Ghi chú tín lý về một số vấn đề liên quan đến việc tham gia của người Công giáo vào đời sống chính trị


BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

GHI CHÚ TÍN LÝ

về một số vấn đề liên quan

đến việc tham gia của người Công giáo vào đời sống chính trị

Đón nhận ý kiến của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, Bộ Giáo lý Đức tin quyết định rằng việc ấn hành tài liệu Ghi chú Tín lý về một số vấn đề liên quan đến việc tham gia của người Công giáo vào đời sống chính trị là điều cần thiết. Bản ghi chú này nhắm vào các Giám mục của Hội thánh Công giáo và một cách cụ thể, cũng nhắm đến các chính trị gia Công giáo cũng như toàn thể các thành phần tín hữu được mời gọi tham gia vào đời sống chính trị của những xã hội dân chủ.

I. Một giáo huấn không thay đổi

     1. Sự dấn thân của các Ki-tô hữu trên thế giới tìm được những cách diễn tả khác nhau trong suốt 2000 năm qua. Một trong những cách diễn tả ấy là việc tham gia của các Ki-tô hữu vào đời sống chính trị: như một cây bút thời Hội thánh tiên khởi viết, các Ki-tô hữu “đóng vai trò trọn vẹn của họ như những người công dân.”[1]Trong số các thánh, Hội thánh tôn kính nhiều vị thánh nam nữ đã phục vụ Thiên Chúa qua việc quảng đại dấn thân vào lãnh vực chính trị và quyền bính. Trong số này, thánh Thomas More, vị được tuyên phong làm quan thầy của các chính khách và chính trị gia, đã làm chứng bằng việc đổ máu đào vì “phẩm giá bất khả chuyển đổi của lương tâm con người.”[2] Mặc dù phải chịu nhiều hình thức áp lực tâm lý khác nhau, thánh nhân vẫn nhất quyết không nhượng bộ, không bao giờ từ bỏ “lòng tín trung kiên vững dành cho quyền bính và thể chế hợp pháp” vốn là điều làm ngài nổi trội; bằng chính đời sống và cái chết của mình, ngài đã dạy rằng “không gì có thể tách con người khỏi Thiên Chúa, cũng như không thể tách chính trị khỏi luân lý được.”[3]

Điều đáng khen là trong các xã hội dân chủ hiện nay, mọi người đều được trực tiếp tham gia vào cơ cấu chính trị trong bầu khí tự do thực sự.[4] Những xã hội như thế mời gọi các hình thức tham gia mới và trọn vẹn hơn của công dân là Ki-tô hữu hay người lương vào đời sống cộng đồng. Thật ra, tất cả mọi người đều có thể chung tay để phát triển những giải pháp chính trị và chọn lựa pháp lý mà theo họ sẽ đem lại lợi ích chung bằng việc bỏ phiếu bầu chọn những nhà lập pháp và các viên chức nhà nước, cũng như bằng những phương thế khác.[5] Đời sống của một nền dân chủ không thể phong phú nếu không có sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và quảng đại của mọi người, “dẫu cho sự đa dạng và bổ trợ nhau về các hình thức, mức độ, công việc cũng như trách nhiệm.”[6]

Bằng việc làm tròn nghĩa vụ công dân phù hợp với những giá trị “được hướng dẫn bởi lương tâm Ki-tô giáo”[7], giáo dân thực thi những bổn phận cá nhân về việc rao truyền những giá trị Ki-tô giáo vào trật tự thế tục, trong khi vẫn tôn trọng bản chất và quyền tự trị chính đáng của trật tự đó[8], đồng thời cộng tác với các công dân khác theo khả năng chuyên môn và trách nhiệm của họ.[9] Hoa trái của giáo huấn nền tảng từ Công Đồng Vatican II chính là “tín hữu không bao giờ phải bỏ việc tham gia của họ vào ‘đời sống cộng đồng’, tức là trong nhiều lãnh vực khác nhau như kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chính và văn hóa nhằm cổ võ lợi ích chung một cách hữu cơ và có tổ chức.”[10]Điều này cần bao gồm việc đẩy mạnh và bảo vệ những điều tốt lành như trật tự cộng đồng và hòa bình, tự do và bình đẳng, tôn trọng sự sống con người và môi sinh, công bình và đoàn kết.

Bản Ghi Chú này không nhằm tìm cách trình bày toàn bộ giáo huấn của Hội Thánh về vấn đề này, vốn được tóm tắt cơ bản trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, nhưng chỉ nhằm nhắc lại một số nguyên tắc phù hợp với lương tâm Ki-tô giáo, điều gợi hứng cho việc tham gia xã hội và chính trị của người Công giáo trong những nước dân chủ.[11] Sự xuất hiện những điều mơ hồ hay những quan điểm đáng ngờ trong thời gian gần đây, thường là do áp lực của các sự kiện trên thế giới, đã làm Giáo hội cảm thấy cần phải làm sáng tỏ một vài yếu tố quan trọng trong giáo huấn của Hội thánh về lãnh vực này.

II. Những điểm chính yếu trong cuộc tranh luận mang tính chính trị và văn hóa hiện nay

         2. Xã hội dân sự ngày nay đang trải qua một tiến trình văn hóa phức tạp khi sống trong thời kỳ cuối của một kỷ nguyên mang theo nó thời gian đầy biến động của việc đối diện với điều mới mẻ. Những thành quả vĩ đại đạt được ở thời đại chúng ta minh chứng cho tiến trình đi lên của con người trong việc đạt được những điều kiện sống thích hợp hơn với nhân phẩm. Sự triển nở về mặt trách nhiệm hướng đến các quốc gia đang phát triển chắc chắn là một dấu chỉ quan trọng, chứng tỏ có sự nhạy cảm hơn với lợi ích chung. Tuy nhiên, người ta đồng thời không thể nhắm mắt trước những nguy hại thực sự mà một số khuynh hướng trong xã hội đang đẩy mạnh qua việc lập pháp, đồng thời người ta cũng không thể phớt lờ những hệ quả của điều này đối với các thế hệ tương lai.

Có một loại thuyết tương đối về văn hóa tồn tại trong thời đại hôm nay, biểu hiện rõ nhất trong việc khái niệm hóa và bảo vệ một chủ thuyết đa nguyên về đạo đức vốn chấp nhận việc sa sút và tan rã của lý trí và các nguyên lý của luật luân lý tự nhiên. Hơn nữa, chúng ta không phải là hiếm những lần được nghe một quan điểm diễn tả trong bầu khí cộng đồng rằng thuyết đa nguyên về đạo đức như thế là điều kiện rất cần thiết cho nền dân chủ.[12] Hậu quả là các công dân cho rằng họ có thể toàn quyền tự quyết trên các lựa chọn luân lý của họ, và các nhà lập pháp khăng khăng rằng họ đang tôn trọng sự tự do chọn lựa bằng cách ban hành những điều luật mà theo đó nó coi nhẹ những nguyên tắc đạo đức luân lý tự nhiên và nhượng bộ nền văn hóa và xu hướng đạo đức mau qua,[13] như thể mọi quan điểm về lối sống đều có giá trị ngang nhau. Đồng thời, giá trị của sự bao dung thường được nại đến cách ranh ma khi mà một lượng lớn công dân, trong đó có cả người Công giáo, bị đòi buộc không được đóng góp cho xã hội và đời sống chính trị, ngang qua những phương tiện lập pháp mà mọi người trong xã hội dân chủ đều có thể có, dựa trên sự hiểu biết riêng tư của họ về con người và công ích chung. Lịch sử thế kỷ 20 chỉ ra rằng những công dân làm đúng là những người nhận ra sự sai lầm của thuyết tương đối và cũng sai lầm như thế đối với ghi nhận cho rằng không có luật luân lý nào bắt nguồn từ bản chất tự nhiên của con người, vốn có tồn tại và phải điều khiển sự hiểu biết của chúng ta về con người, lợi ích chung và quốc gia.

          3. Dĩ nhiên là một thuyết tương đối như thế không liên hệ gì đến tự do chính đáng của các công dân là Ki-tô hữu để lựa chọn giữa các quan điểm chính trị khác nhau những ý kiến phù hợp với đức tin và quy luật luân lý tự nhiên, và để chọn lựa theo những tiêu chuẩn riêng của mình những điều gì là phù hợp nhất đối với những nhu cầu của lợi ích chung. Tự do chính trị không phải, và không thể, được dựa trên tư tưởng tương đối cho rằng mọi quan niệm về điều tốt cho con người đều có cùng giá trị, nhưng phải dựa trên thực tế rằng chính trị phải quan tâm đến việc hiện thực hóa cách cụ thể lợi ích mang tính xã hội và nhân văn đích thực tùy theo những bối cảnh lịch sử, địa lý, kinh tế, kỹ thuật và văn hóa nhất định. Từ tính cụ thể của nhiệm vụ trong tầm tay và từ sự đa dạng của bối cảnh, một sự đa phức về các chính sách cũng như giải pháp được chấp nhận về mặt luân lý đã nổi lên. Hội thánh không có nhiệm vụ phải đưa ra những giải pháp chính trị cụ thể – và lại càng không có nhiệm vụ đề nghị một giải pháp duy nhất có thể coi là chấp nhận được – cho các vấn đề thế tục mà Thiên Chúa đã để cho mỗi người tự quyết định dựa theo sự phán đoán tự do và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Hội thánh có quyền và bổn phận cung cấp một sự phán xét về mặt luân lý cho các vấn đề trần thế khi đức tin và luật luân lý đòi hỏi.[14] Nếu các Ki-tô hữu phải “nhìn nhận sự hợp pháp của các quan điểm khác nhau về cách tổ chức các công việc thế tục,”[15] thì họ cũng được mời gọi để loại trừ một quan niệm đa nguyên phản ánh thuyết tương đối về luân lý vốn là điều làm tổn thương đời sống dân chủ. Nền dân chủ phải được xây dựng trên nền tảng chân chính và vững bền của những nguyên tắc đạo đức bất khả nhượng bộ, vốn là những nguyên tắc cột trụ đời sống xã hội.

Về mức độ hành vi chính trị cụ thể, thường thì có nhiều đảng phái chính trị mà người Công giáo có thể thực thi quyền lợi và nghĩa vụ của họ để tham dự vào đời sống xã hội của đất nước họ, nhất là qua quốc hội.[16] Điều này phát sinh vì bản chất bất tất của những lựa chọn lựa liên quan đến trật tự xã hội, vì có sẵn nhiều chiến lược đa dạng cùng đạt được và đảm bảo cùng một giá trị nền tảng, vì khả thể lý giải cách rất khác nhau các nguyên tắc căn bản về thuyết chính trị, và về sự phức tạp có tính chuyên môn của nhiều vấn đề chính trị. Tuy nhiên, điều này không lẫn lộn với một thuyết đa nguyên mập mờ về những nguyên tắc luân lý và những giá trị thiết yếu. Sự đa dạng hợp pháp của các chọn lựa trần thế hệ tại ở căn cốt sự dấn thân của người Công giáo về chính trị, đồng thời liên hệ trực tiếp đến giáo huấn Ki-tô giáo về luân lý và xã hội. Trong ánh sáng của giáo huấn này mà giáo dân Công giáo phải đánh giá việc tham gia của mình vào đời sống chính trị để chắc chắn rằng đời sống ấy được đánh dấu bởi một trách nhiệm chặt chẽ đối với thực tại thế trần.

Hội thánh nhận thức rằng trong khi dân chủ là cách diễn tả tốt nhất cho việc tham gia trực tiếp vào những lựa chọn chính trị của công dân, thì nó chỉ thành công trong mức độ dựa vào sự hiểu biết đúng đắn về nhân vị.[17] Việc tham gia của người Công giáo vào đời sống chính trị không được thỏa hiệp về nguyên tắc này, bằng không thì việc làm chứng cho đức tin Ki-tô giáo trong lòng thế giới, cũng như sự hợp nhất và thống nhất nội tâm của tín hữu ấy sẽ không tồn tại. Các cơ cấu dân chủ mà trên đó các quốc gia hiện đại được xây dựng sẽ rất dễ đổ vỡ nếu nền tảng của nó không đặt con người làm trọng tâm. Chính sự tôn trọng con người là điều làm cho việc tham gia vào nền dân chủ trở nên có thể. Như Công đồng Vatican II đã răn dạy, việc bảo vệ “quyền lợi của con người quả là một điều kiện cần thiết cho các công dân, cá nhân cũng như tập thể, để đóng một phần chủ động trong đời sống và điều hành cộng đồng.”[18]

          4. Hàng loạt những vấn đề phức tạp ngày nay xuất phát ra ở đây, kể cả những vấn đề mà các thế hệ trước chưa bao giờ phải đương đầu. Sự phát triển khoa học đã tạo ra những kết quả tiến bộ làm xáo trộn lương tâm con người, nam cũng như nữ, và đòi hỏi những giải pháp tôn trọng các nguyên tắc đạo đức một cách chặt chẽ và nền tảng. Đồng thời, những dự luật được trình bày mà không để ý đến hậu quả trên sự tồn vong và tương lai của con người trong vấn đề hình thành văn hóa và ứng xử xã hội sẽ tấn công đến cả vấn đề bất khả xâm phạm của sự sống của con người. Trong hoàn cảnh khó khăn này, người Công giáo có quyền và nghĩa vụ phải nhắc nhở cho xã hội về một sự hiểu biết sâu xa về sự sống con người cũng như về trách nhiệm của mọi người trong vấn đề này. Tiếp nối những giáo huấn không thay đổi của Hội thánh, Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhắc nhở rằng những ai trực tiếp liên hệ với cơ quan lập pháp thì phải có “nhiệm vụ quan trọng và phủ quyết rõ ràng” bất cứ luật nào vi phạm đến sự sống của con người. Những người tham gia lập pháp ấy, cũng như mọi người Công giáo, không ai được cổ võ cho những luật ấy và bỏ phiếu ủng hộ chúng.[19] Như Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã dạy bảo trong thông điệp Evangelium vitae liên hệ đến trường hợp không thể lật đổ hay đẩy lui hoàn toàn một khoản luật cho phép phá thai vốn đã được áp dụng hoặc sắp được bỏ phiếu thông qua, “một nhà dân cử mà có lập trường tuyệt đối chống phá thai được mọi người biết đến có thể ủng hộ cách hợp pháp những dự luật nhằm hạn chế thiệt hại do những luật cho phép phá thai gây ra, đồng thời làm giảm bớt những hậu quả tiêu cực ở tầm mức công luận và nền luân lý cộng đồng.”[20]

Trong bối cảnh này, cần ghi nhận rằng lương tâm của một Ki-tô hữu được đào luyện tốt không cho phép một người bỏ phiếu tán đồng cho một chương trình chính trị hay cho một khoản luật riêng lẻ mà đi ngược lại với những nội dung căn bản của đức tin và luân lý. Đức tin Ki-tô giáo là một tổng thể hợp nhất, và như thế, thật là thiếu mạch lạc nếu tách riêng một vài yếu tố đặc biệt nào đó riêng lẻ, đồng thời phương hại đến toàn bộ giáo thuyết hội thánh Công giáo. Một sự gắn kết chính trị đối với một mảng đơn lẻ của học thuyết xã hội của Hội thánh không làm tròn nhiệm vụ của một người với lợi ích chung được. Không một người Công giáo nào có thể nghĩ đến việc khoán trắng trách nhiệm Ki-tô hữu của mình cho những người khác; trái lại, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô trao cho người ấy trách vụ này để chân lý về con người và về thế gian được công bố và đưa đến hành động.

Khi hoạt động chính trị đi ngược lại với những nguyên tắc luân lý vốn là những nguyên tắc không cho phép có luật trừ, nhượng bộ hoặc giảm nhẹ, việc cam kết của người Công giáo trở nên rõ ràng hơn và cũng chồng chất trách nhiệm hơn. Trong việc đối diện với những đòi hỏi đạo đức căn bản và bất khả nhượng bộ, các Ki-tô hữu phải nhận ra rằng điều mà đang bị nguy hại là điều thiết yếu của luật luân lý, luật liên hệ đến sự tốt lành toàn vẹn của con người. Đó là trường hợp những khoản luật liên quan đến việc phá thailàm chết êm dịu (không nên lẫn lộn với quyết định bỏ qua những chữa trị ngoại thường, là điều được phép về mặt luân lý). Những luật như thế phải bảo vệ quyền sống căn bản từ khi thụ thai đến lúc chết một cách tự nhiên. Cũng vậy, chúng ta cần phải nhắc lại nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ những quyền lợi của phôi thai người. Loại suy tương tự, gia đình cần được bảo vệ và cổ võ, cần được đặt nền trên đơn hôn giữa một người nam và một người nữ, đồng thời cần được bảo vệ tính duy nhất và vững bền của nó trước những khoản luật mới về ly hôn: không thể nào đặt những hình thức chung sống khác ngang hàng với hôn nhân, hay công nhận chúng cũng hợp pháp được. Điều này cũng đúng với tự do của cha mẹ về việc giáo dục con cái của họ; đó là quyền bất khả nhượng cũng được Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền công nhận. Cùng cách thức như vậy, người ta phải nghĩ đến việc bảo vệ thế hệ hậu duệ của xã hội và đến sự tự do khỏi những hình thức nô lệ hiện đại (ví dụ như nghiện ngập và mãi dâm). Thêm vào đó, có quyền tự do tín ngưỡng và phát triển kinh tế là thứ nằm trong mảng phục vụ con người cũng như phục vụ lợi ích chung, song song với việc tôn trọng công bằng xã hội; có các nguyên tắc đoàn kết và hỗ trợ con người, theo đó, các quyền cá nhân, gia đình và các tổ chức cũng như việc áp dụng nó phải được nhìn nhận.”[21] Cuối cùng, vấn đề hòa bình được đề cập tới. Một số nhãn quan mang tính ý thức hệ và và ủng hộ hòa bình đôi khi có khuynh hướng thế tục hóa giá trị của hòa bình, trong khi ở một số trường hợp khác, lại có vấn đề đơn giản hóa những phán đoán đạo đức mà quên mất sự phức tạp của các vấn đề liên quan. Hòa bình luôn là “công việc của công bình và tác động của đức ái.”[22] Nó đòi hỏi một sự chối bỏ hoàn toàn và triệt để vấn đề bạo động và khủng bố, đồng thời đòi hỏi phía các nhà chính trị một sự dấn thân có tính kiên định và thận trọng.

III. Các nguyên tắc của học thuyết Công giáo về tính tự trị của trật tự trần thế và về thuyết đa nguyên

          5. Mặc dù sự đa nguyên về phương pháp tiếp cận các vấn đề trên phản ảnh được sự đa dạng về cảm thức và văn hóa có thể là điều hợp pháp, nhưng không một người Công giáo nào được phép nại vào nguyên tắc đa nguyên và quyền tự trị của người tín hữu tham gia vào đời sống chính trị mà ủng hộ những chính sách ảnh hưởng đến lợi ích chung, tức là những chính sách làm thương tổn hay giảm nhẹ những đòi hỏi cản bản về đạo đức. Tự bản chất của chúng, đây không phải là vấn đề của “những giá trị tuyên tín”, bởi vì những quy chuẩn đạo đức như thế bắt nguồn từ chính bản chất con người và thuộc về luật luân lý tự nhiên. Chúng không đòi buộc những ai bảo vệ chúng một sự tuyên xưng đức tin Ki-tô giáo, mặc dù giáo huấn của Hội thánh luôn luôn và ở mọi nơi đều khẳng định và bảo vệ chúng như là một phần của việc phục vụ chân lý về con người và về công ích của xã hội dân sự. Hơn thế nữa, không thể phủ nhận rằng chính trị phải quy chiếu vào những nguyên tắc có giá trị tuyệt đối chính bởi vì những nguyên tắc này nhằm để phục vụ nhân phẩm và sự tiến bộ chân chính của con người.

6. Việc nại đến “quyền tự quyết chính đáng trong việc tham gia của các giáo dân Công giáo” vào những nhu cầu chính trị cần phải được làm sáng tỏ. Việc thăng tiến công ích xã hội, theo lương tâm của một người, không liên quan gì đến “chủ trương tín điều” hay bất bao dung tôn giáo. Đối với giáo thuyết về luân lý của đạo Công giáo, quyền tự quyết về mảng chính trị và dân sự xuất phát từ mảng chính trị và dân sự trong tôn giáo và Hội thánh – nhưng không xuất phát từ luân lý – là một giá trị được Hội thánh Công giáo đạt được và thừa nhận, và cũng là giá trị thuộc về di sản của nền văn minh đương đại.[23] Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nhiều lần cảnh báo về những nguy cơ nhầm lẫn giữa phạm vi tôn giáo với phạm vi chính trị. “Những trường hợp nhạy cảm nghiêm trọng xuất hiện khi một luật tôn giáo cụ thể trở thành hay có xu hướng trở nên luật của quốc gia mà không chú ý phân biệt lãnh vực đặc thù của tôn giáo và xã hội chính trị. Trong thực tế, việc đồng hóa luật tôn giáo với luật dân sự có thể bóp nghẹt tự do tín ngưỡng, thậm chí có thể đi đến mức giới hạn hay khước từ những quyền bất khả nhượng bộ của con người.”[24] Tất cả mọi tín hữu đều ý thức rằng các hoạt động tôn giáo cụ thể (như tuyên xưng đức tin, thờ phượng, cử hành các bí tích, giáo thuyết thần học, trao đổi giữa giáo quyền với các thành viên của các tôn giáo) hoàn toàn nằm ngoài trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước không được can thiệp hoặc đòi hỏi bất kỳ cách nào, cũng không được cấm đoán các hoạt động này, trừ khi nó là vấn đề của trật tự công cộng. Việc công nhận quyền dân sự hay chính trị, cũng như phân bổ công việc phục vụ cộng đồng không được phụ thuộc niềm tin tôn giáo hay hoạt động tín ngưỡng của người dân.

Quyền lợi và bổn phận của người Công giáo cũng như của mọi công dân để nhằm tìm kiếm chân lý với sự chân thành và cổ võ cũng như bảo vệ những chân lý về luân lý liên quan đến xã hội, công bằng, tự do và các quyền con người khác bằng các phương tiện hợp pháp là điều hoàn toàn khác. Thực tế là một số chân lý này vốn cũng có thể được Hội thánh dạy thì không làm giảm đi tính hợp pháp về chính trị hay “quyền tự quyết” chính đáng của sự đóng góp nơi các công dân cam kết với chúng; cũng thế việc nhận ra những chân lý trên cho dù có dựa vào những suy tư và khẳng quyết của niềm tin Ki-tô giáo thì tính hợp pháp cũng không bị suy giảm. “Quyền tự quyết” này trước hết ám chỉ thái độ của một người tôn trọng các chân lý được phát sinh từ kiến thức tự nhiên liên hệ đến đời sống con người trong xã hội, mặc dù những chân lý ấy có thể cũng được một tôn giáo cụ thể nào đó dạy, bởi lẽ chân lý chỉ có một mà thôi. Thật sai lầm khi lẫn lộn quyền tự quyết chính đáng của người Công giáo trong đời sống chính trị với việc tuyên bố một nguyên tắc vốn bất cần biết đến huấn giáo của Hội thánh về luân lý và xã hội.

Qua việc can thiệp vào lãnh vực này, Huấn Quyền của Hội thánh không muốn thực hiện sức mạnh chính trị hay gạt bỏ sự tự do quan điểm của người Công giáo về những vấn đề bất tất. Thay vào đó, Huấn Quyền có ý – theo như chức năng chính đáng của mình – giáo huấn và soi sáng lương tâm các tín hữu, nhất là những người tham gia vào đời sống chính trị, để những hành động của họ có thể luôn phục vụ cho thăng tiến con người cách toàn diện và lợi ích chung. Học thuyết xã hội của Hội thánh không phải là một sự xâm phạm đến việc quản trị của các quốc gia đơn lẻ. Nhưng đây là bổn phận người Công giáo phải thống nhất về luân lý, thứ là duy nhất và bất khả phân chia, vốn được tìm thấy trong lương tâm mỗi người. “Không thể có hai đời sống hiện hữu song song nhau: một bên là đời sống được gọi tên là ‘đời sống tinh thần’ với những giá trị và đòi buộc của nó; và bên kia là đời sống được gọi là đời sống ‘thế tục’, đời sống trong gia đình, nơi công sở, trong các trách nhiệm xã hội, trong các trách vụ của đời sống cộng đồng và trong văn hóa. Cái cành được tháp nhập vào cây nho là Đức Ki-tô thì sinh hoa trái trong mọi lãnh vực của sự hiện hữu và hoạt động. Trong thực tế, mọi lãnh vực của đời sống người tín hữu giáo dân, với tất cả sự phong phú và khác biệt, cũng đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng ước ao rằng chính những lãnh vực này phải là ‘những điểm hẹn trong dòng thời gian’, nơi mà tình yêu Đức Ki-tô được tỏ lộ và hiện thực hóa hầu vừa vinh danh Chúa Cha, vừa phục vụ tha nhân. Mọi hoạt động, mọi hoàn cảnh, mọi trách nhiệm cụ thể – thí dụ như tài năng và sự đoàn kết trong công việc, tình yêu và sự tận tâm trong gia đình cũng như trong việc giáo dục trẻ em, việc phục vụ xã hội và đời sống cộng đồng cùng việc cổ võ chân lý trong mảng văn hóa – là những dịp được định liệu bởi sự quan phòng của Chúa dành cho một ‘sự thực thi đức tin, đức cậy và đức mến cách liên tục’ (Apostolicam actuositatem, 4).”[25] Sống và hành động theo lương tâm của chính mỗi người về các vấn đề chính trị không phải là việc chấp nhận cách mù quáng những lập trường xa lạ với chính trị hoặc một số thứ chủ nghĩa tín điều, nhưng đúng hơn là cách thức mà trong đó những người Ki-tô hữu đóng góp cụ thể phần của mình để, qua đời sống chính trị, xã hội sẽ trở nên công bằng hơn và xứng hợp hơn với phẩm giá con người.

Trong các xã hội dân chủ, mọi dự luật đều được bàn thảo và xem xét một cách tự do. Những ai dựa trên sự tôn trọng lương tâm cá nhân, coi bổn phận luân lý của các Ki-tô hữu phải hành xử theo lương tâm của họ như điều loại họ ra khỏi đời sống chính trị, phủ quyết sự hợp pháp của việc tham gia chính trị mà họ xác tín sẽ đem lại lợi ích chung, những người này phạm lỗi dưới hình thức chủ nghĩa thế tục bất bao dung. Lập trường như thế sẽ tìm cách phủ nhận không chỉ bất kỳ sự tham gia của Ki-tô giáo vào đời sống cộng đồng hoặc chính trị, mà thậm chí còn phủ nhận khả thể của chính đạo đức tự nhiên. Nếu điều này diễn ra, nó sẽ mở đường cho tình trạng vô chính phủ về mặt luân lý, vốn chẳng còn gì là hợp pháp ngoài chủ nghĩa đa nguyên. Hậu quả hiển nhiên sẽ là sự áp bức của kẻ mạnh trên người yếu thế. Hơn nữa, việc loại Ki-tô giáo ra ngoài lề sẽ chẳng báo trước điềm lành cho tương lai của xã hội hoặc cho sự hợp nhất giữa các dân tộc; quả thật, nó đe dọa những nền tảng tinh thần và văn hóa của văn minh nhân loại.[26]

IV. Những xem xét về các bình diện cụ thể

           7. Trong những năm gần đây, đã có những tổ chức được thành lập dựa đặt nền trên các nguyên tắc Ki-tô giáo nhưng lại ủng hộ những động lực và phong trào chính trị có lập trường trái ngược với huấn giáo luân lý và xã hội của Hội thánh trên các vấn đề đạo đức nền tảng. Các hoạt động như thế, vốn đối nghịch với những nguyên tắc căn bản của lương tâm Ki-tô giáo, cũng không phù hợp với thành viên trong các tổ chức và đoàn thể xưng mình là Công giáo. Tương tự, một số báo chí Công giáo ở một số nước đã diễn tả những quan điểm về lựa chọn chính trị mập mờ hoặc lầm lạc, bằng việc giải thích sai lệch tư tưởng tự trị về chính trị mà người Công giáo được phép và không chú ý đến những nguyên tắc được đề cập ở trên.

Niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su, Đấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), mời gọi các Ki-tô hữu cố gắng nhiều hơn nữa trong việc xây dựng nền văn hóa được gợi hứng bởi Tin Mừng, vốn sẽ tái khẳng định các giá trị và nội dung của Truyền Thống Công Giáo. Việc trình bày hoa trái của di sản tinh thần, tri thức và luân lý của đạo Công giáo bằng những ngôn từ dễ hiểu đối với văn hóa hiện đại là nhiệm vụ vô cùng cấp bách trong thời đại hôm nay, hầu cũng tránh một loại vong bản văn hóa Công giáo. Hơn nữa, những thành tựu văn hóa và kinh nghiệm trưởng thành của người Công giáo trong đời sống chính trị ở nhiều quốc gia, nhất là từ sau Thế Chiến thứ hai, không cho phép bất kỳ thứ “mặc cảm tự ti” trong việc so sánh với các chương trình chính trị mà lịch sử những năm gần đây đã cho thấy là yếu nhược và hoàn toàn tai hại. Thật thiếu sót và quá hạn hẹp khi nghĩ rằng việc dấn thân của người Công giáo trong xã hội nên được giới hạn vào việc biến đổi cơ cấu xã hội mà thôi, bởi vì nếu ở mức độ căn bản mà đã chẳng có nền văn hóa nào có khả năng tiếp nhận, chứng minh và đem ra thực hành những quan điểm được khai triển từ đức tin và luân lý, thì những biến đổi này sẽ luôn được xây dựng trên nền tảng yếu ớt mà thôi.

Đức tin Ki-tô giáo chưa bao giờ được coi là áp đặt một khung cứng nhắc trên những vấn đề xã hội và chính trị, nhưng luôn ý thức rằng bình diện lịch sử đòi buộc con người phải sống trong những hoàn cảnh bất toàn vốn cũng dễ thay đổi nhanh chóng. Vì lý do đó mà các Ki-tô hữu phải gạt bỏ những lập trường và hoạt động chính trị được gợi hứng bởi quan điểm không tưởng, vốn là nhãn quan biến truyền thống của đức tin Kinh Thánh thành một thứ tầm nhìn tiên tri mà không hề có Thiên Chúa, sử dụng tôn giáo một cách bệnh hoạn bằng cách hướng lương tâm về một niềm hy vọng hoàn toàn thế tục và xóa bỏ hay cố tái giải thích việc cố gắng hướng về sự sống vĩnh cửu của các Ki-tô hữu.

Đồng thời, Hội thánh dạy rằng tự do đích thực không thể tồn tại mà không có chân lý. “Chân lý và tự do cùng song hành tay trong tay hoặc cùng nhau hư mất trong bi thương.”[27] Trong một xã hội mà người ta không đề cập đến chân lý cũng chẳng đi tìm kiếm chân lý thì mọi hình thức thực thi tự do đích thực đều bị suy yếu, mở đường cho sự méo mó phóng đãng và cá nhân, cùng ngấm ngầm phá hủy việc bảo vệ những điều tốt lành của con người và toàn thể xã hội.

           8. Về điều này, thật có ích khi nhắc lại một chân lý mà ngày nay thường không được nhận thức hay hình thành đúng đắn trong quan điểm công chúng: quyền tự do lương tâm và đặc biệt là quyền tự do tín ngưỡng được giảng dạy trong Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo (Dignitatis humanae) của Công đồng Vatican II, được dựa trên phẩm giá con người có tính hữu thể luận, chứ không phải dựa trên sự bình đẳng không tồn tại giữa các hệ thống tôn giáo và văn hóa do sự sáng tạo của con người.[28] Phản tỉnh trên vấn đề này, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã dạy rằng “Công đồng không đời nào đặt quyền tự do tín ngưỡng này dựa trên thực tế rằng mọi tôn giáo và giáo huấn, bao gồm cả những giáo huấn sai lầm, đều ít nhiều có giá trị như nhau; đúng hơn, nó được dựa trên phẩm giá con người, là điều đòi buộc người ta không bị lệ thuộc vào những giới hạn bên ngoài vốn có xu hướng chèn ép lương tâm trong việc tìm kiếm tôn giáo chân chính hay trong việc gắn bó với tôn giáo ấy.”[29] Do vậy mà giáo huấn về tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng không đi ngược với việc tín lý Công giáo kết án chủ thuyết thờ ơ và chủ thuyết tương đối về tôn giáo;[30] trái lại, nó hoàn toàn đồng thuận với kết án này.

V. Kết luận

9. Những nguyên tắc nằm trong Ghi chú này được nhắm đến mục đích soi sáng một trong những bình diện quan trọng nhất cho sự hội nhất đời sống Ki-tô hữu: sự thống nhất giữa đức tin và đời sống, giữa Tin Mừng và văn hóa, như được Công đồng Vatican II gợi nhắc. Công đồng khuyến khích các Ki-tô hữu “chu toàn các nhiệm vụ trần thế một cách trung tín trong tinh thần của Tin Mừng. Thật sai lầm khi nghĩ rằng bởi vì chúng ta không có thành đô vĩnh cửu nơi đây, nhưng là đang tìm kiếm thành đô sắp đến, nên chúng ta có thể sao lãng các trách nhiệm trần thế của mình; như thế là quên mất rằng vì đức tin chúng ta càng bị đòi buộc chu toàn cách hoàn hảo hơn các trách nhiệm này tùy theo ơn gọi của mỗi người… Chớ gì các Ki-tô hữu… hãnh diện vì có cơ hội thực thi các hoạt động trần thế của mình theo cách thế để hội nhất mọi khía cạnh nhân bản, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo và dưới sự dẫn dắt tối cao của những giá trị này mà mọi sự phải được làm để vinh danh Thiên Chúa.”[31]

Trong buổi yết triều ngày 21 tháng 11 năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phê chuẩn Ghi chú này, công nhận trong buổi họp thường niên của Bộ này, và ban lệnh ấn hành.

Rôma, từ văn phòng Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 24 tháng 11 năm 2002, đại lễ kính Đức Ki-tô Vua.

+ Đức Hồng Y Joseph RATZINGER
Bộ trưởng

+ Tarcisio BERTONE, S.D.B.
Nguyên Tổng Giám mục Vercelli
Thư ký

Chuyển ngữ: BS Trần Như Ý-Lan, C.N.D

Dựa trên “CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH,

DOCTRINAL NOTE on some questions regarding The Participation of Catholics in Political Life”

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20021124_politica_en.html

–––––––––––––––––––––––––

[1] Thư gửi Diognetus, 5,5; Xem thêm Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2240.

[2] Gioan Phaolô II, Tông thư Motu Proprio Tuyên thánh Tô-ma More là bổn mạng của các chính khách và chính trị gia, 1: AAS 93 (2001), 76.

[3] Sđd., 4.

[4] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 31; Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1915.

[5] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 75.

[6] Gioan Phaolô II, Tông huấn, Christifideles laici, 42: AAS 81 (1989), 472. Ghi chú tín lý này thiên về việc tham gia vào đời sống chính trị của các thành phần tín hữu. Các giám mục của Hội thánh có quyền và bổn phận đặt ra các nguyên tắc đạo đức liên quan đến trật tự xã hội; “Tuy nhiên việc tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị là dành cho các giáo dân tín hữu.” (ibid., 60). Xem Bộ Giáo sĩ, Chỉ dẫn mục vụ và đời sống giáo sĩ (31/03/1994), 33.

[7] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 76.

[8] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 36.

[9] Xem Công đồng Vatican II, sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 7; Hiến chế tín lý Lumen gentium, 36; Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 31 và 43.

[10] Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 42.

[11] Trong hai thế kỷ vừa qua, Huấn quyền Giáo hoàng đã nói về những vấn đề then chốt liên hệ đến trật tự xã hội và chính trị. Xem Lêô XIII, Thông điệp Diuturnum illud: ASS 14 (1881–1882), 4 ff; Thông điệp Immortale Dei: ASS 18 (1885–1886), 162ff; Thông điệp Libertas præstantissimum: ASS 20 (1887–1888), 593ff; Thông điệp Rerum novarum: ASS 23 (1890–1891), 643ff; Benedict XV, Thông điệp Pacem Dei munus pulcherrimum: AAS 12 (1920), 209ff; Piô XI, Thông điệp Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), 190ff; Thông điệp Mit brennender Sorge: AAS 29 (1937), 145–167; Thông điệp Divini Redemptoris: AAS 29 (1937), 78ff; Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939), 423ff; Radiomessaggi natalizi 1941–1944; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et magistra: AAS 53 (1961), 401–464; Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), 257–304; Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio: AAS 59 (1967), 257–299; Tông thư Octogesima adveniens: AAS 63 (1971), 401–441.

[12] Xem Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 46: AAS 83 (1991); Thông điệp Veritatis splendor, 101: AAS 85 (1993), 1212–1213; Discourse to the Italian Parliament, 5: L’Osservatore Romano (November 15, 2002).

[13] Xem Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae, 22: AAS 87 (1995), 425–426.

[14] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 76.

[15] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 75.

[16] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 43 và 75.

[17] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 25.

[18] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 73.

[19] Xem Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae, 73.

[20] Sđd.

[21] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 75.

[22] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2304.

[23] Xem Công đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 76.

[24] Gioan Phaolô II, Thông điệp ngày thế giới hòa bình 1991: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy tôn trọng lương tâm của mọi người”, 4: AAS 83 (1991), 414–415.

[25] Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 59.

[26] Xem Gioan Phaolô II, Diễn văn trước Ngoại giao đoàn tại Toà thánh: L’Osservatore Romano (January 11, 2002).

[27] Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio, 90: AAS 91 (1999), 75.

[28] Xem Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1: “Trước hết Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng chính Thiên Chúa đã chỉ cho nhân loại biết con đường, để nhờ đó, trong khi phụng thờ Ngài, con người có thể được cứu rỗi và hạnh phúc trong Chúa Kitô. Chúng tôi tin rằng Tôn Giáo chân thật, duy nhất này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền”. Điều này không làm giảm bớt sự chân thành tôn trọng mà Hội thánh dành cho các truyền thống tôn giáo đa dạng, nhận ra nơi đó “những yếu tố chân thật và tốt lành.” Cũng xem, Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium, 16; sắc lệnh Ad gentes, 11; Tuyên ngôn Nostra aetate, 2; Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 55: AAS 83 (1991), 302–304; Bộ Giáo lý đức tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus, 2, 8, 21: AAS 92 (2000), 742–765.

[29] Phaolô VI, Address to the Sacred College and to the Roman Prelature: in Insegnamenti di Paolo VI, 14 (1976), 1088–1089.

[30] Xem Piô IX, Thông điệp Quanta cura: ASS 3 (1867), 162; Leo XIII, Thông điệp Immortale Dei: ASS 18 (1885), 170–171; Piô XI, Thông điệp Quas primas: AAS 17 (1925), 604–605; Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2108; Bộ Giáo lý đức tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus, 22.

[31] Công đồng Vatican II, hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 43; cũng xem Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 59.

 

Bộ Giáo lý đức tin