Hội Thảo: Trí Tuệ Nhân Tạo – Cơ Hội Và Thách Đố Đối Với Kitô Hữu Việt Nam


Bài viết: Hoàng Diệu & Văn Trông
Ảnh: Lớp Mục vụ Truyền thông – Học viện Công giáo Việt Nam

WHĐ (03.03.2024) – Cùng với sự phát triển của công nghệ là sự ra đời và ứng dụng rộng rãi của Trí tuệ nhân tạo (AI). Liệu người Kitô hữu hôm nay có khôn ngoan trong việc sử dụng AI không?

Hội thảo về “AI: Cơ hội và thách đố đối với Kitô hữu Việt Nam” đã diễn ra vào sáng thứ Sáu và sáng thứ Bảy, ngày 01 và 02/03/2024 tại Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCG).

Tham dự các buổi hội thảo này có Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo – Viện trưởng HVCG, Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn – Viện phó HVCG, cùng các giáo sư, linh mục, các dòng tu, các khách mời và đông đảo sinh viên của HVCG.

Thuyết trình viên gồm có các giáo sư: Dominique Vermersch, Thomas Hoàng Anh Ngọc, Olivier Bonnewijn, JB Lê Đình Phương, Jean Baptiste Edart và Giuse Đỗ Mạnh Thịnh.

  1. Sáng thứ Sáu 1/3/2024

Đúng 7g00, Ban Tổ chức cùng các sinh viên đã hân hoan chào đón các giám mục, linh mục, các diễn giả và khách mới. Chương trình chính thức khai mạc vào lúc 7g30, với lời kinh xin ơn Chúa Thánh Thần. Sau đó, MC giới thiệu các diễn giả và các tham dự viên.

Mở đầu chương trình là lời phát biểu của Đức cha Viện trưởng HVCG nói về: “Tiềm năng ứng dụng AI trong các lĩnh vực giáo dục, truyền giáo, công tác xã hội…”. Ngài cũng nêu ra những câu hỏi: “Sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, nguồn gốc từ đâu, tại sao? Trí tuệ nhân tạo sẽ đi về đâu? Trí tuệ nhân tạo có ảnh hưởng như thế nào đến tương quan con người với nhau, đối với linh mục và tu sĩ?”

AI đến từ đâu? Đi tới đâu?

Sau phần phát biểu của Đức cha Viện trưởng là bài thuyết trình của Giáo sư Dominique Vermersch và Giáo sư Thomas Hoàng Anh Ngọc: “Một dẫn nhập ngắn về AI: AI đến từ đâu? Đi tới đâu?” Các giáo sư giới thiệu AI qua một video ngắn về trí tuệ nhân tạo và đặt ra những câu hỏi, rồi trình bày về sự ra đời của AI và các nền tảng của AI.

Sự khôn ngoan của thuật toán

Tiếp đến là bài thuyết trình về “Sự khôn ngoan của thuật toán của Giáo sư Olivier Bonnewijn, được Giáo sư Agnès Nguyễn Thị Cảnh Tuyết, O.P phiên dịch. Thuật toán đóng vai trò như một bộ não, điều khiển và hướng dẫn các hệ thống AI hoạt động.

Sau đó là những câu hỏi của các tham dự viên dành cho các diễn giả. Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn cởi mở và khuyến khích cho mọi người tham gia thảo luận về những vấn đề quan trọng liên quan đến đức tin khi sử dụng AI.

AI: Rượu mới bầu da cũ

Trở lại sau giờ giải lao là phần trình bày của Cha Giáo sư JB Lê Đình Phương với nội dung “AI: Rượu mới bầu da cũ – Thách đố và cơ hội từ quan điểm luân lý Công giáo”.

AI đang tạo ra những thách đố cho luân lý Công giáo: AI là “dấu chỉ”, “Kairos” hay “thần đèn” của thế kỷ 21, vừa hấp dẫn vừa đáng sợ.

AI tốt hay xấu, là cơ hội hay nguy cơ, mang lại hạnh phúc hay bất hạnh… tất cả tùy vào chọn lựa và quyết định tự do của mỗi người. Để AI thực sự là công cụ hữu ích mang lại hạnh phúc, mỗi người cần cải thiện bản thân, nâng cao nhận thức về tiềm năng và thách thức của AI trong đời sống Kitô giáo.

AI tạo mở ra những cơ hội to lớn:

– Nâng cao hiệu quả mục vụ, truyền giáo, và giáo dục đức tin,

– Hỗ trợ các hoạt động bác ái và phục vụ cộng đồng,

– Tăng cường sự kết nối và tương tác giữa các tín hữu,

– Góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Kitô giáo.

Tuy nhiên, AI cũng đặt ra những thách thức không thể xem nhẹ:

– Nguy cơ lạm dụng công nghệ để thao túng và kiểm soát con người.

– Vấn đề đạo đức và nhân sinh trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Các Kitô hữu cần tiếp tục học hỏi và nghiên cứu về AI, tham gia các cuộc thảo luận về đạo đức và ứng dụng công nghệ để có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm và đạo đức, luôn đặt con người và phẩm giá con người làm trọng tâm.

Buổi hội thảo đầu tiên kết thúc vào lúc 11g30.

  1. Sáng thứ Bảy 2/3/2024

AI và đức tin

Mở đầu ngày hội thảo thứ hai, Cha Jean Baptiste Edart đã trình bày đề tài “AI và Đức Tin”. AI là một công cụ, không phải là một nhân vị. Do đó, AI không thể thay thế con người, nhất là trong các hành vi giảng dạy đức tin. Hành vi đức tin đòi hỏi một trí thông minh chiêm ngắm, chứ không phải là hoa trái của trí thông minh lý luận (như của AI). Trí thông minh chiêm ngắm là khả năng phân định ý nghĩa của thực tại và mặc khải mà AI không thể có được.

AI và đời sống Kitô hữu

Tiếp đến, trong cái nhìn về mối quan hệ giữa AI và đức tin, cha Giuse Đỗ Mạnh Thịnh đã chia sẻ đề tài “AI và đời sống Kitô hữu” với câu hỏi: Làm thế nào để có thể tích hợp sức mạnh ghê gớm của AI vào cuộc sống Kitô hữu mà không làm lệch lạc các nguyên tắc đạo đức và tâm linh Kitô giáo?

Cha Thịnh nhắc lại những lo ngại từ sự kiện AI đang làm thay đổi con người ngày nay. Con người đang có nguy cơ mất dần tính Nhân vị, máy móc hóa con người, mất tính chủ vị trên công nghệ và trên những quyết định hằng ngày, lệ thuộc máy móc và bị máy móc thay thế trong rất nhiều lĩnh vực. Cha Thịnh cũng trình bày về những mối lo ngại về an toàn xã hội, việc bảo mật thông tin, cùng với đó là vấn đề môi trường, vấn đề bảo vệ thiên nhiên…

Từ thực tế đó, cha Thịnh đã trình bày ý kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô: Cần phát triển và sử dụng AI trong sự tôn trọng con người và thụ tạo; cần đi theo tinh thần Học thuyết xã hội Công giáo; và cần có đối thoại giữa khoa học và đức tin để định hướng cho sự phát triển AI.

Trả lời các câu hỏi

Sau các bài thuyết trình là phần trả lời các câu hỏi đã được các tham dự viên viết vào các tờ giấy nhỏ trong lúc nghe thuyết trình và gửi lại trước cho Ban Tổ chức. Với sự điều phối chung của Cha Phaolô Ngô Đình Sĩ, các giáo sư đã lần lượt giải đáp những thắc mắc này.

Sau đó, cha Cha Phaolô Ngô Đình Sĩ đã đại diện Ban Tổ chức cảm ơn mọi người.

Cuối cùng, Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn đúc kết chương trình Hội thảo và Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo đã trao những phần quà nhỏ đến các thuyết trình viên như là lời tri ân cảm mến.

Buổi hội thảo đã kết thúc vào lúc 11g20 trong niềm vui của các tham dự viên vì đã nhận được nhiều kiến thức bổ ích.