Hành Trình Mùa Vọng


Hành trình Mùa Vọng là hành trình nghe và mở, để sự kiện Chúa đến trong lịch sử khách quan cách đây hai ngàn năm trở thành thực tại nội tâm và hiện sinh cho từng người tín hữu.

“Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội. Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời”.

Hội Thánh Việt Nam có những bài thánh ca Mùa Vọng thật hay, diễn tả tâm tình cầu mong Chúa đến. Nhưng tôi tự hỏi có thật chúng ta mong Chúa đến, “như nai đang khát mong tìm thấy suối, như đêm u tối mong ngày mau sáng”? Và phải chăng vì chúng ta không cầu xin nên Chúa chưa chịu đến: “Chúa ơi, dừng cơn giận Chúa lại thôi”?

Rồi tôi nhớ đến Lời Chúa trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (3,20).

Hóa ra Chúa đang “đứng trước cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng người bằng nhiều cách.

Chúa đã gõ cửa lòng thánh Augustinô bằng Lời Kinh Thánh: “Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tuông. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Ngày nay cũng thế, Chúa vẫn gõ cửa lòng ta bằng Lời của Ngài: Lời đọc trực tiếp trong Sách Thánh; Lời được nghe qua các bài giảng; Lời được ai đó nhắc nhở.

Chúa còn gõ cửa lòng ta qua những sự kiện, biến cố trong đời. Trong năm 2023, Việt Nam hãnh diện vì phim “Bên trong vỏ kén vàng” được giải thưởng Cannes về Camera d’Or. Phim kể chuyện chàng thanh niên tên Thiện, “bỏ quê lên thành phố mưu sinh và bị cuốn vào cuộc chạy đua vô nghĩa của tiền bạc, những chầu nhậu vỉa hè, và giải quyết sinh lý trong những tiệm mát-xa vui vẻ”. Sự kiện bất ngờ là đang ngồi nhậu với bạn bè bên vỉa hè thì xẩy ra tai nạn giao thông. Anh ta vẫn bình thản ngồi nhậu, không biết rằng nạn nhân trong tai nạn ấy lại là chị dâu và đứa cháu trai của mình… Rồi cùng với anh trai, Thiện lo đưa linh cữu chị về quê, và chuyến đi ấy trở thành “hành trình tìm lại đức tin và sự cứu rỗi linh hồn” (Tuổi Trẻ, 11/08/2023). Cũng vậy, Chúa có thể gõ cửa lòng ta qua những sự kiện và biến cố, những thành công và thất bại, những hạnh phúc và khổ đau trong đời.

Vấn đề là mình có “nghe” được tiếng gõ cửa ấy không? Ta thường than phiền rằng Chúa nói là “cứ xin sẽ được, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho”; nhưng đã gõ mòn cả tay mà có thấy Chúa trả lời chi đâu! Có thể là thế thật nhưng cũng nên đặt thêm câu hỏi: tôi gõ mà Chúa không nghe, hay Chúa gõ cửa mà tôi không nghe?

Không nghe vì tiếng gõ của Chúa bị nhận chìm giữa vô vàn tiếng động của cuộc sống, không những sự ồn ào bên ngoài, mà cả sự ồn ào bên trong. Hôm nào gặp anh chị em tu sĩ, nghe than thở là nhà dòng nào cũng có khu vực gọi là nội vi, nhưng thời buổi này, với điện thoại thông minh, thì nội vi bị xâm phạm cách thô bạo! Xem ra những ồn ào nội tâm còn cản trở hơn những tiếng động bên ngoài!

Chưa hết, nghe là một chuyện, nhưng có “mở” hay không lại là chuyện khác. Nhiều khi nghe đấy nhưng không muốn mở, vì đón Chúa vào nhà thì phiền lắm, phải thay đổi điều này điều kia trong nếp sống quen thuộc của mình. Thánh Augustinô từng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con đức khiết tịnh và tiết dục, nhưng từ từ thôi!” Lời cầu nguyện rất thật, rất ư là hiện sinh. Đúng là vũng lầy êm ái. Biết là dơ bẩn đấy, nhưng sao nó êm ái quá! Bỏ đi thì tiếc chết được! Cho nên Chúa cứ vui lòng đứng ở ngoài thì con thoải mái hơn!

Hiểu như thế, hành trình Mùa Vọng là hành trình nghe và mở, để sự kiện Chúa đến trong lịch sử khách quan cách đây hai ngàn năm trở thành thực tại nội tâm và hiện sinh cho từng người tín hữu: “Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Và không ai có thể làm được điều đó ngoài chính mỗi người, trong sự hướng dẫn và tác động của Thánh Thần.