Hỏi đáp với ĐGH Phan-xi-cô trong dịp khai mạc công hội của Giáo phận Rô-ma
(CÂU HỎI 1)
LM Giampiero Palmieri : Kính chào Đức Thánh Cha. Trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), ĐTC nói rằng vấn đề lớn của ngày nay là chủ nghĩa cá nhân thoải mái và tham lam, và trong tông huấn Vẻ đẹp của Tình Yêu (Amoris Laetitia), ĐTC nói rằng cần phải kiến tạo và gìn giữ cương giới của gia đình. ĐTC dùng 1 kiểu nói trong tiếng Ý nghe cũng có vẻ không hay : “một gia đình lớn hơn”, là mở rộng gia đình, mạng lưới những mối tương quan trong các gia đình, không phải chỉ trong Hội Thánh mà còn ngoài xã hội nơi mà những người phụ nữ đơn thân nhỏ bé nhất, nghèo hèn nhất và những người già cả vẫn được đón tiếp. Một cuộc cách mạng dịu dàng, một tình huynh đệ huyền nhiệm vẫn cần thiết. ĐTC xem đó, chúng con cũng cảm thấy “vi khuẩn” chủ nghĩa cá nhân trong các cộng đồng chúng con, vì chúng con cũng là những đứa trẻ trong thời đại này. Vì thế, chúng con cần được giúp đỡ để kiến tạo mạng lưới những mối tương quan giữa các gia đình này để có thể đập tan những gì khép kín và lại gặp gỡ nhau. Có lẽ điều này có nghĩa là phải thay đổi nhiều thứ trong các giáo xứ chúng con, nhiều điều đã được cố định qua thời gian như sự thù nghịch, chia rẽ, phẫn nộ cũ. Đây là câu hỏi của chúng con !
ĐTC Phanxicô : Quả thật là chủ nghĩa cá nhân giống như một đường phân ranh trong nền văn hoá này. Và chủ nghĩa cá nhân này cũng mang rất nhiều tên gọi, quá nhiều tên gọi về nguồn gốc mang tính duy kỷ : người ta luôn tìm kiếm chính mình, không nhìn vào tha nhân, không nhìn thấy các gia đình khác. Thậm chí đôi khi khiến người ta đi đến chỗ ác độc mục vụ nữa. Chẳng hạn, Cha kể về một kinh nghiệm bản thân khi còn ở Buenos Aires là tại một giáo phận láng giềng với giáo phận của cha, có những cha quản xứ không muốn rửa tội cho những đứa trẻ có mẹ đơn thân, xem như thể những đứa bé đó là loài vật, và đó là chủ nghĩa cá nhân ! : “Không, chúng tôi hoàn hảo, đây là cách…” Chính chủ nghĩa cá nhân luôn tìm kiếm sự hài lòng. Đó là những người theo chủ nghĩa khoái lạc ! Cha vừa dùng một từ ngữ khá mạnh, nhưng cha sẽ nói về điểu đó giữa 2 điểm nhấn : cái “tôi đáng ghét” khiến chúng ta chịu nhiều điều dữ, là hữu thể. Ngày nay, nước Ý đang chịu một sự tuột dốc trong sinh xuất – Cha nghĩ rằng dưới 0. Nhưng tình trạng này lại bắt nguồn nơi nền văn hoá đề cao cái tôi từ nhiều thập kỷ trước đây… Xin đừng kết tội cha, nếu cha nói điều này vì cha không muốn tấn công ai, rằng Cha biết có nhiều gia đình vốn thích làm những người hoạt động bảo vệ loài vật, nuôi vài 3 con mèo, 1 con chó thay vì nuôi một đứa trẻ. Bởi vì sinh ra một đứa con thì chẳng phải dễ dàng gì, lại còn phải lo lắng tương lai nó nữa.
Nhưng điều lớn nhất trở nên một thách thức cho 1 em bé là cha mẹ phải làm cho nó thành một con người, là người có tự do. Con chó, con mèo sẽ cho người ta sự âu yếm, nhưng là một sự âu yếm được lập trình tới một điểm nào đó, chứ không phải là tự do. Quí vị có 1, 2, 3, 4 đứa con và tất cả chúng đều tự do, và chúng sẽ phải sống với những mối đe doạ của đời sống. Đây chính là thách thức gây nên sợ hãi : sự tự do. Vậy là người ta quay sang chủ nghĩa cá nhân : Cha nghĩ là người ta sợ tự do, cũng như trong việc săn sóc mục vụ, người ta nói : “người ta sẽ nói gì nếu tôi làm điều này … Và có được làm điều đó không…” Và người ta sợ hãi. “Nhưng khi bạn sợ hãi : hãy biết liều lĩnh ! Chính giây phút bạn sợ hãi, bạn phải quyết định ! Nếu bạn làm sai, đã có các vị giải tội, có giám mục, nhưng bạn hãy biết liều lĩnh !” Điều này cũng giống như những người Pharisêu : họ để tâm đến việc mục vụ tẩy uế bàn tay, mọi thứ sạch sẽ, đâu ra đó, mọi thứ tốt đẹp… Nhưng ngoài những nơi đó, là biết bao điều đáng thương, biết bao đau đớn và nghèo cực, thiếu thốn cơ hội để có thể phát triển. Đó chính là chủ nghĩa cá nhân khoái lạc ; đó là chủ nghĩa khoái lạc sợ tự do. Đó là chủ nghĩa cá nhân. Cha không biết văn phạm tiếng Ý có cho phép dùng từ này không – Cha muốn nói rằng đó là “đóng vào lồng” : nó nhét bạn vào một thứ lồng cũi, không để cho bạn được tự do bay nhảy. Vâng, rồi cái gia đình được mở rộng, thực sự không phải luôn luôn là một từ ngữ người ta muốn nghe, nhưng lại hợp với các nền văn hoá.
Cha viết tông huấn bằng tiếng Tây ban nha. Chẳng hạn, cha biết có những gia đình… Thực ra vào một ngày nào đó, cách đây 1 hoặc 2 tuần, có vị đại sứ của một nước đến trình diện uỷ nhiệm thư. Đó là ngài đại sứ đi cùng với gia đình có một người phụ nữ vẫn lo việc lau dọn nhà cửa suốt nhiều năm. Đây chính là một gia đình được mở rộng, và người phụ nữ này là người của gia đình : một người phụ nữ đơn thân, và không phải chỉ vì người ta trả cho chị ta lương cao, trả đều đặn, nhưng khi những người trong gia đình phải đến trình uỷ nhiệm thư với Đức Giáo Hoàng, người ta nói với chị : “Chị hãy đi với chúng tôi, vì chị cũng là người nhà của chúng tôi.” Đó là một ví dụ, là dọn chỗ cho người ta. Và giữa những người đơn thuần, với tính đơn sơ tốt lành của Tin Mừng, có rất nhiều những ví dụ như thế, của việc mở rộng mái ấm gia đình.
Và rồi, một từ khoá khác mà anh em đã nói, thêm vào chủ nghĩa cá nhân, sự sợ hãi tự do và kèm thêm sự bằng lòng, là từ dịu dàng. Dịu dàng là sự săn sóc của Thiên Chúa. Có lần, Thượng hội đồng đã nói như thế này : “Chúng ta phải thực hiện một cuộc cách mạng của tính dịu dàng.” Và một số nghị phụ – nhiều năm trước đây đã nói : “Nhưng điều này không thể nói được, nghe không được hay.” Thế nhưng ngày nay, chúng ta có thể nói rằng sự dịu dàng đang thiếu vắng, Không chỉ săn sóc trẻ em, người bệnh, săn sóc mọi người, những tội nhân… Và có những ví dụ đẹp về sự dịu dàng… Dịu dàng là một thứ ngôn ngữ tốt lành cho những người bé mọn nhất, cho những ai không có được thứ gì : một đứa bé biết cha mẹ nó nhờ sự dịu dàng của họ, nhờ tiếng họ nói, nhưng luôn luôn là êm dịu. Và tôi thích nghe một người cha hoặc mẹ nói với đứa con mình đang bập bẹ nói, và người cha hoặc mẹ cũng tự làm cho mình thành trẻ nhỏ (quay lại) nói như trẻ nói… Đó là sự thật mà tất cả chúng ta đều đã thấy. Đó là cách thể Đức Giêsu đã thực hiện.
Chúa Giêsu đã không kể mình ngang bằng với Thiên Chúa, nhưng Ngài đã làm cho mình ra không (x. Phil 2, 6-7). Và Ngài đã dùng tiếng nói của chúng ta : Ngài đã nói với cử điệu của chúng ta, và cách mà Chúa Giêsu dùng chính là tính nhân hậu. Hãy xem : chủ nghĩa khoái lạc, sự hãi sợ tự do, thực sự là chủ nghĩa cá nhân hiện thời. Cần phải thoát ra khỏi những điều đó nhờ sự nhân hậu lắng nghe, của sự đồng hành mà không cần hỏi gì… Vâng, với ngôn ngữ này, với thái độ này thì gia đình sẽ lớn lên : có gia đình nhỏ, và rồi thành gia đình lớn gồm bè bạn và những người cùng đồng hành… Cha không biết cha đã trả lời chưa, nhưng có vẻ đối với cha… mọi điều cần theo cách này.
(CÂU HỎI 2)
Xin kính chào Đức Thánh Cha. Con xin trở lại một cuộc tranh luận mà ĐTC đã từng nhắc tới. Chúng ta đều biết rằng là một cộng đoàn kitô hữu, chúng ta không muốn từ bỏ những đòi hỏi căn cơ của Tin mừng về gia đình là : hôn nhân là bí tích, bất khả phân ly, trung tín trong hôn nhân và, nói cách khác là hoàn toàn chấp nhận lòng thương xót trong mọi tình huống, cũng như trong những lúc khó khăn nhất. Vậy thì làm thế nào để trách kiểu luân lý hai mặt trong các cộng đồng của chúng ta, một đàng là chính xác và đàng khác thì buông thả, một đàng thì khẵc khổ và đàng khác thì lỏng lẻo ?
ĐTC Phanxicô : Cả hai đều chẳng phải là đúng đắn: chẳng phải khắc khổ hay buông thả là sự thật. Tin mừng cho chúng ta một cách khác, là 4 từ sau : đón nhận, đồng hành, hoà nhập và quan tâm mà không chõ mũi vào đời tư của ai. Đối với sự minh bạch của bạn, cha phải nói rằng điều này đã được viết trong Tông huấn – và cha dùng kiểu nói của một nhà thần học lớn từng là Thư ký của Thánh bộ Giáo lý đức tin, là Đức Hồng Y Soenborn đã từng giới thiệu nó, tất cả đều là của Thánh Tôma, từ khởi sự đến lúc hoàn tất. Chắc chắn đó là giáo thuyết. Tuy nhiên nhiều khi chúng ta thường muốn một giáo thuyết đúng đắn phải có tính chắc chắn của thuật toán mà chẳng thể hiện hữu, ngay cả buông thả, đam mê hoặc nghiêm ngặt. Chúng ta nghĩ về Đức Giêsu, cũng là câu chuyện đó được lặp lại. Khi Đức Giêsu nói với người ta, họ nói rằng : “Ngài không nói như các luật sĩ, nhưng như một Đấng có uy quyền.” (Mc 1, 22). Những vị tiến sĩ đều biết luật, và họ có luật riêng biệt cho từng trường hợp, đạt đến tận cùng của 600 quan niệm – tất cả mọi sự đều được qui định. Và Thiên Chúa mà cha đã từng thấy Ngài giận dữ trong chương thứ 23 của Tin mừng Matthêu, là một chương dữ dội.
Trên tất cả, điều gây nên một ấn tượng với cha khi đọc lại giới răn thứ 4 là “Thay vì cho cha mẹ già cả ăn uống, ngươi lại nói với họ rằng : không, con đã thề rằng : bàn thờ thì quí hơn là cha mẹ” là một điều trái ngược (x. Mc 7, 10-13). Chúa Giêsu là thế, và ngài đã bị kết án vì bị ganh ghét : người ta luôn gài bẫy Ngài : “Có được phép làm điều này hay không được phép ?” Chúng ta nghĩ tới cảnh người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11). Tin mừng kể rằng : chị ta phải bị ném đá. Đó là hợp luân lý, đó là điều rõ ràng, không hề cứng rắn. Chi ta phải bị ném đá. Tại sao ? Bởi vì sự thánh thiện của hôn nhân, của chung thuỷ. Chúa Giêsu rõ ràng về điều này. Từ ngữ dùng là sự ngoại tình, rất rõ ràng. Và Chúa Giêsu đã làm như điếc, để thời gian trôi qua, viết trên đất… và rồi nói : “Hãy bắt đầu đi, từ người lớn tuổi nhất, ai không phạm tội thì hãy ném đá trước đi.” Trong trường hợp này, Chúa Giêsu không thiếu luật. Rồi người ta bỏ đi, người già nhất đi trước. Chúa nói : “Này chị, không ai kết án chị sao ? Tôi cũng thế!” Giáo huấn luân lý là gì ? Là ném đá cô ta sao ? Nhưng Chúa Giêsu đã thiếu, Ngài đã thiếu về luân lý rồi đó. Điều này khiến chúng ta nghĩ rằng người ta không thể nói về sự nghiêm khắc, về “sự chắc chắn”, về tính toán học trong luân lý, như tính luân lý của Tin Mừng
Rồi, chúng ta hãy tiếp tục với những người phụ nữ : về cô (hay bà) người Samaritanô (x. Ga 4, 1-27). Cha không biết chị ta là ai, bắt đầu như thế nào theo kiểu một giáo lý viên và nói : “Nhưng chúng ta phải thờ Chúa trên núi kia !” Chúa hỏi cô ta : “Và chồng chị là ai ? …” “Tôi không có chồng”… Và thực ra, chị đã có nhiều “huy chương” về ngoại tình, có quá nhiều “thành tích”… Tuy vậy, chính chị ta, trước khi được tha thứ, lại là một “sứ đồ” của xứ Samaria. Và rồi, nên làm gì đây ? Chúng ta hãy đến với Tin Mừng ; đến với Giêsu ! Điều này không có nghĩa là ném đứa bé vào hồ tắm. Không… Chỉ có nghĩa là tìm kiếm sự thật ; và tính luân lý luôn là một hành vi của yêu thương : yêu Chúa và yêu người lân cận. Đó cũng là một hành vi rời bỏ nơi trú ẩn vì sự hoán cải của tha nhân, không phải là kết án tức khắc, nhưng là hãy rời bỏ chỗ trú thân.
Có một lần – cha xin lỗi, vì có nhiều linh mục ở đây, người tiền nhiệm của cha, không một người khác, là Đức hồng y Aramburu, đã qua đời sau người tiền nhiệm của Cha – khi cha được tấn phong Tổng giám mục, đã cho cha lời khuyên này : “Khi cha thấy một linh mục hơi giao động, hãy gọi và nói với người ấy rằng : hãy nói chuyện với nhau chút đi ; ‘tôi vừa được nghe nói rằng cha đang trong tình cảnh này, gần như là sống 2 mặt, tôi không biết…’ và rồi cha sẽ thấy linh mục đó bắt đầu nói : ‘không, không đúng, không…’ Hãy ngắt lời người đó và nói :’ Hãy nghe tôi nói đi, hãy về nhà. Suy nghĩ về điều đó, rồi 15 ngày sau trở lại và chúng ta nói chuyện với nhau.’ Và trong vòng 15 ngày đó, vị linh mục kia có thời gian để suy đi nghĩ lại trước Chúa Giêsu và trở lại, nói : ‘Vâng, đúng thế, xin giúp tôi!’ Thời gian thì luôn cần thiết. “ Nhưng thưa cha, vị linh mục đã sống và cử hành thánh lễ trong tình trạng phạm tội suốt 15 ngày đó, nếu xét về luân lý thì cha nói thế nào?” Điều gì thì tốt hơn ? Điều gì đã tốt hơn ? Chính vị giám mục có lòng quảng đại đã cho vị linh mục đó 15 ngày để suy đi nghĩ lại nhiều chuyện, với sự liều lĩnh cử hành thánh lễ trong tình trạng phạm tội trọng thì tốt hơn hoặc là điều kia, nghiêm khắc vì luân lý thì tốt hơn ? Và liên hệ đến sự nghiêm khắc luân lý, Cha sẽ kể cho anh chị em nghe một chuyện mà chính cha chứng kiến. Khi cha còn học thần học, bài thi là ngồi nghe xưng tội – thường được gọi là “ad audiendas”, được làm vào năm thứ ba, nhưng lúc đó, Cha và các bạn mới học năm thứ hai cũng được phép tham gia để tự chuẩn bị. Và một lần, có một trường hợp được đề nghị cho một người trong số các bạn đồng môn của cha đóng vai một người đi xưng tội, nhưng lại là một trường hợp rất phức tạp liên quan đến điều răn thứ 7, được gọi là “de justitia et jure”; nhưng lại là một trường hợp không có thật… và người bạn đồng môn này, cũng chỉ là một người bình thường thôi, đã nói với vị giáo sư rằng : “Nhưng thưa cha, chẳng thể gặp một trường hợp như vậy trong đời đâu”, và vị giáo sư trả lời : “đúng vậy, nhưng trong sách dạy như thế đấy !” Chính Cha đã chứng kiến chuyện này.
(CÂU HỎI 3)
Kính chào Đức Thánh Cha ! Ngày nay, dù đi tới bất kỳ đâu, chúng ta đều nghe nói về khủng hoảng của hôn nhân. Và con muốn hỏi ĐTC : chúng ta có thể chỉ ra những điều nào để giáo dục những người trẻ yêu thương, đặc biệt với bí tích hôn phối, để họ vượt qua được những đối kháng, chủ nghĩa hoài nghi, những thất vọng, sợ hãi của sự dứt khoát ? Xin cám ơn ĐTC
ĐGH Phanxicô : Cha sẽ dùng từ cuối của con : chúng ta cũng đang sống trong một nền văn hoá nhất thời. Cha nghe người ta nói rằng cách đây ít tháng, có một người trẻ vừa tốt nghiệp đại học, là một thanh niên tốt, đã đến gặp Đức Giám mục và nói với ngài rằng : “10 năm nữa, con muốn làm linh mục”, đó là văn hoá nhất thời. Và nền văn hoá nhất thời này xảy ra khắp nơi, ngay cả trong đời sống linh mục, đời sống tôn giáo. Và bởi điều này mà một số trường hợp bí tích hôn phối của chúng ta đang bị tiêu hôn, vì người ta (đôi phối ngẫu) nói : “Phải, vì cuộc sống !” nhưng người ta không biết đang nói gì, vì người ta đang sống một thứ văn hoá khác. Người ta nói vậy, và người ta cũng có hảo ý, nhưng người ta không có nhận thức. Có lần, một phụ nữ ở Buenos Aires đến gặp cha và nói : ”Các vị linh mục của ngài quỷ quyệt, vì để trở thành linh mục, quý vị đó chỉ học có 8 năm, và rồi nếu mọi sự tiến triển không tốt và vị đó gặp được một thiếu nữ mình thích… Cuối cùng là các ngài cho phép vị đó kết hôn và có gia đình. Còn giáo dân chúng tôi lại phải hoàn tất hôn nhân suốt cả đời và không được phép tan rã, người ta đã cho chúng tôi 4 cuộc hội nghị, và hội nghị này nữa cho cả đời !”
Theo ý cha, một trong các vấn nạn là : sự chuẩn bị cho việc kết hôn. Vậy thì câu hỏi rất liên quan đến một sự kiện xã hội. Cha nhớ năm ngoái, cũng tại nước Ý này, cha đã gọi cho một người trẻ đã lập gia đình mà cha đã gặp đâu đó trước đây ở Ciampino. Cha gọi điện cho anh ta và nói với anh ta : “Mẹ con nói với cha rằng tháng sau con sẽ lập gia đình… Việc sẽ đi tới đâu ?” Anh đáp “Nhưng chúng con không biết vì chúng con đang tìm một ngôi thánh đường hợp với cái áo của cô gái của con… Và rồi chúng con còn phải làm thật nhiều điều : nào là bánh trái, rồi kiếm cho được một nhà hàng không quá xa để tổ chức tiệc cưới…” Đây chính là những điều người ta quan tâm. Đó là một sự kiện xã hội. Làm sao để thay đổi được đây ? Cha không biết. Trước đây, có một biến cố xã hội xảy ra tại Buenos Aires, là cha đã cấm cử hành lễ nghi tôn giáo ở Buenos Aires trong những trường hợp “cưới vội”, làm đám cưới tốc hành trước khi sinh con. Bây giờ thì mọi điều đã đổi thay, nhưng vẫn còn điều này là : mọi điều trong xã hội phải theo cách nó cần phải như thế, vì sinh em bé, chúng tôi cưới nhau. Cha đã cấm việc này vì những người đó không tự do thoải mái. Có lẽ họ thương yêu nhau thật sự. Và cha cũng từng nhìn thấy một vài trường hợp rất đáng yêu là sau đó vài ba năm, họ đã cưới nhau, và cha thấy cả cha, mẹ cùng đứa con tay trong tay tiến vào nhà thờ, nhưng họ thực sự biết rõ họ đang làm gì !
Cơn khủng hoảng của hôn nhân hiện hữu vì người ta không cần biết đến Bí tích và vẻ đẹp của Bí tích là gì nữa : người ta không còn biết hôn nhân là bất khả phân ly, không còn biết hôn nhân là để sống. Thật là khó. Cha có một kinh nghiệm khác khi còn ở Buenos Aires : khi các cha quản xứ đã làm xong giai đoạn chuẩn bị cho 12 hoặc 13 cặp đôi hôn phối, không nhiều hơn và cũng không đến 30 người. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra với họ là : “Trong các bạn, có bao nhiêu người sẽ sống chung với nhau ?” Đa số đều giơ tay. Họ thích sống chung với nhau hơn, nhưng đây lại là một thử thách vì liên quan đến công ăn việc làm. Người ta không phải nói ngay : “Tại sao lại không kết hôn trong nhà thờ ?” Không, theo họ, hãy đợi cho đến khi trưởng thành, và để cho lòng chung thuỷ trưởng thành nữa ! Nơi các miền quê ở Á căn đình, tại miền bắc, có một lối mê tín thế này : đôi bạn đã đính hôn phải có một đứa con trước và phải sống với nhau. Việc này xảy ra ở miền quê, rồi khi đứa bé bắt đầu đi học, đôi bạn mới kết hôn dân sự. Và rồi, như thời ông bà của họ, họ sau đó mới chịu bí tích hôn phối. Đó là một loại mê tín, vì người ta nói rằng, cử hành bí tích hôn phối (theo phép đạo) lập tức khiến người chồng sợ hãi ! Chúng ta cũng phải chống lại hũ tục này. Tuy vậy, cha thực sự có thể nói rằng cha đã từng chứng kiến rất nhiều tấm gương chung thuỷ trong đời sống chung, nhiều lòng trung tín ; và cha chắc chắn rằng đây là hôn nhân đích thực ; người ta nhận được ân huệ của bí tích hôn phối, cách cụ thể vì chính lòng chung thuỷ người ta trao nhau. Nhưng đó chỉ là những sự mê lầm mang tính địa phương thôi. Mục vụ hôn nhân vẫn là điều khó khăn nhất.
Và kế đến là sự bình an trong đời sống gia đình, không chỉ khi xảy ra cãi vã với nhau, và việc khuyên răn chẳng bao giờ kết thúc ngày sống nếu không có bình an, vì chiến tranh lạnh tiếp diễn vào ngày hôm sau lại càng tệ hại hơn ! Vâng, tệ hại hơn nhiều. Tuy nhiên khi những người thân can thiệp vào, những bà gia, bà nhạc, bởi chẳng dễ dàng gì để thành ông bà nhạc gia ! Cha đã nghe một điều dễ thương có thể làm cho các bà thoả lòng, rằng khi một người phụ nữ được siêu âm xong và biết tin mình có thai với một người đàn ông, từ giây phút đó chị ta bắt đầu nhận thức rằng mình sẽ là một bà gia !
Cha quay lại điều nghiêm túc : việc chuẩn bị cho hôn nhân cần phải được thực hiện cách thiết thân, không sợ hãi và chậm trễ. Thông thường, đó là một con đường hoán cải. Vẫn có những chàng trai, cô gái có được một tình yêu cao đẹp, thuần khiết, và họ nhận biết điều mình cần phải làm, nhưng số người như vậy không nhiều. Nên văn hoá ngày nay giới thiệu cho chúng ta những thanh niên này ; họ đều tốt và chúng ta cần phải tiếp cận họ và đồng hành với họ, đồng hành tới lúc họ trưởng thành. Chính lúc đó, chúng ta cử hành Bí tich trong vui tươi, cần thật nhiều kiên nhẫn. Đó cũng là loại kiên nhẫn thiết thân với mục vụ ơn thiên triệu. Lắng nghe cùng một sự việc, làm tông đồ với đôi tai, lắng nghe và đồng hành mà không sợ hãi… Cha không biết cha đã trả lời câu hỏi chưa, nhưng những gì cha nói với anh chị em đúng thật là kinh nghiệm của cha, là những gì cha đã sống khi còn làm cha quản xứ. Cám ơn anh chị em rất nhiều và xin hãy cầu nguyện cho cha !
Linh mục Phêrô Hoàng Gia Thành
Trích dịch bài “Q-&-A as Pope Opened Ecclesial Conference for Diocese of Rome”
của Zenit staff ngày 21/6/2016” – nguồn Zenit.org