Gợi Ý Mục Vụ Năm 2019 – Bài 8: Cần Phân Định Những Gì?
Chúng ta đã xác định mục tiêu và cách thức của sự phân định trong tiến trình Đồng hành với các cặp hôn nhân hay sống chung. Bây giờ chúng ta có thể hướng tới thực hành trong thực tế. Chúng ta thấy ở đây ít nhất là ba đối tượng cần được thực hành sự phân định thiêng liêng: ước muốn, dây liên kết hôn ước, và những hành vi và thực hành hữu ích.
Mục Lục Bài Viết
Phân định ước muốn
Một người li dị và đang sống trong một cuộc kết hợp mới hay tái hôn về mặt dân sự, ước muốn được lãnh nhận bí tích Thánh Thể, các vị mục tử có thể giúp họ phân định ước muốn này. Câu hỏi để giúp họ nhận định cho rõ là: ước muốn ấy đặt trên cơ sở nào?
Đối với một số người, ước muốn chỉ đơn giản là vì họ muốn được đón nhận từ trong hoàn cảnh khách quan hiện tại “trái qui tắc” của họ. Giả như họ được phép rước lễ thì có lẽ họ đã không có khao khát ấy. Họ cảm thấy bức bối vì mình không được hiệp thông dù điều ấy xem chừng có thể đối với họ không quan trọng lắm. Có vẻ như họ ước muốn mình có quyền được lãnh nhận bí tích hơn là khao khát chính bí tích, khao khát được hiệp thông với Chúa. Ước muốn như vậy không đúng. Đối với những người này, cần giúp họ hiểu không ai có quyền đòi hỏi ân sủng, vì ân sủng là được tự do ban cho cách nhưng không. Bí tích Thánh Thể là Thân Mình Chúa Kitô, không phải là một “thứ” gì thông thường bất kỳ ai đó có quyền đòi chiếm hữu. Nhiều người không thể hay không được phép lãnh nhận, cho dù họ có được phép lãnh nhận cách công khai đi nữa họ cũng sẽ “ăn và uống lấy án phạt” của mình. Vả lại, họ cần phải hiểu biết rằng không thể tách biệt Mình Thánh Chúa Kitô với mầu nhiệm Hội thánh Thân Mình Người. Hội thánh phát sinh từ Thánh Thể. Hiệp thông Thánh Thể không phải chỉ là chuyện riêng tư giữa tôi và Chúa Giêsu, mà còn là hiệp thông với Hội thánh của Chúa. Có một sự thống nhất trên bình diện các bí tích. Người ta không thể lãnh nhận một bí tích này (Thánh Thể) mà lại mâu thuẫn cách khách quan với một bí tích khác (Hôn Phối). Hoàn cảnh khách quan của những người li dị tái hôn (không đồng nhất với tình trạng ân sủng của họ vốn thuộc chủ quan) thì “mâu thuẫn với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Kitô và Hội thánh” (FC 84). Không được phép rước lễ không đồng nghĩa với việc bị phán xét là đang trong tình trạng tội lỗi hay một phán xét nào về tình trạng ân sủng của linh hồn mình (những người dự tòng hay các trẻ nhỏ chẳng hạn, không được phép rước lễ đó thôi). Cho phép những người li dị tái hôn được rước lễ công khai còn khiến cho các tín hữu có thể bị sai lạc và hiểu lầm giáo lí của Hội thánh về sự bất khả phân li của hôn nhân. Sự kiện những người này không được phép rước lễ khiến họ không cảm thấy thanh thản, nhắc họ luôn nhớ cuộc sống họ còn có cái gì chưa ổn, từ đó dần dần càng ước muốn được thay đổi cách sống của mình.
Phân định dây liên kết hôn ước
Phân định dây liên kết hôn ước là để biết hôn nhân đó có thành sự hay không, không được xem đó như là phương thế để nhằm tìm sự chấp thuận cho những người li dị tái hôn dân sự được kết hôn lần nữa trong Hội thánh, và từ đó cũng được lãnh nhận các bí tích. Đúng hơn, phân định dây hôn ước thuộc “lộ trình đồng hành và phân định nhằm hướng dẫn tín hữu đi đến chỗ nhận biết tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa” (AL 300). Sự phân định này sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề liệu tôi đã kết hôn thực sự hay chưa. Điều đó rất có ý nghĩa hiện sinh đối với tôi. Vì bản chất hôn nhân có tính xã hội và Giáo hội, nên sự phân định này phải công khai và cùng thực hiện với Giáo hội mới thực sự giúp tôi hướng đến cuộc sống tương lai của tôi. Nếu như tôi chưa thực sự kết hôn và nếu như tôi đã kết hôn trong tình trạng không đủ tự do và ý thức, tức là có các nguyên nhân bên ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do và ý thức, khiến cuộc kết hôn không thành sự, thì tôi có thể thong dong tìm kết hôn một lần nữa với người khác. Nếu tôi đã kết hôn thực sự, tức hôn nhân của tôi đã hoàn toàn thành sự, tôi biết mình vẫn còn chịu ràng buộc bởi dây hôn ước với người phối ngẫu, cho dù chúng tôi đã li thân và cho dù người phối ngẫu của tôi bất trung và đã dấn thân sống với người khác. Vấn đề chính yếu của sự tuyên bố hôn nhân bất thành là làm sáng tỏ tình trạng của dây liên kết hôn ước, chứ không phải là vấn đề Hiệp thông với những người li dị “tái hôn”.
Ý thức như thế, các mục tử khuyến khích những người li dị đang sống một kết hợp mới phân định xem họ có thực sự đang chịu ràng buộc bởi dây hôn phối với một người khác hay không. Để làm thế cũng cần phải có vài lí do hiển hiện nào đó khả dĩ cho là hôn nhân trước không thành sự. Còn nếu không có lí do gì cả để có thể đặt vấn đề về dây hôn phối, và nếu một hoặc cả hai người đều tin rằng hôn nhân của họ đã được thực sự kết ước cách hợp pháp, cho dù họ nghĩ cần phải li thân và dù một hoặc cả hai người hiện giờ đã sống với người khác, như thế dây hôn phối vẫn tồn tại, thì đó là một vấn đề khác.
Phân định các bước đi cụ thể
Giao hòa
Sau khi đã phân định về ước muốn và về dây liên kết hôn ước, giờ đây chúng ta xem xét một vài bước cụ thể nhằm giúp người ta «tìm ra những cách khả dĩ đáp lại tiếng Chúa và để lớn lên qua các giới hạn» (AL 3015), để đạt tới sự «nhận biết tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa» (AL 300), và để sống theo sự thật của dây hôn ước của họ. Câu hỏi đầu tiên của «mục vụ dây hôn ước» (AL 211) hiển nhiên phải đặt ra là liệu hai người đã li thân có thể giao hòa với nhau hay không.
Từ bỏ cuộc sống chung ngoài hôn nhân
Mục đích của sự phân định trong bối cảnh mục vụ dây hôn ước là xác định những cách thức để người li dị đang sống trong một kết hợp khác ngoài hôn nhân đi đến chỗ sống theo sự thật hoàn cảnh của họ. «Các linh mục có nhiệm vụ “đồng hành với những người có liên hệ trên con đường phân định dựa theo giáo huấn của Hội thánh và những hướng dẫn của Giám mục…”» (AL 300). Và «sự phân định này không bao giờ được phép bỏ qua những yêu sách của sự thật và bác ái theo Tin mừng như Hội thánh đề nghị» (AL 300). Yêu sách của sự thật đòi hỏi những người li dị phải sống theo sự thật của dây liên kết hôn ước bất khả phân li. Yêu sách của bác ái còn đòi hỏi phải đối xử bác ái đối với người phối ngẫu, hiện giờ đã li thân. Trong tình bác ái và công lí, chúng ta phải giữ vững niềm tin cậy họ sẽ hoán cải và một mai sẽ đạt tới sự giao hòa, ngay cả khi không thấy có dấu hiệu gì để hi vọng có giao hòa. Dĩ nhiên, giao hòa được là điều tốt nhất, nhưng nếu không thể thì tốt hơn người ấy phải từ bỏ dấn thân trong mối quan hệ ngoài hôn nhân kia. Bằng cách đó, người ấy bắt đầu một cuộc sống mới, dù đơn thân, tôn trọng dây hôn ước của mình. Điều đó biểu lộ một sự trung tín không phải chỉ đối với một dây liên kết trừu tượng siêu hình nào, mà là trung tín đối với người bạn đời, một tình yêu vốn đã và đang có, cho dẫu vẫn còn li thân và chưa thể giao hòa lúc này. Đó là một thiện ích thiêng liêng cho họ.
Tuy nhiên, theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Thánh cha Đức Phanxicô, «Hội thánh nhận biết có những hoàn cảnh mà trong đó “người nam và ngừi nữ, vì những lí do hệ trọng – như nuôi dạy con cái chẳng hạn – không thể thỏa mãn sự đòi buộc phải chia tay”» (AL 298; x. FC 84). Trong trường hợp đó, Hội thánh đề nghị họ chỉ “sống như anh em”. Những lí do để được miễn sự đòi buộc chia tay trong những hoàn cảnh này phải được các mục tử giúp phân định cách thích đáng. Con cái chung, phải chăm sóc “người bạn đời” bệnh tật, nghĩa vụ của công bằng gắn liền với những hoàn cảnh tài chánh phức tạp chẳng hạn, là những lí do có thể xét miễn yêu sách chia tay, nhưng cần lưu ý mọi lí do có thể nghĩ tới không tự nó là một lí do tốt lành.
Làm sao để sống tiết chế
Nếu vì những lí do hệ trọng do hoàn cảnh cho thấy người ta không thể bỏ cuộc sống chung ngoài hôn nhân ấy, thì để thỏa yêu cầu của “sự thật và bác ái”, đòi buộc tối thiểu là họ phải sống tiết dục, từ chối thực hành những hành vi của vợ chồng. Bởi lẽ hai người không phải là vợ chồng trước mặt Chúa. Hai người, một nam một nữ, không là vợ chồng sống chung một nhà, hơn nữa lại yêu thương nhau, thì tiết dục là một việc khó. Thế nhưng để làm một việc khó cần có một quyết tâm mạnh mẽ, điều đó đòi hỏi phải hiểu những lí do tại sao ta phải sẵn sàng làm như thế. Tiết dục ở đây không phải là yêu cầu của một lề luật trừu tượng nào đó áp đặt lên người tín hữu giáo dân, đúng hơn đây là một đòi hỏi của bác ái và sự thật: sự trung tín của tình yêu đối với người phối ngẫu cho dù người ấy đã phạm lỗi đối với họ thế nào. Bằng cách đó, họ để cho Đức Kitô yêu thương người phối ngẫu qua họ, yêu thương người ấy bằng chính tình yêu của Thiên Chúa đã đổ tràn vào con tim họ nhờ Chúa Thánh Thần được ban cho (cf. Rm 5,5). Dấn thân quyết tâm sống tiết chế như thế là một hành động của sám hối, ước muốn sống kết hợp với Đức Kitô, khát khao Người và theo gương Người. Khao khát được biến đổi nên giống Người dẫn đến sự thay đổi lối sống ở chỗ nào nghịch với Người. Cũng như Đức Kitô trung thành vô điều kiện với Hiền thê Người, là Giáo hội, cũng thế tôi muốn trung tín với người phối ngẫu của tôi, bất chấp người ấy không trung tín với tôi. Tôi muốn làm mọi sự trong khả năng để không thất trung và để có thể giao hòa. Nhưng nếu như tôi không thể giao hòa, và cũng không thể rời bỏ người bạn tình mà không phạm thêm sự bất công nào nghiêm trọng nữa, thì ít nhất trong cuộc “sống chung” mới này tôi sẽ sống tiết dục, nghĩa là không làm những hành vi vợ chồng, để tôi sống sự trung tín và tình yêu đối với người phối ngẫu.
Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận
1. Nếu anh /chị là người đang sống tình trạng li dị và “tái hôn”, anh chị có cảm thấy khao khát được rước Chúa trong bí tích Thánh Thể không? Điều gì ngăn trở khiến anh chị không thể?
2. Có bao giờ anh chị cảm thấy dây liên kết hôn phối bất khả phân li là oan nghiệt không? Đó có phải chăng là chính sự chọn lựa của anh chị từ ban đầu? Làm sao để gây ý thức về “dây hôn phối” vĩnh viễn là một mối phúc lành nơi các bạn trẻ sắp kết hôn?
3. Những lúc phải sống tiết chế trong đời sống đôi bạn (trong hôn nhân, bất đắc dĩ ngoài hôn nhân) anh/chị đã sống thế nào?