Hợp Tác Để Loan Báo Tin Mừng
HỢP TÁC ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
(Suy nghĩ trong Tuần cầu nguyện cho việc truyền giáo)
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WGPMT (27.10.2021) – Theo Yuval Noah Harari, từ trước đến nay, khi so sánh con người với các loài vật, chúng ta chủ yếu nhìn vào sự khác biệt trên bình diện cá nhân. Tuy nhiên, lý do làm nên sự phát triển thần kỳ nơi con người là ở bình diện tập thể (collective) tức là sự hợp tác, nhất là sự hợp tác ở mức độ lớn! 10.000 con khỉ đột tụ tập lại thì sẽ là sự hỗn loạn, nhưng 1 triệu con người quy tụ ở quảng trường thánh Phêrô lại tạo nên sự hài hòa, đó là nhờ khả năng hợp tác uyển chuyển và rộng lớn (x. Why Humans run the World? Ted Talk, 24.07.2015): “Bí mật thành công của Sapiens là sự hợp tác uyển chuyển rộng khắp. Chính sự hợp tác này làm cho chúng ta trở thành chủ nhân của thế giới. Nhưng đồng thời, sự hợp tác này khiến cho sự tồn tại của chúng ta lệ thuộc vào mạng lưới bao la của sự hợp tác. Tiến trình này gia tăng nhanh qua nhiều thiên niên kỷ đến nỗi ngày nay hầu như tất cả những gì chúng ta cần để sinh tồn đều được cung cấp bởi những người hoàn toàn xa lạ. Tôi không biết cách sản xuất ra thực phẩm tôi ăn, may vá áo quần tôi mặc, xây dựng ngôi nhà tôi ở. Tôi viết sách lịch sử, được trả tiền và dùng tiền đó để mua 99% những gì tôi cần từ những người xa lạ”. (Yuval Noah Harari, Sapiens : A Brief History of Humankind).
Hợp tác là một từ ‘trung tính’, vấn đề là hợp tác để làm gì? Người ta có thể hợp tác với nhau để thực hiện những công trình phong phú ý nghĩa nhân văn, chẳng hạn trong cơn đại dịch Covid-19, có thể nhắc tới buổi hòa nhạc One World, together at home: kéo dài 8 tiếng, quy tụ 100 ca sĩ và nghệ sĩ hàng đầu thế giới, quyên góp 180 triệu USD cho việc phòng chống dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Đây là hình ảnh đẹp và đầy sức thuyết phục về sự hợp tác. Phương tiện truyền thông hiện đại đóng vai trò rất quan trọng vì nhờ các phương tiện đó mới có thể thực hiện buổi hòa nhạc trong bối cảnh phải giãn cách xã hội để phòng ngừa lây lan coronavirus. Nhưng quan trọng hơn vẫn là động lực bên trong, tức là sự hợp tác để chữa lành nỗi đau của nhân loại, và xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, được diễn tả qua bài hát kết thúc buổi hòa nhạc, Prayer, với tiếng hát của Andrea Bocelli, Celine Dion, Lady Gaga, cùng hát từ những quốc gia khác nhau: Italia, Canada, Hoa Kỳ.
Thế nhưng người ta cũng có thể hợp tác với nhau và sử dụng những phương tiện văn minh nhất để tàn sát, giết chóc, gây đau thương tang tóc cho biết bao người. Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu không phải là ví dụ điển hình sao?
Do đó vấn đề không chỉ là hợp tác nhưng hợp tác để làm gì. Chủ đề muốn khai triển ở đây là hợp tác để loan báo Tin Mừng, vì thế trước hết nên đọc lại sách Công Vụ Các Tông Đồ để xem các Tông Đồ đã hợp tác thế nào trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, và học hỏi nơi các ngài những điều cần thiết cho hôm nay.
Mục Lục Bài Viết
1. Sách Công vụ & bài học về sự hợp tác
a. Hợp tác với Chúa Thánh Thần
Sách Công Vụ mở đầu bằng mệnh lệnh truyền giáo: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (1,8). Sau đó Sách kể lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống (2,1-11), mở đầu cho những hoạt động của các Tông đồ và Gíao Hội sơ khai. Chúa Thánh Thần hiện diện trong mọi biến cố và quyết định quan trọng của các Tông đồ (x. Cv 9, 31; 10,44; 11,15); cụm từ quen thuộc trong sách Công Vụ: “Chúng tôi xin làm chứng về tất cả những điều đó, cùng với Thánh Thần mà Thiên Chúa ban cho những ai tùng phục Người” (Cv 5,32); “Thánh Thần cùng chúng tôi quyết định” (Cv 15,28). Cứ như thể Thánh Thần là một Ngôi Vị ‘thấy được, nghe được, sờ mó được’ đang ngồi chung với các Tông Đồ trong bàn hội nghị! Nhờ hợp tác với Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã có những quyết định quan trọng, chi phối và định hướng toàn bộ tương lai của Kitô giáo.
b. Hợp tác giữa các Tông Đồ trong sứ mạng loan báo Tin Mừng
Thử nhìn vào sự hợp tác giữa các Tông Đồ và thánh Phaolô. Đây không phải là sự hợp tác dễ dàng vì quá khứ bất hảo của Phaolô, vốn là người ghét cay ghét đắng ông Giêsu và những kẻ theo ông Giêsu (x. Cv 9,1-2). Các môn đệ Chúa Giêsu đều biết rõ điều đó như lời của ông Khanania : “Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người này, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Giêrusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu Danh Chúa” (9,13). Thế nhưng Khanania đã vâng theo lệnh truyền của Chúa, đến gặp và chữa lành cho Saulê và cử hành Phép Rửa cho Saulê (9,15-19). Tiếp đó sách Công Vụ ghi nhận Saulê được Barnaba bảo lãnh, đến gặp các Tông Đồ ở Giêrusalem; “từ đó ông Saulê cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem” (9,28).
Các Tông đồ hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề mới và quan trọng khi Tin Mừng được loan báo cho mọi người chứ không chỉ người Do Thái (Cv 15,5-29). Cụ thể là có phải làm phép cắt bì cho người ngoại không? Phaolô, Barnaba và một vài người khác “lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và kỳ mục để bàn về vấn đề này” (15,2). Kết thúc là lá thư của các Tông đồ trong đó viết: “Anh em Tông đồ và kỳ mục chúng tôi… đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Barnaba và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì Danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (15,22-25). Quyết định của các Tông Đồ tại Giêrusalem có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển Kitô giáo trong lịch sử. Thư Galata diễn tả cụ thể: “Phaolô được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như Phêrô được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người đã được cắt bì”; nhưng chỉ có một Đức Kitô mà thôi, “Đấng đã hoạt động nơi ông Phêrô, biến ông thành Tông đồ của những người đã được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông đồ các dân ngoại”. Khi hiểu được điều đó, “những người được coi là cột trụ đã bắt tay tôi và ông Barnaba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì” (2,1-11).
Các ngài hợp tác với nhau vì ích chung của Tin Mừng, vì thế khi cần thiết, các ngài thẳng thắn góp ý cho nhau, chẳng hạn khi Phêrô tránh dùng bữa với các Kitô hữu gốc dân ngoại, làm gương xấu cho nhiều người, Phaolô đã phê phán Phêrô trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?” (Gal 2,11-14).
c. Hợp tác giữa các Tông đồ và các tín hữu
Nhà của các tín hữu là trạm dừng chân của các vị thừa sai như thánh Phêrô ở nhà của Simon thợ thuộc da (10,6; 11,11), thánh Phaolô ở nhà của Giuđa ở Đamascô (9,11), Aquila và Priscilla (18,3), Giustô ở Côrintô (18,7), Giason ở Thessalonica (17,5). Cũng chính ở “nhà” của các tín hữu, các Tông đồ rao giảng Tin Mừng cho họ và mọi người, như thánh Phaolô tóm tắt: “Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em, trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia” (20,20). (Ghi chú: GH ở nhà (house church) không phải là GH tại gia (domestic church), nhưng là gợi hứng cho các cộng đoàn cơ bản BECs và SCCs sau này).
Theo Rafael Aguire, phương cách truyền giáo của thánh Phaolô là sau khi làm phép Rửa cho một người, ngài mượn chính nhà của họ làm điểm gặp gỡ và cơ sở cho việc truyền giáo trong vùng (Theology Digest 32/2 (1985), 152). Hơn nữa, các tín hữu không những cho Phaolô mượn nhà để giảng đạo mà còn giúp đỡ những phương tiện cần thiết cho hành trình truyền giáo của ngài. Từ sự đón nhận và hợp tác này, các hành trình truyền giáo của Phaolô đã được tiến hành, hình thành các cộng đoàn mới, và Tin Mừng được loan báo khắp nơi (Cv 16-19), đem lại kết quả phong phú cho công cuộc loan báo Tin Mừng.
2. Giáo Hội như là hiệp thông
Theo Hồng y Avery Dulles, những mô hình Gíao Hội đã được khai triển trong lịch sử là: (1) Giáo Hội như cơ chế; (2) Giáo Hội như Bí tích; (3) Giáo Hội như sự hiệp thông mầu nhiệm; (4) Giáo Hội như sứ giả; (5) Giáo Hội như tôi tớ. Mỗi mô hình đều có những điểm mạnh và điểm yếu (x. Models of the Church). Ở đây xin tập trung vào mô hình Giáo Hội hiệp thông.
Sách Công vụ mô tả cộng đoàn tín hữu đầu tiên là cộng đoàn sống tình hiệp thông: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau (koinonia), siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý (cor unum et anima una)” (Cv 4,32). (Ghi chú: các từ ‘đồng tâm nhất trí’ hay ‘một lòng một ý’ xuất hiện khá nhiều trong sách Công Vụ).
Về ý nghĩa thần học của mô hình Giáo Hội hiệp thông, Thánh Gioan Phaolo II trình bày cách vắn gọn: “Ở tâm điểm của mầu nhiệm Giáo Hội là mối dây hiệp thông nối kết Đức Kitô Hôn phu với mọi người đã chịu Phép Rửa. Qua mối hiệp thông sống động và ban sự sống này, Kitô hữu không còn thuộc về chính mình nhưng thuộc về Chúa. Được kết hợp với Chúa Con trong mối dây tình yêu của Thánh Thần, Kitô hữu được kết hợp với Chúa Cha, và từ mối hiệp thông này tuôn chảy sự hiệp thông mà các Kitô hữu chia sẻ với nhau qua Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần” (Ecclesia in Asia, 24). Mô hình này làm nổi bật chiều kích quy Kitô, chiều kích Ba Ngôi, chiều kích thần khí (thiêng liêng) của Giáo Hội.
Mô hình Giáo Hội hiệp thông không phải là điều mới mẻ trong lịch sử Giáo Hội: “Ý niệm về hiệp thông là chủ đề trung tâm trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo. Các vị Tiến sĩ vĩ đại của Giáo Hội, trong đó có thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô, đều phát triển Giáo hội học của các ngài chủ yếu từ giáo thuyết về ân sủng như ơn ban cộng đồng. Hơn nữa, những nền Giáo hội học theo hướng hiệp thông rất phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội trong các thế hệ qua. Đức Piô XII lấy chủ đề Thân thể Đức Kitô làm tâm điểm cho Giáo hội học chính thức trong thời của ngài, và Vatican II chủ ý đặt đề tài về phẩm trật trong Giáo Hội – vốn được khai triển rộng trong thế kỷ 19, tùy thuộc vào ý niệm Giáo Hội như Dân Thiên Chúa” (Avery Dulles, Ibid.)
Mô hình Giáo Hội hiệp thông được nhấn mạnh và khai triển tại châu Á: “Các nghị phụ muốn mô tả Giáo phận như sự hiệp thông giữa các cộng đoàn quy tụ chung quanh Mục tử… Sự hiệp thông này hàm nghĩa rằng mỗi Hội Thánh địa phương phải trở thành điều được gọi là Hội Thánh tham gia, nghĩa là một Hội Thánh trong đó mọi người sống ơn gọi riêng và thi hành vai trò riêng của mình…các đặc sủng của mỗi thành viên cần được nhìn nhận, phát huy và sử dụng cách hiệu quả. Cách riêng cần thúc đẩy sự dấn thân mạnh mẽ hơn của giáo dân, những người sống đời thánh hiến, trong các kế hoạch và quyết định mục vụ, qua các cơ cấu cổ võ tham gia như Hội đồng giáo xứ hoặc Hội đồng mục vụ” (Ecclesia in Asia, 25).
Mô hình Giáo Hội hiệp thông cũng nêu cao sứ vụ truyền giáo: “Đòi hỏi thiết yếu của đời sống trong Đức Kitô là bất cứ ai bước vào sự hiệp thông với Chúa cũng được mong đợi là sinh hoa trái: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Vì thế người không sinh hoa trái thì không ở trong sự hiệp thông: “Cành nào không sinh hoa trái thì Cha Thầy chặt đi” (Ga 15,2). Hiệp thông với Chúa Giêsu đưa đến sự hiệp thông giữa các Kitô hữu, đó là điều kiện cần thiết để sinh hoa trái; và sự hiệp thông với người khác, vốn là ơn ban của Đức Kitô và Thánh Thần, là hoa trái tốt lành nhất mà các cành nho có thể cống hiến. Theo nghĩa đó, hiệp thông và truyền giáo (missio) không thể tách lìa nhau. Cả hai thấm nhập vào nhau và hàm ngậm lẫn nhau, đến nỗi hiệp thông vừa là nguồn vừa là kết quả của truyền giáo: hiệp thông dẫn đến truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành nơi hiệp thông” (Ibid., 24).
Tiền đề này giúp chúng ta hiểu rõ hơn Huấn thị Cooperatio missionalis (Hợp tác truyền giáo) (13/11/1998). Huấn thị này kế thừa và thay thế huấn thị Quo Aptius được Đức Phaolô VI phê chuẩn năm 1969. Mục đích của Huấn thị là: (1) Tái khẳng định những nguyên tắc giáo thuyết làm nền tảng cho việc hợp tác truyền giáo; (2) cung cấp những chỉ dẫn cho việc hợp tác truyền giáo; (3) cổ võ những phương cách cụ thể nhằm thúc đẩy sự hợp tác truyền giáo.
Về mặt thần học, Huấn thị trình bày về sự hợp tác truyền giáo khởi đi từ Giáo hội học về hiệp thông. Sau khi nhấn mạnh sự hợp tác truyền giáo là nhiệm vụ và quyền lợi của các Kitô hữu, Huấn thị viết (chỉ trong một đoạn văn mà 8 lần dùng từ communio): “Việc hợp tác truyền giáo phải được phối hợp cách thích đáng trong tinh thần hiệp thông và có trật tự lớp lang thì mới đạt được mục đích. Cũng như sự hiệp thông nơi Thiên Chúa – một Chúa mà Ba Ngôi, thì giữa các Gíao Hội địa phương với nhau, giữa các Gíao Hội địa phương và Gíao Hội toàn cầu, giữa các thành phần Dân Chúa, cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng để có sự thống nhất bên trong và sự trao đổi hỗ tương. Sự hiệp thông giữa các bên sẽ là sự hiệp thông hỗ tương, hay nói cụ thể hơn, là sự hiệp thông để thực hiện hoạt động truyền giáo đặc biệt… Nét đặc trưng nhất của sự hiệp thông trong Gíao Hội là tính cụ thể của sự hiệp thông ấy, để rồi ai cũng có phần trong sự hiệp thông vì sự hiệp thông luôn đụng chạm tới từng cá nhân cụ thể trong hoàn cảnh sống thật của họ” (CM số 2).
Hợp tác truyền giáo làm nổi bật “tính Công giáo” của Giáo Hội. Mỗi Giáo Hội địa phương là Giáo Hội Chúa Kitô cách trọn vẹn, đồng thời phải mở ra với các Giáo Hội khác. “Tất cả các Giám mục, với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn kế vị Tông đồ đoàn, được thánh hiến không chỉ để dành cho một Giáo phận nào đó, nhưng là cho ơn cứu độ của toàn thế giới… Do đó giữa các Giáo Hội (địa phương) nảy sinh tình hiệp thông và sự hợp tác rất cần thiết để thực thi công cuộc Phúc Âm hóa trong thời đại ngày nay. Vì sự hiệp thông đó, mỗi Giáo Hội đều chăm lo cho tất cả các Giáo Hội khác, thông tin cho nhau về những nhu cầu địa phương, cùng chia sẻ cho nhau những gì mình có, vì phận vụ của toàn thể Giám mục đoàn là làm cho Thân Thể Chúa Kitô được triển nở” (Ad Gentes, 38). Vì thế, thúc đẩy sự hợp tác truyền giáo cũng có nghĩa là thể hiện và sống đúng căn tính “Công giáo” của Giáo Hội.
Cách cụ thể, sự hợp tác truyền giáo được thể hiện qua việc quyên góp cho các Hội Giáo hoàng truyền giáo, để rồi được phân phối cho các nơi theo nhu cầu cụ thể trong sứ mạng truyền giáo. Sự hợp tác này cũng cần được thể hiện giữa các Giáo phận trong một quốc gia hay vùng miền.
3. Hướng tới linh đạo và mục vụ hợp tác truyền giáo
a. Linh đạo hợp tác
– Khơi dậy ý thức truyền giáo : Hợp tác truyền giáo là sự tham gia của các cộng đoàn Giáo Hội và từng cá nhân tín hữu vào việc thi hành lệnh truyền của Chúa : “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). “Sự hợp tác này chính là hoa trái đầu tiên của việc làm sống lại tâm hồn truyền giáo, tức là làm sống lại một tinh thần và sức sống thúc đẩy các cá nhân cũng như các tổ chức và cộng đoàn của Giáo Hội mở lòng tiếp nhận trách nhiệm chung, có ý thức truyền giáo và hướng lòng đến các dân tộc” (CM 2).
– Trong tác động của Chúa Thánh Thần: “Như thánh Augustinô giải thích, có lẽ Giáo Hội sẽ không cầu nguyện xin Chúa ban ơn đức tin cho những người chưa biết Chúa, nếu không tin rằng chính Chúa là Đấng điều hướng và lôi kéo tâm trí chúng ta đến với Ngài. Có lẽ Giáo Hội sẽ không khuyến khích con cái cầu nguyện xin Chúa ban ơn kiên vững trong đức tin, nếu không tin rằng chính Chúa là chủ tâm hồn chúng ta. Thật vậy, nếu Giáo Hội xin những ơn này mà lại nghĩ rằng tự mình có thể ban, thì hóa ra lời cầu nguyện của Giáo Hội chỉ là những lời lẽ rỗng tuếch, những công thức sáo mòn chán ngắt áp đặt theo thói quen chứ không phải là kinh nguyện chân chính” (Trích lại từ Message of Pope Francis to the Pontifical Mission Societies, 21 May 2020). “Nếu chúng ta nhìn nhận rằng Chúa Thánh Thần khơi lên và gìn giữ đức tin trong lòng chúng ta, thì mọi sự thay đổi. Thật vậy, Thánh Thần đốt lên và làm cho sứ vụ của Giáo Hội được sống động, ban cho các cá nhân những điểm nhấn và phong cách làm cho việc loan báo Tin Mừng và tuyên xưng đức tin Kitô giáo là điều gì đó khác với những hình thái chính trị, văn hóa, tâm lý hay tôn giáo của chủ trương chiêu dụ tín đồ (proselytism)” (Ibid.).
– Hợp tác và hợp nhất : Sách Công vụ mở đầu bằng lệnh truyền loan báo Tin Mừng “đến tận cùng trái đất” (1,8). Sau đó, trình thuật về biến cố Ngũ Tuần nhấn mạnh sự kiện các dân tộc khác nhau đều nghe các Tông đồ “dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (2,11). Thánh Thần là Thần Khí hợp nhất và sứ mạng loan báo Tin Mừng chỉ có thể chu toàn khi các môn đệ Chúa Giêsu hợp nhất với nhau. Thánh Phaolô diễn tả đòi hỏi này bằng những lời tha thiết: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Phil 2,1-2).
Sự hợp nhất này là sự hợp nhất từ bên trên và từ bên trong, chứ không chỉ từ bên dưới và từ bên ngoài. Từ sự hợp nhất này, hợp tác có nghĩa là chia sẻ trong tình hiệp thông: “Hợp tác truyền giáo không chỉ có nghĩa là ban phát nhưng còn là nhận lãnh. Tất cả mọi Giáo Hội địa phương, dù non trẻ hay lâu đời, đều được mời gọi hãy cho đi và sẽ được lãnh nhận lại trong bối cảnh truyền giáo toàn cầu này; không nên khép kín trước những nhu cầu của người khác” (MC số 20).
– Hợp tác và kenosis: “Đừng làm chi vì ganh tị hay hư danh nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, hãy có những tâm tình của chính Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người đã hủy mình ra không, mang lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Phil 2,3-5).
Nền văn hóa thống lĩnh ngày nay là văn hóa quy ngã. Theo Rabbi Jonathan Sacks, con người trong suốt lịch sử nhân loại vẫn luôn thờ phượng ai đó hoặc cái gì đó. Trước kia là thờ phượng con sông, ngọn núi, cây cổ thụ…rồi Ông Trời, đa thần, độc thần… rồi các thứ chủ nghĩa, chủ thuyết.. còn bây giờ là thờ phượng cái tôi, khắp nơi đều thấy Self: selfie, self-help, self-esteem, self-fulfillment! Rồi trong thời đại của mạng xã hội (social media), một phương thế tuyệt hảo để kết nối tương quan mà hóa ra lại là Alone Together (cùng nhau đấy mà vẫn một mình), (tựa đề quyển sách của Sherry Turkle, MIT). Kitô hữu, kể cả linh mục tu sĩ, sống trong thời đại nên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng và tính quy ngã có thể len lỏi cả vào việc tông đồ.
“Chủ trương quy ngã (narcissism) là hệ quả của cách nhìn thực dụng và công chức về sứ vụ. Dần dần sứ vụ trở thành chuyện của tôi, tên tuổi của tôi, thành công của tôi, thành tích của tôi, danh tiếng của tôi và những người theo tôi, hơn là về Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa, tình thương của Chúa Giêsu, và những hoạt động đầy ngạc nhiên của Thánh Thần. Và khi có được những kết quả tốt thì tính quy ngã đó dẫn đến sự tự mãn. Những thành tích của tôi chứng tỏ rằng tôi có thể dựa vào khả năng của riêng mình. Việc cần đến Chúa và người khác trở thành sự sỉ nhục cho năng lực vô giới hạn của tôi. Tự mãn đào sâu tính quy ngã. Vòng xoáy này lôi người ta và cơ cấu vào một thế giới chật hẹp của sự cô lập, vốn trái nghịch với sứ vụ. Đó là tấm kính mà Đức Phanxicô muốn chúng ta đập vỡ” (Hồng y Antonio Tagle, Pope Francis reveals his passion for mission, Vatican News 1/6/2020)
b. Mục vụ hợp tác
– Hợp tác thiêng liêng: “Hợp tác truyền giáo bắt nguồn và được thi hành trước tiên trong việc từng cá nhân kết hợp với Đức Kitô… Nhờ đời sống thánh thiện, mỗi Kitô hữu đều có thể tham gia cách hiệu quả vào sứ mạng của Giáo Hội” (Redemptoris Missio, 77).
– Hợp tác về nhân sự, ví dụ các Giám mục “gửi đến những Giáo phận đang thiếu giáo sĩ một số linh mục có khả năng, muốn dấn thân trong hoạt động truyền giáo và đã được chuẩn bị đầy đủ, để ít ra trong một thời gian, họ thi hành tác vụ truyền giáo với tinh thần phục vụ” (Ad Gentes, 38). Tuy nhiên Huấn thị Cooperatio missionalis cũng lưu ý cần thực hiện sự hợp tác này sao cho tốt đẹp nhất: “phải tăng cường sự hiệp thông trong Giáo Hội, nhưng không được vì thế mà gây trở ngại cho việc truyền giáo cho dân ngoại, cũng như cho sự tăng trưởng của các Giáo Hội non trẻ” (MC 20). (Ghi chú: Trong Sứ điệp gửi các GM VN Hội nghị tháng 10/2020, ĐTGM Marek Zalewski nói tới sự phục vụ không biên giới, gợi ý về việc GH VN phải góp phần với FABC và Tòa Thánh).
– Hợp tác về vật chất, “vận động việc quyên góp nhằm tài trợ tùy theo nhu cầu của tất cả các sứ vụ truyền giáo” (Ibid., 38). “Trong tầm nhìn nhất quán của Đức Phanxicô, các tặng phẩm quyên góp được nhìn như những lễ dâng bác ái đi kèm theo việc cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo. Tầm nhìn này làm cho những tặng phẩm quyên góp đó trở nên thành phần của quà tặng đức tin và sứ vụ. Khi chân trời “quà tặng” này bị thay thế bằng những tính toán về hiệu quả như khi điều hành một tổ chức, thì tặng phẩm trên chỉ còn là quỹ hoặc nguồn tài chính được sử dụng, hơn là những dấu chỉ sống động của tình yêu, cầu nguyện, chia sẻ hoa trái của lao công. Nguy hiểm là tiền bạc được vận động nhân danh truyền giáo nhưng lại không trở thành sự diễn tả đức ái truyền giáo từ phía người cho. Mục tiêu có thể bị thay đổi thành nỗ lực đạt đến một số tiền mong ước, thay vì khơi dậy ý thức và niềm vui truyền giáo” (Hồng y Tagle, Ibid).
– Hợp tác trong các lãnh vực chuyên môn như giáo dục, đào tạo, truyền thông.
Kết
“Như các môn đệ trong Tin Mừng Mc 4,35, chúng ta bất ngờ trước cơn bão khủng khiếp ngoài mong đợi. Chúng ta nhận ra mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời điều quan trọng và cần thiết là tất cả đều được kêu gọi cùng chèo chống, mỗi người cần phải nâng đỡ người khác. Trên con thuyền đó… là tất cả chúng ta. Như các môn đệ, chúng ta cùng lo lắng kêu lên ‘chúng con chết mất’, và cũng nhận ra rằng mình không thể chỉ nghĩ về bản thân mình, nhưng chỉ có thể cùng nhau chèo chống” (Moments of Prayer, Pope Francis, 27 March 2020).
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói những lời này giữa quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng, trong cơn đại dịch Covid-19. Hãy hình dung một cơn bão khác, cơn bão thế tục hóa đang càn quét phương Tây và lan rộng khắp thế giới. Trong cơn bão khủng khiếp đó, thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng quả là thách đố vô cùng lớn. Nhưng càng phải đối diện với những thách đố, các môn đệ Chúa Giêsu lại càng ý thức rằng không thể làm một mình nhưng phải hợp tác với nhau, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mới mong chu toàn lệnh truyền Chúa Giêsu đã để lại cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).
Nguồn: giaophanmytho.net