Giải thích bức i-côn Chúa Ba Ngôi của Andrei Rublev
Andrei Rublev sinh vào khoảng năm 1360. Không có nhiều thông tin về thời gian đầu cuộc đời của ông, tuy nhiên tên tuổi của ông gắn liền với lịch sử trường phái nghệ thuật Nga. Nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại bảo tàng Tretyakov tại Maxcova và bảo tàng Nga tại St. Petersburg. Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1430 và được chôn cất ởTu viện Andronikov Monastery tại Maxcova.
Về các bức i-côn
Bức i-côn (icon) không phải là một bức tranh theo nghĩa thông thường như khi chúng ta nói đến các tác phẩm nghệ thuật, mặc dù đó là bức hình được vẽ ra. Mỗi bức i-côn là một cửa sổ nhìn ra từ những thực tại hiển hiện của cuộc sống thường ngày để đi vào thực tại của Thiên Chúa. Mỗi nét vẽ đều mang ý nghĩa thiêng liêng của nhiều thế kỷ cầu nguyện. Các bức i-côn là những hình ảnh tôn giáo đan xen giữa hai thế giới, nhờ những màu sắc và hình vẽ để diễn tả những gì không thể nắm bắt được bằng trí tuệ. Một nghệ thuật diễn tả cái vô hình bằng cái hữu hình. Các bức i-côn chính là phiên bản trình bày bằng hình ảnh những gì trình bày trong Kinh Thánh. Không phải mọi bức vẽ tôn giáo đều được coi là i-côn. Chỉ các bức tranh tôn giáo chuyển tải được ý nghĩa thiêng liêng nội tại của đề tài muốn trình bày mới được coi là i-côn. Con Thiên Chúa đã đến để khôi phục hình ảnh Thiên Chúa trong thân phận con người. Nghệ thuật i-côn chính là sự xác nhận bằng hình ảnh cho việc phục hồi này.
Việc phục chế bức i-côn Chúa Ba Ngôi.
Trong thời Trung cổ ở Nga, tất cả các bức i-côn khi vẽ mới đều được phủ bởi một lớp dầu thấm đặc biệt để bảo vệ bức i-côn khỏi sự hư mòn cơ học và để tăng thêm cường độ cho màu sắc. Đáng tiếc là qua thời gian, bức i-côn đã bị tối màu, bị mất đi màu nguyên thủy và trở nên đen xịt. Vì lý do đó, bức i-côn cần phải được khôi phục lại. Người ta đã vẽ phủ lên bức i-côn Chúa Ba Ngôi một lớp sơn mới dựa theo những đường nét mờ không còn nhìn rõ. Việc này được làm đi làm lại vài lần. Sang đến thế kỷ 20, nó chẳng còn dấu vết gì về kiệt tác của Rublev ngoài hồi ức tự hào về một tác phẩm cổ. Năm 1905 đánh dấu những nỗ lực đầu tiên trong việc bóc bỏ những phần đắp thêm trên bức i-côn từ thế kỷ 15. Cuối năm 1918, công việc phục hồi được tiếp tục, phần xung quanh được bỏ ra và chỉ từ lúc đó, dáng vẻ bên ngoài của bức i-côn mới gần giống với phiên bản nguyên thủy.
Cụm từ “gần giống” được sử dụng bởi vì, sau năm thế kỷ, bức icon đã bị hư hại nặng nề. Phần nền bằng vàng đã mất đi, cây thì được vẽ mới theo nét vẽ cũ, và các lớp sơn trên cùng thì bị tẩy sạch. Thậm chí phần nền đất cũng phần nào bị ảnh hưởng và xuất hiện vết rạn, những nét viền ngoài của các thiên thần cũng phần nào bị điều chỉnh. Bất chấp những hạn chế như đã kể, ngay cả với tình trạng hiện tại của nó, bức i-côn Chúa Ba Ngôi vẫn là một trong những bức i-côn tuyệt vời nhất của Nga.
Theo cách diễn giải thần học của các tác giả gắn kết các sự kiện trong Cựu Ước với các sự kiện trong Tân Ước, ba Thiên thần là ba ngôi vị của Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mặc dù thể hiện mối tương quan hình ảnh trực tiếp theo cách diễn giải này, bức i-côn Chúa Ba Ngôi của Rublev lại có những đặc điểm riêng chứa đựng nội dung và ý nghĩa mới. Trong bức i-côn của Rublev, chúng ta có thể thấy lần đầu tiên cả ba thiên thần được thể hiện một cách tương đồng như nhau. Bức i-côn này đã tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt trong giáo lý của Giáo hội Chính Thống về Chúa Ba Ngôi.
Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta nhìn nhận bức i-côn Chúa Ba Ngôi của Andrei Rublev là một thành tựu cao nhất của nghệ thuật Nga. Đem lại vinh quang cho sự nghiệp nghệ thuật lâu dài của một nghệ sĩ đơn lẻ, bức i-côn cũng là hiện thân cho tư duy sáng tạo của một vài thế hệ. Giống như các nghệ sĩ Trung cổ khác, Rublev đánh giá cao truyền thống và nỗ lực tập thể.
Chú giải ý nghĩa bức i-côn Chúa Ba Ngôi.
Bức i-côn mang đề tài câu truyện bí nhiệm, ở đó Abraham tiếp đón ba vị khách khi ông đang dựng lều cạnh cây sồi Mamre. Ông tiếp đãi họ bữa ăn. Trong lúc cuộc đàm đạo diễn tiến, dường như ông đã được nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa, như thể các “thiên thần” này theo một cách nào đó là sự ẩn dụ của ba ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi. Theo cách thể hiện của Rublev, ba nhân vật có cánh vàng ngồi xung quanh một cái bàn trắng, trên đó đặt cái bát vàng hình chén thánh có thịt cừu nướng. Hậu cảnh bức i-côn có ngôi nhà ở đỉnh góc bên trái và có một cây ở chính giữa. Mờ mờ hơn là cồn đá ở góc trên bên phải. Bố cục tác phẩm tạo thành một vòng tròn lớn xung quanh cái bàn, tập trung sự chú ý vào cái bát hình chén thánh ở chính giữa, gợi cho người xem liên tưởng đến bàn tiệc thánh thể.
Xét ở một góc độ nào đó, bức hình diễn tả ba thiên thần ngồi dưới gốc cây của Abraham, nhưng xét từ một góc độ khác, hình ảnh này diễn tả ý nghĩa về Chúa Ba Ngôi, về bản chất của Thiên Chúa, về cách thức chúng ta tiếp cận Ngài. Xem bức hình từ trái qua phải, chúng ta thấy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Màu sắc
Rublev mặc cho mỗi Ngôi vị của Chúa Ba Ngôi một sắc phục khác nhau. Ở bên phải, Chúa Thánh Thần có áo màu trời trong xanh, phủ bởi vạt choàng xanh lá nhạt. Như vậy Thần Khí sáng tạo di chuyển trong trời và nước, thở hơi vào trời và đất. Tất cả mọi sinh vật đều mang sức sống bởi tác động của Ngài.
Chúa Con có những màu sắc sẫm nhất; tấm áo nặng dày mang màu nâu đỏ của đất và vạt choàng màu thiên thanh. Trong Ngôi vị của mình, Ngài liên kết đất với trời là hai bản tính hiện hữu trong Ngài, trên vai phải là dải vàng vắt qua tấm áo màu đất (Quyền cai trị sẽ phủ trên vai Ngài), như thiên tính của Ngài tỏa lan và biến đổi nhân tính của Ngài.
Chúa Cha dường như mặc lấy tất cả các màu sắc trong tấm áo biến đổi theo ánh sáng, như thể trong suốt và không diễn tả hay định nghĩa được thành lời. Và cũng không thể làm khác được, bởi không ai thấy được Chúa Cha, nhưng hình ảnh của Ngài tràn ngập khắp vũ trụ.
Các đôi cánh thiên thần hoặc ngôi vị đều bằng vàng. Bệ ngồi cũng bằng vàng. Chén thánh ở trung tâm và cả mái nhà cũng bằng vàng. Bất kể họ ngồi hay bay, tất cả đều hoàn hảo, quý giá và xứng hợp. Trong trạng thái cân bằng, khi không có hoạt động nào hiển hiện từ Thiên Chúa, đường lối của Ngài là vàng. Khi Ngài bay lên, ánh sáng chói chang với uy quyền và sức mạnh không gì đánh bại được, đường lối của Ngài là quý báu. Và trong cuộc Hiến tế ở tâm điểm của mọi sự, đường lối của Ngài là quý báu.
Ánh sáng chiếu tỏa quanh đầu các thiên thần là ánh sáng trắng tinh khiết. Vàng không đủ để diễn tả vinh quang Thiên Chúa. Chỉ ánh sáng mới có thể làm được điều đó. Và cũng màu trắng đó trở nên bàn thánh, là nơi hiến tế. Thiên Chúa được tỏ hiện ở đây, nơi tâm điểm và trong sự tinh trắng của ánh sáng trinh nguyên.
Chúa Cha nhìn về phía trước, giơ tay chúc phúc cho Chúa Con. Thật khó để nói là Ngài đang nhìn lên Chúa Con hay đang nhìn xuống chén thánh trên bàn, nhưng cử chỉ của Ngài diễn tả một chuyển động hướng về Chúa Con. Đây là Con Ta, hãy nghe lời Người… Bàn tay Chúa Con chỉ lên quanh vòng tròn, hướng về Chúa Thánh Thần. Trong bố cục đơn giản này, chúng ta thấy chuyển động của sự sống về phía chúng ta. Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Con sai Chúa Thánh Thần. Sự sống chuyển dịch theo chiều kim đồng hồ quanh vòng tròn. Và chúng ta hoàn tất vòng tròn đó. Như Chúa Cha sai Chúa Con, như Chúa Con sai Chúa Thánh Thần, vì thế chúng ta được mời gọi và được sai đi để hoàn tất vòng tròn Thiên Chúa bằng sự đáp trả của chúng ta. Chúng ta đáp lại chuyển động của Chúa Thánh Thần, Đấng chỉ chúng ta hướng về phía Chúa Con. Và Ngài chỉ cho chúng ta về Chúa Cha là nơi mọi sự đơm hoa kết trái. Đây là chuyển động ngược chiều kim đồng hồ của cuộc đời chúng ta, trong sự đáp trả chuyển động của Thiên Chúa. Và dọc theo hành trình đó là ba dấu hiệu ở phía trên bức i-côn: ngọn đồi, cái cây và ngôi nhà.
Chúa Thánh Thần tác động tới chúng ta, dù chúng ta không biết Đấng đã chạm tới chúng ta. Ngài dẫn dắt chúng ta bằng những con đường chúng ta có thể không hay biết, ngược lên đồi của lời cầu nguyện. Có thể dốc đá, nhưng là hành trình Thiên Chúa đã đi bước trước chúng ta. Con đường đó dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, và dẫn chúng ta tới cái cây. Một cây đại thụ tỏa bóng mát giữa ngày nắng nóng. Đó là nơi an toàn, bình yên, là nơi chúng ta có thể bắt đầu tìm ra những triển vọng để chúng ta trở thành. Đó không phải cây thông thường. Cây đó đứng trên Chúa Con trong bức i-côn, đứng trên bàn tế lễ nơi con chiên nằm trên chén thánh. Nhờ cuộc hiến tế mà cây đó phát triển. Cây sự chết đã được biến đổi thành cây sự sống cho chúng ta.
Cái cây trên đường dẫn tới ngôi nhà. Phía trên đầu Chúa Cha là nhà của Cha. Đó là đích điểm hành trình của chúng ta. Đó là khởi đầu và kết thúc cuộc đời chúng ta. Mái nhà bằng vàng. Cửa nhà luôn rộng mở cho lữ khách. Nhà có tháp và cửa sổ luôn mở để Cha có thể liên tục đưa mắt qua các nẻo đường dõi bóng đứa con hoang đàng trở về.
Gậy cho hành trình
Mỗi ngôi vị cầm giữ một cái gậy, dài tới mức cắt bức i-côn thành từng phần. Tại sao những ngôi vị có cánh có thể bay như ánh sáng, lại cần đến gậy trong hành trình của mình? Là bởi chúng ta đang trong một hành trình và ba ngôi vị này đi vào hành trình của chúng ta, đi vào chuyển động chậm chạp của chúng ta ngang qua bề mặt trái đất. Gối mỏi chân chồn vì những bước lữ hành. Thiên Chúa ở với chúng ta trong bước mỏi mệt của con đường nhân loại. Thiên Chúa lữ khách đó ngồi xuống bên cái bàn bình thường của con người và hé mở cho họ biết về Nước Trời.
Cái bàn
Cái bàn hay bàn thờ nằm ở trung tâm bức i-côn. Đó vừa là bàn Abraham tiếp đón các vị khách thiên thần, vừa là nơi Thiên Chúa tiếp đón chúng ta. Sự khó hiểu nằm ở tâm điểm Thánh Thể, tâm điểm của thờ phượng. Chỉ cần chúng ta mở một nơi thánh thiêng cho Thiên Chúa bước vào, để Thiên Chúa được tiếp đón và thờ phượng, nơi đó sẽ trở thành nơi của Ngài. Lúc đó chính chúng ta sẽ là người được đón tiếp, chính chúng ta là người phải “cởi bỏ giày” bởi đó là đất thánh.
Giữa trung tâm của vòng tròn là dấu hiệu sự chết. Con chiên bị giết. Bữa tiệc thánh được đem tới bàn tiệc. Tất cả đều chỉ về khoảng không này, mầu nhiệm này: nơi đó, mọi sự về Thiên Chúa được tóm lại và thể hiện: uy lực và vinh quang, và trên tất cả là tình yêu của Ngài. Điều đó được thể hiện theo cách thức mà chúng ta có thể vươn tới. Vì khoảng không trên bàn này là ở phía chúng ta. Chúng ta được mời gọi tham gia cùng với nhóm nơi bàn ăn và đón nhận tâm tình của họ cho chính chúng ta.
Chúng ta được mời gọi hoàn tất vòng tròn, tham gia điệu vũ, hoàn tất các hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới bằng sự đáp trả của riêng chúng ta. Dưới bàn thờ là một hình chữ nhật đánh dấu nơi thánh, là nơi thánh tích các thánh tử đạo được lưu giữ trong nhà thờ. Điểm đó trước mặt chúng ta, mời gọi chúng ta bước vào nơi sâu thẳm và trong sự thân tình của tất cả mọi sự đã được thể hiện ở đây. Hãy đến và theo bước Thánh Thần ngược lên đồi cầu nguyện. Hãy đến, và ngụ dưới bóng Chúa Con, nghỉ ngơi dưới cây sự sống của Ngài. Hãy đến và lên đường trở về quê, đã được chuẩn bị cho bạn trong nhà của Chúa Cha.
Bàn tiệc đã dọn sẵn, cửa đã mở. Hãy đến.
Nguồn: website Tổng giáo phận Hà Nội