Hội Các Dân Tộc Bị Áp Bức Tố Giác Trung Quốc
Hội bênh vực “Các dân tộc bị áp bức”, có trụ sở tại thành phố Goettingen, Bắc Đức, tố giác sự vi phạm tự do tôn giáo do Nhà Cầm quyền Trung Quốc, nhất là các cuộc bách hại chống sắc dân thiểu số Hồi giáo người Uiguri ở tỉnh Tân Cương.
Trong thông cáo công bố hôm 19/02/2020 vừa qua, tổ chức nhân quyền này khẳng định thêm rằng các vụ vi phạm của Nhà Nước Trung Quốc đối với tự do tôn giáo cũng nhắc nhở Vatican suy nghĩ lại khi “xích lại gần chính phủ Trung Quốc”.
Hội bênh vực “các dân tộc bị áp bức” nhận định rằng những vụ bách hại chống Hồi giáo ở Trung Quốc hiện nay, có thể nhắm đến các thiểu số tín hữu Kitô trong tương lai gần đây. Chính phủ Trung Quốc nghi kỵ mọi tôn giáo không tùng phục sự kiểm soát hoàn toàn của họ. Mỗi sự thỏa hiệp với nhà cầm quyền Trung Quốc đều kích thích các cuộc đàn áp chống những người có tư tưởng đối lập và các tín hữu.
Hội nhân quyền này ám chỉ tới cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hôm 14/02 vừa qua, bên lề Hội nghị quốc tế về an ninh, nhóm tại thành phố Munich, bên Đức, trong đó có nhắc đến Hiệp định tạm thời giữa hai bên hồi tháng 9 năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc; và theo những người phê bình, tình trạng các tín hữu Kitô tại Trung Quốc từ đó đến nay vẫn không được cải tiến.
Trong thông cáo hôm 19/02 vừa qua, Hội bênh vực các dân tộc bị áp bức cũng kêu gọi giới chính trị Âu Châu hãy có những hành động cụ thể, và nói rằng: “Nước Đức và Liên Hiệp Âu Châu không thể chấp nhận im lặng trước những tội ác chống lại nhân loại, trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Trung Quốc hoặc coi những tội ác đó chỉ là những tin ngoài lề”.
Theo ông Ulrich Delius, Giám đốc Hội bênh vực “các dân tộc bị áp bức”, “thủ phạm những tội ác nói trên phải được Liên hiệp Âu Châu cảnh giác. Các xí nghiệp của Đức cũng cần kiểm chứng các hoạt động của mình tại tỉnh Tân Cương. Ngoài ra, trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Liên hiệp Âu Châu và Trung Quốc vào tháng 9 năm nay (2020), tại thành phố Leipzig ở Đức, Âu Châu cũng phải tỏ rõ lập trường và bảo vệ các giá trị của mình”.
(KNA 19-2-2020)