Hội Thánh Đối Thoại Và Lắng Nghe Những Người Thuộc ” Vùng Ngoại Biên” Người Xa Rời Đức Tin


Lm. Phêrô Đinh Ngọc Lâm, CSsR

WHĐ (04.11.2022) – Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II cho chúng ta cái nhìn chính xác về bản chất của Hội thánh: Hội thánh hiểu là Hội thánh của Thiên Chúa Ba Ngôi nếu được nhìn từ trên xuống; còn Hội thánh hiểu là sự quy tụ Dân Thiên Chúa nếu được hiểu từ dưới lên. Theo cách hiểu này, Thánh Công đồng khẳng định: “Trong Đức Kitô, Hội thánh như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người, vì thế Hội thánh muốn trình bày rõ ràng hơn cho các tín hữu và toàn thế giới chính bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình, dựa trên giáo huấn của các Công đồng trước đây.”[1] Như thế, Hội thánh chính là Dân Thiên Chúa: Đức Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người (x.1 Cr 11,25), Người kêu gọi đoàn chiên gồm Do Thái và dân ngoại để họ nên một, không phải do huyết nhục nhưng là trong Thần Khí, và đây chính là Dân mới của Thiên Chúa. Thật vậy những ai tin kính Đức Kitô, những người được tái sinh không phải mầm mống hư nát, nhưng bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống (x. 1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3, 5-6), nay được thiết lập nên “giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, những người xưa chưa phải là dân, nay là dân của Thiên Chúa (1 Pr 2,9-10).[2]

Chính dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II, chủ đề “Hướng tới một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”[3](2) như một lời mời gọi toàn thể Hội thánh hãy tiến bước vào hành trình của cuộc ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE trong tác động của “Chúa Thánh Thần là Đấng như gió “thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và đi đâu” (Ga 3,8), phải mở ngỏ cho những điều lạ lùng mà Chúa Thánh Thần chắc chắn sẽ chuẩn bị cho chúng ta trên suốt hành trình.”[4] Dưới đây là một số “những mục tiêu hết sức quan trọng đối với phẩm chất của đời sống Hội thánh và đối với việc hoàn thành sứ vụ loan báo Tin Mừng mà tất cả chúng ta đều tham gia nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức.”[5]:

– Sống tiến trình Hội thánh mang tính tham gia và quy tụ, vốn cống hiến cho mọi người – đặc biệt những người, vì những lý do khác nhau, cảm thấy mình là những kẻ ngoài lề – cơ hội tự bày tỏ và lắng nghe hầu góp phần vào việc xây dựng dân Thiên Chúa.

– Làm cho cộng đồng Kitô giáo thành một chủ thể đáng tín nhiệm và là đối tác đáng tin cậy trong hành trình đối thoại xã hội, chữa lành, hòa giải,… cổ vũ tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội.[6]

Trong tinh thần của tiếng mời gọi này, chúng ta có thể nói được rằng Đức giáo hoàng Phanxicô đang kêu gọi Hội thánh khám phá lại bản chất hiệp hành cách sâu xa hơn, được nhìn thấy bao gồm cả một tiến tình cùng nhau học hỏi cách khiêm tốn, làm thế nào để nhận ra tiếng Chúa kêu gọi chúng ta là Hội thánh trong thiên niên kỷ thứ ba, đặc biệt qua việc hiệp hành với các anh chị em chúng ta ở “vùng ngoại biên”: những anh chị em đang sống xa rời đức tin.

1. Tất cả chúng ta được mời gọi phải tiến bước với nhau trên con đường về nhà Cha trong tiến trình đối thoại và lắng nghe như là Dân Thiên Chúa

1.1 Đối thoại với Thiên Chúa

1.2 Đối thoại với chính mình

1.3 Đối thoại với người khác

1.4. Việc đối thoại và lắng nghe với mục đích để cùng đồng hành với nhau

2. Hội thánh được mời gọi canh tân đổi mới trong tiến trình hiệp hành qua việc đối thoại và lắng nghe với anh chi em “vùng ngoại biên”: sống xa rời Hội thánh

2.1. Những anh chị em “vùng ngoại biên”: không còn thực hành đức tin của họ nữa. Họ là ai? Làm thế nào chúng ta biết? tại sao họ xa rời Hội thánh?

2.2. Hội thánh làm thế nào giúp họ có thể trở về với Hội thánh

Tạm kết

1. Tất cả chúng ta được mời gọi phải tiến bước với nhau trên con đường về nhà Cha trong tiến trình đối thoại và lắng nghe như là Dân Thiên Chúa
Trước khi chúng ta nói đến việc phải đối thoại và lắng nghe những người đã rời bỏ đức tin hay không còn thực hành đức tin của mình như thế nào, chắc chúng ta cũng cần phải bàn đến việc đối thoại và lắng nghe trên nền tảng căn bản của chúng ta với Thiên Chúa, với chính mình và với người khác như thế nào trong tiến trình canh tân Hội thánh theo tinh thần Công đồng Vaticanô II.

1.1 Đối thoại với Thiên Chúa[7]
Tìm kiếm Thiên Chúa là một việc làm táo bạo và say mê nhất của con người từ khởi đầu của lịch sử loài người. Con người cách đơn sơ cố gắng chia sẻ mối liên hệ giữa Thiên Chúa với mình như Kitô giáo chúng ta bày tỏ. Như thế, chúng ta phải hiểu và kinh nghiệm một cuộc đối thoại và lắng nghe sâu sắc hơn với Thiên Chúa. Khi đó, chúng ta có thể được mời gọi đi tới hiểu biết sâu hơn rằng “đối thoại và lắng nghe xuất phát từ Thiên Chúa và mang chúng ta trở về với Người.” Chính việc đối thoại và lắng nghe này sẽ giúp chúng ta mở lòng mở trí cho việc tìm kiếm con người mình tốt nhất như thánh Augustinô đã nói rằng “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”[8] Cuộc đối thoại này chúng ta có thể bắt đầu với một vài chỉ dẫn như sau:

1.1.1 Sự hợp tác

Thiên Chúa có thể làm mọi sự; nhưng Người luôn luôn chờ đợi sự hợp tác của chúng ta trong cuộc đối thoại và lắng nghe. Thiên Chúa cần đôi tay, trái tim, và tâm trí của chúng ta để biểu lộ tình yêu của Người.

1.1.2 Sự thinh lặng

Trong thinh lặng chúng ta có thể lắng nghe được tiếng của Thiên Chúa đối thoại với chúng ta. Mọi điều tuyệt vời trong cuộc sống hầu như bắt đầu từ sự thinh lặng. Chúng ta hãy vận dụng những phương thức khác nhau để có được sự thinh lặng nhằm giúp mỗi người chúng ta đi vào trong bản chất của cuộc đối thoại và lắng nghe của mình với Thiên Chúa.

1.1.3 Sự cầu nguyện

Chúng ta không thể nuôi dưỡng việc đối thoại và lắng nghe của chúng ta với Thiên Chúa mà không có cầu nguyện. Như vậy, chúng ta được kêu gọi canh tân cuộc đối thoại và lắng nghe của chúng ta với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện hằng ngày, cầu nguyện mọi lúc với ước muốn trở nên gần gũi với Thiên Chúa và dễ dàng đáp lại ý muốn của Người trong cuộc sống.

1.1.4 Sự đào tạo

Đào tạo là quan trọng trong tiến trình của cuộc đối thoại và lắng nghe của chúng ta nói chung, nhưng đặc biệt trong cuộc đối thoại và lắng nghe của chúng ta với Thiên Chúa. Sự đào tạo và nhận biết của chúng ta trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa phải đem chúng ta tiến tới với con người trong tình yêu Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân.

1.2 Đối thoại với chính mình[9]
Nhiều người đã không quan tâm đến việc đối thoại với chính mình. Trong cuộc sống hầu như chúng ta ít khi để ý đến chúng ta là ai, một số còn sợ khám phá và bước vào đối thoại với chính mình. Vì lý do này, chúng ta có thể khó phát triển những hướng đối thoại khác: đối thoại với Thiên Chúa, với người khác. Đồng thời nếu chúng ta không biết làm thế nào để bước vào đối thoại với chính mình, chúng ta không thể tăng trưởng đời sống thiêng liêng và không thể hiểu rõ ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Thực tế, cuộc đối thoại với chính mình đòi hỏi:

1.2.1 Tính chất xác thực

Trước hết chúng ta phải chân thật với chính mình. Không phủ nhận, nếu không chúng ta lừa dối chính mình. Chúng ta là diễn viên và cũng là người quan sát chính mình. Như thế, tại sao chúng ta phải lừa dối chính mình?

Tính xác thực phải giúp chúng ta liên hệ với người khác thật hồn nhiên không như “những diễn viên.” Chúng ta phải loại bỏ đi bất cứ mặt lạ nào che khuất con người thật của mình làm người giao tiếp không nhận ra chúng ta là ai. Như vậy, chúng ta cần làm cho hòa hợp với chính mình và chấp nhận chính mình như mình là.

Thái độ này của tính xác thực sẽ giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều tuyệt vời khi chúng ta đến với người khác bằng ánh mắt, tâm trí và con tim thuần khiết, và trong tiến trình làm cho thanh khiết ký ức của chúng ta là luôn sẵn sàng tha thứ và yêu thương tất cả mọi người.

1.2.2 Sự tin tưởng

Chúng ta phải tin tưởng chính mình. Chúng ta có thể phát triển sự tin tưởng chính mình và có thể xây dựng sự tin tưởng nơi chính chúng ta. Sự tin tưởng nội tại là rất quan trọng để liên hệ với người khác. Khi chúng ta có thể tìm thấy sự tin tưởng nơi chính chúng ta, bước tiếp theo chúng ta sẽ kinh nghiệm được bình an và thấy được những mối liên hệ xung quanh chúng ta với cái nhìn mới, lý trí mới và con tim mới. Như thế, cuộc đối thoại và lắng nghe của chúng ta với chính mình mở ra cánh cửa cho tất cả mọi hình thức của đối thoại và lắng nghe không chút sợ hãi, bởi vì chúng ta tiến tới giai đoạn của tự do bên trong.

1.2.3 Sự thinh lặng

Thinh lặng là một phạm vi tinh thần mà chúng ta phải kinh nghiệm và hiểu rõ giá trị. Sự thinh lặng nội tâm là một cách thức ở bên trong mối liên hệ với chính mình và với người khác trong một cách thức có thể tốt nhất. Trong cuộc sống, tất cả đều thay đổi, ngay mối liên hệ của chúng ta với con người và những kiểu sống. Chúng ta có thể kinh nghiệm sự an bình trong tất cả mọi đổi thay của cuộc sống nếu chúng ta giữ được thinh lặng nội tâm.

– Trong thinh lặng nội tâm chúng ta hiểu mình là ai, chúng ta tìm thấy chính mình, sự tự do của chúng ta, sinh lực và ơn gọi của chúng ta.

– Lắng nghe người khác và lắng nghe chính mình là hai diện mạo khác nhau của đời sống tinh thần của chúng ta mà chúng ta cần phải kinh nghiệm và nuôi dưỡng.

– Chúng ta luôn luôn nói rằng trái tim là trung tâm của mọi cảm xúc của chúng ta. Như vậy, trái tim và tâm trí là nguồn cội của mọi sự. Sự tốt lành trong cuộc sống và ngay cả chiến tranh hay sự thánh thiện được nuôi dưỡng trong trái tim và tâm trí con người. Vì lý do này, sự thinh lặng nội tâm là rất quan trọng trong hành trình đối thoại và lắng nghe chính bản thân mình.

1.2.4 Sự khiêm tốn

Kinh nghiệm bị cản trở từ bên trong và bên ngoài là bình thường đối với mọi người. Khiêm tốn là đức tính căn bản để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Không có sự khiêm tốn mọi người có thể bị cám dỗ đóng lại cánh cửa của tình yêu hay sự đối thoại và lắng nghe rồi mở ra cách cửa của căm thù hay cay độc đối với người khác.

1.3 Đối thoại với người khác[10]
Chắc chắn không khó để hiểu người khác là ai đối với mỗi người chúng ta. Những người khác này có thể là những người thuộc gia đình chúng ta, thuộc Hội thánh của chúng ta, thuộc cộng đoàn chúng ta… Những người khác cũng có thể là những người không thuộc cùng một gia đình, một tôn giáo, một niềm tin, một văn hóa… Chúng ta cố gắng đi vào trong cuộc đối thoại và lắng nghe với họ.

1.3.1 Chúng ta là anh chị em của nhau

Trước hết cần phải hiểu và chân nhận rằng người khác luôn luôn là anh chị em đối với chúng ta bởi vì tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Người. Như thế, chúng ta có thể thắng vượt ý niệm phân rẽ anh chị em khác như những người thuộc về những gia đình, niềm tin hay cách sống niềm tin khác với chúng ta. Do đó, để có thể bước vào cuộc đối thoại và lắng nghe người khác, ta cần:

– Khám phá lại thực tế này cách khiêm tốn với cấp độ cao hơn của sự đối thoại/lắng nghe trong lòng kính trọng và yêu thương lẫn nhau.

– Tạo nên một sự hiểu biết mới về những mối liên hệ con người qua những yếu tố khác nhau về: tôn giáo, văn hoá, gia đình, Hội thánh…

– Hướng đến sự hiểu biết mới của Văn hóa Đối thoại/Lắng nghe như một môi trường sống mà ở đó sự bình an của Đức Kitô được nhận thấy.

– Sống và thúc đẩy Văn hóa Đối thoại và Lắng nghe như con đường dẫn đến đổi mới và có được bình an của Chúa.

1.3.2 Cởi bỏ giầy của chúng ta ra

Chúng ta phải đi vào cấp độ sâu hơn của đối thoại và lắng nghe với người khác bằng việc cởi bỏ đôi giầy chúng ta ra vì chúng ta đang tiến vào nơi gọi là đất thánh. Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời của “những người khác” trước chúng ta. Người đã thực hiện bước đầu tiên hướng đến chúng ta và người khác và, đã bắt đầu đối thoại và lắng nghe với chúng ta. Như Môsê đã thấy bụi gai cháy và đã đối thoại và lắng nghe tiếng Thiên Chúa (x. Xh 3, 2-15). Đối thoại và lắng nghe với người khác cũng giống một bụi gai cháy nhắc nhở sứ mạng của chúng ta rằng trong mỗi một người có sự hiện diện của Thiên Chúa khi đó chúng ta phải đến với người khác với sự kính trọng cao quý. Thiên Chúa sáng tạo ra tất cả. Sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa đối với “những người khác” thấy trước và làm động cơ thúc đẩy cuộc đối thoại và lắng nghe của chúng ta.

1.3.3 Tại sao và làm thế nào đối thoại và lắng nghe với người khác

Khi chúng ta suy tư về hành trình tinh thần của cuộc sống chúng ta trong việc đối thoại và lắng nghe với người khác, chúng ta không chỉ suy tư trên lý thuyết, hơn thế nữa chúng ta được mời đi tới để có một kinh nghiệm của cuộc đối thoại và lắng nghe này. Chắc chắn một kinh nghiệm bao hàm toàn thể mọi người. Tiến trình của việc đối thoại và lắng nghe này phải tìm thấy những lý do TẠI SAO TÔI PHẢI ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE những người khác: thuộc Hội thánh của tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi, tôn giáo tôi, đất nước tôi… Những lý do tại sao của việc đối thoại và lắng nghe với người khác có những gốc rễ của chúng nơi Thiên Chúa, nền tảng của tình yêu, đối thoại và lắng nghe.

Như vậy, làm thế nào chúng ta có thể ở lại trong việc đối thoại và lắng nghe với người khác không chỉ là một lý thuyết để hiểu, nhưng cũng là một kinh nghiệm để sống. Vẫn còn có nhiều thành kiến và xu hướng sẽ đưa tới sợ hãi và hướng tới sự bất công và bạo lực.

Nhân loại đang di chuyển từ những hình thức của sự áp bức và loại trừ trong những khác biệt đưa chúng ta đến một sự hiểu biết cao hơn của việc đối thoại và lắng nghe nhau để có thể cảm thấy vui mừng về những sự khác biệt. Trước kia, những sự khác biệt là lý do của xung đột. Ngày nay, chúng ta được mời gọi để thấy ngay cả những khác biệt về tôn giáo, về niềm tin hay cách sống đức tin như một cơ hội để tìm kiếm sâu hơn mầu nhiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong nhân loại và kính trọng những gì Thiên Chúa quý trọng. Như thế, kính trọng và yêu thương và cùng đó nhắc nhở tất cả những gì là sứ vụ và đích đến của chúng ta, và hành động với sự say mê và quyết tâm để cùng nhau xây dựng một “thế giới tốt đẹp hơn”. Sứ mạng của chúng ta trong thế giới là cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương trong xã hội. Đây là lý do căn bản tại sao chúng ta phải ở trong cuộc đối thoại và lắng nghe với người khác.

1.4. Việc đối thoại và lắng nghe với mục đích để cùng đồng hành với nhau
Tiến trình của đối thoại và lắng nghe đòi hỏi một con tim đầy lòng khoan dung và một tâm trí đã được rèn luyện và lớn đủ để tiếp nhận những ý tưởng khác nhau không có phụ bạc và kết tội bất cứ người nào. Đối với con người đây quả là việc khó thực hiện, và đôi khi ngay cả những Kitô hữu có đức tin mạnh mẽ cũng khó mà có lòng khoan dung với tội nhân. Nhưng chúng ta nên nhìn vào Đức Giêsu như một gương mẫu của chúng ta, Ngài vẫn thường ăn uống và trò chuyện với hết mọi loại người. Ngài đã không dán nhãn hiệu cho họ. Ở mức độ tối thiểu, chúng ta nên tránh việc dán nhãn hiệu cho anh chị em Kitô hữu với những từ chỉ đưa tới chia rẽ: “người

ly giáo”, “người dị giáo”, “người bỏ đạo”, “người ly khai”… như Đức Giêsu đã không gắn “nhãn hiệu” cho chị phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,11).

Đối thoại và lắng nghe đầy lòng quý trọng đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nếu bạn chỉ muốn có được cách thức của bạn trong Hội thánh – dẫu người thành kiến, người bảo thủ hay người theo truyền thống có đồng ý hay không, bạn cứ khăng khăng theo kiểu của mình và cho rằng “cách thức của tôi là cách thức của Chúa” – bạn sẽ không thể đối thoại và lắng nghe trong cách thức Hội thánh yêu cầu chúng ta. Những người thiếu kiên nhẫn, có lẽ họ sẽ đòi lời biện hộ, như thế, họ sẽ không có khả năng để cùng trông mong với Hội thánh. Như Thiên Chúa, thay vì hoán cải thế gian trong chốc lát bằng quyền vạn năng của Người, Thiên Chúa đã chọn truyền bá Tin Mừng cách từ từ, hầu như hơn hai ngàn năm bao gồm cả với những lời văn thơ và những sự lên đường. Chúng ta không thể nói đây là điều trái ngược với ý định của Chúa, bởi vì chắc chắn Người đã chọn để tạo thành chúng ta với khả năng có thể khước từ chính Người. Nhưng Người luôn nói với tâm hồn chúng ta, nhẹ nhàng thuyết phục chúng ta với ân sủng của Người. Noi gương Chúa, chúng ta hãy kiên nhẫn với tất cả anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô cho dù họ là ai và như thế nào.

2. Hội thánh được mời gọi canh tân đổi mới trong tiến trình hiệp hành qua việc đối thoại và lắng nghe với anh chi em “vùng ngoại biên”: sống xa rời Hội thánh
Hội thánh được mời gọi canh tân đổi mới chính mình. Đây không phải là điều mới mẻ gì trong đời sống của Hội thánh, vì từ ngàn xưa Hội thánh luôn luôn được kêu gọi hãy canh tân đổi mới chính mình cho phù hợp với ơn gọi của mình trên hành trình loan báo Tin Mừng hay xây dựng Nước Thiên Chúa. “Hội thánh là bí tích cứu độ dành cho toàn thể nhân loại… là dấu chỉ và là nguồn cổ võ những giá trị Tin Mừng nơi con người… và Hội thánh phục vụ Nước Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của mình, vì Nước Thiên Chúa tự nó là ân huệ và là công trình của Thiên Chúa, như các dụ ngôn trong Tin Mừng nói đến, và như lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã dạy chúng ta.”[11] Do đó, “Hội thánh như men và linh hồn của xã hội loài người, một xã hội phải được đổi mới trong Chúa Kitô và trở nên gia đình của Thiên Chúa.”[12] Trong viễn cảnh này, Hội thánh cần được liên tục canh tân đổi mới để cho thế giới luôn thấy được niềm vui và hy vọng của mình vì “được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mọi người.”[13]

2.1. Những anh chị em “vùng ngoại biên”: không còn thực hành đức tin của họ nữa. Họ là ai? Làm thế nào chúng ta biết? tại sao họ xa rời Hội thánh?
Trước hết chúng ta có thể trả lời cách thật dễ dàng cho câu hỏi: họ là ai? Họ là những người không xa lạ gì với chúng ta: nói một cách chung họ là những người đã từng lãnh nhận bí tích Thánh tẩy để thành một phần tử của Hội thánh hay một thành phần trong thân mình của Chúa Kitô; nói riêng họ có thể là ông bà, cha mẹ chúng ta, anh chị em ruột thịt hay bà con thân thuộc của chúng ta, cũng có thể là người hàng xóm và bạn bè thân thương của chúng ta, những đồng nghiệp của chúng ta trong cuộc sống, những thầy cô hay học trò và sinh viên của chúng ta, họ cũng có thể là những người vợ hay người chồng của chúng ta, ngay cả họ cũng có thể là tu sĩ, linh mục, giám mục hay bất cứ ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy để trở thành một Kitô hữu,…

Làm thế nào chúng ta biết họ là những người thuộc “vùng ngoại biên”: xa rời Hội thánh? Họ có thể không còn tham gia bất cứ việc thờ phượng nào trong cộng đoàn đức tin hay công khai tuyên bố chối bỏ việc thực hành thờ phượng của mình, họ cũng có thể là một tập thể hay một nhóm công khai không còn vâng phục Hội thánh và không còn hiệp thông với Hội thánh nữa, hay cũng có thể là những người công khai chống lại Hội thánh bằng cách này hay cách khác và không thực hành đức tin của họ nữa…

Tại sao họ lại xa rời Hội thánh? Có lẽ những lý do của họ không là những gì bạn sẽ mong chờ. Đứng trước con số tràn ngập những cuộc rời bỏ Hội thánh thúc đẩy chúng ta có thể khám phá ra đàng sau những cuộc rời bỏ này một vài lý do chứ không phải là tất cả:

– Thứ nhất đó có thể là những thay đổi tình trạng cuộc sống: một trong số những lý do cho việc rời bỏ Hội thánh là có một sự thay đổi cuộc sống đã thúc đẩy người ta ngưng tham dự những việc thực hành đức tin. Bởi vì, khi cuộc sống thay đổi thì, đối với họ, gia đình, công ăn việc làm, sự nghiệp… của họ thường là quan trọng hơn việc tham dự các nghi thức thờ phượng.

– Thứ hai đó có thể là họ sống trong tình trạng rối hôn phối và lâu dần bỏ đi sự hiệp thông với Hội thánh qua các bí tích và tham gia các việc phụng tự trong Hội thánh.

– Thứ ba đó có thể là những lý do cho sự hoài nghi hay mâu thuẫn với một số vị lãnh đạo Hội thánh trong cách sống: thiếu trung thực và không có khả năng giảng dạy tốt…, hoặc sa ngã trong đời sống đạo đức và luân lý.

– Thứ tư có thể là những người sống trong gia đình, tập thể hay những nhóm người không được đào luyện đức tin, bị khủng hoảng niềm tin (đặc biệt nơi những người trẻ hay xã hội bị tục hoá, …) lâu dần làm cho họ xa rời Hội thánh.

– Cuối cùng có thể là do Hội thánh thiếu yêu thương (có thể hiểu là một gia đình, một cộng đoàn, một tập thể…); đây cũng là một yếu tố góp phần đưa tới sự bất mãn bên trong Hội thánh từ từ làm cho họ rời bỏ Hội thánh.

Trong hoàn cảnh này, lời Thánh Phaolô Tông đồ như đang nói với chúng ta: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1,10). Thật vậy, nếu các thành phần trong Hội thánh cứ giữ lấy sự đố kỵ chống đối lẫn nhau và không tìm kiếm duy trì sự hài hòa bên trong thân mình, người ta sẽ rời bỏ ra đi. Trong thực tế, trong số những người cho rằng Hội thánh thiếu tình yêu thương, có người rời bỏ Hội thánh vì họ không tin Thiên Chúa hoạt động trong Hội thánh nữa. Rõ ràng, vì Thiên Chúa sử dụng các hội thánh (gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, …) cho vinh quang Người, các hội thánh ấy phải giữ được sự cân bằng của tình hiệp nhất và yêu thương trong Chúa Kitô qua việc đối thoại và lắng nghe chân thành với nhau.

2.2. Hội thánh làm thế nào giúp họ có thể trở về với Hội thánh
2.2.1 Hội thánh cần canh tân đổi mới chính mình qua việc đối thoại và lắng nghe

Để giúp những anh chị em đang sống xa rời Hội thánh trở về với mình, Hội thánh phải hồi tâm suy nghĩ về kế hoạch Thiên Chúa đã dành cho mình, và múc lấy từ đó ánh sáng và nghị lực cho sứ mạng của mình.[14] Như thế, mầu nhiệm Hội thánh không chỉ là đối tượng của tri thức thần học, nhưng cần phải được mang ra cuộc sống của cộng đoàn các tín hữu, làm thế nào để họ thâm tín rằng thực sự mình đang được tham dự vào Nhiệm thể Đức Kitô.[15] Hội thánh đang cùng tiến bước với toàn thể gia đình nhân loại này trên đường về nhà Cha, “Hội thánh không tách rời khỏi thế giới nhưng sống trong thế giới… Hội thánh phải cảnh giác cho đời sống Kitô giáo khỏi bị lạc hướng, tục hóa hay bóp nghẹt, nhưng mặt khác chính đời sống Kitô hữu không những cần phải thích nghi với những hình thức suy tưởng và cư xử mà còn phải tìm cách tiếp cận, nâng cao, sinh động và thánh hóa chúng”.[16] Hội thánh sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Hội thánh có một sứ mạng phải thực hiện, một sứ điệp phải loan báo Tin Mừng do sự Ủy thác của Chúa Kitô cho các tông đồ.[17] Từ hướng nhìn ấy, Thánh giáo hoàng Phaolô VI trong phần III của Thông điệp Ecclesiam Suam cho thấy đối thoại là một phương thế đưa sứ điệp Kitô giáo vào tư tưởng của thời đại.[18] Trước khi kêu gọi thế gian trở lại hay những ai rời bỏ Hội thánh trở lại với Hội thánh thì cần phải đến gần, đối thoại và lắng nghe với thế gian hay những người xa rời Hội thánh. Đặc biệt, cuộc đối thoại và lắng nghe dành cho con cái trong nhà (trong nội bộ Hội thánh Công giáo), đây là cuộc đối thoại và lắng nghe được hướng dẫn bởi đức ái, nhưng cũng đòi hỏi một bên là việc thực thi quyền bính và bên kia là thái độ vâng phục.[19]

Như vậy, để có thể tiến bước cùng nhau trên con đường về nhà Cha trong tinh thần canh tân đổi mới này, mỗi người chúng ta cần xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn để chúng ta:

– có thể đối thoại và lắng nghe được với chính Thiên Chúa trong cuộc đời của người môn đệ, qua đó chúng ta luôn biết hoán cải, thinh lặng – lắng nghe, hợp tác và tự đào luyện, sao cho mỗi người chúng ta trở nên dụng cụ hữu hiệu sẵn sàng thực thi ý Người trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

– có thể đối thoại và lắng nghe chính mình bằng một cuộc sống chân thật, tin tưởng, thinh lặng nội tâm và khiêm tốn sâu thẳm để chúng ta có thể mở ra cho lòng thương xót của Thiên Chúa và cho nhau trong hành trình người môn đệ Chúa Kitô.

– có thể đối thoại và lắng nghe với người khác trong tinh thần tôn trọng, yêu thương bình đẳng và huynh đệ và đồng thời biết cởi bỏ con người của mình ra như tháo đôi giày ra khỏi bàn chân mình để bước vào nơi thánh.

2.2.2 Mọi thành phần trong Hội thánh cần học hỏi và thực hành văn hóa đối thoại và lắng nghe như Đức Giêsu và Hội thánh Tiên khởi

Hành trình mà tất cả chúng ta được mời gọi thực hiện là một hành trình tái khám phá khuôn mặt và hình thức một Hội thánh hiệp hành, trong đó mỗi người đều có điều gì đó để học biết và thi hành. Các tín hữu, tu sĩ, linh mục, giám mục: tất cả đều nghe nhau, và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần, “Thần Khí sự thật” (Ga 14,17), để biết “điều Thần Khí nói với các Hội thánh” (Kh 2,7).[20] Trong thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đang canh tân và tái cấu trúc lại Hội thánhn hướng đến kiểu mẫu đầu tiên được nhận thấy nơi Chúa Kitô và trong hình thức đời sống của Hội thánh tiên khởi.[21]

2.2.2.1 Đức Giêsu: một kiểu mẫu của việc lắng nghe và đối thoại

Nếu chúng ta phân tích thừa tác vụ công khai của Ngài, chắc chắn rõ ràng Ngài là một con người lắng nghe và đối thoại. Nhiều lần Ngài đã hỏi: “Ngươi muốn gì từ ta?” và rồi Ngài lắng nghe… Thay vì xác định rõ thần tính của mình Đức Giêsu đã lắng nghe qua những câu hỏi: “Anh em/người ta nói Thầy là ai?”, “Anh có yêu mến Thầy không?” v.v… Đức Giêsu cẩn thận lắng nghe những đau đớn của người phụ nữ Canna (Mt 15, 21-28) và cuộc đối thoại của Ngài kết thúc với sự hiểu rõ giá trị niềm tin của bà ta. Đức Giêsu trở thành một kiểu mẫu tuyệt vời của việc lắng nghe và đối thoại trong câu chuyện người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp (Ga 4,1-42). Ngài thật sự dũng cảm cùng tiến bước với những người tội lỗi và những người thu thuế. Như vậy, Tin mừng đã tỏ cho thấy rằng cuộc sống và thừa tác vụ của Đức Giêsu là hoàn toàn lắng nghe người khác và có cuộc đối thoại yêu mến và quý trọng với họ. Đức giáo hoàng Phanxicô muốn đưa ra mẫu gương của Đức Giêsu như nền tảng của việc hướng tới một Hội thánh hiệp hành.

2.2.2.2 Việc lắng nghe và thực hiện cuộc đối thoại qua mẫu gương của Hội thánh Tiên khởi

Hiệp hành không phải là một khái niệm mới. Trong thực tế, tiếng mời gọi cho việc lắng nghe và đối thoại không là sự canh tân của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chắc chắn không là một cách thức mới để thực hiện một số hoạt động trong Hội thánh. Những Kitô hữu đầu tiên của Hội thánh Tiên khởi đã thực hành việc này. Việc lắng nghe đã là sự thực hành của Hội thánh thuở ban đầu. Bất cứ lúc nào có một vấn đề, các vị lãnh đạo trong Hội thánh Tiên khởi triệu tập toàn thể cộng đoàn cùng nhau và họ lắng nghe toàn thể các tín hữu. Việc này có thể được nhận thấy qua trường hợp tuyển chọn Matthia (x. Cv 1,15-26), việc tuyển chọn bảy phó tế (x. Cv 6,1-7) và trong Công đồng Giêrusalem (x. Cv 15,1-35).

Hơn nữa, các Kitô hữu đầu tiên được nhận biết như những người đi theo một “Con Đường”. “Con Đường” được nhắc đến nhiều lần trong sách Công vụ Tông đồ (x. 9, 2; 19,9; 19,23; 22,4; 24,14; 24,22) trong sự nối kết với những người đầu tiên đi theo Đức Giêsu, Ngài nói “Thầy là Đường” (Ga 14,6). Họ lắng nghe Chúa Thánh Thần trên con đường của họ. Như vậy, hiệp hành là cùng nhau bước đi. Trên đường đó, chúng ta lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói và khiêm tốn chấp nhận điều cần thiết cho sự thay đổi từ khi có nhiều điều ảnh hưởng đến hoàn cảnh đã đang thay đổi.

2.2.2.3 Hiệp hành bằng việc lắng nghe và đối thoại với những anh chị em xa rời Hội thánh này bắt từ đâu và như thế nào?

Hiệp hành qua việc lắng nghe và đối thoại với những anh chị em của chúng ta đang sống xa rời Hội thánh được hiểu như một cuộc rèn luyện của việc đối thoại và lắng nghe lẫn nhau, được hướng dẫn ở mọi cấp độ của Hội thánh bao hàm toàn thể Dân Thiên Chúa. Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rõ ràng rằng Hội thánh hiệp hành chỉ có thể được thực hiện qua việc lắng nghe, đối thoại và cùng nhau tiến bước. Lời lưu ý của ngài sẽ làm nên một Hội thánh lắng nghe và đối thoại.

2.2.2.3.1 Việc lắng nghe, đối thoại và cùng bước đi với nhau ở mọi cấp độ của Hội thánh

– Cấp độ gia đình: Trong gia đình chúng ta có thể có những người đang sống xa rời đức tin. Những người ấy có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái cháu chắt… Như thế mỗi người trong chúng ta cần trở nên tác nhân trực tiếp trong tiến trình hiệp hành này của Hội thánh trong chính gia đình mình.

– Cấp độ khu xóm hay giáo xứ: Trong khu xóm hay giáo xứ của chúng ta có thể có những người đang sống xa rời đức tin. Những người ấy có thể là bà con hàng xóm, bạn bè thân thiết, đồng nghiệp… Như thế, mỗi người chúng ta cần trở nên những người xây nhịp cầu nối kết làm mọi tâm trí được chiếu sáng, mọi tâm hồn được ấm áp để cùng nhau đổi mới và cùng bước đi xây dựng Nước Trời.

– Cấp độ giáo hạt – giáo phận: trong hội thánh địa phương ở cấp giáo hạt hay giáo phận có lẽ chúng ta sẽ có những người anh chị em đang sống xa rời đức tin ở trên nhiều lãnh vực và các hoạt động xã hội hơn. Như thế, chúng ta cũng cần trở nên những cộng sự viên của Hội thánh địa phương qua việc cộng tác vào tiến trình hiệp hành này với các hoạt động chung.

– Cấp độ quốc gia – hoàn vũ: Trên toàn thế giới có lẽ không phải chỉ có một ít người nhưng có thể nói có cả những nhóm người đang sống xa rời đức tin. Như thế, mọi người chúng ta hiểu rằng Hội thánh của Chúa Kitô không là hội thánh giáo sĩ hay không là một phẩm trật. Hội thánh không chỉ là các giám mục và các linh mục. Bản chất thật của Hội thánh không ở chiều hướng mệnh lệnh cũng không ở chiều hướng kiểm soát. Hội thánh là ngôi nhà của con cái Thiên Chúa. Như vậy, mọi sự thực thi quyền hành trong Hội thánh là nhắm phục vụ con cái Thiên Chúa. Có những giám mục và linh mục để lắng nghe, đối thoại và cùng nhau tham khảo toàn thể cộng đoàn tín hữu. Do đó, trong thiên niên kỷ thứ 3 này chắc chắn Hội thánh sẽ không là một Hội thánh giáo sĩ nhưng một Hội thánh hiệp hành. Tầm nhìn hiệp hành thách đố chúng ta biến đổi và thi hành việc lắng nghe, đối thoại và tham khảo để cùng cất bước với nhau và đặc biệt với những anh chị em sống xa rời đức tin.

2.2.2.3.2 Làm thế nào để việc chúng ta lắng nghe và đối thoại với anh chi em “vùng ngoại biên”: những người đang sống xa rời đức tin có thể sinh nhiều hoa trái

Mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới có lẽ không chỉ nói về hiệp hành trên lý thuyết, nhưng đưa hiệp hành vào trong thực hành từ bây giờ trở đi trong các gia đình, các giáo xứ, các giáo phận và các quốc gia cho tới toàn thế giới. Lời kêu gọi này dành cho chúng ta, ở mọi cấp độ của Hội thánh, để canh tân cách thức hiện diện và làm việc cùng nhau tiến về tương lai tươi đẹp hơn. Chúng ta chỉ có thể tiến về phía trước với một tương lai tươi sáng hơn nếu chúng ta biết hoạt động, đối thoại, lắng nghe và cùng nhau cất bước. Trong Thượng Hội đồng, tiếng nói của mọi người chúng ta được lắng nghe, bởi vì Thiên Chúa nói qua mọi người bao gồm các giám mục, các linh mục, các phó tế, các anh chị em tín hữu. Do đó, chúng ta cũng được mời gọi hãy thực hành việc hiệp hành bằng cách lắng nghe và đối thoại với anh chị em của chúng ta đang sống xa rời đức tin để có thể sinh trái tốt như sau:

– Trước hết chúng ta cần phải không ngừng cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn cho mọi thành phần dân Chúa hiểu biết và yêu mến Hội thánh hiệp hành.

– Thứ đến mọi người chúng ta quyết tâm đổi mới cuộc sống mình bằng cách tập sống đối thoại và lắng nghe: Thiên Chúa – chính mình – người khác trong tình thần hiệp hành của Hội thánh.

– Tiếp đến chúng ta cố gắng xây dựng cuộc đời mình, gia đình và cộng đoàn mình và, giáo xứ trên kiểu mẫu đối thoại và lắng nghe của Đức Giêsu và Hội thánh Tiên khởi, để thực sự cùng bước đi với nhau trong an bình của Chúa Kitô Phục Sinh như Ngài đã nói “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27).

– Cuối cùng chúng ta cần cổ vũ và xây dựng một nếp sống đối thoại và lắng nghe với người khác đặc biệt với những anh chị em đang xa rời đức tin. Khi chúng ta sống thành nếp sống này như một nền văn hóa đối thoại và lắng nghe trong cách thức của kiểu mẫu Thầy Giêsu, lúc đó chúng ta sẽ hy vọng một chân trời mới mở ra cho Dân Thiên Chúa trên đường về nhà Cha.

Tạm kết
Khi Hội thánh có được niềm vui trong đối thoại, lắng nghe và cùng bước đi với những anh chị em vùng ngoại biên, đặc biệt những người sống xa rời đức tin, quả thật là một niềm vui tuyệt vời. Nhưng, niềm vui này chỉ có thể đạt được sự hoàn hảo của nó qua một quá trình của sự lắng nghe và đối thoại bắt đầu bằng việc lưu ý đối với những ai thường bị quên lãng, bị loại trừ, bị xem là thứ yếu và không được lắng nghe và đối thoại. Có nghĩa rằng, chúng ta cần phải lắng nghe và đối thoại với những người ở “vùng ngoại biên”, họ là những người sống bên lề xã hội và sống xa cách với Hội thánh:

những người nghèo và bị áp bức, những người có vấn đề hôn nhân, những người di dân…, đặc biệt những người đang sống xa rời đức tin. Chúng ta không thể quên họ. Hội thánh sẽ theo mẫu gương của Đức Giêsu, Ngài bỏ chín mươi chín con chiên và đi tìm con chiên lạc. Vậy, chúng ta cần phải thật cẩn thận để lắng nghe và đối thoại với nhau, đặc biệt với những anh chị em đang sống xa rời đức tin mà có lẽ họ không được tiếp đón trong gia đình, giáo xứ của họ và ở những hoàn cảnh và nơi chốn của các tín hữu Công giáo. Nếu chúng ta thực sự cổ võ và sống tinh thần Hội thánh hiệp hành bằng cách làm cho cách sống này thấm nhập vào đời sống của mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình Công giáo, mỗi giáo xứ và họ đạo và trên toàn thể Hội thánh địa phương và hoàn vũ, như một nếp sống của người Công giáo hay một văn hóa đối thoại và lắng nghe để cùng nhau tiến bước về nhà Cha, thì quả thật triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 130 (Tháng 7 & 8 năm 2022)