Hội Thảo Về Huấn Luyện Giữa Kitô Giáo Và Phật Giáo Tại Thái Lan
Sau một tuần tham dự khóa “Hội Thảo về Huấn Luyện và gặp gỡ Đối Thoại giữa Kitô giáo và Phật giáo” (Christian-Buddhist Dialogue Encounter and Formation Seminar), sáng ngày 17/12/2018, sáu anh em Phan Sinh Việt Nam gồm: Anselm Nguyễn Hải Minh, Peter Trần Ngọc Niên, Anthony Nguyễn Đình Hải, Joseph Nguyễn Đình Tâm Linh, Luca Nguyễn Văn Phi đã lên đường trở về Việt Nam bình an trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Khóa Đối thoại Kitô giáo – Phật giáo về Huấn Luyện diễn ra từ ngày 10-14/12/2018 quy tụ 20 anh em Phan Sinh đến từ 10 quốc gia khác nhau: OFM Việt Nam (6); OFM Indonesia (3); OFM Korea (3); OFM India (1); OFM Myanmar (2); OFM Thailand (1); OFM Santa Barbara (USA) (1); OFM Malaysia-Singapore (1); và Phra Goh, một tu sĩ Phật giáo Theravada đến từ Singapore cùng với anh Apollinaire Bahinde một thành viên của Ủy Ban Đối Thoại của Dòng ở Congo và Turkey.
Khóa Đối Thoại diễn ra trong bầu khí tĩnh lặng, linh thiêng của Trung Tâm Tôn Giáo Làng Mai ở Thái Lan (Thai Plum Village). Các tham dự viên ngoài việc chia sẻ cuộc sống và các sinh hoạt chung với các Tăng Thân Làng Mai như: Thiền Tọa; Thiền Hành và các giờ cơm huynh đệ trong bầu khí thinh lặng, còn có các buổi hội thảo chuyên sâu về Đối Thoại do các thuyết trình viên chuyên môn về Đối Thoại Liên Tôn trình bày.
Các tham dự viên lần lượt được học hỏi và thảo luận về các đề tài: “Chánh Niệm Trong Cuộc Sống Hàng Ngày” (Mindfulness in Daily Life); “Từ Bi và Tương Tức[1]” (Compassion and Inter-being); “Sống Các Giới Luật Tu Viện Và Việc Chăm Sóc Các Hạt Giống Ơn Gọi” (Living the Monastic Precepts and Watering Seeds) do thầy Pháp Niệm thuộc truyền thống Thiền Việt Nam của Làng Mai trình bày; “Giới Thiệu Về Đối Thoại Giữa Phật Giáo Và Ki-tô Giáo” (Introduction to Buddhist-Christian Dialogue) do tu sĩ Phra Goh Phật giáo và cha John OFM trình bày; “Cuộc Trò Chuyện Giữa Đức Phật Và Thánh Phan-xi-cô” (Conversation between the Buddha and St Francis) do cha Tom OFM trình bày.
Kết thúc khóa Hội Thảo, chúng tôi có buổi lượng giá và chia sẻ những kinh nghiệm trong 5 ngày gặp gỡ Đối Thoại. Điều gây ấn tượng sâu đậm nơi các tham dự viên là sự đón tiếp nhiệt tình, chia sẻ cởi mở trong tình huynh đệ của Tăng Thân Làng Mai cũng như bầu khí thinh lặng nơi đây. Các tham dự viên đều thán phục về tính cộng đoàn của các cá nhân trong việc chung tay xây dựng bầu khí thinh lặng. Tiếng Chuông chánh niệm cũng là nét đặc trưng để lại dấu ấn cho mọi người. Đó là tiếng chuông kêu gọi mọi người ý thức hơn về những hành động của mình, về những hậu quả đang xảy ra cho hành tinh xinh đẹp của nhân loại. Theo thực hành của Tăng thân Làng Mai, mỗi khi nghe tiếng chuông mọi người phải ngừng nói năng và suy nghĩ để hết tâm trí vào hơi thở và vào tiếng chuông. Tiếng chuông chánh niệm cũng đã gợi lại cho anh em lời dạy bảo của cha thánh Phanxicô mời gọi anh em “Hãy bắt đầu lại” ra khỏi chính mình để đến gặp Đức Kitô, gặp gỡ những người khác.
Ngoài ra, các tham dự viên còn rất ấn tượng về việc xây dựng tình huynh đệ và huấn luyện các tu sinh trẻ cũng như những hoạt động giúp giới trẻ. Ở Làng Mai, các Tăng thân[2] không bao giờ được nghĩ rằng tu một mình mà phải tu chung với Tăng thân, phải nương tựa bám lấy tăng thân, không rời xa Tăng thân. Chính vì thế, các tu sĩ ngồi thiền, nghe pháp đàm và ăn cơm chung với nhau, nhưng không được đánh mất chính mình. Một giọt nước sẽ không thể đi ra biển, nó sẽ bị bốc hơi giữa đường, nhưng nếu giọt nước đó hòa vào dòng sông cùng đi với dòng sông thì chắc chắn nó sẽ ra được tới biển. Cũng vậy, nếu một vị tu sĩ tách ra khỏi Tăng thân để đi một mình thì tu sĩ đó sẽ đánh mất năng lượng của tình huynh đệ và sẽ không đủ sức đi trọn con đường mà mình đã chọn.
Các tu sĩ Phật giáo ở Làng Mai được đào tạo không phải chỉ để sống cho mình mà còn phải xây dựng Tăng thân hòa hợp, có tình huynh đệ để cùng với Tăng thân phụng sự nhân loại, hóa độ chúng sinh. Bên cạnh đó, việc quan tâm chăm sóc, hướng dẫn các bạn trẻ của Làng Mai cũng để lại ấn tượng sâu đậm nơi chúng tôi. Quý chư Tăng Ni giáo thọ có những sinh hoạt giúp các bạn trẻ gần nhau hơn, tái lập sự truyền thông giữa các thành viên trong gia đình, khơi dậy ý thức bảo vệ hòa bình trong tâm hồn và biết chung tay xây dựng bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại là mẹ trái đất và bầu khí luôn được trong lành. Người trẻ được hướng dẫn dùng vừa đủ các nhu yếu phẩm cũng như biết phân loại, tái chế và sử dụng nước theo một vòng tròn khép kín để sử dụng cho các nhu cầu khác nhau.
Khóa “Hội Thảo về Huấn Luyện và gặp gỡ Đối Thoại giữa Kitô giáo và Phật giáo” đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Cuộc gặp gỡ chia sẻ để “Hiểu và Thương” đã mang lại nhiều niềm vui, sự cởi mở, trao đổi thân tình và học hỏi giữa các bên. Nếu một cây cứ ở mãi trong chậu, nó sẽ không đủ lớn để che bóng mát cho mọi người, nhưng khi đem nó trồng ra mảnh đất lớn, nó sẽ có thêm nhiều dinh dưỡng khác nhau qua sự trao đổi đã biến nó thành cây lớn và vững chãi hơn. Anh em nhận thấy rằng, kinh nghiệm đức tin từ tu sĩ tôn giáo khác đã làm phong phú hóa cảm nghiệm đức tin của chính mình và giúp mỗi người biết làm mới cách thức đáp trả tình thương mà Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót dành cho tất cả mọi người.
Luca Nguyễn Văn Phi, OFM
[1] Tương tức – Inter-being, nghĩa là mọi vật tồn tại là nhờ tương quan lẫn nhau, không thể đứng “tự kỷ” được.
[2] Tăng thân là cộng đoàn những người xuất gia.
Nguồn: Website HĐGM Việt Nam