Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót


Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

với việc Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống xã hội

“Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36)

Năm Thánh Lòng Thương Xót của Hội Thánh Công Giáo khai mạc ngày 8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, và sẽ kết thúc vào ngày 20-11-2016, lễ Chúa Kitô Vua. “Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống”.[1] Tại Việt Nam, Năm Thánh Lòng Thương Xót trùng với Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội (2016), sau khi đã tập trung vào gia đình (2014) và cộng đoàn giáo xứ, dòng tu (2015). “Sự trùng hợp này giúp chúng ta hiểu và sống cách cụ thể định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam. Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã hội”.[2] Dẫu vậy, công cuộc Tân-Phúc-Âm-hóa bao giờ cũng bắt đầu từ mỗi cá nhân sống trong gia đình rồi đến xã hội: “tu thân, tề gia, trị quốc”. Trước hoàn cảnh khủng hoảng hôn nhân gia đình hiện nay, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XIV vừa qua một lần nữa bàn thảo về Mục vụ gia đình và nhấn mạnh đến tính chủ thể mục vụ của gia đình trong chủ đề: “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và thế giới ngày nay”. Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng lễ kết thúc đã nói bổn phận đầu tiên của Hội Thánh không phải là «đưa ra những lời kết án hay vạ tuyệt thông» nhưng là “công bố lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Chuẩn bị mở Năm Thánh về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thời đại ngày nay, khi Hội Thánh đang thực thi công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và đổi mới các hoạt động mục vụ. Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha”.[3] Vì thế, trong năm mới đang tới này, các đức Giám mục Việt Nam kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống. […] Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót”.[4]

Để xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, người Công giáo có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Giáo huấn này được trình bày trong tài liệu “Tóm lược Học thuyết xã hội Công Giáo” do Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình phát hành. “Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực xã hội. Chúng ta không thể Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội mà lại không biết gì về Giáo huấn xã hội của Giáo hội”.[5] “Học thuyết xã hội là một phần thiết yếu cho tác vụ Phúc-âm-hóa của Giáo hội nên trọn vẹn”.[6] Vì thế, cách đặc biệt trong năm mục vụ sắp tới này, mọi thành phần Dân Chúa được khuyến khích học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những giáo huấn này. Trong học thuyết xã hội của Giáo hội người Kitô hữu có thể tìm thấy những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động. Đó là bước đầu để đẩy mạnh nền nhân bản toàn diện và liên đới. “Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội”.[7] Trong số những vấn đề xã hội, người Kitô hữu hiện nay được mời gọi lưu ý đặc biệt đến vấn đề môi sinh và người nghèo trong xã hội, lắng nghe và đáp lại “cả tiếng khóc của Trái đất, và tiếng khóc của người nghèo”.[8]

Trong hướng mục vụ đó, để giúp các cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam suy tư, sống, cảm nghiệm , chia sẻ và loan báo Lòng Thương Xót qua việc Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội, chúng tôi gợi ý nơi đây các chủ đề tương ứng với mỗi tháng trong năm 2016 này. Mỗi chủ đề cho thấy chiều dọc của Lòng Thương xót được “nhập thể” trong chiều ngang, tức là chiều kích nhân học xã hội, trong các lãnh vực khác nhau. Những chủ đề phản chiếu qua các từ khóa: truyền giáo (sứ vụ), di dân, phẩm giá con người, gia đình, việc làm (lao động), đối thoại (truyền thông), công ích, hòa bình, người nghèo, môi sinh.

––––––––––––––––––––

[1] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 2.

[2] Ibid. 3.

[3] ĐGH PHANXICÔ, Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), 12.

[4] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 3.

[5] Ibid. 4.

[6] TÓM LƯỢC HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO (HTXHCG), 66.

[7] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41.

[8] PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’ 49.

 

Văn phòng HĐGMVN