sóc mục vụ cho người nghèo khổ, khi Giáo hội tại Châu Á gắn chặt với đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, HẠNH PHÚC VÀ TRUNG TÂM DUY NHẤT CỦA GIÁO HỘI, khi Giáo hội tại Châu Á luôn bén nhạy trước Thánh Thần thúc đẩy giữa những thực tại nhân sinh và văn hóa cũng như tôn giáo của Châu Á, Giáo hội tại Châu Á sẽ hình thành được ước mơ: là một Giáo hội địa phương đúng thực, năng động trong sự hiệp nhất với toàn thể Giáo hội. Chính vì thế, FABC thấy được điều Thiên Chúa trao tặng cho mình: sứ mệnh chăm sóc, yêu thương, cộng tác không chỉ với các Kitô hữu, môn đệ Đức Kitô, song còn với tất cả mọi người Á Châu thuộc những văn hoá, tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ đa dạng. FABC nhận ra Chúa Giêsu kêu gọi các Giáo hội – môn đệ tại Châu Á tự nguyện chăm sóc những anh chị em nghèo khổ của mình đang bị thống trị và làm nghèo đi bởi ác thần/ngẫu thần TIỀN TÀI, MAMMON.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa về ân huệ quý báu này.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 133 (Tháng 1 & 2 năm 2023)

[1] X. Nguyễn Văn Am, Luận án tiến sĩ: The Theology of the Laity in Vietnam and the Responsibility of Inculturation in the Light of the FABC and the Synod in Asia and the 1980 Pastoral Letter of the Vietnamese Bishops’ Conference, GTU, Berkeley 2001; Peter Phan, Reception of Vatican II in Asia: Historical and Theological Analysis, Gregorianum Vol. 83, No. 2 (2002), pp. 269-285 (17 pages); M. Amaladoss, Peoples’ Theology in Asia, Kindle Edition, Format: Kindle Edition.

[2] X. Nguyễn Văn Am, Luận án tiến sĩ; Peter Phan, Reception of Vatican  II    in Asia; J. Kroeger, Asian Decalogue, https://columbanird.org/wp-content/uploads/2015/04/Asian-Decalogue-for-Dialogue.pdf . F. Wilfred, For All Peoples of Asia (từ đây, For All…), vol. 1, trg xxiii-xxx.

[3] X. https://www.encyclopedia.com/religion/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/federation-asian-bishops-conferences#:~:text=The%20

foundation%20for%20the%20FABC,Asia%20in%20November%20of%201970 .

[4] X. For All…, vol. 1, trg 3-19; cách riêng x. HĐGMVN, Thư Chung 1980Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa.

[5] X. For All…, vol. 1, trg. 3-10; cách riêng For All…, vol. 4, trg 173-185.

[6] Chính danh từ Federation và Conference: đã cho thấy sự khác biệt lớn lao giữa hai tổ chức này.

[7] https://www.encyclopedia.com/religion/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/federation-asian-bishops-conferences#:~:text=The%20

foundation%20for%20the%20FABC,Asia%20in%20November%20of%201970

[8] For All…, vol. 4, trg.309.

[9] Cũng x. Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia.

[10] https://www.encyclopedia.com/religion/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/federation-asian-bishops-conferences#:~:text=The%20

foundation%20for%20the%20FABC,Asia%20in%20November%20of%201970; cũng x. For All…, vol. 1, trg xv-xxii.

[11] Về đồ họa mô hình mục vụ năng động này, có thể tìm gặp rất nhiều đồ họa khác trên internet dưới tiêu đề Spiral Pastoral Cycle.

[12] X. GS 1; cũng x. Đức Phanxicô, EG.

[13] A. Pieris, Mysticism of Service, Tulana Jubilee Publications (January 1, 2000)

[14] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Lá thư gởi Đại hội Dân Chúa 2011;

[15] X. Phaolô VI, EN.

[16] Telling the Story of Jesus in Asia, The Message of the First Asian Mission Congress of FABC Chiang Mai, Thailand, October 18-22, 2006, trong CTC Bulletin, vol. xxii No.3 December 2006; cũng x. Jukka Helle, Toward a truly Catholic and a Truly Asian Church: the Asian wayfaring Theology of FABC 1970-2020, published by Koninklijke Brill NV, Leiden. The Netherlands (2022).

[17] For All…, 29, trg 7.

[18] For All…, số 7, trg 13.

[19] For All…, số 2, trg 97.

[20] For All…, số 36, trg 331.

[21] For All…, số 13, trg 137.

[22] X. A. Pieris, Christ beyond dogma: doing Christology in the context of the religions and the poor, Louvain studies (2000), Volume: 25, Pages: 187-231.

[23] FABC I; FABC II; FABC IV.

[24] For All…, vol. 4, số 58, trg 21-22.

[25] For All…, vol. 4, số 2, trg 286.

[26] For All…, vol. 4, số 2, trg 287.

[27] For All…, vol. 3, trg 237-327.

[28] For All…, vol. 3, trg 238.

[29] For All…, vol. 3, trg 325.

[30] X. For All…, vol. 3, trg 237-419.

[31] St. Augustine, The desire of your heart constitutes your prayer (Kinh sách thứ sáu tuần III mùa Vọng, bản dịch của Nhóm Phiên dịch CGKPV).

[32] For All…, vol. 1, số 49, trg 19.

[33] For All…, vol. 1, số 51, trg. 38.

[34] For All…, vol. 1, số 54, trg. 198.