Hội Ngộ Truyền Thông Giáo Phận Đà Nẵng 2023
Từ năm 1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chọn lễ Chúa Thăng Thiên để thiết lập ngày Thế giới truyền thông xã hội. Và ngày lễ này được cử hành hằng năm cho đến nay là lần thứ 57. Trong hai năm gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một loạt sứ điệp về truyền thông rất hay và sâu sắc như là: “Hãy đến và xem – truyền thông là gặp gỡ mọi người trong thực tế của họ” (2021) và “Lắng nghe bằng trái tim” (2022). Ngày Thế giới truyền thông xã hội năm nay, Giáo phận Đà Nẵng chúng ta đã tổ chức một buổi hội ngộ gặp gỡ tại giáo xứ Tam Toà theo tinh thần sứ điệp: “Nói bằng trái tim”.
Từ 8g00, hơn 90 anh chị đại diện Ban Truyền thông của các giáo xứ đã có mặt tại tiền đường nhà thờ Giáo xứ Tam Toà và được đón tiếp bởi Cha Trưởng ban Gioan Nguyễn Văn Hoàng và Cha Phó Ban Đaminh Đặng Bá Linh. Sau khi ổn định, mọi người có vài phút để giao lưu, gặp gỡ và chọn băng reo: Truyền thông – Hiệp hành. Truyền thông – Nói bằng trái tim.
Sau đó, mọi người di chuyển vào nhà thờ. Cha Trưởng ban đã có lời chào và cảm ơn đến toàn thể anh chị em đại diện truyền thông của các giáo xứ đã hi sinh thời gian hiện diện trong ngày này. Tiếp đó, Ngài bắt đầu bằng kinh Chúa Thánh Thần và tuyên bố khai mạc ngày hội truyền thông năm 2023 của Giáo phận.
Ngày hội truyền thông năm nay, chúng ta còn vui mừng chào đón sự hiện diện của Cha Nguyên Trưởng ban Truyền thông Giáo phận – Cha Phêrô Hoàng Gia Thành. Ngài đã có buổi chia sẻ với chủ đề: Mạng xã hội.
Cha Phêrô gợi nhắc rằng, truyền thông phát triển dần qua các thời kỳ dưới những hình thức lần lượt như: lời nói (truyền miệng) – chữ viết (thư tín) – các phương tiện/ ứng dụng nghe nhìn (như radio, audio, video) và ngày nay là không gian mạng hay còn gọi bình dân là thế giới ảo (Social Networks). Theo sự phát triển của thời đại và công nghệ, việc làm truyền thông dần trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người làm truyền thông cần nhớ rằng: mục vụ truyền thông và mục vụ loan báo Tin Mừng phải luôn được gắn kết, song hành với nhau và không thể tách rời. Từ tâm thế đó, Cha Phêrô cũng chia sẻ rằng, chúng ta còn luôn luôn có một cách thế để làm truyền thông khác nữa, đó là bằng chính những việc đạo đức bình dân hằng ngày mà ai cũng làm được.
Là một người làm truyền thông, bên cạnh kiến thức, kỹ năng, phương tiện, chúng ta cần phải có một cái Tâm, nhất là truyền thông trong Giáo hội. Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng tôi đang làm truyền thông cho Giáo hội, nên mỗi hình ảnh, bài viết, video của tôi đều xuất phát phát từ thiên hướng truyền tải thông tin, loan báo Tin Mừng. Đối tượng của truyền thông không chỉ gói gọn nơi những người gần gũi thân thuộc mà còn là những người nhỏ bé, yếu đuối ở các “vùng ngoại biên” xa xôi.
Do đó, Cha Nguyên Trưởng ban nhấn mạnh rằng: Truyền thông đúng sự thật là 1 trong 10 nguyên tắc căn bản của truyền thông. Nói bằng trái tim, nói sự thật với lòng thương xót để chữa lành. Bên cạnh đó, Ngài cũng chia sẻ một phong cách truyền thông nên hướng tới, đó là truyền thông không thù địch. Dù chúng ta thuộc các giáo xứ khác nhau nhưng đều thuộc một Giáo phận Đà Nẵng, do đó, những thông tin, nội dung nên được chia sẻ hai chiều: từ các giáo xứ “đổ về” giáo phận và ngược lại, từ giáo phận được lan toả đến từng giáo xứ. Các kênh truyền thông cần được liên kết với nhau, thể hiện tinh thần nhất quán và hiệp hành.
Trước khi kết thúc bài chia sẻ, Cha Phêrô lưu ý về việc áp dụng tư duy và phong cách truyền thông theo sứ điệp “Nói bằng trái tim” qua cách đăng bài trên các kênh truyền thông mạng xã hội. Các nội dung truyền thông sẽ có những đặc điểm như: truyền tải thông tin, định hướng, giáo dục hoặc giải trí. Từ đó, Ngài mời gọi mỗi người làm truyền thông luôn ý thức và có trách nhiệm với tài khoản mạng xã hội của mình. Các nội dung truyền thông cần hướng đến việc xây dựng bản thân và cộng đồng. Ngoài ra, cần cảnh giác với các khuynh hướng về việc câu views, câu like, fake news, tấn công…
Sau đó, cộng đoàn vui mừng chào đón sự hiện diện của Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận. Ngài cũng có vài lời chia sẻ gửi đến anh chị em hiện diện hôm nay. Vị chủ chăn chia sẻ rằng, mỗi ngày chúng ta đã tiếp xúc với các sản phẩm truyền thông qua thói quen xem tin tức, báo đài. Truyền thông giúp nâng cao sự hiểu biết, kiến thức về Thế giới, con người, Giáo hội hay nâng cao lòng đạo đức của con người. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể đẩy chúng ta vào tuyệt vọng, hận thù và tội lỗi. Với chúng ta là những người làm truyền thông Công giáo, thì ngoài những nghiệp vụ thông thường, chúng ta có bổn phận xác tín niềm tin của mình. Nên chúng ta phải mang tâm tình của một Kitô hữu như lời mời gọi của Chúa trong lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay: Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian.
Đức Giám mục Giáo phận cũng nhắc lại sự hướng dẫn của các Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô để nhắc nhở mọi người luôn thực hiện sứ vụ truyền thông của mình theo những sự hướng dẫn đó.
Nhắc lại sứ điệp của Ngày Thế giới truyền thông xã hội năm ngoái, Đức Cha Giuse nhấn mạnh rằng mỗi người làm truyền thông phải biết lắng nghe nhau với sự khiêm tốn. Đó chính là món quà quý giá nhất của Thiên Chúa. Bởi nếu không biết lắng nghe nhau, trốn tránh, bịt tai với nhau thì đến một lúc nào đó, chúng ta cũng không thể nghe được tiếng Chúa.
Sứ điệp năm nay là phát biểu bằng trái tim bằng sự thật của tình yêu. Sau khi đã đến, xem và lắng nghe bằng con tim (qua sứ điệp 2 năm trước) thì giờ đây chúng ta hãy nói bằng trái tim, nói lên sự thật bằng tình yêu. Ngài nói rằng đừng sợ công bố sự thật, dù đôi khi sự thật không dễ chịu, chỉ sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không có lòng bác ái, hoặc không bằng trái tim yêu thương.
Trước khi kết thúc bài chia sẻ của mình, Đức Cha Giuse nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi mơ ước một Hội Thánh có một nền truyền thông biết để ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, một nền truyền thông dịu dàng, đồng thời mang tính ngôn sứ. Biết tìm ra những cách thức, phương tiện mới cho sức mạnh loan báo tuyệt vời vào Hội Thánh được mời gọi trong thiên niên kỷ thứ 3. Một nền truyền thông đặt trọng tâm vào mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt là những người túng thiếu nhất. Biết cách thắp lên ngọn lửa đức tin hơn là muốn rước lấy đống tro tàn của của một căn tính tự quy chiếu. Một hình thức giao tiếp dựa trên thái độ khiêm tốn lắng nghe, thẳng thắn trong lời nói, không bao giờ tách rời sự thật của lòng bác ái…”
Kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha tóm lại những điều mà Ngài muốn mời gọi:
Một là, yêu mến sự thật và truyền thông đúng sự thật
Thứ hai là, xây đắp một nền văn minh của tình yêu
“Hãy nói bằng trái tim theo sự thật trong tình bác ái. Hãy hỗ trợ Giáo hội nơi Giáo họ, Giáo xứ, Giáo phận của mình cũng như các hoạt động của Giáo hội, con người hôm nay. Hãy đưa tin với sự thật và công lý, hãy sống khiêm tốn, đừng quên các nạn nhân trong các cuộc chiến, khủng hoảng ngày hôm nay. Và hãy loan tin tốt lành, tin của tình yêu, sự thật và bác ái”. (lời Đức Thánh Cha Phanxicô gửi những người làm truyền thông).
Sau đó, mọi người cùng bước vào Thánh lễ.
Ước mong mỗi người sau những giây phút ngắn ngủi của ngày Hội ngộ Truyền thông năm nay trở về với một tâm thế mới: Trước hết ý thức sứ vụ truyền thông của chính mình, đồng thời nổ lực để đi vào tinh thần truyền thông của Giáo Hội và tìm mọi cách để nối kết với Truyền thông Giáo phận để góp phần xây dựng tinh thần hiệp nhất trong đời sống Giáo hội địa phương.
Bài viết: Matta Thanh Thảo
Hình ảnh: F.X Minh Hoàng