Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha Cảnh Giác Tín Hữu Về Tịnh Niệm Thiền
Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha vừa công bố một văn kiện cảnh giác các tín hữu đừng thu hẹp việc cầu nguyện Kitô vào phương thức tịnh niệm Thiền của Phật Giáo, để rồi biến tương quan với Thiên Chúa trong kinh nguyện thành một cuộc độc thoại.
Văn kiện của các giám mục Tây Ban Nha, được Ủy ban giáo lý đức tin phê chuẩn, và mang tựa đề “Linh hồn tôi khao khát Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống”. Hướng dẫn đạo lý về kinh nguyện Kitô giáo” (Mi alma sed de Dios, del Dios vivo. Orientaciones doctrinales sobre la oración cristiana).
Nội dung Văn kiện
Trong tài liệu này, các giám mục cảnh giác rằng việc tịnh niệm Thiền, dựa trên sự quan sát bản thân với mục đích tìm được sự thư thái tâm vật lý, là điều “khó có thể dung hợp với kinh nguyện Kitô giáo, trong đó điều quan trọng nhất là điều thần linh được mạc khải trong Chúa Kitô”.
Chứng tỏ sự phong phú của kinh nguyện Kitô giáo
Qua văn kiện này, các giám mục Tây Ban Nha muốn chứng tỏ “bản chất và sự phong phú của kinh nguyện cũng như kinh nguyện tinh thần được ăn rễ sâu trong Mạc Khải và Truyền Thống Kitô giáo”, đồng thời nhắc nhớ những khía cạnh thiết yếu của truyền thống này, cống hiến cho các tín hữu những tiêu chuẩn giúp phân biệt các khía cạnh ấy với những yếu tố thuộc các truyền thống tôn giáo khác đang phổ biến ngày nay.
Các giám mục ghi nhận rằng “trong bối cảnh hiện nay, với nhịp sống bận rộn, vội vã, cạnh tranh và duy tiêu thụ, người ta dễ dàng bị trống rỗng nội tâm, căng thẳng tinh thần, lo âu, không được mãn nguyện. Vì thế có nhiều người cảm thấy một ước muốn cấp thiết được thinh lặng, thanh thản và an bình nội tâm. Chúng ta đứng trước sự tái xuất hiện một linh đạo được trình bày như sự đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của con người, mong được thoải mái về cảm xúc, quân bình, vui hưởng cuộc sống và thanh thản. Nhưng thứ linh đạo này, hiểu như một sự vun trồng nội tâm của mình, thường không dẫn đến Thiên Chúa. Nhiều người, tuy lớn lên trong môi trường Kitô, đang tìm đến các kỹ năng và phương pháp tịnh niệm và cầu nguyện bắt nguồn từ những truyền thống tôn giáo xa lạ với Kitô giáo. Tình trạng này khiến cho con người xa lìa trung tâm: di chuyển từ Thiên Chúa đến con người”.
Cảnh giác trước trào lưu duy tương đối
Văn kiện của các giám mục Tây Ban Nha cũng nhận xét rằng “trào lưu duy tương đối là một đặc tính của não trạng ngày nay, và cũng được áp dụng cho các tôn giáo và người ta cho rằng không tôn giáo nào có thể tự nhận mình có chân lý trọn vẹn. Não trạng này làm cho đức tin Kitô trở thành trống rỗng nội dung và có những hậu quả trực tiếp tới một số khía cạnh căn bản của đời sống Giáo Hội, cụ thể là nguy cơ coi các hoạt động truyền giáo trở thành vô ích, vì Chúa Kitô không còn được tin là Đấng mạc khải Chúa Cha và là Đấng Cứu Độ duy nhất của mọi người”.
Một số nhận định về Thiền
Các giám mục cũng đưa ra nhiều nhận định về phương pháp tịnh niệm Thiền, nó thường loại bỏ sự khác biệt giữa cái ngã và những gì bên ngoài, giữa thánh thiêng và phàm tục, giữa thần thiêng và thụ tạo… Qua đó, tôn nhan bản thân của Thiên Chúa không còn có thể nhận ra được và bất kỳ kinh nguyện nào hướng về Chúa trở nên vô ích”.
Cách đây 30 năm, hồi tháng 10 năm 1989, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, vị Giáo Hoàng Biển Đức 16 tương lai, đã gửi thư cho các giám mục toàn thế giới để cảnh giác về sự không thể dung hợp giữa các phương thức tịnh niệm đông phương như Yoga hoặc Thiền, với kinh nguyện Kitô giáo. (Aldo Valli 2019-09-19)
G. Trần Đức Anh, O.P
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu