Giấc Mơ Đại Kết Chưa Tròn
Dù có nhiều tiến bộ, nhưng Phong trào đại kết các tín hữu Kitô hiện nay như đang bị khựng lại vì nhiều khó khăn và chia rẽ mới. Tuy thế, các tín hữu Kitô không được từ bỏ “giấc mơ đại kết”, trái lại cần dấn thân gia tăng cầu nguyện và hoạt động để đón nhận ơn hiệp nhất.
Chiều thứ hai 25/1/2021, lễ thánh Phaolô trở lại, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành để chủ sự Kinh Chiều trọng thể kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Tuần cầu nguyện năm nay có chủ đề là: “Các con hãy ở lại trong tình thương của Thầy: các con sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15,5-9).
Trong một tuần qua, tại nhiều nơi, các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái, đã có những buổi cầu nguyện chung. Tại một số nước như Thụy Sĩ, Đức, Áo, mục sư Tin Lành được mời đến giảng trong thánh lễ của cộng đoàn Công Giáo và ngược lại. Nhiều bài báo hoặc thuyết trình đã được phổ biến.
Bài báo của Đức Hồng Y Kurt Koch
Đặc biệt, Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã viết một bài đăng trên báo “Quan sát viên Roma” (Osservatore Romano) của Tòa Thánh số ra ngày 18/1/2021, trong đó ngài nhận định rằng trong những năm tới đây, Công Giáo và Chính Thống có thể thực hiện những bước tiến quan trọng trong tiến tình hiệp nhất Giáo Hội. Điều kiện để thực hiện những bước tiến như thế chính là Giáo Hội Công Giáo theo đuổi nguyên tắc “công nghị tính”- Sinodalità – và các Giáo Hội Chính Thống cần chấp nhận cơ cấu vai trò của “người thứ I” – Protos -, người thủ lãnh cộng đoàn.
Công Giáo học hỏi nơi Chính Thống
Đức Hồng Y Koch nhắc đến kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung đầu tiên của Giáo Hội nhóm tại Nicea, gần thành Constantinople, ngày nay là Istanbul bên Thổ Nhĩ kỳ, và ngài gọi đây là cơ hội tốt để cùng nhau cố gắng tiến bước theo chiều hướng vừa nói. Đức Hồng Y giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nguyên tắc “công nghị tính” không phải chỉ giới hạn vào phương pháp, nhưng trước tiên ở bình diện tinh thần. Về phương diện này Công Giáo cần cố gắng học hỏi nơi Chính Thống giáo. Đây cũng là đề tài Đức Thánh Cha chọn cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2022 tới đây.
Chính Thống học hỏi nơi Công Giáo
Đối lại, Giáo Hội Công Giáo có thể chờ đợi nơi các Giáo Hội Chính Thống nhìn nhận rằng một quyền tối thượng – Primato-, quyền giáo chủ hoàn vũ không những là điều có thể và hợp thần học, nhưng còn là điều cần thiết, để tránh những căng thẳng và chia rẽ trong Chính Thống giáo như hồi Công đồng Chính Thống giáo ở đảo Creta Hy Lạp năm 2016. Hồi đó, Công đồng này bị Chính Thống Nga và Chính thống Georgia tẩy chay, không gửi đại diện đến họp.
Quyền giáo chủ này không phải chỉ là giáo chủ danh dự mà thôi, nhưng cũng bao gồm các yếu tố pháp lý nữa và vị Giáo Chủ có quyền tài phán đến mức độ nào đó. Theo Đức Hồng Y Koch, một nền tảng quan trọng cho sự xích lại gần nhau như thế là Văn kiện của Ủy ban thần học Công Giáo và Chính Thống hồi năm 2007, giải thích và xác định ý nghĩa những từ như “Công đồng tính” và “Quyền bính”, “Công nghị tính” và “Quyền giáo chủ” (Primato). Hai ý niệm này lệ thuộc nhau trên mọi bình diện của Giáo Hội.
Chia rẽ trong Chính Thống giáo
Những nhận định trên đây có lẽ vẫn chỉ đang là một mong ước, khi nhìn thực tại của các Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo. Thực vậy, công nghị tính mà Đức Hồng Y Koch đề cao vốn được thực thi mạnh mẽ trong 16 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới, nhưng tình hình hiện nay thế nào? Chính Thống giáo đang bị phân rẽ trầm trọng vì vụ Đức Thượng Phụ Bartolomaios, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ và tuy là Giáo chủ danh dự, nhưng ngài cũng có một số quyền tài phán, và đã nhìn nhận quyền tự trị của Cộng đồng Chính Thống Ucraina, tách rời khỏi sự lệ thuộc Chính Thống Nga. Từ đó Chính Thống Nga và một số Giáo Hội khác như Serbia hoặc Georgia cắt đứt sự hiệp thông với Chính Thống Constantinople, không cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Bartolomaios trong các lễ nghi phụng vụ nữa.
Quyền tự trị và độc lập của Chính Thống Ucraina cho đến nay chỉ được vài Giáo Hội Chính Thống khác công nhận. Sự chia rẽ này sâu đậm thêm, mặc dù họ theo đuổi ‘công nghị tính”, cụ thể là 1 vị Giáo Chủ có quyền quyết định như trong trường hợp của Công Giáo.
Trường hợp Anh Giáo
Vì thế, Đức Hồng Y Koch gợi ý: các cộng đồng Chính Thống cũng nên học nơi Công Giáo về việc nhìn nhận vai trò của vị Protos, vị Giáo Chủ, không phải chỉ là giáo chủ danh dự mà thôi. Về điểm này, Anh giáo cũng chịu đau khổ nhiều. Liên hiệp Anh giáo gồm 39 giáo tỉnh tự trị. Đức Giáo Chủ Anh giáo ở Anh, Justin Welby cũng là Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo trên thế giới, nhưng ngài chỉ là giáo chủ danh dự, trên các giáo tỉnh Anh giáo khác. Vì thế hiện nay các giáo tỉnh Anh giáo trên thế giới ở trong tình trạng “đồng sàng dị mộng”, mỗi giáo tỉnh tuy có tiếng là ở trong một “cộng đồng hiệp thông” nhưng thực tế mỗi giáo tỉnh có luân lý khác nhau: có nơi thì quyết liệt chống đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng phái và truyền chức mục sư và giám mục cho nữ giới, chống phá thai, như các giáo tỉnh Anh giáo bên Phi châu, nhưng có nơi thì cho phép những lối thực hành như vậy. Một Đức Giáo Chủ Anh giáo trước đây đã có lần bày tỏ mong ước vị Giáo Chủ của Liên Hiệp có một quyền tài phán nào đó, phần nào như trong Công Giáo.
Khó khăn trong Công Giáo
Nhìn vào thực trạng Công Giáo, dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay, nhiều vị Giám Mục và các tín hữu đã lên tiếng báo động về nguy cơ ly giáo tại Đức, khi mà Cộng đoàn Công Giáo tại nước này, đang tiến hành cái gọi là “Con đường Công nghị”, gọi là để cải tổ Giáo Hội, và 4 điểm họ nhắm tới là truyền chức thánh cho phụ nữ, thay đổi luật độc thân Giáo Sĩ, dân chủ hóa Giáo Hội, và thay đổi luân lý tính dục Công Giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một thư dài 29 trang gửi cộng đồng dân Chúa ở Đức để nhắc nhở rằng cải tổ Giáo Hội không phải chỉ ở bình diện cơ cấu, nhưng cần phải hoán cải về tinh thần; nhưng dường như lời nhắn nhủ của ngài ít được chú ý. Thậm chí mới đây vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, đề nghị thay đổi sách giáo lý Công Giáo trong những đoạn về đồng tính luyến ái, chấp nhận xu hướng này và công nhận một thứ chúc lành cho những cặp đồng phái sống chung, tuy không nhìn nhận đó là hôn phối.
Giấc mơ đại kết
Một vài dữ kiện trên đây nhắc nhở rằng con đường đại kết để đạt tới sự hiệp nhất hữu hình, “cho chúng được nên một” như ước muốn của Chúa Giêsu, vẫn còn nhiều chông gai, mặc dù có phong trào đại kết và tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, và chưa ai có thế nói khi nào các Kitô hữu được hiệp nhất hữu hình trọn vẹn với nhau.
Hiệp nhất là một ơn cần cầu xin
Với ý hướng đó, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 20/1 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng hiệp nhất là một hồng ân của Chúa hơn là kết quả những cố gắng của chúng ta. Ngài giải thích rằng căn cội những chia rẽ là ở chính nội tâm chúng ta, ngài nói:
“Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã cầu nguyện cho các môn đệ, ‘xin cho chúng được nên một’ (Ga 17,21)… Chúa không truyền các tín hữu phải hiệp nhất… Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha cho chúng ta, để chúng ta được nên một. Điều này có nghĩa là không phải chỉ cần sức riêng của chúng ta để thực hiện sự hiệp nhất. Hiệp nhất trước tiên là một hồng ân, một ân sủng cần phải cầu xin với kinh nguyện….” ”Cầu nguyện có nghĩa là chiến đấu cho sự hiệp nhất. Đúng vậy, đó là chiến đấu, vì kẻ thù của chúng ta là ma quỉ, như chính ý nghĩa của từ này, nó là tên chia rẽ. Hắn gieo rắc chia rẽ ở mọi nơi và bằng mọi cách.”
Đại kết là giấc mơ mà các tín hữu phải cố gắng góp phần cụ thể hóa, cũng như việc coi tất cả mọi người là anh chị em với nhau, như Đức Thánh Cha đã diễn tả trong thông điệp “Fratelli tutti” – Tất cả anh em. Cho đến nay tất cả chỉ đang là những giấc mơ, nhưng ngài vẫn quyết liệt cổ võ những giấc mơ cao thượng ấy.
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt