Giáo Hội Trước Những Thách Đố Của Không Gian Mạng


Giáo hội trước những thách đố của không gian mạng

Lm. Joshy Kunnel Xavier, S.J.
Lm. Thế Vinh & Lm. Hữu Hiền lược dịch

DẪN NHẬP

Internet và mạng lưới toàn cầu (World Wide Web) là phát minh vĩ đại của nhân loại. Phát minh này có tác động lớn, làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống con người. Giống như điện thoại ở những năm 1920 và truyền hình ở những năm 1950, Internet ngày nay đã trở thành phương tiện truyền thông nổi bật và chủ yếu.

Internet có một số tính năng nổi bật như: tức thời, toàn cầu, phân tán, tương tác, tiếp cận không giới hạn, linh hoạt, dễ sửa đổi và dễ thích nghi. Nó mang tính bình đẳng, theo nghĩa bất cứ ai với phương tiện và kỹ năng cơ bản cũng có thể tham gia và hoạt động trên Internet.[1] Internet trở thành trung tâm kết hợp những người cùng khuynh hướng lại với nhau. Nhờ Internet, những người thường xuyên bị loại bỏ hoặc bị tôn giáo khai trừ, đều có thể tìm đến và hội nhập dễ dàng với những cộng đoàn tâm linh trực tuyến.

Như vậy, Internet đã tạo ra một không gian đặc biệt được gọi là Không gian mạng (Cyberspace). Thuật ngữ “Cyberspace – Không gian mạng” – được tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng William Gibson tạo ra – dùng để chỉ một không gian ảo, nhưng lại có thực, vì giúp cho con người thực sự hiện diện và tương tác với nhau qua các thiết bị vi tính.

Đi đôi với thuật ngữ Cyberspace là các thuật ngữ “online” và “offline” – ám chỉ một người đang kết nối hoặc không kết nối trong không gian mạng. Khi online, người ta bước vào một không gian mạng không biên giới và không rõ ràng; nhưng nó cho người ta vô số tự do và rất nhiều lựa chọn. Nó hỗ trợ niềm khát khao siêu việt hóa chính mình của con người. Với khả năng tương tác hai chiều, nó nổi bật hơn hẳn các hình thức truyền thông khác. Tuy nhiên, cùng với những đóng góp tích cực, Internet đã gây ra nhiều thách đố và nhiều vấn đề đạo đức.

BỐI CẢNH

  • Văn hóa thời đại kỹ thuật số

Muốn suy tư về những thách đố của truyền thông xã hội đối với Giáo hội trong thời đại kỹ thuật số, chúng ta cần đặt mình trong bối cảnh văn hóa của thời đại này. Các phương tiện truyền thông của thời đại kỹ thuật số có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức làm thay đổi những quan niệm về chính chúng ta và các thực tại xung quanh chúng ta, vì không gian mạng đã trở thành trung tâm của các mối quan hệ và tạo điều kiện cho việc hình thành một xã hội mới, một thế giới mới, một văn hóa mới, với những thay đổi thâm sâu ở cấp độ căn tính, hiện hữu, tương quan và nhận thức.

Không gian mạng – và các công cụ của nó – đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông, đưa đến khái niệm “ngôi làng toàn cầu (global village)” – một thuật ngữ do Marshall McLuhan tạo ra vào thập niên 1960 (x. Huấn Thị Aetatis Novae, số 1). Các công cụ của không gian mạng rất phong phú: thư điện tử (email), các trang web, các trang blogs, các trang trực tuyến tìm kiếm người yêu, trò chơi trực tuyến/ngoại tuyến, các trang web mua sắm/ tiếp thị/ thương mại điện tử trực tuyến, các trang mạng xã hội và các sàn học tập trực tuyến. Các công cụ đó xâm nhập mọi lĩnh vực của cuộc sống, tạo ra những sinh hoạt kỳ diệu: Tự động hóa công nghệ và người máy, Tự động hóa văn phòng, Giao dịch tài chính điện tử; Trí tuệ nhân tạo, Y học từ xa (Telemedicine), Công cụ vi tính cho người khuyết tật (chuyển từ chữ sang tiếng – Text to Speech, hay từ tiếng sang chữ – Speech to Text, và các thiết bị chân tay giả…), Cấu trúc điện toán đám mây, Dữ liệu nguồn, Khai thác dữ liệu (tìm kiếm và phân tích các khối lượng dữ liệu để tìm các nguyên mẫu và phát triển thông tin hoặc kiến thức mới), Dự báo & Tìm hiểu các loại máy, Internet vạn vật (Internet of Things), những cảm biến thông minh.

  • Lạm dụng không gian mạng

Bên cạnh bao nhiêu lợi ích phong phú mà Internet mang lại cho thế giới, người ta cũng có thể nhận diện rất rõ vô số những lãnh vực của không gian mạng bị kẻ xấu lạm dụng, sinh ra những nguy hại khôn lường. Sở dĩ như thế là vì không gian mạng không được độc quyền quản lý và sở hữu bởi bất kỳ ai. Ai cũng có thể xâm nhập và tất cả mọi người đều có trách nhiệm như nhau về các hoạt động trong không gian mạng.

Sự lạm dụng không gian mạng bao gồm: lấy trộm thông tin; ăn cắp thông tin cá nhân như mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng; gửi tin tặc và thông tin của người bị lấy cắp; tấn công virus / trojan; bẻ bản quyền phần mềm… Một lãnh vực mới bị lạm dụng là khủng bố qua mạng. Ngày nay, với sự trợ giúp của internet, những kẻ khủng bố có thể làm cho hoạt động của họ trở nên hiệu quả hơn, khi Internet trở thành công cụ giúp họ truyền thông với nhau, và trở thành nguồn thông tin cho họ.

Một mối lo ngại nghiêm trọng do Kitô hữu và các tín đồ tôn giáo đưa ra, đó là việc người ta dùng quá nhiều thời gian để lướt web, từ đó dẫn đến chủ nghĩa duy cá nhân, duy ngã, tha hóa, ám ảnh và nghiện ngập. Không gian mạng làm cho người ta bị nghiện và bị ám ảnh về nó. Sử dụng internet quá nhiều sẽ làm suy yếu các mối quan hệ giữa con người với nhau, đưa đến những trường hợp thất bại trong nghề nghiệp hay học tập.

Việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội tác động sâu sắc đến từng thời khắc và mọi khía cạnh cuộc sống. Thống kê và nhiều bằng chứng khác cho thấy điều ấy (trung bình, người có điện thoại thông minh kiểm tra điện thoại khoảng 150 lần một ngày, và 80% trong số họ coi việc kiểm tra điện thoại là hoạt động đầu tiên trong ngày sống). Thói quen đó đan dệt vào nhịp sống, đi vào trong các tương tác, tương quan, suy nghĩ và cả đời sống cầu nguyện nữa. Internet đã từng có ảnh hưởng mạnh trên các cuộc bầu cử: xây dựng hình ảnh ứng cử viên, che giấu và trấn áp sự thật, tạo dư luận… (Donald Trump, Narendra Modi [2].)

Có rất nhiều trò chơi trực tuyến nguy hiểm lèo lái thanh thiếu niên tự hại mình và thậm chí tự tử, như các games: Blue Whale Challenge, The Pass Out Challenge, The Salt and Ice Challenge, The Fire Challenge, The Cutting Challenge. Các trò chơi này tẩy não và thúc giục người chơi chứng minh bản thân bằng cách đối mặt với một thử thách. Thông thường, người chơi thoát ly thực tế để theo đuổi thách thức này do sức ép của chúng bạn. Khi cha mẹ hoặc người giám hộ phát hiện ra, thì đã quá muộn. Có một số trò chơi khác liên quan đến giết người, sử dụng vũ khí nguy hiểm như súng, cung tên, bom… Chúng ảnh hưởng đến tâm trí của trẻ em, khiến trẻ em thích tàn phá, kiêu ngạo, trả đũa, có khuynh hướng bắt nạt và thống trị.

  • Định dạng tư duy và cuộc sống con người

Như McLuhan gợi ý, phương tiện truyền thông không chỉ là các kênh thông tin. Chúng không những cung cấp chất liệu cho tư duy, nhưng còn định dạng quá trình tư duy, ví dụ, Internet có vẻ như đang làm cho chúng ta giảm sút khả năng tập trung và chiêm niệm[3].

Chúng ta không còn đọc nữa, nhưng lướt qua, cuộn qua, và sử dụng siêu liên kết để điều hướng sang các trang khác (kỹ thuật nhúng – Digital Immersion). “Tôi không thể khiến học sinh đọc toàn bộ cuốn sách được nữa”, nhiều giáo viên thường xuyên than phiền như thế. Khả năng miệt mài và bền bỉ của chúng ta đã suy giảm, chúng ta không còn đọc được nhiều trang sách như trước – không còn có thể tự nhận mình là kẻ ‘mọt sách’ nữa. Chúng ta phải dựa nhiều vào hệ thống máy tính để kiểm tra ngữ pháp, từ vựng, cấu trúc câu… Đôi khi, tri thức chỉ còn tồn tại trong hệ thống vi tính bên ngoài chúng ta. Chúng ta không còn để ý phát triển trí nhớ của mình, vì chúng ta đã lưu trữ chúng trong bộ nhớ máy tính. Chúng ta tạo ra thông tin và phân phối chúng, nhưng chúng ta sử dụng chúng được bao nhiêu? Ngay cả quá trình suy tư và hệ thống phản xạ của chúng ta cũng đã thay đổi từ dạng ‘thứ tự tuyến tính trước sau’ sang dạng ‘ngẫu nhiên’ (từ dạng nghe nhạc thứ tự từng bài một bằng băng cassette, sang dạng nghe nhạc cách ngẫu nhiên bằng thẻ nhớ trên laptop và di động).

Chúng ta tự động chọn những hành động ngẫu nhiên, mau chóng chuyển đổi sự chú ý sang đối tượng hay công việc khác, xáo trộn điều này sang điều kia, đòi hỏi cách vô ích nhiều tác vụ cùng lúc. Chúng ta thường bận rộn nhưng hiệu quả thì không cao. Điều này một phần là do nghe nhạc theo kiểu ngẫu nhiên trong hệ thống kỹ thuật số như máy tính xách tay hoặc iPod. Khi cuộc sống là ngẫu nhiên, nó sẽ không có chiều sâu và trở thành một chướng ngại khi muốn sống tròn đầy ý nghĩa.

Chúng ta thường chỉ quen thoáng nghe hơn là lắng nghe thực sự trong đức tin và vâng phục.[4] Điều này chỉ đưa chúng ta đến sự ham thú giác quan, sống tùy tiện, gây trở ngại cho đời sống đức tin của chúng ta. Thông thường, khi người ta quen phản ứng nhanh bằng cách “nhấp chuột”, thì họ cũng quen phản ứng vội vàng trong những tình huống khác, và cũng đòi hỏi người khác phản ứng như vậy.

Đối với người trẻ, tai nghe (headphone) thường là một vật không thể thiếu, khiến tạo ra một thế giới cô lập, xa cách người khác và chỉ sống với riêng bản thân mình. iPod làm thay đổi cách chúng ta lắng nghe, thay đổi hành động và mục đích: không còn hành động vâng phục nữa mà là sự nuông chiều bản thân; nó tạo ra một môi trường thiếu vắng việc truyền tải sứ điệp giữa người với người. Ở Ấn Độ, tháo tai nghe là dấu hiệu tôn trọng đối với người họ gặp. Sinh viên ngày nay khác với ngày xưa, họ phát triển khả năng “hypertext minds” – suy nghĩ cùng lúc dựa trên nhiều bản văn hoặc sự kiện -, khiến họ nhận thức theo kiểu “nhảy lòng vòng” hơn là theo một tiến trình xử lý thông tin có thứ tự lớp lang.

Chúng ta cần giải quyết vấn đề giữa sự bận rộn và tính hiệu quả trong thế giới mạng. Mạng xã hội khiến chúng ta bận rộn, nhưng liệu nó có thật sự hiệu quả không, liệu nó có thực sự đưa chúng ta tới mục đích tối hậu của cuộc sống? Người ta hành động như những cái máy, tạo ra cảm giác xa lạ với người khác, mất tính người, khi máy móc hoạt động như con người, như trong các cuộc gọi trả lời tự động, trong các trung tâm trợ giúp và chăm sóc khách hàng.

QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI

Sự quan tâm của Giáo hội đối với Internet được diễn tả trong cả một quá trình quan tâm lâu dài đến các phương tiện truyền thông xã hội. Đối với Giáo Hội, truyền thông vẫn là một sứ vụ và là một phần thiết yếu của việc rao giảng Nước Trời. Ngay cả khi lên án sự lạm dụng nghiêm trọng, Giáo Hội vẫn tích cực tiếp cận các phương tiện truyền thông nói chung, và Internet cũng như không gian mạng nói riêng. Trong các tài liệu về Truyền thông Xã hội do Tòa Thánh công bố, chúng ta nhận thấy “Giáo hội coi các phương tiện này là ‘những quà tặng của Thiên Chúa’, theo thiết kế quan phòng của Chúa, mà liên kết con người trong tình huynh đệ và giúp họ cộng tác với Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ con người”.[5]

Internet và máy vi tính đóng góp rất lớn cho việc mở rộng và làm phong phú trí tuệ con người, cũng như cho việc truyền bá và củng cố Nước Chúa. Giáo hội cổ võ sự phát triển và sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông vào việc thăng tiến công lý và hòa bình của nhân loại; cho việc xây dựng xã hội ở mọi cấp độ trong ánh sáng của công ích, của tinh thần bác ái và đoàn kết.

Theo Giáo Hội, Internet và các hình thức truyền thông khác đều phát xuất từ sự truyền thông trong yêu thương giữa các Ngôi vị Thiên Chúa và từ việc Thiên Chúa truyền thông cho con người. Quả thực, Thiên Chúa đã truyền thông chính bản thân Ngài cho nhân loại. Chúa Con là Lời, được Chúa Cha nói từ muôn thuở. Trong và qua Đức Giêsu Kitô – là Con và Lời nhập thể -, Thiên Chúa truyền thông chính Ngài và ơn cứu độ của Ngài cho mọi người.[6] Thiên Chúa vẫn tiếp tục truyền thông với con người qua nhiều cách và nhiều phương tiện, đặc biệt là qua Giáo Hội. Giáo hội – nắm giữ và bảo vệ mạc khải của Chúa, cùng với đặc quyền giáo huấn – được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm truyền thông: giải thích chính thức và chính xác Lời của Ngài.[7]

Internet hiện nay đang được sử dụng tốt, và có rất nhiều triển vọng, nhưng cũng gây ra nhiều thiệt hại do sử dụng không đúng cách. Nó tốt hay xấu, phần lớn phụ thuộc vào việc lựa chọn. Chọn lựa của Giáo Hội luôn mang hai yếu tố quan trọng là: sự dấn thân bảo vệ phẩm giá con người, và truyền thống khôn ngoan của Giáo Hội về luân lý. Xét như một sứ điệp được thông truyền, thì Internet – trong quá trình, cấu trúc và hệ thống truyền thông của nó – cần dựa trên “nguyên tắc đạo đức căn bản: Con người và cộng đoàn con người là cùng đích và là thước đo việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội; truyền thông giữa người với người phải hướng đến sự phát triển toàn diện cho con người.”[8]

Internet có liên quan đến các hoạt động và chương trình của Giáo Hội như: Phúc âm hóa (bao gồm cả việc tái Phúc âm hóa, tân Phúc âm hóa và công tác truyền giáo truyền thống), dạy giáo lý và các loại hình giáo dục khác, truyền tải tin tức và thông tin, hộ giáo, quản trị và hành chính, tư vấn mục vụ và linh hướng. Thực tế ảo của không gian mạng không thể thay thế cho cộng đoàn thực ngoài đời giữa các cá nhân, thực tại mang tính nhập thể của các bí tích và cử hành phụng vụ, hoặc việc công bố Tin Mừng cách trực tiếp. Nhưng thực tại ảo đó có thể đóng vai trò bổ sung, thu hút mọi người đến với trải nghiệm đời sống đức tin đầy đủ hơn, và làm phong phú hóa đời sống đạo của người sử dụng. Nó cũng cung cấp cho Giáo Hội một phương tiện để giao tiếp với các nhóm đặc biệt như: người trẻ, trung niên, người cao tuổi và những người tàn tật ở nhà, những người sống trong vùng sâu vùng xa, những tín đồ của các tôn giáo, hay những người rất khó tiếp cận khác.[9]

Giáo Hội cũng quan tâm tới việc sử dụng và phân bổ Internet chẳng hạn như việc phân hóa trong thời đại số (giàu thông tin và nghèo thông tin). Điều đó nhấn mạnh rằng mọi cá nhân, mọi nhóm, mọi quốc gia đều có quyền sử dụng công nghệ mới, để được chia sẻ những lợi ích của sự phát triển và toàn cầu hóa; và để không bị tụt hậu nhiều hơn. Bảo vệ quyền được thông tin và truyền thông là rất quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách này (Aetatis Novae, 15). Sự thống trị văn hóa cũng là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Nó xảy ra khi một nền văn hóa lớn mang những giá trị xấu gây độc hại cho các cá nhân và những nhóm văn hóa nhỏ.

Giáo dục và đào tạo về Internet phải là một phần trong các chương trình giáo dục truyền thông toàn diện dành cho các thành viên của Giáo Hội. Kế hoạch mục vụ cho truyền thông xã hội nên cung cấp việc đào tạo này càng nhiều càng tốt cho các chủng sinh, linh mục, tu sĩ và thừa tác viên mục vụ, cũng như cho giáo viên, giáo lý viên, phụ huynh và học sinh. Ở đây chúng ta nên nhớ: dạy về Internet và công nghệ không chỉ đơn thuần là dạy về kỹ thuật. Người trẻ còn cần phải học cách sống tốt trong thế giới không gian mạng, biết đưa ra các phán đoán sáng suốt theo các tiêu chuẩn đạo đức lành mạnh về những gì họ tìm thấy ở đó, và sử dụng công nghệ mới cho sự phát triển toàn diện của họ và cho ích lợi của người khác. Truyền thông không chỉ đơn thuần vì mục đích giải trí mà còn để thông tin, mở rộng trí tuệ, mở rộng các chân trời, và đưa tới sự tăng trưởng quân bình tốt đẹp về văn hóa và xã hội.[10]

Các vị lãnh đạo Giáo Hội có trách nhiệm sử dụng “toàn bộ tiềm năng của ‘thời đại máy tính’ để phục vụ con người và ơn gọi siêu việt của mỗi người, cũng như để làm vinh danh Chúa Cha – Đấng là nguồn gốc của mọi sự tốt đẹp. Họ phải sử dụng công nghệ trong mọi khía cạnh của sứ vụ Giáo Hội, phục vụ cho những cơ hội hợp tác đại kết và liên tôn[11].

Về việc sử dụng máy tính trong gia đình, các bậc cha mẹ cần bảo đảm chức năng lọc và giám sát khi cho con cái mình sử dụng máy tính, để bảo vệ chúng hết mức có thể, giúp chúng tránh khỏi những nội dung khiêu dâm, ấu dâm, và những đe dọa nguy hiểm khác. Không được phép để cho con cái truy cập Internet mà thiếu sự giám sát. Cha mẹ và con cái nên đối thoại với nhau về những gì tìm thấy và trải nghiệm trong không gian mạng; chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình khác có cùng mối quan tâm cũng rất hữu ích. Bổn phận cơ bản của các bậc cha mẹ là giúp con cái trở thành những người sử dụng Internet sáng suốt, có trách nhiệm, và không bị nghiện Internet đến nỗi bỏ bê việc tiếp xúc với bạn bè và với thế giới bên ngoài.

Chúng ta cần tận dụng khả năng của các trang blog để thể hiện quan điểm, ý tưởng của chúng ta và để phê bình một cách xây dựng những điều xảy ra trong xã hội. Chúng ta cần xây dựng những ý muốn tốt lành, trở thành tiếng nói của những người thấp cổ bé miệng, tạo ra những dư luận mang tính nhân văn, và phổ biến các giá trị của Nước Trời. Ngày nay, chúng ta có các trang blog phong phú về các vấn đề đức tin, hạnh các thánh… Đây chính là dấu hiệu làm cho không gian mạng trở thành nơi thông tin và loan báo Tin Mừng.

Trước khi tiếp tục, chúng ta cần lắng nghe những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về vấn đề này: Chúng ta gặp phải những điều cực kỳ khó khăn trên mạng, bao gồm: sự lan truyền ngày càng tăng nội dung khiêu dâm; hiện tượng ‘chat sex’ (Sexting) phổ biến giữa các bạn trẻ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội; và sự phát triển của các cuộc bắt nạt qua mạng – một hình thức tấn công tinh thần, thể chất và phẩm giá người trẻ; thêm vào đó là hiện tượng “bóc lột tình dục qua mạng (sextortion)”; gạ gẫm lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Đó là chưa kể đến những tội ác nghiêm trọng và kinh khủng về nạn buôn bán người trực tuyến, mại dâm, và thậm chí là việc phát trực tiếp những hành động hiếp dâm và bạo lực đối với trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu xin tất cả mọi người hãy đứng lên để bảo vệ phẩm giá trẻ em.[12]

Như vậy, chúng ta thấy rằng Giáo hội không chống lại việc sử dụng không gian mạng và Internet, nhưng cảnh báo và kêu gọi chúng ta nên sử dụng chúng trong sự thận trọng, công bằng và kiểm duyệt cách ý thức để làm vinh danh Thiên Chúa.

ĐẠO ĐỨC MÁY TÍNH (COMPUTER ETHICS)

Theo Deborah Johnson, đạo đức máy tính (computer ethics) là ngành đề cập đến các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhằm hướng dẫn chúng ta có hành vi đúng đắn đối với người khác trong không gian mạng. Đạo đức máy tính – hay đạo đức trên không gian mạng – xem xét một số lĩnh vực, như quyền ẩn danh, sự riêng tư.

  • Quyền ẩn danh và quyền riêng tư

Không gian mạng nhấn mạnh đến việc cá nhân có quyền được ẩn danh trên không gian này. Tuy nhiên, có những kẻ lạm dụng các tài khoản trực tuyến giả, ẩn danh, trong các trang mạng xã hội để tạo ra các mối đe dọa lớn. Người ta ẩn danh, vô danh trên mạng để rồi tha hồ ‘ném đá’ người khác cách vô tội vạ, gây ra bao hậu quả thê thảm.

Còn quyền riêng tư là quyền được ‘ở một mình’ khi bạn muốn, quyền được kiểm soát những sở hữu cá nhân của bạn và không bị theo dõi nếu không có sự đồng ý của bạn. Quyền riêng tư thể hiện khi người ta muốn giữ kín những nhận dạng về họ và những thông tin chi tiết của họ như thông tin email, thông tin thẻ tín dụng, hoặc chứng chỉ thương mại điện tử.

Có những trường hợp người ta khai thác lĩnh vực riêng tư và ẩn danh với những mục đích xấu, đặc biệt là trong các trang web sex và khiêu dâm. Khi bán thông tin đời tư – như thông tin email hoặc đăng nhập ẩn danh vào các trang web đồi bại – người ta đã vi phạm phẩm giá con người, coi con người như phương tiện để khai thác chứ không để phục vụ. Việc theo dõi trái phép (như theo dõi, đánh dấu, canh chừng và nghe trộm trên mạng) cũng là một mối đe dọa đối với sự riêng tư của con người.

Các mối đe dọa cho quyền riêng tư có thể đến từ: việc cố tình sử dụng thông tin cá nhân cho những mục đích thể chế hóa (việc cưỡng chế và thu thuế trong các hoạt động của chính quyền, cũng như các hoạt động tiếp thị và ra quyết định trong lãnh vực tư nhân); việc sử dụng trái phép hoặc phát tán thông tin từ những người lưu giữ thông tin; việc lấy cắp thông tin; việc rò rỉ thông tin qua sự sơ suất hoặc bất cẩn; và từ hành động của chính chúng ta như cố ý tráo đổi hoặc không ý thức được những nguy cơ[13]. Thu thập thông tin cá nhân trong không gian mạng cần phải có sự thỏa thuận và không được phép bí mật thu thập. Cookie (tập tin lưu trữ thông tin duyệt web) và lịch sử tìm kiếm bị để lại cách vô tình trên các hệ thống mạng công cộng cũng gây ra nguy hiểm cho quyền riêng tư của chúng ta. GPS (global positioning system – hệ thống định vị toàn cầu) và việc theo dõi vị trí điện thoại di động cũng có thể là một sự xâm phạm tới quyền riêng tư.

  • Những nguyên tắc đạo đức

Theo Học viện Đạo Đức Máy Tính (the Computer Ethics Institute), Mười Điều Răn cho đạo đức máy tính là:[14]

– Ngươi không được sử dụng máy tính để gây hại cho người khác.

– Ngươi không được gây cản trở công việc vi tính của người khác.

– Ngươi không được rình mò các tập tin tài liệu của người khác.

– Ngươi không được sử dụng máy tính để ăn cắp.

– Ngươi không được sử dụng máy tính để làm chứng dối.

– Ngươi không được sử dụng hoặc sao chép phần mềm của người khác mà chưa trả tiền.

– Ngươi không được sử dụng dữ liệu máy tính của người khác nếu chưa được họ cho phép.

– Ngươi không được chiếm đoạt công trình trí tuệ của người khác.

– Ngươi phải suy nghĩ về hậu quả xã hội do chương trình ngươi viết.

– Ngươi phải sử dụng máy tính thể hiện sự thận trọng và trân trọng.

Nói tóm lại, mười điều răn trên đây nhằm đưa các nguyên tắc đạo đức vào trong không gian mạng.

  • Mối quan tâm đạo đức cũng là mối quan tâm mục vụ

Giống như các phương tiện truyền thông khác, con người và cộng đoàn phải là tiêu chuẩn để đánh giá về mặt đạo đức của Internet. Và phải sử dụng Internet để thực hiện sự phát triển toàn diện cho con người [15].

Không gian mạng sở hữu nhiều thư viện lớn – đặc biệt nở rộ sau Dự Án Thư viện Sách Của Google (Google Books Library Project)[16]. Có rất nhiều tài liệu hữu ích cho việc mục vụ giáo xứ như bài giảng, hướng dẫn giáo lý, lời cầu nguyện… Có một số trang web chuyên về nghệ thuật giảng thuyết, cầu nguyện, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy giáo lý, và rất nhiều trang khác rất hữu ích cho việc cầu nguyện và suy niệm.

Nhưng cũng có rất nhiều trang web thù nghịch với đức tin và luân lý Kitô giáo. Tiếp cận với chúng, người ta -đặc biệt là thanh thiếu niên và trẻ em- rất dễ bị cuốn đi. Nhiều trang web gây thù hận trong không gian mạng, chuyên dùng để phỉ báng và tấn công các nhóm tôn giáo và sắc tộc.[17] Bạo lực trên các trang web gây hấn là “sự phản chiếu mặt tối trong bản tính tự nhiên của con người, khi nó bị tội lỗi tàn phá”. Chúng ta có thể chấp nhận những lời nói gây hấn ở mức độ nào đó, chấp nhận sự tự điều chỉnh mình, nhưng khi cần thiết thì cũng cần có sự can thiệp của chính quyền. Chính vì thế, trong khi tôn trọng tự do ngôn luận, chúng ta cũng nên thiết lập và thực thi các giới hạn hợp lý đối với những gì được phép nói.

Một thách đố lớn khác, đặc biệt nơi người trẻ, là vấn đề khiêu dâm trong không gian mạng. Thống kê cho thấy: 30% nội dung trên Internet là khiêu dâm, trong đó 88% nội dung có chứa bạo lực chống lại phụ nữ; từ năm 2005 đến 2013, lượt tìm kiếm với từ khóa “teen porn” tăng gấp 3 lần lên có số 500.000 lượt mỗi ngày.[18] Theo Giáo Hội, khiêu dâm trên các phương tiện truyền thông bị coi là hành động bạo lực đối với quyền riêng tư thân thể con người trong bản tính nam và nữ, đó là một hành động bạo lực làm giảm nhân vị và cơ thể con người xuống thành một đối tượng ẩn danh bị lạm dụng cho mục đích thỏa mãn nhục dục.[19]

Những người sử dụng Internet rất dễ rơi vào bẫy coi nội dung khiêu dâm, vì nội dung khiêu dâm rất dễ tiếp cận, luôn sẵn có, và cho người ta lựa chọn vô cùng. Hành trình thoát khỏi cám dỗ khiêu dâm trong một con người là hành trình đi từ sự thiếu hiểu biết đến hiểu biết, từ tránh né đến hành động cụ thể, từ dối trá đến trung thực, từ xấu hổ đến liêm chính, và từ sự tự đề cao mình đến việc yêu thương người khác và được người khác yêu thương.[20]

Trong tình huống này, người có trách nhiệm đào tạo, đặc biệt là các bậc cha mẹ, phải tăng gấp đôi nỗ lực để cung cấp nhận thức và đào tạo luân lý đầy đủ cho con trẻ và thanh thiếu niên. Điều này bao gồm thái độ lành mạnh về hoạt động tính dục của con người, được dựa trên: sự tôn trọng phẩm giá mỗi người như là con cái Thiên Chúa, trên nhân đức trong sạch, và trên việc thực hành tự chủ.

Nơi các giáo xứ, Internet giúp nối kết mọi người, nhưng để các mối tương quan được mật thiết hơn thì cần có sự nối kết mang tính cá nhân như qua email cá nhân, và gặp gỡ diện đối diện.[21] Người ta dùng quá nhiều thời gian trên Internet, nên đã quên nhiều thứ quan trọng khác trong cuộc sống như: đời sống xã hội, đời sống cầu nguyện, thói quen hoạt động trí óc, và đời sống gia đình.

Tội phạm và bạo lực trong không gian mạng -đặc biệt là trên các bộ phim và trò chơi trực tuyến – cần phải được giải quyết thích đáng. Những loại tội phạm mạng khác cũng thường hủy hoại phẩm giá con người, cũng như gây ra bất ổn tài chính và thậm chí là mất mát tiền bạc.

Đặc trưng của việc sử dụng Internet là đề cao hoạt động mang tính cá nhân, là điều thường gây hại cho tính cộng đồng, và dẫn đến kết quả là làm xáo trộn các mối tương quan của con người. Vì vậy, những vấn đề đạo đức nói trên cũng chính là những vấn đề mục vụ, cần được quan tâm thích đáng và tìm ra giải pháp.

NHỮNG THÁCH ĐỐ VỀ PHỤNG VỤ

Tôn giáo là chủ đề được tìm kiếm thường xuyên trên các trang web. Và nhiều người, khi tìm kiếm các đề mục tôn giáo trên internet, có khuynh hướng chuyển từ thực hành tôn giáo sang thực hành tâm linh. Đặc trưng của chiều kích này là đức tin mang tính chất cá nhân, ít tính giáo điều, được mở ra cho những ý tưởng và vô số những tác động mới, nên nó mang tính đa dạng hơn là tính giáo điều của những tôn giáo lớn.

Kinh nghiệm tâm linh cá nhân thường đến từ lòng mộ đạo của một người. Nó giúp tăng niềm tin tôn giáo, nhưng lại giảm thiểu sự tham gia vào sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo; điều này thường được thể hiện qua hành động không tham dự vào các cử hành thực tế. Cảm thức tắt mạng (offline) để sống cùng cộng đoàn đang mất dần trong cuộc sống con người ngày nay.

Nhiều người tham gia cầu nguyện ảo trên các trang mạng; thậm chí là tham dự cử hành Thánh Thể trực tuyến trên Internet. Vấn đề là việc tham dự trực tuyến đó có đủ chưa? Theo Giáo Hội, thực tế ảo không thể thay thế cho sự hiện diện đích thật của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Không có bí tích trên Internet; và thậm chí là kinh nghiệm tôn giáo bởi hồng ân của Chúa có thể nhận được trên Internet cũng không đủ, nếu không có sự tương tác thực sự ngoài đời với người khác trong đức tin.[22]

Thế giới ảo có thể hướng chúng ta về đời thực, nhưng không thể thay thế đời thực. Nhưng khi con người ngày nay, đặc biệt là người trẻ, đắm mình trong không gian ảo, thì họ lại thường vắng mặt trong các cử hành bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.

NHỮNG THÁCH ĐỐ VỀ KITÔ HỌC

Một lĩnh vực khác cần quan tâm là sự lan rộng các bộ phim gây tranh cãi trong không gian mạng. Với công nghệ của không gian mạng, các bộ phim như Mật mã Da Vinci, Cơn cám dỗ của Chúa Giêsu Kitô được phổ biến nhanh chóng. Chúng có thể dễ dàng được tải xuống và được thảo luận rộng rãi trên nhiều diễn đàn để kích động nhiều người. Những người yếu đức tin và thích chỉ trích thường bị tác động và cuốn hút vào các hoạt động này.

Khi iPhone được lưu hành, nó đã từng được đặt tên là Điện Thoại Giêsu, tạo nên một nhiệt tình tôn giáo và những hình thức thờ tự liên quan, ví dụ tin nhắn: “Điện thoại Giêsu đây! Lời cầu nguyện của bạn đã được nhậm lời!” Việc Chúa Giêsu tái lâm từng được đồng hóa với việc phát hành thế hệ Iphone thứ hai (Iphone 3G). Thậm chí còn có trang blog mang tên iPhoneSavior.com (Iphone Đấng Cứu Thế). Chiếc Iphone 3G nhanh chóng lên kệ để bán trên toàn lục địa Mỹ, và người ta quảng cáo: “Ngày Iphone đến là ngày người câm nói được, người điếc được nghe, và người què đi được. Sẽ có ngày Giáng Sinh vào tháng Sáu, Năm Mới tổ chức vào mùa Hè, và cùng với ngày Lễ Tình Yêu, tất cả sẽ gộp lại thành một ngày, đó là ngày ra mắt Iphone. Iphone là một “bánh thánh” của niềm vui. Cần một vị cứu tinh không? Cần, và vị mục tử Steve Jobs sẽ gởi đến Điện Thoại Giêsu! Người ta đưa tin rằng đã có một số người bán nội tạng để có tiền mua Iphone. Phải chăng Iphone có thể thay thế Giêsu – Ngôi Lời nhập thể?” [23]

NHỮNG THÁCH ĐỐ VỀ GIÁO HỘI HỌC

Khi con người di chuyển lên không gian mạng, họ cũng mang cả đức tin của họ lên đó. Đối với nhiều người, việc đăng nhập trên Internet là một hành động gây biến đổi. Trong mắt họ, trang web không chỉ là một bức tranh về thế giới treo trên màn hình máy tính. Nó là một thánh đường rộng lớn của tâm hồn, một nơi mà những ý tưởng về Thiên Chúa và tôn giáo có thể cộng hưởng; nơi mà đức tin có thể được một tinh thần tập thể nào đó hình thành và xác định.

Ở đây, vấn đề truyền thống và tính phẩm trật được đặt ra khi Internet cho phép mọi người có quyền truyền bá nội dung đức tin mà không hề có sự kiểm duyệt thích đáng và đồng ý của Giáo Hội. Như đã đề cập trước đó, tính thành sự của các bí tích không thể có được khi nó thực hiện trong không gian mạng. Tương tự như vậy, các cử hành tôn giáo trong không gian mạng thường bị từ chối vì chúng là những hoạt động không có tính phẩm trật.

Giáo Hội nhấn mạnh đến cộng đoàn tham dự và quyền cử hành của các linh mục và thừa tác viên. Sự tồn tại của cấu trúc phẩm trật và quyền thừa tác (quyền được đại diện Thiên Chúa) rất quan trọng. Có vô số những dẫn giải và xác tín có thể dẫn đưa những người truy cập internet đến chỗ hờ hững với toàn thể niềm tin Kitô giáo và nghi ngờ toàn bộ truyền thống sống đức tin đó của Kitô giáo.[24] Tất cả những điều này tạo ra một thách thức lớn đối với vai trò và sứ mạng của Giáo Hội.

NHỮNG THÁCH ĐỐ VỀ CỨU ĐỘ HỌC

Sự cứu rỗi qua mạng cũng là một thực tại ảo của ngày nay. “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa qua mạng internet” là một câu nói thường được nghe nhiều trên mạng và đang trở thành một phong trào phát triển nhanh chóng trên Internet. God.com là một ví dụ. Phúc âm hóa trên mạng đang diễn ra trên toàn cầu. Công nghệ mới đang truyền cho các tín hữu nhiều khả năng để chia sẻ sự khôn ngoan, vẻ đẹp và văn hóa tâm linh.[25]

Trước đây người ta thường ngồi xem TV hoặc ra ngoài uống rượu với bạn bè, thì bây giờ lại thường ngồi lướt web. Có nhiều người chưa bao giờ đến nhà thờ, đền thờ, hội đường Do Thái, hay nhà thờ Hồi giáo. Nhưng họ lại lân la đến các nhà thờ trên mạng, trò chuyện tâm linh và cầu nguyện trực tuyến, tìm kiếm thông tin tôn giáo và bạn đồng hành tâm linh trên các trang web. Mọi truyền thống đức tin tôn giáo đều muốn chia sẻ trực tuyến cách hiểu của họ về Phúc âm. Ai cũng tin vào một điều gì đó, và tin rằng điều họ tin cũng đang có trên mạng web toàn cầu.

Những người ‘hành hương qua mạng’ đọc và tải xuống các bài suy niệm và tài liệu tâm linh bằng tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Nga và Anh do nhiều tác giả quốc tế viết. Một số người còn in ra và chia sẻ chúng với bạn bè và người thân đang ngoại tuyến. Có người còn chia sẻ chúng cho các bệnh nhân đang ở trong bệnh viện, hay các tù nhân. Nhiều người chuyển chúng qua thư điện tử, chia sẻ trên mạng xã hội, và vì thế chúng lan tràn trên thế giới, kích thích các cuộc trò chuyện thánh thiện trên mạng. Sự tìm kiếm giải đáp các khát vọng tâm linh và sự cứu độ trong không gian mạng như thế là một thách đố khác cho Giáo Hội.

THẦN HỌC MẠNG (CYBER THEOLOGY)

Thần học Mạng xuất hiện khi các nhà thần học khảo sát các khía cạnh khác nhau của Thần học Truyền Thông, vì không gian mạng là một phần cốt yếu của truyền thông. Khi ta nhìn không gian mạng như là một món quà của Chúa, nó sẽ cung cấp cho ta những ‘cơ hội của Chúa quan phòng’, đó là: tiếp cận được với mọi người ở mọi nơi, vượt qua những giới hạn của không gian, thời gian và ngôn ngữ, để trình bày nội dung đức tin với nhiều cách thức khác nhau, và cung cấp cho mọi người khả năng đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô.

Một Thần học Mạng cũng phát sinh khi chúng ta xây dựng những cộng đoàn hay những nhóm trực tuyến để tăng tiến, giữ gìn tình yêu và sự sống, phổ biến các giá trị Nước Trời như bênh vực người bị bách hại, tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng phụ nữ, nâng cao tầm quan trọng của những người bé nhỏ. Giúp cho tất cả những ai hiện diện trong không gian mạng giải quyết những thách đố này, đấy chính là phần việc của Thần học Mạng.

LINH ĐẠO MẠNG

Linh đạo là một thuật ngữ, mặc dù được sử dụng thường xuyên, nhưng rất khó đưa ra một miêu tả hoặc định nghĩa làm hài lòng tất cả mọi người. Linh đạo liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, và căn bản, nó là một lối sống. Linh đạo của một người là cách mà người đó sống phù hợp với những giá trị căn bản; và cách sống đó có tính chất lâu dài và liên tục. Linh đạo cũng cho thấy cách người đó thực hiện mối tương quan như thế nào với chính mình, với người khác, với thiên nhiên và cuối cùng là với Thiên Chúa.

Đời sống thiêng liêng là tổng thể những phản ứng của một người trước tiếng gọi họ nhận được trong tâm hồn; và khi họ quyết định làm cho tiếng gọi đó trở thành trung tâm của mọi hoạt động và chọn lựa, thì có thể nói họ đang thực hiện một linh đạo.[26] Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể diễn giải khái niệm Linh đạo Mạng theo hai chiều hướng: một là, Linh đạo Mạng được hỗ trợ bởi các phương tiện của không gian mạng; và hai là, Linh đạo Mạng rất cần thiết cho sự hiện diện đích thực trong không gian mạng.

Truyền thông trong không gian mạng tạo nên một ý thức tập thể và làm cho mục đích tối hậu của linh đạo đi đến sự hợp nhất với mọi người. Sự hợp nhất này là điều mà Teilhard de Chardin đã nói đến trong thuật ngữ “noosphere – trí quyển”, diễn tả một siêu ý thức có tính toàn cầu xuất hiện, được mọi người nhận biết và cảm nghiệm[27].

Không gian mạng, với kho thông tin khổng lồ và mọi mặt của kiến thức trong các thư viện ảo, cung cấp nhiều nguồn và phương pháp trải nghiệm tâm linh khác nhau, rất ích lợi cho việc nghiên cứu linh đạo như một khoa học thuật có tính đại kết (Huấn thị Aetatis Novae, số 10) và đối thoại liên tôn. Và không gian mạng, với vô số bản văn thánh – từ tất cả các tôn giáo và từ các bậc thầy linh đạo khác nhau – giúp người đang tìm kiếm có thể lựa chọn nguồn hứng khởi thiêng liêng thích hợp với nhu cầu của mình.

Không gian mạng được coi là một diễn đàn truyền thông lành mạnh và đối thoại hiệu quả để trao đổi kinh nghiệm tâm linh với người khác. Tiếp cận các di sản, truyền thống, và kỹ thuật tâm linh của các tôn giáo khác qua mạng Internet có thể giúp xây dựng một tinh thần bao dung hòa hợp, tạo nên một cộng đoàn bám rễ sâu trong hòa bình và tình huynh đệ.[28]

Linh đạo có thể làm cho không gian mạng thật sự trở thành nơi tìm kiếm Thiên Chúa, một nơi cho hiệp thông và liên đới. Không gian mạng kiến tạo và nuôi dưỡng sự hiệp thông và liên đới giữa các thành viên của nó. Ngày nay, khi thế giới bị xé mảnh theo giai cấp, ngôn ngữ, tôn giáo, quốc gia, văn hóa… thì không gian mạng sẽ là nơi rất hữu ích nếu chúng ta muốn nối liền các khoảng cách phân chia đó. Không gian mạng có khả năng lớn để xây dựng cộng đoàn, với nhiều phương tiện như blogs, emails, mạng xã hội. để hỗ trợ người nghèo, người bị áp bức, bệnh tật và đau khổ.

Linh đạo Mạng giúp các tín hữu cố gắng nhập thể vào các phương tiện truyền thông để thấy, nghe, và nối kết những gì đang xảy ra trên thế giới – một thế giới đang phản ánh và đang là chính nó trong cách thức mới. Internet là một phương tiện dẫn đến sự hiện diện của Thiên Chúa, chứ không phải là thay thế cho sự hiện diện mang tính bí tích của Ngài. Chúng ta cần định nghĩa và xác định rõ ràng sự hiện diện thực và ảo của Thiên Chúa trong Internet. Tuy nhiên, dù chúng ta không sống bằng sự hiện diện ảo, sự hiệp thông và hiện diện thực sự của Thiên Chúa đầy tình yêu và thương xót đang hình thành trong và qua Internet. Chính việc mở ra đón nhận sự hiện diện đó phát sinh một linh đạo về khả năng đón nhận Triều Đại Thiên Chúa đang hình thành giữa “thành phố mới của con người” là Internet.[29]

NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO CÁNH CHUNG HỌC

Chúng ta đã thấy một suy tư bền vững và nghiêm túc về kinh nghiệm con người trong ánh sáng đức tin được gọi là Thần học. Và ta sẽ có Cánh chung học khi thần học này nghiên cứu về ngày tận thế – cả về thời điểm tận thế lẫn mục đích của thời gian mà chúng ta đang sống bây giờ.[30] Vậy, khi ‘nhân loại trong không gian mạng của thời đại kỹ thuật số’ của chúng ta đang khao khát tìm được một ý nghĩa trọn vẹn cho thời đại của mình, khao khát sự cứu độ, sự giải thoát và chữa lành, khao khát sự biến đổi thiêng liêng khi lướt web, thì nghĩa là đã có một triển vọng để xây dựng một Cánh chung học về Mạng (Cyber Eschatology)

Chúng ta hãy xem xét một thực tế là, đã có rất sớm những bộ phim hư cấu – mô tả máy tính có sức mạnh điều khiển khủng khiếp. Bộ phim “A Space Odyssey – Chuyến Du Hành Không Gian” (năm 1968) là một ví dụ. Nhiều chủ đề về việc máy tính và robot có khả năng điều khiển trong phim cho thấy: chỉ cần một lỗi lập trình máy tính hay môt tác động của trí tuệ nhân tạo, thì máy tính có khả năng điều khiển robot để chiếm quyền thống trị trên con người và hủy diệt toàn bộ loài người. Cho dù những điều đó chỉ là hư cấu, nhưng chúng cũng gởi đến chúng ta một thông điệp về ngày tận thế. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ: Máy tính và không gian mạng có thể đạt tới được những điều gì trong việc giúp đỡ con người, mà không khiến con người trở thành nô lệ hoặc hủy diệt con người?

Trong một thế giới bị phân cực, máy tính kiểm soát tất cả các kho vũ khí hạt nhân ở các nước. Một lỗi lập trình hay thậm chí là một lỗi truyền thông trong không gian mạng cũng có thể gây ra chiến tranh, hay sự tự hủy diệt của nhiều nước. Vấn đề của máy tính là chúng sở hữu rất nhiều khả năng, nhưng chúng không có khả năng đưa ra quyết định để phản ứng cho đúng với những tình huống thực tế. Chúng được điều khiển bởi các nhà lập trình, những người đưa ra những chương trình cho chúng thực hiện. Vì vậy, việc cẩn thận khi lập trình cho máy tính là rất quan trọng. Máy tính được cho là có khả năng phân phối, bảo vệ và có cả khả năng tiêu diệt nữa, và như vậy xem ra chúng đã có dung mạo của một Đấng Thiên Sai. Tiềm năng này của máy tính cho thấy một yếu tố cánh chung.

Nếu đã từng là một lập trình viên máy tính, chúng ta sẽ quen với cảm giác thấy mình giống như một vị thần với những quyền năng có được từ máy tính. Trong việc lập trình máy tính, chúng ta sáng tạo những thế giới cho riêng mình. Chúng ta chỉ cần gõ câu lệnh thì nó liền được thực hiện. Chúng ta sáng tạo những thế giới mới từ hư không. Chúng ta ra lệnh, và máy tính vâng lệnh. Tuy nhiên, những mệnh lệnh của chúng ta cần được hướng dẫn bởi những nguyên tắc đạo đức hầu sinh ích cho nhiều người. Những mệnh lệnh đó cũng cho chúng ta quyền năng để sáng tạo ra hình ảnh Thiên Chúa cho riêng mình và cho người khác trong không gian mạng. Vì vậy, việc tìm kiếm Thiên Chúa của chúng ta trong không gian mạng hiện nay bị ảnh hưởng bởi ý tưởng của chúng ta về cánh chung trong không gian mạng. Sự phát triển của không gian mạng cũng có thể được hiểu là sự phát triển trong quá trình tiến hóa của chúng ta. Và như thế, ‘cánh chung học về mạng’ diễn tả những điều mà Teilhard de Chardin đã nói về Omega – cùng đích tối hậu của tiến hóa.[31]

Với sự phát triển mang tính hiện tượng của nó, máy tính đã trở thành một máy tạo khả năng. Với sự trợ giúp của máy tính, nhiều điều không thể đã trở nên có thể. Nó có một khả năng cực lớn để đi vào gần như mọi lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, khả năng và tiềm năng của máy tính được hướng dẫn bởi những điều chúng ta cung cấp cho nó, đó là: thông tin đầu vào, quá trình xử lý, và ý định cho đầu ra. Quá trình xử lý sẽ quyết định điều máy tính nên làm với những thông tin có được từ đầu vào. Khả năng xử lý của máy tính sẽ đáp ứng những đòi hỏi của chúng ta. Ở đây, lập trình viên sáng tạo ra những thế giới ảo cho người khác, tự nâng mình lên hàng tạo vật như trong trình thuật sáng tạo, chỉ có một điều khác biệt là nó diễn ra trong thực tại ảo của không gian mạng. Và bây giờ, câu hỏi mang tính cánh chung được đặt ra là: sự sáng tạo của các lập trình viên có đưa tới sự giải thoát và cứu độ cho những người tìm kiếm Thiên Chúa trong không gian mạng không?

Nếu cứu độ có nghĩa là thực hiện ý nghĩa tối hậu của cuộc sống con người, vượt qua được sự tha hóa và quyền lực sự chết, thì phải nói rằng, công nghệ kỹ thuật số và không gian mạng không hứa hẹn cho chúng ta ơn cứu độ. Công nghệ kỹ thuật số có thể cung cấp cho chúng ta những khả năng mới về tốc độ xử lý và độ chính xác trong công việc. Nó có thể giúp con người vượt qua những giới hạn về không gian và thời gian trong việc truyền đạt. Nhưng những cảm xúc lẫn lộn yêu ghét trong tim con người sẽ không bị loại bỏ bởi những phương tiện truyền thông mới.[32] Không gian mạng chỉ có thể cung cấp cho chúng ta những phương tiện hỗ trợ cho ơn cứu độ, nhưng không thay thế nó.

Vì vậy, để tìm kiếm Thiên Chúa trong không gian mạng, ‘cánh chung học về mạng’ đề xuất những điều cần thực hiện sau đây:

– Cổ võ hoặc trình bày những câu chuyện về niềm hy vọng và về tiến trình chiến thắng của sự lành trên sự dữ.

– Minh chứng sự chiến thắng cuối cùng của công lý và hòa bình trên bất công và bạo lực.

– Đáp ứng việc tìm kiếm ý nghĩa trong không gian mạng đối với những ai đang cố tìm nó.

– Thúc đẩy những mối quan hệ đối thoại đức tin, liên tôn, và văn hóa.

– Một sự kiểm soát mang tính phẩm trật là cần thiết cho việc giám sát những chức năng của không gian mạng.

– Hạn chế sự tự do ngôn luận vì ích chung của toàn cộng đoàn.

– Bảo vệ những người dễ bị tổn thương và ủng hộ tình yêu và sự sống.

Chúng ta nên chú ý đến những dấu vết kỹ thuật số của chúng ta (những hoạt động của một người trên mạng sẽ tồn tại và lưu giữ lại rất lâu như một thông tin trên Internet). Chúng ta cần có ngày sabbath điện tử (kiêng sử dụng) như là một sự giải độc kỹ thuật số vậy. Những việc ấy sẽ đảm bảo một di sản tích cực và phong phú trong không gian mạng, bởi vì nội dung chúng ta chia sẻ trong không gian mạng sẽ phản ánh chính chúng ta.

Chúng ta cũng nên suy nghĩ về điều sẽ xảy ra cho những thứ gọi là kỹ thuật số của chúng ta khi chúng ta chết. Những dấu vết kỹ thuật

số mà chúng ta để lại khi chúng ta giã từ trần thế sẽ là hồn ma kỹ thuật số (digital ghost) của chúng ta.[33] Tùy thuộc vào mức độ chúng ta tham gia trong không gian mạng, hồn ma kỹ thuật số của chúng ta sẽ thể hiện một bản sao chép lại thời gian hiện hữu của chúng ta cho nhiều thế hệ tiếp theo. Chính phủ có dữ liệu sinh trắc học của chúng ta như dữ liệu dấu vân tay, hình bàn tay, hình khuôn mặt, hình võng mạc, tiếng nói, ADN, và chữ ký. Facebook có ảnh và những sự kiện quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Email, WhatsApp và những trang tương tự thu âm và lưu lại các cuộc đàm thoại của chúng ta. Một cách nào đó, một phần của mỗi người chúng ta vẫn còn sống như một hồn ma trong một trạng thái vĩnh cửu. Hãy nhớ, nội dung bạn chia sẻ trên mạng phản chiếu con người bạn, và nó cũng là di sản bạn để lại.[34] Với việc sử dụng Internet cách thận trọng, bạn sẽ để lại cho thế hệ sau một di sản tốt.

Vì vậy, Cánh chung Mạng khuyến khích chúng ta cổ võ sự sống và tình yêu trong không gian mạng. Nó kêu gọi chúng ta hãy ngăn chặn tất cả các hành vi lạm dụng không gian mạng; và hãy làm nó trở thành một nơi có lợi cho tất cả mọi người, mỗi người hãy cố gắng hết sức vì hạnh phúc của chính mình và của người khác.

KẾT LUẬN

Kitô hữu cần sử dụng không gian mạng và kỹ thuật máy tính một cách có hiệu quả để mở rộng truyền thông, xây dựng các mối tương quan trong các cộng đoàn ngoài đời thực, và rao truyền sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô trên quy mô toàn cầu. Không gian mạng được sử dụng như một phương tiện nâng cao lòng mộ đạo và sự thờ phượng. Nó không được sử dụng như là một sự thay thế cho đời sống bí tích của Kitô hữu ngoài đời thực. Việc sử dụng không gian mạng cần được hướng dẫn bởi một bản cam kết rõ ràng, xác định nguyên tắc cùng nhau phục vụ vì ích chung của một nước, và giữa các nước, thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người, tạo ra một thế giới được vận hành bởi công lý, hòa bình, và tình yêu.[35]

Điều quan trọng là mọi người thuộc mọi thành phần trong Giáo Hội phải sử dụng Internet một cách sáng tạo để chu toàn trách nhiệm của họ và giúp cho sứ vụ của Giáo hội được hoàn thành. Nhờ không gian mạng, Giáo Hội có thể dễ dàng giới thiệu cho thế giới về niềm tin của mình và giải thích những lý do cho lập trường của mình đối với bất kỳ vấn đề hay sự kiện nào, đồng thời có thể nghe rõ hơn tiếng nói của công chúng, và tham gia liên tục vào các cuộc đối thoại hay thảo luận với thế giới xung quanh, từ đó, Giáo Hội can dự trực tiếp hơn trong việc cùng tìm kiếm các giải pháp cho nhiều vấn đề cấp bách của nhân loại. (Huấn Thị Aetatis Novae, số 8).

Sau đây là một số điều cần dấn thân tích cực trong không gian mạng:

– Tạo cơ hội học tập giáo dục linh hoạt (về thời gian, địa điểm, và tốc độ);

– Phát triển công việc giáo dục tôn giáo;

– Nâng cao kinh tế cho bản thân và cho người khác, như các dự án khởi nghiệp;

– Tăng sự hòa nhập xã hội cho người di cư, tị nạn…;

– Chỉ cho người ta thấy có những lựa chọn hữu ích khác: như các chương trình truyền hình TED Talks, Motivational talks,. và các khóa học trực tuyến.;

– Giúp nhiều người tham gia vào các cuộc bày tỏ quan điểm chính trị vì công lý, hòa bình, và môi trường;

– Tạo ra các chương trình cùng giúp nhau học hỏi để huấn luyện những người thiếu điều kiện học hỏi;

– Tạo kênh GodTube – được mô tả như là phiên bản YouTube của Kitô giáo;

Một cách khác để hiện diện hữu hiệu trong không gian mạng là tham gia vào những sinh hoạt mạng mang tính tâm linh, giúp biến đổi cuộc sống[36]. Tuy nhiên, để có thể kết nối vào không gian mạng theo phong cách truyền thông của Chúa Giêsu, chúng ta cần thường xuyên kết nối với chính bản thân của Chúa Giêsu, và với Thánh Thần ban sự sống của Người, qua những phương tiện truyền thống của Giáo Hội.

Đôi khi chúng ta ở gần nhau nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, và ngược lại. Để giúp ta trở nên người lân cận thật sự[37] – có thể truyền thông tình yêu và tình láng giềng, không gian mạng cho chúng ta một phương cách mới để trở nên láng giềng với những người ở rất xa.

Như vậy, nội dung của không gian mạng có thể mang những giá trị của Nước Chúa[38], và nguyên tắc sư phạm “làm cho người khác điều bạn muốn người ta làm cho bạn” chính là nền tảng cho một Thế giới Mạng phù hợp với ý Chúa.

WHĐ, 17-05-2020

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN Số 106 (tháng 5 & 6, năm 2018) 

[1] Pontifical Council for Social Communications, The Church and Internet, 2002

[2] The Truth Behind Narendra Modi’s Ressurection! tại https://www.youthkiawaaz.com

[3] Carr, N. (2010). The shallows: How the internet is changing the way we think, read and remember Atlantic Books Ltd.

[4] Spadaro, A. (2014). Cybertheology: thinking Christianity in the era of the Internet. Oxford University Press

[5] Pontifical Council for Social Communications, The Church and Internet, 2002, No. 1

[6] Huấn Thị Aetatis Novae, số 3

[7] Ibid

[8] Pontifical Council for Social Communications, Ethics in Internet, 2002, No. 6

[9] Pontifical Council for Social Communications, The Church and Internet, 2002, No. 5b

[10] Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn huấn luyện linh mục tương lai

[11] Ibid

[12] Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các người tham dự hội nghị về “Nhân quyền của trẻ em trong thế giới số”, Phòng hội Clementine, Thứ Sáu, ngày 6/10/2017.

[13] Baase, S., & Sen, A. (2013). A gift of fire: Social, legal, and ethical issues for computing technology, Boston: Pearson, 49.

[14] Electronic Notes from Computer Ethics Institute

[15] Pontifical Council for Social Communications, Ethics in Internet, 2002

[16] Đây là một dự án được hình thành bởi sự cố gắng của Google trong việc scan và mã hóa các sách trong thư viện trên thế giới.

[17] Pontifical Council for Social Communications, The Church and Internet, 2002, No. 8

[18] Dueling Statistics: How Much of the Internet Is Porn? tại

http://www.psychologytoday.com truy cập vào ngày 18/09/2017

[19] Pontifical Council for Social Communications, Pornography and Violence in the Communications Media: A Pastoral Response. No. 9, 1989

[20] Maltz, W., & Maltz, L. (2009). The porn trap: The essential guide to overcoming problems caused by pornography. Harper Collins, 178

[21] John Srampikal, Opportunities and Challenges in Parish Communications in Information Age, Kristu Jyoti, Vol 22, No.2, June 2006, 118

[22] Pontifical Council for Social Communications, Ethics in Internet, 2002

[23] Campell, H. (2010). When religion meets new media, routledge

[24] Ineke Noomen, Soul Searching in Cyberspace, Kristu Jyoti, Vol 22, No.2, June 2006, 96

[25] www.kuuf.org

[26] Roy Lazar A., Spirituality Online, Wilfred Felix (Ed.), Jeevadhara, Vol 36, No. 211, January 2006, 90

[27] Ibid, 92

[28] Ibid, 96

[29] Stephan Van Erp-Eric Borgman, Which Message is the Medium, Kristu Jyoti, Vol 22, No. 2, June 2006, 91

[30] Kelly, Joseph T. 101 Questions and Answers on the Four Last Things. Mumbai: St Pauls, 2006, 17

[31] John R. Mabry, Cyberspace and the Dream of Teilhard de Chardin, tại http://www.elabs.com

[32] Lochhead, David. Shifting Realities, Geneva: wcc Publications, 1997, 75

[33] Steinhart, E. (2014). Your digital afterlives: computational theories of life after death. Springer

[34] Carroll, E., & Romano, J. (2010), Your Digital afterlife: When Facebook, Flickr and Twitter are your estate, What’s your legacy?

[35] Pontifical Council for Social Communications, Ethics in Internet, 2002, No. 5

[36] Campolo, T., & Darling, M. A. (2010), Connecting Like Jesus, John Wiley & Sons

[37] Truyền thông và Thương xót: một cuộc gặp gỡ sinh hoa trái (Communication and Mercy: a fruitful encounter), Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày quốc tế truyền thông lần thứ 50, 2016

[38] John Edappilly, The Emerging Electronic Church, Bangalore: Asian Trading Corporation, 2003, 258