Huấn Luyện Người Trẻ – Thiếu Nhi Sống Gắn Bó Với Chúa Giêsu Thánh Thể
Lm. Antôn Lâm Trong Thi
DẪN NHẬP
Huấn luyện người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể là trọng tâm của đời sống đức tin. Bởi lẽ như chính tên gọi của Thông điệp “Giáo hội sống nhờ Thánh Thể”[1], thì con cái Giáo hội chỉ sống sung mãn là nhờ Thánh Thể. Tuy nhiên, việc huấn luyện yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể là không dễ dàng. Thao thức điều đó, trong đại gia đình Giáo hội có nhiều cách thức để huấn luyện các em sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, trong đó có phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT). Trong phạm vi bài viết này, dựa vào linh đạo của phong trào và kinh nghiệm huấn luyện, xin chia sẻ “chìa khóa chính” của đường hướng huấn luyện. Thứ nhất, huấn luyện bằng nét rất riêng của phong trào, bằng chính “linh đạo Thánh Thể”. Thứ hai, bằng phương pháp nào? Bằng phương pháp “Vào Sa Mạc” (có thể tạm hình dung như cắm trại). Mục đích huấn luyện của Thiếu Nhi Thánh Thể không phải hướng đến huấn luyện từng cá nhân, nhưng “Vào sa mạc”, nơi đó xây dựng bầu khí mới: “cộng đoàn tình bạn đức tin”, từ tình bạn dẫn đến tình Chúa, tức là giúp người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể.
I. LINH ĐẠO QUY HƯỚNG VỀ THÁNH THỂ CHỈ DẪN NGƯỜI TRẺ-THIẾU NHI SỐNG GẮN BÓ VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ
Huấn luyện người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể khởi đi từ thao thức của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Thiếu Nhi Thánh Thể đặt nền tảng linh đạo quy hướng về Thánh Thể, để huấn luyện người trẻ-thiếu nhi. Chúng ta hãy xem sách Nội Quy và sách Quy Chế Huấn Luyện của TNTT chỉ dẫn việc người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể.
I.1 Sách Nội Quy của Thiếu Nhi Thánh Thể
Sách Nội Quy của TNTT gồm 71 điều, trong đó có 5 điều nói về Chúa Giêsu Thánh Thể.
Điều 2: Chúa Giêsu Thánh Thể, trung tâm và nguồn động lực cho đời sống đức tin, là nguồn sống và là lý tưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể.
Điều 4: Tôn chỉ của Thiếu Nhi Thánh Thể là sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm tông đồ.
Điều 6: Thiếu Nhi Thánh Thể đào tạo cho người trẻ tinh thần Giáo hội bằng cách yêu mến Chúa Giêsu, Đầu Nhiệm Thể và cũng là Thủ lãnh của Phong trào.
Điều 9: Để giáo dục toàn diện cho các em, Thiếu Nhi Thánh Thể sử dụng phương pháp tự nhiên và siêu nhiên thích hợp theo từng lứa tuổi: dùng Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể để Kitô hóa và thánh hóa tuổi trẻ.
Điều 10: Các em sống mầu nhiệm tận hiến của Chúa Giêsu Thánh Thể trong mọi chi tiết của đời sống, để mỗi ngày sống trở thành “Ngày Thánh Thể”.
I.2 Sách Quy Chế Huấn Luyện Của Thiếu Nhi Thánh Thể
Huấn luyện người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, trong sách Quy Chế Huấn Luyện của TNTT, chương III, nội dung HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG có chỉ dẫn:
– Tổ chức giờ chầu Thánh Thể trong đoàn.
– Tổ chức giờ chầu Thánh Thể trong sa mạc.
Trong chương IV, mục IV PHÂN CÔNG, PHÂN NHIỆM TRONG SA MẠC HUẤN LUYỆN: “Cha tuyên úy sa mạc hướng dẫn tinh thần sa mạc qua các hoạt động thiêng liêng, đạo đức trong sa mạc như: Thánh lễ, chầu Thánh Thể, Lửa thiêng Thánh Thể.”
Tóm lại, huấn luyện đức tin để các em sống gắn bó với Chúa Giêsu bằng cách đi vào chính trung tâm là Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó là nét riêng của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Sách Nội Quy và sách Quy Chế Huấn Luyện đã chỉ dẫn sức mạnh của Bí Tích Thánh Thể nơi việc huấn luyện đức tin cho các em, mà cùng đích là giúp các em sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. Xác tín từ linh đạo Thánh Thể để huấn luyện đức tin cho các em là điều rất quan trọng. Bởi vì, từ đó, chúng ta sẽ xây dựng phương pháp để đạt được linh đạo đó.
II. PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN GIÚP SỐNG GẮN BÓ VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ
Giúp thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể phải được huấn luyện và có phương pháp. Nói điều này, thoạt nghe có vẻ là điều xa vời! Có bị thổi phồng quá không? Cứ mỗi ngày ngồi trước Chúa Giêsu Thánh Thể 10 phút. Đó là huấn luyện, đó là phương pháp. Cần gì nữa!
Câu chuyện không dễ dàng như thế! Bởi lẽ, trong môi trường huấn luyện tu sĩ, chủng sinh, đào tạo những người “chuyên môn” để sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể; năm này qua tháng khác, họ được mời gọi, mỗi ngày dành ít là 15 phút “ngồi” trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Chu toàn được việc đó, tu sĩ chủng sinh cần dùng ý chí mới có thể trung thành thực hiện được! Còn người trẻ-thiếu nhi, làm sao các em sống được nền tảng này? Các em sẽ phải qua huấn luyện và phải có phương pháp.
II.1 Phương pháp “Vào Sa mạc”
Việc huấn luyện một con người cần có nhiều phương pháp, cũng như phải tổng hợp từ nhiều yếu tố. “Để giáo dục toàn diện cho các em, Thiếu Nhi Thánh Thể sử dụng phương pháp tự nhiên và siêu nhiên” (Nội Quy, điều 9). Huấn luyện các em sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể đòi hỏi nhiều phương pháp, với nhiều cách thức khác nhau: sống Ngày Thánh Thể (Nội Quy, điều 10); Hoa Thiêng (Nội Quy, điều 11); Chương Trình Thăng Tiến (Nội Quy, điều 16); Chiến Dịch và Thi Đua (Nội Quy, điều 17). Tuy nhiên, “Vào Sa Mạc” là môi trường huấn luyện để tổng hợp các phương pháp kia. Nội Quy, điều 15 có ghi: “Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dẫn dân Do Thái vào sa mạc 40 năm để huấn luyện họ. Theo đường lối sư phạm này, Thiếu Nhi Thánh Thể cũng áp dụng “Vào sa mạc” như một phương thế huấn luyện thành viên các cấp của mình.”
“Vào Sa mạc” để được huấn luyện đức tin. Kết thúc đợt huấn luyện, “Rời Sa mạc” để trở nên con người mới: con người của Thần Khí, con người sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thiếu Nhi Thánh Thể huấn luyện với phương pháp “Vào Sa mạc” như thế nào để được như vậy?
Chúng ta có thể mở sách Quy Chế Huấn Luyện để thấy các nội dung huấn luyện trong “sa mạc”: học về Cầu nguyện, học về Lịch sử Giáo hội, học về Luân lý, học về Truyền giáo, học về Kinh Thánh, học về các kỹ năng: gút dây, dựng lều, nấu ăn, múa hát, băng reo, dấu đường, mật thư. Như thế, về hình thức, so với “cuộc cắm trại”, đâu có nhiều khác biệt? Vậy, cái gì làm nên sự khác biệt để giúp thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể?
Chìa khóa huấn luyện các em khi vào sa mạc: cái chính yếu không phải là các bài học, không phải là người giảng khóa hấp dẫn, không phải là Ban huấn luyện giỏi, mặc dù điều đó cần thiết, mà là tạo một “bầu khí mới, lành mạnh, phấn khởi”. Nội Quy, điều 7 có ghi: “Lãnh trách nhiệm Kitô hoá giới trẻ, Thiếu Nhi Thánh Thể tạo cho các em một bầu khí mới, lành mạnh, phấn khởi, thích nghi, cởi mở, để hướng dẫn các em sống đạo cách ý thức, tích cực, tự nguyện, đồng thời giúp các em có tinh thần dấn thân để hãnh diện giới thiệu Chúa với các bạn.”
“Bầu khí mới” này liên quan gì với việc giúp thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể? Thiếu Nhi Thánh Thể không chủ trương huấn luyện cá nhân yêu mến Chúa Giêsu. Nhưng, một trong hai mục đích của TNTT là “đoàn ngũ hóa” (Nội Quy, điều 1). Nghĩa là, Thiếu Nhi Thánh Thể huấn luyện, nối kết các em thành một cộng đoàn, hội đoàn, thành đội nhóm, để cùng nhau đến với Chúa Giêsu. Cũng thế, xây dựng “Bầu khí mới” là xây dựng bầu khí “cộng đoàn tình bạn đức tin”, nó khác với bầu khí “cộng đoàn tình bạn” đơn thuần. Trong bầu khí “tình bạn đức tin” thì từ tình bạn dẫn đến tình Chúa, nghĩa là đạt đến mục đích giúp nhau sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó là cách thức huấn luyện của TNTT.
Trong một xã hội, người trẻ-thiếu nhi bị tổn thương về nhiều mặt. Xã hội trình bày khuôn mặt của thế giới: xám xịt của chiến tranh; tính “người” nhạt dần, tính “con” lên ngôi, hành xử thú tính ngày càng tàn bạo; chủ nghĩa cá nhân đẩy mạnh, khiến con người sống ích kỷ. Người trẻ-thiếu nhi trong một xã hội như thế đã mất phương hướng, không biết đi về đâu, thất vọng, bi quan, buông xuôi, thác loạn.
“Bầu khí mới” trong sa mạc huấn luyện, các em nhìn thấy nơi đây, các cha, các thầy, các sơ, các huynh trưởng phục vụ các em. Các em sẽ có cái nhìn hy vọng về khuôn mặt của Giáo hội phục vụ “rửa chân”[2] cho các em. Các em được “cởi trói” khỏi cái nhìn và cách sống ích kỷ. Các bài học trong khóa huấn luyện, ưu tiên chú trọng sự làm việc nhóm, giúp các em tương tác trong đội nhóm, các em sẽ khám phá ra bầu khí niềm vui được làm người, niềm vui của đời sống chung, đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở tình bạn đơn thuần, thì việc huấn luyện đức tin xem như thất bại. Bởi vậy, Thiếu Nhi Thánh Thể dùng cả phương pháp “tự nhiên và siêu nhiên” (Nội Quy, điều 9), nghĩa là, từ “tình bạn” tự nhiên, dẫn đến “tình Chúa” thiêng liêng. Nhưng bằng cách nào?
II.2 Huấn luyện thực hành: 24 giờ Chầu Chúa Giêsu Thánh Thể
Có nhiều cách thức nhằm giúp các em sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng trong phạm vi của bài chia sẻ chìa khóa chính, nên bài viết chú trọng việc không thể không làm và đi vào chính linh đạo của phong trào, đó là thực hành Chầu Thánh Thể 24 giờ. Bởi vì, xây dựng “cộng đoàn tình bạn đức tin”, thì tình bạn trên hết là “tình bạn” với Chúa Giêsu, hiện diện nơi bí tích Thánh Thể. Huấn luyện thực hành: Chầu Thánh Thể 24 giờ, vừa làm nên tính biểu tượng, ghi khắc trong tâm trí các em, vừa là “đặc sản” của đợt huấn luyện (món ăn không thể thiếu!), để giúp các em hiểu rằng, trọng tâm của đời sống đức tin là việc sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là lý do mà phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể ra đời.
Thời gian mỗi đợt sa mạc huấn luyện là 3 ngày 2 đêm, đặt song song với các bài học là: các cha, các thầy, các sơ, các huynh trưởng chia nhau, cứ 30 phút là một phiên chầu (1 hoặc 2 người chầu Thánh Thể trong một phiên). Riêng các em được huấn luyện, thì chia thành các đội để chầu Chúa, mỗi ngày 30 phút, mỗi tối trước khi ngủ. Ngoài ra, còn có giờ Chầu chung và rước Kiệu Thánh Thể, Thánh lễ. Việc Chầu Thánh Thể diễn ra liên tục trong 24 giờ, chúng ta có thể hỏi: vì sao việc Chầu Thánh Thể kéo dài như thế? Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đặt nền tảng trên Chúa Giêsu Thánh Thể (Nội quy, điều 2). Vì thế, việc Chầu Thánh Thể xuyên suốt 24 giờ để làm nổi bật:
– Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sống của phong trào. Điều đó phải được thể hiện cụ thể ra bên ngoài bằng việc thực hành Chầu Thánh Thể. Đây là nét độc đáo riêng, làm nên Thiếu Nhi Thánh Thể (nói đến Thiếu Nhi là phải gắn liền với Thánh Thể!).
– Trong sa mạc, Chúa Giêsu – Huynh Trưởng Tối Cao, là người huấn luyện chính yếu. Việc Chầu Thánh Thể 24 giờ nói lên rằng: Chúa Giêsu luôn hiện diện đồng hành trong sa mạc, như Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Do Thái trong sa mạc ngày xưa.
– Là thời gian thờ lạy, cầu nguyện với Chúa Giêsu, nhưng đồng thời, với việc chầu liên tục 24 giờ, làm nên tính “biểu tượng” và ghi đậm trong tâm trí các em. Chầu Thánh Thể 24 giờ trong sa mạc là “đặc sản” của đợt huấn luyện, “đặc sản” của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể; “món ăn” tinh thần ngon và không thể thiếu, để giúp các em sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Việc Chầu Thánh Thể để huấn luyện các em từ tình bạn đơn thuần dẫn đến tình bạn trong Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy tình bạn giữa Philipphê và Nathanaen. Từ tình bạn này, Philipphê giới thiệu Nathanaen gặp Chúa Giêsu (x.Ga 1,45-46). Tình anh em giữa người anh Anrê và người em Phêrô: “rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu” (Ga 1,43). Câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus, khi hai môn đệ này trở về với cộng đoàn, anh em trong cộng đoàn đã chia sẻ câu chuyện niềm vui gặp Chúa Giêsu Phục sinh cho hai ông: “Những người này bảo hai ông: Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (Lc 24,34). Từ tình bạn dẫn đến tình Chúa, giúp nhau sống gắn bó với Chúa Giêsu.
Phương pháp “Vào Sa Mạc” với những bài học và cách thức huấn luyện bổ trợ nhau, để làm nổi bật “Bầu Khí Mới”. “Bầu Khí Mới” này có thể nói giống như “Lễ Hiện xuống” trên các tông đồ: cộng đoàn tiên khởi được hình thành với sự hứng khởi niềm vui của Thánh Thần (x. Cv 2,2-4). Xây dựng “Bầu khí mới” trong Thiếu Nhi Thánh Thể, “cộng đoàn tình bạn đức tin” được hình thành, với sự phấn khởi, cởi mở. Ở đây chúng ta nhắc lại một lần nữa chìa khóa huấn luyện này, Nội Quy, điều 7 đã ghi: “Lãnh trách nhiệm Kitô hoá giới trẻ, Thiếu Nhi Thánh Thể tạo cho các em một bầu khí mới, phấn khởi, thích nghi, cởi mở, để hướng dẫn các em sống đạo cách ý thức, tích cực, tự nguyện, đồng thời giúp các em có tinh thần dấn thân để hãnh diện giới thiệu Chúa với các bạn”. Khi mối tương quan “tình bạn dẫn đến tình Chúa” được xây dựng, thì tác động ngược lại: từ tình Chúa lại nối kết tình bạn, “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21). Cả hai chiều hỗ trợ nhau, giúp các em khắng khít với nhau và gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể.
KẾT LUẬN
Huấn luyện người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể là điều đặc biệt khó. Vì thế, cần có một cách thức riêng. Thiếu Nhi Thánh Thể là một trong nhiều cách thức trong kho tàng của Giáo hội, để đồng hành giúp người trẻ-thiếu nhi sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam được Hội đồng Giám mục Việt Nam tái xác nhận trong Hội nghị Thường niên kỳ I, tháng 4/2016. Gần mười năm, với các đợt huấn luyện, số lượng đoàn sinh và huynh trưởng tăng lên nhanh chóng. Phương pháp huấn luyện của Phong trào ít nhiều được người trẻ-thiếu nhi đón nhận, thể hiện qua việc phong trào đã hiện diện ở hầu hết các giáo phận.
Tuy nhiên, câu nói chúng ta vẫn thường nghe: tại sao phần nhiều huynh trưởng-thiếu nhi vẫn ít đi Chầu, chưa ý thức được nền tảng cuộc đời Kitô hữu của mình? Cũng một câu hỏi ấy, chúng ta mở rộng đến đối tượng khác. Tại sao ngay cả người trưởng thành cũng ít đi Chầu? Đặt câu hỏi ấy để chúng ta khẳng định rằng: phương pháp nào cũng chỉ là “trợ giúp” trong mức độ nào đó. Nhưng dù sao, những người trẻ-thiếu nhi “vào sa mạc” huấn luyện có lẽ sẽ có thêm cơ hội nuôi dưỡng đức tin, hơn là không qua môi trường huấn luyện nào. Thiếu Nhi Thánh Thể không chủ trương huấn luyện cá nhân, nhưng huấn luyện đức tin thông qua cộng đoàn. Với linh đạo đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, với phương pháp “Vào sa mạc” để xây dựng “bầu khí mới”: cộng đoàn tình bạn dẫn đến tình Chúa, giúp sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó là chìa khóa huấn luyện của Thiếu Nhi Thánh Thể. “Bầu khí mới” của tình bạn, phải chăng trong xã hội ích kỷ hôm nay, người trẻ đang cảm thấy cô đơn, vì thiếu điều này? Nếu vậy, xây dựng “Bầu khí mới” có lẽ là cách thức loan báo Tin mừng của người trẻ-thiếu nhi hôm nay?
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)
Nguồn: WHĐGMVN
_____
[1] Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” được Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 17/4/2023.
[2] “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14)