Hướng Tới Một Linh Đạo Hiệp Hành


Tiểu ban Linh đạo hiệp hành,
thuộc Ủy ban Linh đạo của Thượng Hội đồng

WHĐ (23.3.2023) – Tài liệu này cung cấp một tổng quan chọn lọc về các khía cạnh chủ yếu và các nguồn hữu ích giúp khai triển một linh đạo cho tính hiệp hành và cho tiến trình Thượng Hội đồng.

Bản văn này được soạn thảo bởi các thành viên của Tiểu ban thuộc Ủy ban Linh đạo: James Hanvey SJ; Nữ tu Nathalie Becquart XMCJ; Nữ tu Kolbe Zamora OSF; Tu huynh Linh mục Giulio Cesareo OFM Conv; Linh mục Joao Chagas Jr.; Bà Maria Campatelli, và được phê chuẩn bởi Ủy Ban Linh đạo.

Nội dung

GIỚI THIỆU

I. LINH ĐẠO CHO TÍNH HIỆP HÀNH: MỘT SỐ CHỦ ĐIỂM CỐT LÕI

II. THỰC HÀNH LINH ĐẠO HIỆP HÀNH: PHÁT TRIỂN MỘT TÂM THẾ HIỆP HÀNH

III. ĐỨC MẸ CHỈ BẢO ĐÀNG LÀNH – THEOTOKOS HODEGETRIA

“Xúc tiến một ‘synod’ (thượng hội đồng) có nghĩa là cùng đi với nhau. Tôi nghĩ kinh nghiệm tuyệt vời nhất mà chúng ta có được, đó là thuộc về một dân đang bước đi, trong hành trình xuyên qua lịch sử cùng với Đức Chúa của mình, Đấng vẫn bước đi giữa chúng ta!

Chúng ta không cô độc; chúng ta không bước đi một mình. Chúng ta thuộc về đoàn chiên duy nhất của Đức Kitô đang tiến bước cùng với nhau.”

(Đức Giáo hoàng Phanxicô, Chuyến thăm mục vụ ở Assisi, 4.10.2013)

GIỚI THIỆU

Một trong những khía cạnh ý nghĩa nhất của Thượng Hội đồng 2021-2023, đó là sự nhìn nhận rằng Thượng Hội đồng này được thông đạt và được định hình bởi một linh đạo. Trong khi phát triển một ‘linh đạo hiệp hành’, chúng tôi nhận thấy khi dấn mình sâu hơn vào tiến trình Thượng Hội đồng, linh đạo này hỗ trợ chúng tôi hội nhập suy tư thần học và mở rộng kinh nghiệm của mình về Giáo hội. Thật vậy, khi các nét dạng của một linh đạo hiệp hành mở ra cho mình, chúng tôi có thể nhận thấy trong đó những cách thức mà Chúa Thánh Thần ban sức sống cho Giáo hội, lôi kéo mỗi người vào trong một tình yêu sâu xa hơn đối với Đức Kitô và thúc đẩy chúng ta khao khát một sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng lớn lao hơn nữa.[1]

Mục đích của tài liệu này không nhằm đưa ra một phân tích chi tiết về linh đạo hiệp hành và các nền tảng thần học của nó. Công việc quan trọng ấy cần được làm, nhưng nó sẽ đòi hỏi công phu nhiều hơn khả năng đáp ứng ở đây. Vả lại, chúng tôi hy vọng rằng các nền tảng, bản chất và ý nghĩa của một linh đạo hiệp hành có thể được khai triển trong ánh sáng của chính tiến trình Thượng Hội đồng, dựa vào kinh nghiệm của toàn Giáo hội.

Tuy nhiên ở giai đoạn này, có thể hữu ích việc đưa ra một cái nhìn tổng quan về các nét chính của một linh đạo hiệp hành, với hy vọng rằng có thể soi sáng và hỗ trợ cho tiến trình Thượng Hội đồng. Chúng tôi cũng hy vọng rằng việc phác thảo một số đường nét và những tính chất trọng yếu của một linh đạo hiệp hành sẽ cung ứng một nguồn tư liệu cho những ai mong muốn suy tư sâu hơn về các chiều kích hiệp hành của đời sống Giáo hội chúng ta.

Phát triển một linh đạo hiệp hành: Nhiều người có thể hỏi tại sao việc phát triển một linh đạo hiệp hành là điều quan trọng. Hiệp hành không phải là một yếu tố mới của đời sống Giáo hội cũng như của cách Giáo hội tự nhận thức mình. Nó là thành tố làm nên Giáo hội và vẫn hiện diện trong nhiều dạng thức kể từ thuở ban đầu của Giáo hội.[2] Hiệp hành là một cách thức diễn tả chúng ta là ai xét như là những Kitô hữu, và chúng ta đang cùng nhau trở nên gì trong tư cách là Giáo hội và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.[3] Ở mọi giai đoạn, vẫn chính Chúa Thánh Thần là Đấng không ngừng đổi mới Giáo hội trong mối hiệp thông và lôi cuốn Giáo hội vào sâu hơn trong một đời sống có tính hiệp hành. Chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hoạt động trong lịch sử, và chúng ta có thể nhận thấy một sự phát triển trong cách thức mình hiểu và thực hành tính hiệp hành. Điều này đặc biệt đúng kể từ Vatican II, vì Công đồng đã thiết lập các Hội đồng Giám mục cũng như các hội nghị tư vấn ở cấp độ Giáo hội địa phương.[4]

Một trong những nét quan trọng hiện lộ lên cho sự nhận hiểu hiện nay của chúng ta, đó là cảm thức rằng tính hiệp hành không chỉ là một thần học mà còn là một thực hành linh đạo nữa. Vì thế chúng ta được mời gọi khảo sát xem một linh đạo hiệp hành có thể mang ý nghĩa gì và tại sao nó cung cấp một nguồn sức sống sâu xa cho Giáo hội, cho việc nhận hiểu Giáo hội và cho suy tư thần học. Làm một Kitô hữu, đó là có một ‘ơn gọi hiệp hành’ và ơn gọi này lớn lên trong đời sống thiêng liêng.[5]

Từ nhận thức này về tính hiệp hành, chúng ta có thể thấy rằng một linh đạo hiệp hành là một lối sống hay lối thực hành có sức hội nhập và cụ thể hóa ba yếu tố chủ chốt là hiệp thông, tham gia và sứ mạng. Nó giúp bảo đảm rằng chúng ta sẽ không tách rời các yếu tố ấy ra trong suy tư hay trong thực hành của mình.

Vì thế, linh đạo hiệp hành trở thành một ‘tâm thế Giáo hội’, tức là một nguồn giúp canh tân và làm sinh động đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Đó là một cách thức để thể hiện Giáo hội và trở nên Giáo hội. Linh đạo hiệp hành sẽ giúp khai mở cuộc khám phá kỳ diệu các năng lực giấu ẩn là tình yêu, sự dấn thân, lòng quảng đại và sự chia sẻ vốn tiềm tàng trong chúng ta, đôi khi bị phớt lờ và lãng quên: một thứ ‘của hồi môn’ nhận được trong Phép Rửa nhưng thường chẳng được quan tâm. Trong mức độ chúng ta thực sự sống đặc tính hiệp hành của Giáo hội, thì nó sẽ trở thành một chứng tá cho mọi dân tộc rằng Nước Thiên Chúa đang đến, trong đó mọi người đều có chỗ của mình, có công lý, phẩm giá, hòa giải và bình an.


Bản văn này gồm ba phần: Các chủ điểm nòng cốt (I) và các thực hành (II) giúp phát triển một ‘tâm thế’ (habitus) cho linh đạo hiệp hành, và cuối cùng là một suy tư về Đức Maria (III) trong tư cách đấng đồng hành với chúng ta trên nẻo đường hiệp hành của mình.

Phần I (các chủ điểm) cố gắng phác họa một số chiều kích và khía cạnh thần học chính yếu nhằm giúp đặt nền cho một linh đạo hiệp hành. Phần II (thực hành một linh đạo hiệp hành) dẫn giải và suy tư về một số thực hành chủ chốt giúp chúng ta lớn lên theo chiều hướng một đời sống hiệp hành. Linh đạo là cái gì rất cụ thể. Xuyên qua các thực hành linh đạo của chúng ta, các lối sống của chúng ta, sự sống của Thần Khí và những cách thế chúng ta liên hệ với nhau sẽ trở nên hiện thực và phát huy hiệu quả. Chúng trở thành một lối sống hay một ‘tâm thế’ qua đó chúng ta diễn tả đức tin của mình và tác động đến thế giới mà mình đang sống. Phần III có chủ đề chính là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, sẽ cung cấp một chuỗi suy tư về Đức Maria, đấng soi sáng và đồng hành với con đường hiệp hành của Giáo hội.

Một bản văn để suy tư. Phương pháp được dùng ở đây nhằm cung cấp một bản văn khích lệ suy tư, cầu nguyện và dấn thân, chứ không nhằm nêu một loạt những quan điểm và luận cứ, cho dù điều đó cũng có thể hữu ích. Trong bản văn có tính dẫn nhập này, mục đích chính của chúng tôi là cho thấy rằng có một tương quan thiết yếu giữa một linh đạo hiệp hành và một thần học hiệp hành. Hai đàng không được tách rời, nhưng phải giúp làm sáng tỏ và định hình nhau. Rất thường, Chúa Thánh Thần chọn viết một thần học qua những thực hành, những giá trị và những ánh sáng linh đạo được diễn tả trong đời sống hằng ngày của Dân Thiên Chúa. Những điều này cũng có thể phản ảnh năng động của tiến trình hiệp hành và sức sống của cộng đoàn Kitô hữu. Theo nghĩa này, xuyên qua việc quan tâm và suy tư về chúng, Giáo hội không chỉ đạt được một kinh nghiệm sâu xa hơn về chính mình, mà còn tìm thấy rằng mình đang ở trong trường học của Chúa Thánh Thần và được mời gọi đi vào một thời khắc học tập sâu xa hơn nữa.

Với phương pháp được dùng trong suốt bản văn này, một độc giả chăm chú sẽ nghe thấy những vang âm qua các phần và các đoạn văn. Mặc dù có nguy cơ lặp đi lặp lại, hy vọng rằng chúng sẽ giúp nhận ra và nắm bắt một cái gì đó có tính năng động và tương liên của kinh nghiệm hiệp hành. Một cách giới hạn nhưng hữu ích, nó có thể giúp chúng ta thấy rằng tính hiệp hành không chỉ là một ý niệm thần học, mà còn là một linh đạo, là thực tại hằng ngày của Chúa Thánh Thần trong toàn bộ đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Bản văn này, cả trong cấu trúc lẫn trình bày, cố gắng dò ra những manh mối của thực tại ấy, nhưng trên tất cả, bản văn mời gọi mỗi bạn đọc đi vào trong thực tại đời sống hiệp hành của Giáo hội xuyên qua suy tư, kinh nghiệm và tầm nhìn của chính mình.[6]

Việc anh em có một synod vẫn chưa đủ; anh em phải là một synod.
Giáo hội cần sự chia sẻ mật thiết bên trong: một cuộc đối thoại sống động giữa các mục tử, cũng như giữa mục tử và các tín hữu.

(Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn từ cho buổi tiếp kiến với Tổng giám mục Trưởng, các Tổng giám mục Giáo khu và Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo hội Công giáo-Hy lạp Ucraina, 5.7.2019)

  1. LINH ĐẠO CHO TÍNH HIỆP HÀNH: MỘT SỐ CHỦ ĐIỂM CỐT LÕI

Điểm bắt đầu luôn luôn là ‘định vị’ mình: Chúng ta luôn được định vị trong sự hiện diện của Thiên Chúa, trong hành động cứu chuộc của Thiên Chúa qua Đức Kitô và qua việc tuôn đổ Thánh Thần. Mọi đời sống và mọi lịch sử đều là lãnh vực cho hành động yêu thương và cứu chuộc của Thiên Chúa, hành động ấy trao nền tảng cho phẩm giá và ơn gọi của mọi con người, cũng như đặt chúng ta vào trong sự sống của toàn thể tạo vật, truyền bảo chúng ta tôn kính, phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính trong nhãn giới này mà chúng ta nhận ra nhu cầu của cá nhân và Giáo hội cần sự tha thứ và hoán cải (metanoia); nhận ra sự đổ vỡ và những yếu đuối mong manh của mình; sự lớn lên trong lòng khiêm tốn để nhìn nhận sự thật; sự mở lòng nhìn nhận mình cần ân sủng của Thiên Chúa.[7] Cách này cách khác, chúng ta đang sống một ‘lễ Vượt Qua về mặt văn hóa’. Hiệp hành là một tiến trình chiêm nghiệm nhằm chú tâm đến các thực tại của thời đại chúng ta cũng như những khát vọng được diễn tả nơi các chuyển động phức tạp của văn hóa con người.[8] Quan tâm tới những điều này, tính hiệp hành tìm cách phân định chỗ mà Chúa Thánh Thần tác động trong lịch sử, kêu gọi Giáo hội có một sự hoán cải sâu xa hơn và mở lòng ra trước những nhu cầu và khát vọng của con người đối với ân sủng và bình an của Đức Kitô.

Điều cốt lõi ở đây là nhu cầu tha thứ và hòa giải. Dù Giáo hội ‘được định vị’ và có bối cảnh thế nào, Giáo hội cũng luôn luôn được ủy trao ơn gọi thi hành sứ mạng, tuyên xưng Đức Kitô và chuyển ban lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi con người.

Một phần của hiện thực Giáo hội là nhìn nhận rằng Giáo hội không thể tồn tại mà không kêu xin lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Sự thật này không phải là hệ quả duy chỉ của chấn thương và sự tàn phá do tình trạng lạm dụng và thối nát (ở nhiều cấp độ) mới được đưa ra ánh sáng gần đây.[9] Việc Giáo hội nhìn nhận mình cần được tha thứ không chỉ là một nhu cầu ad extra (đối ngoại) để có được sự tín nhiệm của thế giới; đây cũng là một nhu cầu ad intra (đối nội) giữa các nhân vật chủ chốt của Giáo hội ở các cấp khác nhau trong Giáo hội hoàn vũ. Tính hiệp hành bắt đầu bằng sự tha thứ và hòa giải trong nội bộ (ad intra). Chỉ khi đó Giáo hội mới có thể là một tác nhân của ơn chữa lành giữa các nền văn hóa, các dân tộc, và các quốc gia. Chỉ khi đó thì mọi người mới được đón nhận như những thành phần bình đẳng trong nhà của Chúa.

Nhu cầu cần được dung thứ cũng đi ngược về quá khứ nữa, nhất là về những cách mà Giáo hội vô tình hay hữu ý đã là một tác nhân của sự áp bức. Khi nhìn nhận và thú lỗi về nhiều cách thế trong đó chúng ta cố khai thác ơn lành Chúa ban để phục vụ cho những kế hoạch riêng của mình, Giáo hội sẽ thêm khiêm tốn và cởi mở, và làm chứng cho sự thật vốn chỉ giải phóng chúng ta. Giáo hội sống cái kinh nghiệm hằng ngày theo lời Thánh Phaolô: ‘Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh’ (2Cr 12,10; 1Cr 1,26). Bằng việc chấp nhận có tính ngược dòng văn hóa đối với tình trạng mỏng dòn của cá nhân và cơ chế, Giáo hội có thể thực sự trở thành một nơi nương ẩn cho tất cả những ai sống với các thực tế của một đời sống chênh vênh và bất ổn. Chính Giáo hội nhận ra rằng mình không thể bảo đảm cho sự tồn tại của mình bằng cách thu vén quyền lực, song chỉ nhờ Thiên Chúa, Đấng là tất cả sức mạnh và sự an toàn của mình.

Hiệp thông và Sứ mạng. Trong biến cố Lễ Hiện Xuống, Giáo hội trở thành thực tại hiệp thông/cộng đoàn mớivượt qua những sự vong thân cũ do tội lỗi cá nhân và xã hội được diễn tả rất sinh động trong câu chuyện Tháp Babel. Một Giáo hội hiệp hành sẽ loan báo Tin Mừng trong và xuyên qua phẩm chất thương xót và hòa giải của các mối tương quan chúng ta.

Linh đạo hiệp hành giúp diễn tả sứ mạng này. Nó mở ra cả năng động hiệp thông chiều ngang giữa Đức Kitô và dân Người trong lịch sử, lẫn năng động chiều dọc của mối hiệp thông này vốn siêu vượt trên lịch sử.

Ở đây, chiều sâu đích thực của ‘hiệp thông’ bắt đầu tự tỏ lộ. Trước hết, hiệp thông là một thực tại có tính Ba Ngôi, nghĩa là một diễn tả Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu. Tình yêu này được kinh nghiệm không chỉ như nguồn mạch của mọi hiện hữu, nâng đỡ sự sống của mọi thụ tạo trong Đức Kitô, mà còn được mạc khải và kinh nghiệm như tình yêu cá vị của Thiên Chúa, Đấng vươn ra tới mọi con người bằng quà tặng ơn cứu độ của Ngài. Khả năng tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi được ban cho người ta qua ân sủng. Điều này có một ý nghĩa hai mặt. Thứ nhất, Chúa Cha tuôn đổ trên mọi người chúng ta chính tình yêu mà từ đời đời Ngài trao cho Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thứ hai, chúng ta không được yêu thương kiểu như ‘từ bên ngoài’. Đúng hơn, nhờ Thánh Thần, Chúa Cha bao gồm lấy chúng ta trong chính sự sống vốn là Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta nên một với Thiên Chúa: ‘những người thừa kế của Thiên Chúa và đồng thừa kế với Đức Kitô’ (Rm 8,17). Đây là phẩm giá của chúng ta, là lý do cho niềm hy vọng bất tuyệt và niềm vui sứ mạng của chúng ta đối với thế giới.

Hiệp thông xét như tham dự vào Sự Sống Thần Linh là thực tại nền tảng của tất cả đời sống Kitô hữu, và do đó cũng là của một Giáo hội hiệp hành. Điều này có nghĩa rằng sự hiệp thông và tham gia không thể bị giảm trừ đến chỉ còn là một hiện tượng xã hội học, cũng không thể chỉ được nâng đỡ bởi các cấu trúc thuộc cơ chế mà thôi.

Tính ‘vượt quá’ của Thánh Thần. Trong năng động và sự vén mở hỗ tương của hiệp thông, tham gia và sứ mạng, Giáo hội sống tròn đầy hơn nữa sự sống của Chúa Thánh Thần. Cốt lõi ở đây là ‘kenosis của Thánh Thần’, tức là tình yêu quên mình/tự hiến. Xuyên qua kenosis của Thánh Thần, Thiên Chúa tiếp tục gặp gỡ chúng ta với ân sủng của Đức Kitô trong các lịch sử gãy đổ của chúng ta và lột trần các ảo tưởng của chúng ta, để chúng ta có thể được chữa lành trong mọi chiều kích nhân tính của mình.

Chính Thánh Thần là Đấng (a) kiến tạo bản chất hỗ tương của hiệp thông, tham gia, và sứ mạng; (b) làm cho chúng trở thành những nét thiết yếu của đời sống Giáo hội , vì thế mọi thành viên của Giáo hội được mời gọi thể hiện chúng ở bình diện địa phương và phổ quát; (c) tỏ lộ bản chất hiệp hành thiết yếu của Giáo hội.

Chính Chúa Thánh Thần không ngừng thúc đẩy Giáo hội ‘vượt quá’ chính mình, đi vào ‘cảnh giới to lớn hơn mãi’ của Thiên Chúa và của sự hy sinh có sức cứu chuộc của Thiên Chúa cho sự sống của trần gian. Chính trong chuyển động ‘vượt quá’ này mà Giáo hội trở thành một ‘sự hiệp thông trong đa dạng’. Ở đây, mọi người đều tìm thấy tiếng nói và chỗ của mình; ở đây, mọi người đều được khẳng định. Giáo hội trở thành ‘lều hội ngộ’ (x. Xh 33,7-10), nơi Thiên Chúa đến gặp dân Ngài, nơi mà tất cả nhân loại được Thiên Chúa tiếp đón. Cảnh giới vô hạn của Thánh Thần ngự trị đúng ở đây, nơi mà Giáo hội mở ra với Thiên Chúa. Chính qua Thánh Thần mà nhiều người trở nên một trong Đức Kitô, nhưng không hư tổn hay đánh mất căn tính (nguyên lý Ba Ngôi). Trong Thánh Thần, hiệp thông trở thành một sự hòa hợp và một sáng tạo mới mẻ, bởi vì nó đòi chúng ta phải suy nghĩ và sống trong liên hệ với người khác (tình yêu). Đây là một phần của tâm thế (habitus) mà tính hiệp hành được mời gọi hướng tới.

Đây không phải là hình dung xã hội lý tưởng (Utopian) mà chúng ta phải phấn đấu hướng tới. Đúng hơn, đây là một kinh nghiệm về ân ban mà chúng ta vốn đã nhận được trong Phép Rửa, một ân sủng làm cho tất cả chúng ta trở thành người tham dự vào Thân Thể Đức Kitô. Kinh nghiệm ân sủng này được sống và được hiện thực hóa trong mọi phụng vụ Thánh Thể, trong đó chúng ta gặp gỡ sự hội nhập hằng ngày của đời sống bí tích và sứ mạng. Theo cách này, Giáo hội hiệp hành có thể nói với tình trạng phân hóa, cô độc, bất ổn và lo lắng của thời đại hôm nay. Giáo hội có thể cung ứng một tầm nhìn tương quan mới cho tương lai của một nhân loại được qui tụ trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, một tương lai vốn đã bắt đầu ở đây và lúc này.[10]

Nếu sự sống của Thánh Thần mở ra những khả năng cho một thế giới đổi mới và một công trình tạo dựng được chữa lành, thì nó cũng cho chúng ta thấy cách mà tất cả những công cuộc thể chất và tâm linh này của tình yêu cứu chuộc vận hành sứ mạng và linh đạo của Giáo hội hiệp hành, những công cuộc và những hành động chảy ra từ một linh đạo hiệp hành. Nó giúp diễn tả các bí tích vốn nâng đỡ và hướng dẫn dạng thức ơn gọi của mọi đời sống Kitô hữu, vì mọi người trong Giáo hội đều tham gia vào sứ mạng của Giáo hội, mỗi người theo ân sủng mà mình nhận được. Dù không xem nhẹ bất cứ bí tích nào của Giáo hội, chúng ta vẫn có thể nhận ra tầm quan trọng của bí tích Phép Rửa và bí tích Thêm Sức, bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải.

Bí tích Phép Rửa đặt nền móng cho căn tính chung và sự tham dự của chúng ta trong Đức Kitô và Giáo hội. Nó là sự khởi đầu và nền móng của tiếng gọi nên một trong Đức Kitô, nhờ tình yêu nhận được từ Thánh Thần mà chúng ta cùng chia sẻ trong mối tương quan của chúng ta. Hơn nữa, Phép Rửa là khuôn mẫu biểu lộ và ‘dẫn nhịp’ cho đời sống Kitô hữu. Phép Rửa là ‘nơi’ chúng ta tham dự vào sự sống của Chúa Cha trong tư cách là con cái của Ngài. Chúa Cha ban cho ta ơn tha thứ của Ngài, không phải như một hành động đơn độc chỉ chạm đến quá khứ của ta; trái lại, Ngài nhận chìm toàn thể đời sống của chúng ta trong nước của lòng thương xót. Vì thế, chúng ta không chỉ luôn được tha thứ (và có khả năng tha thứ) bởi Thiên Chúa, mà một cách nào đó chúng ta luôn được trao ban cơ hội để sống kinh nghiệm thương xót và chia sẻ nó với người khác. Theo nghĩa này, Giáo hội có thể được xem như cộng đoàn trong đó chúng ta thường xuyên kinh nghiệm và học tập – nhờ quà tặng Thánh Thần (và xuyên qua nhiều tội lụy của mình) – cách sống xứng hợp với sự tha thứ này để có thể thi thố cho người khác. Đồng thời, lòng thương xót của Thiên Chúa không loại bỏ công lý. Đúng hơn, như ta thấy ở trên, qua việc nhìn nhận các tội lỗi của chúng ta, công lý của Thiên Chúa luôn luôn mở ra một nẻo đường hy vọng, một hành trình sám hối, hòa giải, và trưởng thành. Kinh nghiệm này, vì thế, là khuôn mẫu và không gian sống động cho đời sống Giáo hội.

  1. Hơn nữa, ơn tha thứ, xét như kinh nghiệm được yêu thương bởi một tình yêu mạnh mẽ hơn bất cứ sự từ khước và chối bỏ nào, thì bao gồm toàn thể thụ tạo. Thật vậy, thế giới không còn chỉ là một ‘vật’, nhưng là nơi mà Thiên Chúa chạm đến chúng ta với tình yêu cứu độ của Ngài; và tình yêu cứu độ này chạm đến ta không chỉ ở một bình diện nội tâm (hay về mặt luân lý), nhưng nó chạm đến chính da thịt và xác thân chúng ta. Thật vậy, qua sự cầu khẩn Chúa Thánh Thần, thế giới vật chất (như nước trong Phép Rửa) trở thành nơi con người gặp gỡ ân sủng thần linh; tính thể chất của chúng ta trở thành nơi mà ân sủng này luôn luôn hoạt động.
  2. Như đã thấy, trong Phép Rửa và ơn tha thứ, chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta không phải là những khách qua đường hay tôi tớ, và chắc chắn chúng ta không phải là những kẻ đột nhập. Chỗ của Chúa Con là chỗ của chúng ta. Chúng ta ở trong ngôi nhà có nhiều chỗ ở (Ga 14,2). Nhờ Phép Rửa, mọi người trong Giáo hội có cùng phẩm giá; tất cả chúng ta đều là con cái của Chúa Cha, và vì thế không có gì có thể hay phải được bổ sung vào tư cách đó. Đồng thời, sự hiệp thông trong phẩm giá này – cũng như trong chính Ba Ngôi – hàm chứa những sự khác biệt có tính ngôi vị. Theo đó, Giáo hội là cộng đoàn không sợ bất cứ sự khác biệt nào về xã hội, văn hóa, hay phái tính, vì chính trong những khác biệt này mà sự hiệp thông được diễn tả. Chỉ do tội lỗi của chúng ta mà những sự khác biệt mới gây ra chia rẽ. Thật vậy, qua sự cứu chuộc – kinh nghiệm nên một nhờ sự hiệp nhất của chúng ta trong Đức Kitô – những sự khác biệt trở thành ‘chất liệu’ nhờ đó chúng ta sống trong tư cách chỉ một cộng đoàn và chỉ một thân thể. Nhận thức này có thể trở thành một đóng góp văn hóa mà Giáo hội xét như một cộng đoàn có thể chia sẻ với những ai ở bên ngoài ranh giới của mình. Việc chia sẻ tầm nhìn này có thể giúp chúng ta cùng nhau học hỏi cách củng cố các mối dây gắn kết lẫn nhau giữa các cá nhân và giữa các cộng đồng, không phải bất chấpnhững khác biệt của chúng ta mà là trong và xuyên quanhững khác biệt ấy.
  3. Thánh Thểlà “nguồn và chóp đỉnh đời sống Giáo hội”.[11] Trong bí tích Thánh Thể, Giáo hội kinh nghiệm chính mình như đã ở trong sự hiện diện của Chúa Cha, tại bàn ăn của Con Chiên Thiên Chúa bị hành quyết nhưng đang sống. Chúng ta nên giống với Chúa Giêsu Kitô hơn nhờ việc không ngừng thanh tẩy tội lỗi mình và nhất là thanh tẩy cách nghĩ và cách ứng xử phàm trần. Trong bí tích Thánh Thể, Nước Thiên Chúa được tỏ hiện cho chúng ta như là đang có mặt và hoạt động. Bất cứ khi nào tình huynh đệ, tình thân hữu đích thực và sự dấn thân lấp đầy các mối tương quan và các cơ chế của chúng ta, thì lời cầu khẩn Thánh Thần trong cử hành Thánh Thể tiếp tục lan tỏa.

Thánh Thể quả thật là bí tích của Giáo hội bởi vì đó là Thân Thể Đức Kitô. Khi chúng ta cử hành Thánh Thể và tham dự vào bữa tiệc của Chúa, thì ân sủng Phép Rửa, nhờ đó chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể Người, đạt đến mức viên mãn. Sự việc chúng ta nên một trong Đức Kitô sẽ được nuôi dưỡng và đào sâu cho tới khi nó lấp đầy hiện hữu và các mối tương quan của chúng ta. Như Thánh Augustinô nói: ‘Như vậy, nếu anh chị em là Thân Mình và là những chi thể của Đức Kitô, thì chính mầu nhiệm của anh chị em được đặt trên bàn ăn của Chúa đó! Anh chị em đang đón nhận mầu nhiệm của chính mình đó! Anh chị em thưa “Amen” trước sự thật về chính mình. Khi nghe giới thiệu “Mình Thánh Chúa Kitô”, anh chị em đáp “Amen”. Quả thật, khi nghe nói “Mình Thánh Chúa Kitô” thì anh chị em thưa “Amen”. Hãy trở thành một chi thể của Thân Mình Đức Kitô, để tiếng thưa “Amen” của anh chị em được chân thật![12]

Từ nhãn quan này, chúng ta có thể thấy rằng bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng trong chúng ta cái động lực đã được khai mở bởi Phép Rửa, nhờ đó chúng ta bắt đầu tham dự trong tư cách một cộng đoàn vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Đức Kitô, chúng ta chia sẻ sự sống của Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chúng ta được xức dầu bằng tình yêu của Thánh Thần. Hành động của Thánh Thần không duy chỉ có tính ‘thiêng liêng’, mà cũng tác động đến thực tại xác thân vật chất của chúng ta nữa. Nhờ được xức dầu Thánh Thần, toàn thể con người được tác động; thân xác cũng kinh nghiệm ân sủng này trong tình yêu mà chúng ta chia sẻ với người khác, xuyên qua mọi kinh nghiệm đón tiếp và phục vụ của đức ái.

Thánh Thể cũng định hình cách chúng ta nhìn thế giới và liên hệ với thế giới, vì thế giới được tạo thành như ‘chất thể’ của một Thánh Thể phổ quát, và nhân loại được tạo dựng để làm tư tế của bí tích vũ trụ này. Vì thế, Thánh Thể xác định cho chúng ta tâm thái phụng vụ đối với thế giới. Thánh Thể đặt chúng ta đứng ở trung tâm thế giới và giúp hợp nhất chúng ta trong hành động chúc tụng Thiên Chúa, đón nhận thế giới từ Thiên Chúa – và đồng thời, khi dâng hiến thế giới cho Thiên Chúa và lấp đầy thế giới bằng cử hành Thánh Thể / tạ ơn này, Thánh Thể giúp biến đổi đời sống chúng ta, đời sống mà chúng ta nhận từ thế giới, thành một sự sống trong Thiên Chúa, thành sự hiệp thông.

Tính hiệp hành, hiểu như sự sống của Giáo hội, là một ân ban mà chúng ta không thể tạo ra bằng các nỗ lực hay các sách lược của mình. Trái lại, đó là nẻo đường tiến triển trong sự tham gia và tháp nhập vào Thân Thể duy nhất của Đức Kitô, cho phép chúng ta – cá nhân và cộng đoàn – có nơi mình ‘tâm tình như đã có nơi Đức Kitô Giêsu’ như Thánh Phaolô diễn tả (Pl 2,5). Thật vậy, qua mối hiệp thông duy nhất với Đức Kitô và đồng thời với anh chị em mình, tính hiệp hành đưa chúng ta vào trong ý nghĩ và tâm tư của chính Đức Kitô. Do đó, bất chấp những tội lỗi và những thất bại của mình, chúng ta – trong tư cách là Giáo hội – có thể là sự hiện diện của Đức Kitô , Đấng chữa lành, an ủi, chăm sóc và dẫn dắt các anh chị em của Người đến với vòng tay của Chúa Cha. Kết hợp với và giống với Con Chiên bị giết, Giáo hội khám phá nơi Thánh Thể rằng mình là tấm bánh được bẻ ra và trao ban ‘cho thế gian được sống’ (Ga 6,51), để nhờ đó ‘thế gian được cứu độ’ (Ga 3,17).

Vẻ đẹp là cố hữu trong đời sống đức tin, nó luôn được khơi lên hay tỏ lộ, theo cách thức hay cấp độ nào đó, trong kinh nghiệm hiệp hành. Đó là một dấu chứng chắc chắn của sự sống trong Thánh Thần. Vẻ đẹp này, có đó trong đức tin, thì siêu vượt trên lý tính và can dự đến trí năng của trái tim và tinh thần, vì sự thật sở hữu vẻ đẹp riêng của nó. Tuy nhiên, vẻ đẹp không duy chỉ là sự hài hòa hay sự quân bình; đúng hơn, vẻ đẹp là hoa trái của năng động vượt qua mà chúng ta được đưa vào nhờ Phép Rửa. Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là thực tại duy nhất có thể hiện diện trong những tương phản của lịch sử, trong các bi kịch và ngay cả trong sự chết. Vì thế, nhân tính thần linh cụ thể của Đức Giêsu Kitô trong biến cố Phục sinh làm nên vinh quang tột đỉnh của Thiên Chúa mà chúng ta có thể đọc thấy như là vẻ đẹp. Trong Kitô giáo, chỉ có một thẩm mỹ là thẩm mỹ vượt qua, nghĩa là, một thẩm mỹ của bi kịch và của sự vượt qua bi kịch, của hy sinh và của hoa trái nhận được từ hy sinh, của oán hận và của tình yêu ở giữa sự oán hận ấy làm cho nó chuyển hóa thành ơn ban, của sự chết và của sự sống lại từ sự chết.

  1. Vẻ đẹpcó tính nghịch lý, vì Đức Kitô tuẫn đạo trên đồi Can vê cũng chính là Đức Kitô được thấy là con người đẹp nhất giữa loài người.

Nghĩa là không thể nghĩ về vẻ đẹp duy chỉ ở bình diện hình thức. Nghịch lý này mạnh đến nỗi người ta không thể tiếp cận được nó nếu không có một ánh sáng chiếu soi tâm trí là Chúa Thánh Thần. Kalón, hàm nghĩa cả vẻ đẹp và sự thiện hảo, được hiện thực hóa trong sự tiêu diệt tội lỗi. Sự tiêu diệt tội lỗi này, về phần nó, diễn ra xuyên qua một sự hy sinh đầy yêu thương trong đó sự dữ – ngay cả dù gây biến dạng, méo mó và xấu xí – vẫn không thể xóa mất sự tròn đầy của vinh quang biểu hiện nơi chính khuôn mặt méo mó ấy bởi hành động cứu độ.

Khi chúng ta chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh, Chúa Thánh Thần mạc khải cho chúng ta rằng một đời sống được tình yêu xuyên thấu là một đời sống đẹp. Nếu Giáo hội là sự hiệp thông của các Kitô hữu là những người tìm cách sống ơn gọi Phép Rửa của mình, vốn thiết yếu là ơn gọi yêu thương, thì sự hiệp thông Giáo hội gắn kết chặt chẽ với vẻ đẹp. Vẻ đẹp là ơn chính trực thiêng liêng được Chúa Thánh Thần thông ban cho mỗi người. Vẻ đẹp chạm đến sự cứu chuộc chúng ta, vì đó là sự sống con người được cuốn hút vào trong tình yêu. Trong vẻ đẹp có hàm chứa sự khôn ngoan của đời sống đích thực; vẻ đẹp là con đường dẫn tới Chúa Thánh Thần và thế giới tâm linh. Đối với Kitô hữu, vẻ đẹp thể hiện không chỉ (hay thậm chí không chủ yếu) trong nghệ thuật, nhưng trong phụng vụ, là nơi mà chúng ta nhận lãnh ‘sự sống trong Thánh Thần’ này, và trong nhiều cách thế qua đó tình yêu được thông ban xuyên qua những việc tốt lành mà mỗi người làm. Trong đời sống đức tin, ‘vẻ đẹp’ là lúc và nơi mà sự thật, tình yêu và hữu thể cùng hội tụ trong con người của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Nhờ sự sống của Chúa Thánh Thần ở trong mình, mọi Kitô hữu không ngừng được biến đổi thành chính sự ‘hội tụ’ này trong thời gian và không gian; mọi Kitô hữu được biến đổi hình dạng thành một ánh sáng có sức thánh hóa để phục vụ toàn thể nhân loại.

  1. Trong đời sống của những người đã chịu Phép Rửa, vẻ đẹp là một cách sống và hiện hữu làm tỏ lộ vẻ đẹp của Đức Kitô trong nhục thể của chúng ta và biểu hiện ơn cứu chuộc của Người. Trong đời sống Kitô hữu, vẻ đẹp có thể được diễn tả bằng những hình ảnh và những thể loại nghệ thuật; hoặc nó có thể được diễn tả trong những sáng tác (poiesis) của lòng mộ đạo và của phụng vụ, sử dụng những ngôn ngữ vượt quá các từ ngữ và các ý niệm; hoặc nó có thể ở nơi những hành động đơn sơ của tình yêu và sự chính trực qua đó chúng ta được phục hồi nhân tính của mình.

Trong tất cả những điều này, Giáo hội khám phá rằng toàn thể các kênh liên lạc của mình có tính đặt nền và kiến lập kinh nghiệm của mình về Thánh Thần của lễ Hiện Xuống, Đấng không ngừng sáng tạo và làm chứng cho Đức Kitô chịu đóng đinh và Phục sinh trong mọi ngôn ngữ của con người. Dù trong những khoảnh khắc chiêm niệm xuất thần, hay trong những khoảnh khắc chúng ta chú tâm đến những cách thức mà đức tin biểu lộ ra trong vẻ đẹp, chúng ta đang chạm vào gấu áo của Thiên Chúa; bệnh xuất huyết của linh hồn và hữu thể chúng ta được chữa lành, và chúng ta nhìn thấy vinh quang thần linh được tỏ lộ nơi khuôn mặt của Đức Kitô (2Cr 4,6; Ga 1,4).

Một khía cạnh tích cực của cách tiếp cận này đối với vẻ đẹp nằm trong sự kiện rằng nó không hạn chế. Nếu chúng ta dùng một phương pháp biện luận, chủ yếu mang tính khái niệm hay đạo đức, thì một cuộc tranh luận sẽ nổi lên và sẽ dẫn tới một biện chứng các quan điểm.

Vì vẻ đẹp được định hình bởi đức tin và chảy ra từ đức tin, nó chạm đến những nguồn khát vọng Thiên Chúa sâu thẳm nhất của chúng ta. Vẻ đẹp kêu gọi chúng ta đến với nó mà không hàm hồ và không đánh lừa. Thẩm quyền của nó sâu hơn nhiều so với lý tính. Vẻ đẹp quyến rũ, lôi cuốn và đưa dẫn chúng ta vào chỗ của nó, như cách Origen nói về cô nương trong Diễm Ca.

  1. Qua tất cả những điều này, vẻ đẹp đan kết chúng ta vào trong mối hiệp thông Giáo hội. Hơn bất cứ thực tại thiêng liêng nào khác, vẻ đẹp sẽ giúp Giáo hội vượt quá việc diễn tả chính mình chỉ như một cơ chế, để tự thể hiện mình – cả trong lịch sử lẫn trong Nước Thiên Chúa – như là thân thể sống động cách chân thực. Tính hiệp hành, xét như cấu tố làm nên Giáo hội, sẽ diễn tả vẻ đẹp năng động của đời sống / mối hiệp thông Giáo hội và sự thánh thiện của Giáo hội.

Giáo hội hiệp hành được mời gọi trở thành một Giáo hội đại kết.[13] Sự hiệp thông trọn vẹn chờ đợi chúng ta vốn dĩ đã được dự phóng trong tiến trình hiệp hành và trong thực tại Giáo hội phổ quát, nhưng chúng ta cũng nhìn nhận rằng sự hiệp thông ấy vẫn còn cục bộ và chưa trọn vẹn. Vì thế, đại kết là một yếu tố thiết yếu của tiến trình hiệp hành, vì nó luôn sống động bởi chính ước muốn mà Đức Kitô bày tỏ trong lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha ‘để tất cả nên một’ (Ga 17,21). Đây là một sự hiệp thông năng động trong đó tính đa dạng hợp lý của các giáo hội không bị đánh mất, nhưng các ân ban, các lịch sử và lời chứng cho Đức Kitô được thu thập và trân quí vì lợi ích của toàn thể Thân Mình Đức Kitô. Sự hiệp thông như thế sẽ củng cố chứng tá và sứ mạng giữa toàn thể ngôi nhà của Chúa; nó không thể làm suy vong ngôi nhà ấy. Đồng thời, tiến trình hiệp hành cũng là một tiến trình sám hối, tha thứ, và hòa giải, vì mỗi cộng đoàn mang trong ký ức và lịch sử của mình những vết thương do các chia rẽ trong quá khứ, cũng như mang triển vọng về sự hiệp nhất trong tương lai. Khi được qui tụ trong mối hiệp thông, Giáo Hội của các giáo hội hiệp hành trở thành một ánh sáng cho các quốc gia đang chia rẽ trong thế giới. Xung đột và bạo lực có thể được vượt qua, các lịch sử của chúng ta có thể được chữa lành và hòa giải để chúng ta có thể đạt tới sự tròn đầy nhân tính chung của mình, cùng nhau làm việc cho thiện ích của mọi người, và trách nhiệm đối với mọi loài thụ tạo trong ngôi nhà chung của chúng ta.

Giáo hội tiến bước về Nước Thiên Chúa, nhưng đồng thời Giáo hội cắm rễ ở nhiều nơi chốn. Ngay từ đầu, từ ‘Giáo hội’ đã vừa có nghĩa ‘một nơi chốn’ vừa có nghĩa ‘thuộc về một cộng đoàn phổ quát’ như thế. Đối với những nơi chốn cụ thể của con người là Êphêsô, Corinthô, Antiokia và Rôma, từ ‘Hội Thánh’ luôn qui chiếu đến cộng đoàn thuộc về Thiên Chúa ở đó, cộng đoàn mà Thiên Chúa đã mua sắm bằng máu của Con Ngài (Cv 20,28). Vì thế, chúng ta không dùng ngôn ngữ chỉ các ‘phân mảnh’ để nói về các giáo hội khắp nơi trên thế giới, thay vào đó chúng ta nói về Giáo hội ‘địa phương’, tức ‘Giáo hội ở nơi đó’. Như vậy Giáo hội của Thiên Chúa vươn ra tới toàn thể nhân loại, thâm nhập vào mọi nơi chốn của thế giới, chính tại nơi đó và qua Phép Rửa, Giáo hội trở nên sự thứ tha tội lỗi và ân ban của Thánh Thần, trở nên cộng đoàn của sự hòa giải cánh chung.

Mỗi Giáo hội như vậy tồn tại giữa chốn tha hương và thuộc về đoàn hành hương trên đường đi tới Nước Thiên Chúa, nơi mà tất cả sẽ được qui tụ từ ‘bốn phương trời’ để đi vào một mối hiệp thông trọn vẹn cuối cùng có sức biến đổi sự hiệp thông chưa trọn vẹn vốn đã có sẵn.

Vì thế, mỗi Giáo hội địa phương hoàn toàn mở ra cho một chân trời cánh chung, cho sự ‘vượt quá’ có sức lôi kéo Giáo hội qua khỏi những giới hạn của mình, qua khỏi sự đóng kín nơi chính mình, thậm chí qua khỏi những giới hạn bị áp đặt bởi bối cảnh lịch sử và bởi số phận của nơi chốn mà mỗi Giáo hội cắm rễ vào. Vì nơi mỗi Giáo hội người ta gặp thấy những gì có nơi tất cả các giáo hội, và nơi tất cả các giáo hội người ta gặp thấy những gì có nơi mỗi Giáo hội, nên cùng với nhau tất cả là một Giáo hội duy nhất của Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa rằng mỗi Giáo hội bổ sung điều gì đó xem ra thiếu vắng nơi một Giáo hội khác, mà có nghĩa rằng mỗi Giáo hội đều đồng nhất với Giáo Hội mà Thiên Chúa đã lập nên ở Giêrusalem vào ngày Lễ Ngũ Tuần; đó là Giáo hội tiên báo về Nước Thiên Chúa, như một bảo chứng và như hoa quả đầu mùa (2Cr 1,22; 5,5; Rm 8,23; Ep 1,14), Vương quốc của Chúa Cha chưa được Giáo hội dự phần đầy đủ, nhưng điều này được chờ đợi cho lễ mừng sự hiệp thông phổ quát.

II THỰC HÀNH LINH ĐẠO HIỆP HÀNH: PHÁT TRIỂN MỘT TÂM THẾ HIỆP HÀNH

Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội chiêm niệm. Đó là một Giáo hội mà trong đó Thánh Kinh và các bí tích là cốt lõi, vì đây là trường dạy một tầm nhìn mở ra trước nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa trong tất cả các thực tại của thế giới thụ tạo, của hiện sinh con người, và của lịch sử. Tính hiệp hành không thể được thực hiện hay được nâng đỡ trừ phi nó dựa trên việc cầu nguyện của Giáo hội và dựa trên đoàn dân tín trung của Thiên Chúa. Việc cầu nguyện sẽ mở lòng trí người ta ra với tất cả những gì Thiên Chúa đang làm và những gì Thiên Chúa mong muốn cho nhân loại và cho thế giới thụ tạo; việc cầu nguyện cũng nuôi dưỡng và uốn nắn ý chí để chúng ta luôn muốn khát khao và hành động theo thánh ý Thiên Chúa và nhằm mục tiêu cứu độ. Theo cách này, tất cả việc cầu nguyện là một ân ban của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể bắt chước Đức Kitô, Đấng mà trọn hiện hữu của Người là một lời cầu nguyện.

Việc cầu nguyện của Giáo hội, trong bí tích và phụng vụ, cũng là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống là Đấng hoạt động trong và ngoài thời gian. Đó là một khoảnh khắc khai mở trong đó chúng ta nhận ra những gì Thiên Chúa đã làm và nhận ra mình đang trở thành gì. Vì thế Giáo hội vừa là người giữ ký ức của nhân loại (về chúng ta là ai và chúng ta được mời gọi trở nên gì), vừa là chứng nhân cho niềm hy vọng diệu kỳ vốn luôn có đó cho chúng ta xuyên qua ân sủng.

Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe.[14] Giáo hội chú ý đến tất cả những cách thức mà Thiên Chúa tự truyền đạt chính Ngài. Giáo hội chú ý đến những chuyển biến của thế giới và nhiều tiếng nói cất lên để khóc than, phản kháng, van nài, và làm chứng. Một Giáo hội lắng nghe sẽ dành sự chú tâm cho nhiều câu chuyện khác nhau của các cuộc đời, các nền văn hóa, và các dân tộc. Người ta có thể nói rằng Giáo hội là một nơi nghe kể chuyện. Để lắng nghe, trước hết cộng đoàn phải ý thức tất cả những gì được chuyển tải, đều này làm cho việc chú tâm lắng nghe khác với chỉ ‘nghe’ suông. Rồi phải hiểu tại sao ‘lắng nghe’ là một hành động chú ý, một quà tặng, và một sự nhìn nhận người khác; một lòng quảng đại sẵn sàng cho phép họ nói bằng tiếng nói của họ, chứ không cố ấn định trước các phạm trù hay diễn dịch nhằm làm cho sự thách đố của người ta trở thành dễ chịu hơn và dễ chấp nhận hơn. Lắng nghe là một ơn ban đặt chúng ta ở vị thế tùy vào người khác. Nó mang một nghĩa vụ đạo đức bước đi với họ, vì khi chúng ta chú tâm tới một ai đó, chúng ta làm cho đời sống và câu chuyện của họ thành câu chuyện của mình. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta chọn ưu tiên cho những ai mà cuộc sống của họ phải chịu đựng bạo lực của nghèo túng, và những ai phải mang gánh nặng bị tẩy chay, bị gạt ra bên lề, hoặc gánh nặng do những câu chuyện sai sự thật và xuyên tạc. Khi lắng nghe, chúng ta cũng đang tham vấn: thực sự tìm cách rút ra tri thức, kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người khác. Lắng nghe, cũng là tham vấn, là một hành động can dự vào nhau, vì tất cả chúng ta đang cùng nhau tìm kiếm điều thiện hảo mà Chúa Thánh Thần mời gọi mình. Vì thế, sự phân định tốt nhất được đặc trưng bởi tính bao gồm và cởi mở.

Khi ta ‘lắng nghe’, ta hiểu cái tiếng nói nằm ẩn trong tiếng nói mà mình nghe, nghĩa là tiếng nói sâu thẳm của Chúa Thánh Thần. Thường thì tiếng nói này không thể tiếp cận bằng lời, tuy nhiên nó vẫn nói được với chúng ta ‘từ trái tim tới trái tim’ trong nhạc điệu vô thanh của Thiên Chúa. Việc lắng nghe ở cấp độ như thế đòi hỏi một sự tự do để sẵn sàng nhận bất cứ gì Chúa Thánh Thần mời gọi hay đi bất cứ đâu Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nó cũng đòi chúng ta lắng nghe với trí năng hay tri thức của đức tin, để cho Đức Kitô và Lời Thiên Chúa trở thành trường học trong đó chúng ta học biết nhìn nhận, hiểu, và phán đoán những gì mình nghe.

Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội phân định.[15] Giáo hội là một cộng đoàn hành hương đang trên con đường mà Thiên Chúa dẫn dắt xuyên qua lịch sử bao la thăm thẳm.[16] Để nắm chắc rằng đó là lối bước mà Thiên Chúa đang dẫn dắt mình, Giáo hội luôn tích cực đảm nhận việc phân định. Mặc dù việc phân định này có thể liên quan tới những tiến trình tương tự thuộc trí năng và suy tư, có thể phân biệt giữa việc phân định và việc thận trọng lấy quyết định. Phân định thiết yếu là một hành động thần học; đó là ơn khôn ngoan để nhìn mọi sự trong liên hệ với Thiên Chúa và nhận ra ước muốn của Thiên Chúa về điều tốt lành trường cửu cho con người như được mạc khải nơi Đức Kitô. Phân định là diễn tả lòng chúng ta khát khao yêu mến Thiên Chúa và tìm cách tốt nhất để phụng sự cho mục đích cứu độ của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh phức tạp và thay đổi không ngừng của đời sống chúng ta, mà không bao giờ đánh mất ý thức về định mệnh và mục tiêu tối hậu mà Đức Kitô mời gọi chúng ta. Điều này có nghĩa rằng việc phân định cũng ràng buộc chúng ta vào một tiến trình không ngừng biến đổi cách nhìn và cách hiểu, cách yêu thương và hành động, khi chúng ta nhìn thế giới qua và trong Đức Kitô, và nhận hiểu công trình cứu chuộc không ngừng của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta. Đây cũng là sự sống của Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta và trong Giáo hội, làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và đưa chúng ta vào trong sự thật.[17]

Cầu nguyện: Việc phân định luôn luôn có một bối cảnh. Tuy nhiên, ngay cả dù các hoàn cảnh trong đó chúng ta phân định đang thay đổi, thì việc cầu nguyện và lắng nghe vẫn không thay đổi. Việc cầu nguyện sẽ mở lòng chúng ta và giúp ta sẵn sàng chú ý đón nhận lời Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ nhận ra cách mà Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong mọi hoàn cảnh và mọi khoảnh khắc.

Lời cầu nguyện của Chúa – tức Kinh Lạy Cha – kinh nguyện nền tảng nhất của đời sống Kitô hữu, là một lời cầu nguyện xin ơn phân định: ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’. Đây là lời cầu nguyện được Đức Kitô sống không chỉ trong hành động mà cả trong con người của Người nữa. Với những lời mở đầu rất quen thuộc này của Kinh Lạy Cha, chúng ta đặt mình vào đúng tư thế sẵn sàng để phân định:

– Chúng ta hướng về Thiên Chúa như điều kiện và mục đích nền tảng của đời sống mình. Nhờ ơn nghĩa tử, giờ đây chúng ta có thể nhận biết bản chất và chiều sâu của Thiên Chúa cách thật sự, không phải như thần linh nào đó xa xăm, nhưng như Abba, ‘Cha’ (Gl 4,6).

– Biết và yêu mến Thiên Chúa là tìm cách thi hành thánh ý Ngài. Đây là sự viên mãn của mọi đời sống và là nguồn mạch tối hậu của niềm vui trong đời. Phân định là một hành vi của đức tin – biết, yêu và tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi sự và trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta. Nếu điều này đúng cho các cá nhân, thì cũng đúng cho Giáo hội, là cộng đoàn đức tin rộng lớn.

– Chúng ta cũng khám phá rằng Thiên Chúa không chỉ có một mục đích cho chúng ta, mà cả cho toàn thể nhân loại, và thực sự là cho mọi loài thụ tạo nữa.

– Chính khi ta nhận ra điều này, các tương quan và các trách nhiệm của ta sẽ biến đổi. Chúng ta trở thành người phục vụ và bạn hữu của Đức Kitô trong công cuộc chữa lành thế giới, cho đến khi thế giới đạt tới sự sống viên mãn theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Đây là bước dẫn chúng ta vào một cách thức mới để nhận hiểu và hành động, và đánh dấu cuộc hoán cải của chúng ta.

Nguyện ý Cha thể hiện’, đây không chỉ là một lời cầu nguyện; đây là sự khát khao sâu thẳm và dấn thân. Dù trong những chuyện lớn hay trong những điều vặt vãnh hằng ngày, khi Chúa Thánh Thần cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha trong chúng ta, thì sự phân định của chúng ta được đặt dưới chủ quyền của Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa được công bố, và danh Thiên Chúa nơi Đức Kitô được thánh hóa. Vì thế, việc phân định gắn không rời với ơn gọi và sứ mạng của mọi thành viên Giáo hội và của chính Giáo hội. Chúng ta xin ơn phân định mỗi khi cầu nguyện bằng Lời Cầu nguyện của Chúa, và chúng ta đi vào sâu hơn trong đời sống và sự phục vụ của Chúa.

Phân định như sự hòa hợp – một ẩn dụ. Theo nhiều cách, chúng ta có thể nhìn ơn phân định theo kiểu nói về âm nhạc. Thường chúng ta tập hát bằng cách hát với những người khác. Nhờ họ, chúng ta tập nhận ra những nốt đúng và những nốt sai. Dần dần, chúng ta trở nên quen với âm nhạc và chúng ta bắt đầu nhận biết hầu như bằng trực giác khi mình hát đúng. Cũng vậy, từ sự quen thuộc với Thiên Chúa, chúng ta có thể bắt đầu nhận ra điều gì đúng và hòa hợp với mục đích của Thiên Chúa, và điều gì sai lạc như chơi một nốt sai.

Chúng ta cũng có thể học biết cách Thiên Chúa yêu thương và hành động cho ơn cứu độ của thế giới xuyên qua ‘cung nhạc của Thập giá’. Cuối cùng, phân định là một hành động của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đó là sự hiểu biết có được qua tình yêu. Bằng việc phân định trong và qua tình yêu, chúng ta có thể bắt đầu hiểu thực tại trong tất cả các mối tương quan của nó, và trong hoạch định cuối cùng cho nó là tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, phân định cũng là mở lòng ra trong tình yêu và lòng thương xót đối với mọi sự. Như thánh Isaac Nineveh (thánh Isaac người Syria) diễn tả:

Thế nào là một trái tim thương xót? Đó là một trái tim rực cháy cho toàn thể tạo vật, cho con người, chim chóc, thú vật, cho ma quỉ, và cho tất cả những gì hiện hữu. Khi nghĩ đến tất cả, đôi mắt của một người thương xót sẽ tuôn tràn nước mắt. Bởi lòng thương xót sâu đậm mãnh liệt tràn ngập trái tim của một người như thế, và bởi lòng trắc ẩn lớn lao như thế, trái tim ấy bị chùng xuống, và người ta không thể chịu được khi nghe hay thấy bất kỳ tổn thương nào hay bất kỳ chút buồn khổ nào nơi bất cứ thứ gì trong tạo vật. Vì thế, một người như vậy sẽ không ngừng than khóc nguyện cầu ngay cả cho những con quái vật ngang ngạnh, cho những kẻ thù của chân lý, và cho những kẻ làm hại mình, để họ được bảo vệ và nhận được lòng thương xót. Và cũng vậy, một người như thế sẽ cầu nguyện cho cả gia đình loài bò sát, bởi lòng thương cảm lớn lao cháy bỏng vô hạn trong một trái tim giống như Thiên Chúa.[18]

Như vậy sự phân định đến qua đời sống của Giáo hội, qua những cuộc đời đầy tràn đức tin của các thành viên Giáo hội, qua tiết nhịp phụng vụ, qua sự chú tâm đến lời hằng sống của Thánh Kinh và qua việc cử hành các bí tích. Trong tất cả những cách thức này, đời sống hằng ngày của Giáo hội là trường dạy phân định cho chúng ta.

Tập trung vào Thiên Chúa – để ta được tự do: Nếu chúng ta muốn sống ‘hòa hợp’ với Đức Kitô, điều mà Chúa Thánh Thần tạo lập trong chúng ta, thì chúng ta phải cố gắng giữ Thiên Chúa ở trung tâm đời sống mình, làm ‘âm giai chính’ (cantus firmus) của cuộc sống. Vì thế, phân định luôn là một hành động qui hướng về Thiên Chúa; nó được hướng dẫn bởi tình yêu Đức Kitô và khát vọng của chúng ta muốn phục vụ Người sâu xa hơn và xây dựng Thân Thể Người là Giáo hội. Nó trực tiếp tuôn ra từ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, tình yêu này hướng toàn thể bản ngã chúng ta về Thiên Chúa và về công cuộc cứu độ của Thiên Chúa như được mạc khải trong Đức Kitô và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Phân định trong tự do. Việc phân định đòi hỏi tự do: sự tự do để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, và sự khiêm tốn giúp nhận ra và chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc Ngài có hay không liên can chúng ta vào việc phục vụ.

Như vậy mọi nỗ lực phân định đích thực đều bắt đầu bằng việc khảo sát mức độ tự do của chúng ta, và cầu xin ân sủng để giúp mình sẵn sàng. Mặc dù các ước muốn, các ý nghĩ và các hoạch định của mình sẽ là bối cảnh trong đó chúng ta tìm hiểu điều Thiên Chúa mời gọi mình, chúng cũng không thể là mục tiêu chủ yếu của chúng ta. Dù trong tư cách cá nhân hay cộng đoàn, chắc chắn chúng ta cần nhận ra chúng và cần hiểu cách mà chúng chi phối đến mình, để ta có thể phán đoán tốt hơn liệu chúng hỗ trợ hay cản trở mình trong tiến trình phân định: Phải chăng chúng bóp nghẹt không cho ta nghe và hiểu? Phải chăng chúng giúp ta cởi mở và sẵn sàng đón nhận hơn đối với những nguồn chuyển thông điều Thiên Chúa nói với mình? Phải chăng trước hết ta cần được hòa giải và tha thứ để có thể tự do khởi sự hành trình phân định, hoặc có thể đây sẽ là một trong những ơn mà mình sẽ nhận được trong chính tiến trình? Phải chăng chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó?

Dù chúng ta phán đoán các ước muốn, các ý tưởng, các hoạch định và các câu chuyện của mình thế nào, chúng ta cũng sẽ cần ơn ban tự do để từ bỏ hoặc thay đổi chúng, nếu chúng không giúp mình nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không phân định tốt nếu chúng ta không có tự do để đặt mình tùy Chúa định đoạt.

Theo nghĩa này, phân định cũng có nghĩa là cho phép Thiên Chúa tự do để Ngài yêu cầu chúng ta bất cứ gì cần cho việc phục vụ Ngài.

Trong suốt việc phân định của mình, chúng ta sẽ luôn cần tìm kiếm sự tự do này, cần xin ơn có ý hướng tinh thuần và có tiêu điểm minh bạch. Nếu không, sẽ luôn có nguy cơ chúng ta cố biến Thiên Chúa thành người phục vụ mình. Lúc bấy giờ phân định sẽ trở thành một loại báng bổ.

Khiêm nhường: Vì thế, mọi hành động phân định, dù của cá nhân hay cộng đoàn, sẽ bắt đầu trong khiêm nhường. Chuẩn mực ở đây là mầu nhiệm vượt qua, và khi cùng đi với nhau trong thái độ khiêm nhường, chúng ta cũng sẽ đi vào sự khiêm nhường của Chúa chịu đóng đinh và Phục sinh. Người phân định biết rằng chính sự khôn ngoan của thập giá dạy bảo và hướng dẫn mình. Người ấy không sợ bị xem là dại dột trước mắt của một thế gian không hiểu mình. Người ấy chỉ ước muốn tham dự vào công cuộc của Đức Kitô chịu đóng đinh và Phục sinh, công cuộc khai mở những kênh chuyển thông sự sống mới của Chúa Thánh Thần để con người và toàn thể tạo vật ‘được sống và sống dồi dào’ (Ga 10,10).

Nếu sự khiêm nhường đặt nền trên nhận thức rằng tất cả những gì chúng ta có đều đã được ban cho, thì nó cũng nhìn nhận rằng chúng ta cần ân sủng Thiên Chúa soi sáng những vướng mắc tội lỗi của mình và giải thoát mình khỏi chúng. Tội lỗi không chỉ ngáng trở chúng ta hành động, mà nó còn làm méo mó cách chúng ta hiểu biết và phán đoán. Chúng ta có thể làm mồi cho những ảo tưởng có vẻ như tốt lành. Chúng sẽ là những chướng ngại nếu không được ta nhận ra. Vì thế, việc phân định đòi hỏi thái độ dấn thân cho sự thật và sự minh bạch. Nhờ đó, nó cũng dễ được đón nhận bởi những người khác, là những người có sự hiểu biết mà chúng ta cần để hướng dẫn mình. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta liên can vào một sự phân định cộng đoàn. Chúng ta cần khao khát mở lòng ra với sự khôn ngoan của truyền thống và với sự thật mà Giáo hội chuyển tải trong giáo huấn và trong đời sống chung. Chúng ta cần sự khiêm nhường để nhìn nhận khi mình sai hay khi mình hiểu nhầm, và chúng ta cần sự khiêm nhường để thay đổi, sao cho chúng ta có thể cởi mở hơn với Thiên Chúa là Đấng kêu gọi chúng ta.

Chiều kích Giáo hội của sự khiêm nhường để phân định. Mọi sự phân định, ngay cả khi liên quan đến một vấn đề hay một chọn lựa cá nhân, đều được làm trong và với cộng đoàn đức tin; nó là một hành động có hàm ẩn tính Giáo hội. Dù kết quả cụ thể của tiến trình phân định ấy là gì, nó cũng sẽ dẫn tới một lòng tin sâu xa hơn vào Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội. Đây sẽ là một chỉ dấu cho biết một sự phân định chân thực.

Tuy nhiên, thật quan trọng việc nhìn nhận rằng mọi thành viên của Giáo hội đều vừa là một môn đệ vừa là một thầy dạy, quả thật là người ta phải tham gia làm môn đệ trong trường của Chúa để trở thành một thầy dạy. Nếu sự khiêm nhường để học tập và đi theo là điều kiện cho việc dạy, thì chúng ta cũng có thể hiểu các hàm nghĩa ở đây cho đời sống Giáo hội thật sâu rộng biết bao. Nếu quả thật rằng mọi giám mục đều vừa là môn đệ vừa là thầy dạy, thì cũng vậy, mọi linh mục và mọi bậc cha mẹ, và thật sự là mọi người, đều dạy bằng chứng tá đời sống của mình.[19] Điều này đòi hỏi không chỉ sự khiêm nhường như điều kiện tiên vàn của mọi người học tập đích thực, mà cũng cần có sự cởi mở giúp chúng ta tự do khỏi nỗi sợ, khỏi tham vọng, thành kiến và ý thức hệ vốn có thể che mờ không cho chúng ta nhận thấy hành động của Thiên Chúa trong thế giới và làm méo mó cách chúng ta đọc ‘những dấu chỉ của thời đại’.[20] Chất lượng phân định của chúng ta và những quyết định đạt được có thể được lượng giá qua những cách mà nó xây dựng Giáo hội, đào sâu sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo hội. Ở đây không nên loại bỏ tính sáng tạo, sự tự do và lòng dũng cảm (parrhesia) trong việc đi theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần để làm cho Đức Kitô được nhận biết và yêu mến.[21] Tiếng gọi của Đức Kitô luôn giải phóng chúng ta để ‘đi ra chỗ nước sâu…’ (Lc 5,4). Tuy nhiên, ở mọi giai đoạn, việc phân định và hoa trái của nó sẽ được kiểm soát bởi một sự khiêm nhường nhắm tìm kiếm thiện ích cho mọi người. Đôi khi điều này sẽ có nghĩa rằng chúng ta phải biết ân cần nhẫn nại chờ đợi và cảm thông để cho phép mọi người tham gia trong bình an và tin tưởng. Không giống như những tiến trình đưa ra quyết định khác, việc phân định sẽ không vận hành tốt nếu nó được làm bằng cách áp đặt một cái nhìn riêng hay bài bản hành động nào đó. Trong bất cứ cộng đoàn nào, người ta cũng có những khả năng và cách thức khác nhau để nhìn sự vật; không thể có chuyện mọi người di chuyển cùng một nhịp (1Cr 8,9). Một phần của sự triển nở mà sự phân định trong cộng đoàn đem lại, đó là lòng tôn trọng lẫn nhau, niềm mong ước thật sự rằng không ai bị coi thường hay loại trừ, và sự kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi tất cả đều sẵn sàng.

Sẽ có được sự khiêm nhường khi chúng ta chọn lắng nghe và chờ đợi. Thật vậy, tâm thế chủ đạo là nồng nhiệt lắng nghe, tức là quảng đại đối với người đang nói, ngay cả khi mình có thể không đồng ý hoặc bị bối rối trước điều họ nói hay cách họ nói. Sự lắng nghe nồng nhiệt như thế sẽ không nóng vội; nó sẽ tìm cách khám phá nhãn giới, tri thức, sự thật hay nỗi đau trong những gì đang được nói mà vốn thường khó diễn đạt trọn vẹn bằng lời. Một tâm thế lắng nghe quảng đại, khiêm nhu và nồng nhiệt sẽ chạm tới được người khác và thực tế mà họ sống và kinh nghiệm. Điều này thường sẽ rất khác với những gì của chúng ta, vì thế cần phải sẵn sàng để đi trong một hành trình, đi đến một xứ sở khác, một xứ sở không quen thuộc với chúng ta hay có thể ta không cảm thấy mọi sự đều dễ chịu. Theo một nghĩa nào đó, đây là hành trình nhập thể và chúng ta phải sẵn sàng nhận ra rằng Đức Kitô đang ở đó trong thế giới của người kia, đợi chờ chúng ta gặp gỡ Người.

Theo những cách này, tiến trình phân định cho phép chính cộng đoàn đào sâu hơn sự nhận thức chính mình, sự liên đới, và cảm thức thuộc về vị Chúa Tể duy nhất. Như vậy, với lòng khiêm nhường, chúng ta sẽ nhận được ơn quảng đại, nhân hậu và hiền lành, để với sức mạnh kiên nhẫn, chúng ta có thể chịu đựng lẫn nhau, tạo ra thời gian và không gian cho lòng tin tưởng nhau và lòng tin vào Đức Kitô được triển nở sâu sắc (Gl 6,1-5). Những đảm nhận này cũng sẽ là dấu hiệu của một cộng đoàn đang sống ân ban tự do cần có cho việc phân định để tìm ra và hưởng ứng thánh ý Thiên Chúa.

Lòng biết ơn và niềm an ủi: Dù chúng ta thuộc về truyền thống phân định nào, thì mọi sự phân định đều bắt đầu với lòng biết ơn về những gì Thiên Chúa vốn vẫn làm và sẽ làm: trên tất cả, đó là lòng biết ơn về quà tặng là chính Đức Kitô, và Thánh Thần là Đấng qui tụ, nâng đỡ, hướng dẫn chúng ta phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Sự phân định bắt nguồn từ niềm an ủi sẽ nhận ra rằng nó vốn đã sống động từ chiều sâu của đức tin, đức cậy và đức mến. Việc phân định sẽ bắt đầu bằng việc nhìn nhận những ân ban này, vốn hoạt động trong đời sống của Giáo hội và của cộng đoàn. Tất cả chúng là dấu chỉ chắc chắn về Chúa Thánh Thần đang hiện diện và củng cố cộng đoàn, cho đời sống và sứ mạng của cộng đoàn. Bất luận hoàn cảnh nào, việc phân định sẽ bắt đầu và tiếp tục trong niềm tạ ơn về những ân ban ấy. Nó sẽ nhận ra rằng các ân ban ấy là những quà tặng chân thực qua đó Chúa Thánh Thần xức dầu mọi cuộc sống Kitô hữu và đổ đầy cho toàn Giáo hội. Đó vốn là hoa trái của Nước Thiên Chúa còn giấu ẩn trong mầu nhiệm, nhưng lời hứa của nó thì đã được thực hiện và được bảo đảm cho chúng ta trong Đức Kitô.

Nếu việc phân định của chúng ta trước hết không đặt nền trên các ân sủng mà cộng đoàn (Giáo hội) vốn đã có được, thì nó sẽ có nguy cơ đánh mất ký ức về lịch sử cứu độ mà mình đã sống, cũng như kinh nghiệm về sự hiện diện đầy an ủi của Thiên Chúa trong đời sống mình. Khi điều này xảy ra, phân định sẽ rơi vào thất vọng. Tình trạng này sẽ được thấy qua việc đánh mất đức tin trong tiến trình. Trong tư cách cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta có thể bị choáng ngợp bởi sự phức tạp và những trở ngại rõ ràng; chúng ta trở nên sợ hãi và tê liệt, tìm cách bảo đảm cho sự yên ổn của mình, nghiêng chiều về việc tìm kiếm sự an ủi giả tạo nào đó nơi sự vật hay công trình của chính mình, hoặc hài lòng với mức ít hơn những gì mà Chúa Thánh Thần kêu gọi mình. Trong những khoảnh khắc như thế, chúng ta sẽ kinh nghiệm một sự phân định đã trở nên mệt mỏi vì những giằng co, trở nên chua chát vì những xung đột và phân tán. Chúng ta sẽ kinh nghiệm tình trạng mất tin tưởng, mất khả năng sáng tạo, và mất sự bình an tâm linh.

Trong bất cứ tiến trình phân định nào, thật quan trọng việc nhận ra những dạng thức ấy của sự chán nản và các nguồn gốc của chúng, vì chúng có thể khống chế một cộng đoàn (Gl 5,16-26). Khi được nhận hiểu, con đường sẽ mở ra để vãn hồi cách sâu xa hơn đức tin, sự hiểu biết và lòng yêu mến Thiên Chúa, Đấng là sự khôn ngoan và nguồn mạch mọi an ủi của chúng ta.

Phân định cần thời gian: Việc phân định chắc chắn cần thời gian, và chúng ta phải liệu sao để dành đủ thời gian cần thiết. Đây không phải là mẹo trì hoãn nhằm tránh quyết định. Đúng hơn, đây là việc quan tâm đến những động lực trong cộng đoàn, sự tự do đang triển nở ở đó, sự tham gia và sự hiểu biết của các thành viên, cũng như sự cởi mở của họ để đón nhận các khả năng hiện lộ ra.

Mặc dù cần phải có không gian, thời gian và việc cầu nguyện để sự đồng thuận phát triển, nhưng chúng ta sẽ nhận ra rằng sự đồng thuận ấy, vốn là kết quả của chính quá trình phân định, thì không duy chỉ là một sự đồng ý chung về tính đúng đắn của một quyết định hay một phương án hành động cụ thể. Chắc chắn nó sẽ phản ảnh một sự gắn kết của cộng đoàn, nhưng nó sẽ cho phép những mức độ khác nhau của sự nắm bắt, của tri thức và sự nhận hiểu cũng như của hành động. Chúng ta có thể khám phá rằng trong cộng đoàn Giáo hội, đồng thuận là sự đồng ý và hợp tác hành động để phục vụ cho sứ mạng. Nó không phải là áp đặt một sự đồng nhất; nó sẽ không phủ nhận sự tương tác tuyệt vời của ân sủng và tự nhiên vốn định hình cho hiện hữu và lịch sử của chúng ta.

Sự tự do bên trong đồng thuận này không tiêu hủy hay loại bỏ tính đa dạng; nó là sự diễn tả của đức tin và sự tín thác chung vốn cũng là hoa trái của phân định. Nó thường có ba khía cạnh:

Thứ nhất, sẽ có một sự tin tưởng nơi người có thẩm quyền chính thức, là người mà sau khi phân định với cộng đoàn sẽ đưa ra quyết định hay xác nhận sự quyết định. Đây là ân sủng thuộc chức vụ. Ân sủng này phục vụ cho Thánh Thần đang hoạt động trong và xuyên qua những sứ vụ mà cộng đoàn cần để nâng đỡ mối hiệp thông sống động và sứ mạng của cộng đoàn trong không gian và thời gian.

Thứ hai, bình an là một chiều kích trung tâm của một cộng đoàn cảm nghiệm niềm an ủi như hoa trái của phân định. Một lần nữa, điều này sẽ phản ảnh một cấp độ hiệp nhất sâu hơn, thúc đẩy sự đồng thuận vượt quá sự đồng ý đơn thuần để hướng tới một đức tin chung. Đức tin này không chỉ dựa trên kinh nghiệm rằng Chúa Thánh Thần đang hiện diện và hoạt động nơi tất cả các thành viên, mà còn dựa trên chính Thánh Thần đang hoạt động trong tất cả các thành viên của cộng đoàn, gồm những người giữ chức vụ phục vụ, và những người được mời gọi để phục vụ. Dù bản chất cuối cùng của cái quyết định đã được phân định là gì đi nữa, mọi thành viên được mời gọi tìm thấy sự bình an trong đó.

Thứ ba, đồng thuận là chấp nhận một tinh thần đồng trách nhiệm được thực thi bởi tất cả các thành viên của cộng đoàn, theo mức độ ân sủng mà mỗi người nhận được để phục vụ cho đời sống của Giáo hội. Đồng trách nhiệm là nhận ra thực tại thâm sâu và năng động của một kinh nghiệm tham gia và hiệp thông đặt nền trên ân sủng của Phép Rửa.[22] Nó được đánh dấu bởi một cảm thức nội tâm về hiệp nhất và bình an. Tinh thần đồng trách nhiệm sẽ đưa tới việc chịu trách nhiệm. Trong khi thể hiện tính hiệp hành, chúng ta chịu trách nhiệm đối với nhau về cách mình sử dụng những ân ban và những trách nhiệm của mình để phục vụ Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội. Việc chịu trách nhiệm này cũng là một diễn tả sự khiêm tốn của chúng ta, sự cởi mở đặt mình trước người khác, không phải trong quyền lực hay trong sự lệ thuộc, nhưng trong sự hiệp thông của những người bình đẳng mà tất cả các chức vụ và ân ban được phân bổ đều nhằm phục vụ Đức Kitô. Việc chịu trách nhiệm này vận hành trong lịch sử, vì nó được thực hiện trong liên hệ với những người đi trước chúng ta (truyền thống và các thế hệ đã qua) và những người sẽ đến sau chúng ta (niềm hy vọng các thế hệ tương lai). Ở đây, chúng ta có thể bắt đầu sống và trân trọng mọi chiều kích của sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng. Cuối cùng, chúng ta chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa.

Tất cả những chiều kích này phát xuất từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong toàn thể cộng đoàn, cho phép cộng đoàn sống trong sứ mạng. Cộng đoàn kinh nghiệm chính mình như một sự hiệp thông (koinonia) sống động xuyên qua tính đa dạng, và chia sẻ những ân huệ được Thiên Chúa ban cho. Cộng đoàn cũng nhận ra rằng chính trong tư cách là những quà tặng hay những đặc sủng được ban cho để phục vụ thiện ích của cộng đoàn và sứ mạng của cộng đoàn, không thể có sự cạnh tranh hơn thua với nhau; cộng đoàn phải luôn cố gắng sống tính đa nguyên năng động này của các ân ban trong sự hiệp nhất đến từ việc phục vụ cho sứ mạng mà Chúa trao phó. Theo cách này, dù cộng đoàn Giáo hội đối diện với các hoàn cảnh và các thách đố gì đi nữa, nó cũng đối diện như thế trong niềm an ủi. Việc gìn giữ cộng đoàn trong niềm an ủi của sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng là chỉ dấu của vai trò lãnh đạo và của sự phục vụ Dân Thiên Chúa.

Phân định và khôn ngoan. Phân định là một hành động của đức khôn ngoan, tập chú vào Thiên Chúa là Đấng đang hoạt động trong Giáo hội, trong mọi dân tộc và trong toàn thể thụ tạo. Chính Thiên Chúa nghe tiếng kêu của người nghèo, những người đau khổ và những kẻ lạc mất, và tiếng kêu của toàn thể công trình tạo dựng. Chính Thiên Chúa biết bạo lực của thế giới và những thương tích nó để lại trong linh hồn cũng như nơi thân xác. Nhưng trong Đức Kitô Phục sinh và trong quà tặng Thánh Thần, cũng chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một nhận thức mới về mục đích và công cuộc của Thiên Chúa (Cl 1,15-21; Ep 1,3-23; Rm 8,31-39). Điều này làm cho hiện diện và hoạt động trong mọi thời và mọi hoàn cảnh cái tương lai vẫn đến gặp chúng ta trong Đức Kitô, và giải phóng chúng ta khỏi ‘án tử chung cuộc’ dành cho các hành động và lịch sử của chúng ta. Với sự khôn ngoan được nắm giữ qua con mắt đức tin như thế, chúng ta trở thành những tác nhân cho sự xâm nhập của Nước Thiên Chúa, cho việc hòa giải mọi sự trong bình an, và trở thành những sứ giả của vương quốc sự sống. Ở đây, chúng ta bắt đầu hiểu rằng việc phân định là một phần của tiến trình cứu độ, làm cho hiện thực cụ thể lời cầu nguyện mà chúng ta đã bắt đầu: “Nguyện ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Phân định là sự dấn thân từ từ, kiên nhẫn và sâu xa để phục vụ cho công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Nó tham dự vào sứ mạng đem lại sự hòa giải, chữa lành, tha thứ và bình an của Đức Kitô.

Cuối cùng, khi chúng ta đã đạt được sự quyết định hay đã phác họa một con đường hay đã nhận được ân sủng mà mình tìm kiếm, thì chúng ta cần dành thời gian để củng cố nó, dành thời gian để xin Chúa xác nhận nó qua một cảm nghiệm đầy an ủi. Bên cạnh đó, năng lực và ý chí thực hiện những gì đã được phân định cũng sẽ là một dấu hiệu giúp xác nhận. Sự xuất hiện của các ‘hoa trái’ cũng không luôn luôn ngay lập tức mà cần có thời gian. Tuy nhiên, sự xác nhận cũng là một cái gì đó có tính quá trình: trong khi sự chọn lựa hay chiều hướng có thể rất rõ ràng, thì việc thi hành nó thường sẽ đòi phải có sự thích nghi và hiệu chỉnh. Đó không phải vì việc phân định không đúng, mà vì nó được làm trong các hoàn cảnh của đời sống và của thời thế. Cũng giống như chiếc thuyền buồm phải nương theo hướng gió chính nếu nó muốn tiếp tục hành trình và đạt tới đích điểm, thì cách chúng ta sống sự phân định của mình cũng thế, không bao giờ rời mắt khỏi mục tiêu là yêu mến và phục vụ ngày càng hơn đối với Đức Kitô và thế giới mà mình được sai tới.

Khi làm công việc phân định, Giáo hội hiệp hành sẽ bắt đầu với lời cầu nguyện của Đức Kitô, tức Kinh Lạy Cha, nhưng chúng ta cũng cầu xin Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, dạy chúng ta thưa lên với niềm tin tưởng phó thác cách đơn sơ và vui tươi: ‘Này tôi là tôi tớ của Chúa, xin hãy làm nơi tôi theo lời ngài nói’ (Lc 1,35).

Trong việc lắng nghe và phân định, vốn nối kết mật thiết với nhau, có một sự nhìn nhận về tất cả những đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho cộng đoàn, cho sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng (x. 1Cr 12,4tt.). Chức vụ trong Giáo hội là một đặc sủng được ban để phục vụ cho sự hiệp nhất và trung tín của Giáo hội, và để Giáo hội làm người bảo vệ đức tin và chân lý. Nhưng nó không hề và không thể đứng tách rời khỏi toàn thể Dân Thiên Chúa hay khỏi những đặc sủng mà Chúa Thánh Thần phân phát vì các nhu cầu của cộng đoàn mọi nơi và mọi thời. Các đặc sủng của chức vụ trong Giáo hội và những đặc sủng của toàn Dân Thiên Chúa không đối lập nhau; tất cả đều hoạt động để phục vụ cho sự hiệp thông và cho sứ mạng. Việc thực thi đặc sủng của người này sẽ bổ sung và làm phong phú cho đặc sủng của người kia; nó không đe dọa, loại trừ hay xem thường. Tính hiệp hành phục hồi tính hỗ tương phối hợp này của các đặc sủng và do đó mở ra con đường đổi mới và chỉnh đốn lại (thục hồi) các cơ cấu Giáo hội cũng như nhận thức của chúng ta về cách mà quyền lực được trao ban và được thực thi trong Giáo hội. Đó luôn luôn là một ơn ban chứ không phải một quyền; nó không bao giờ cạnh tranh nhưng luôn luôn tìm cách tự thể hiện trong phục vụ. Vì thế, quyền lực trong Giáo hội trước hết được nhận ra bởi sự khiêm nhường, trong đó nó được thực thi vì thiện ích của người khác (tính bổ trợ), vì sự hiệp nhất và vì công cuộc xây dựng toàn thân thể.

Người nghèo và những người ở bên lề. Đi theo Chúa của mình, Giáo hội có một mối quan tâm vô điều kiện đối với người nghèo, và được mời gọi yêu thương ‘các thành viên nghèo khổ’ của mình và ‘những người chịu bách hại vì công lý’ (LG §23). Một Giáo hội hiệp hành mang trong mình khát khao bao gồm những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề và những người bị áp bức. Giáo hội kinh nghiệm sự thật nơi chân trời tông đồ của Phaolô: ‘caritas Christi urget nos’ / ‘tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta’ (2Cr 5,14). Đây là tình yêu đưa dẫn Giáo hội tới với người nghèo và khơi lên khát vọng chạm tới những người ở vùng ngoại biên. Giáo hội cũng cần hiểu cuộc sống của những người ở bên lề, vì Đức Kitô cũng được gặp thấy ở đó (Mt 25,31tt.). Trong tiến trình này, chúng ta được mời gọi không chỉ lắng nghe, mà là lắng nghe với người nghèo, với những người bị gạt ra bên lề, và với những người mà tiếng nói của họ bị xã hội của chúng ta bóp nghẹt hay sự hiện diện của họ không được nhìn thấy. Điều này sẽ đòi hỏi một phương thức khác hẳn, một cách thức đồng hành và sánh bước bên cạnh, để chúng ta nhìn thấy được thực tế từ nhãn giới của họ. Theo nhiều cách, nó đòi hỏi một sự bẻ hướng ra lề vốn có tính lội ngược dòng văn hóa đối với nhiều người.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng thật không dễ đưa những người ngoài lề vào trong các tiến trình vốn đã không được phát triển với họ ở trung tâm. Những người ngoài lề và những người chịu đựng tình trạng bạo lực và sự bấp bênh của cái nghèo sẽ thường nói những điều bất thường và không được mong đợi; những điều thường ngược lại trực giác và đầy thách thức. Ở đây, chúng ta cần ơn sủng để cho phép họ có tiếng nói và cách diễn đạt riêng, thay vì hút họ vào các phạm trù qui ước hay ngôn ngữ thiết chế. Cần phải cho phép ngôn ngữ và các ý niệm của chúng ta được bồi đắp về mặt biểu tượng cũng như về lời nói nhờ những tiếng nói và những lịch sử này từ bên lề. Chúng ta cần khám phá lại chân trời phong phú hình tượng của Phúc âm và của Nước Thiên Chúa. Một sự thay đổi như thế chỉ có thể được nâng đỡ trước hết bởi niềm xác tín, và tiếp đến bởi kinh nghiệm rằng – thông qua tất cả những người này – Chúa Thánh Thần đang nói với Giáo hội và – qua họ – Đức Kitô đang mời gọi chúng ta và thế giới của chúng ta đi đến một nhận thức và cách sống mới.

Người nghèo và những người ở bên lề hẳn nhiên được gặp thấy trong thế giới, nhưng họ cũng được gặp thấy trong chính Giáo hội nữa. Ở đây, chúng ta gặp một chiều kích khác nữa của ‘người nghèo’. Thánh Kinh nói về họ như ‘những người anawim’, và Đức Giêsu biểu dương họ trong Các Mối Phúc: ‘Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ’ (Mt 5,3). Họ là những người hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa. Họ không có ai để cậy nhờ hay để được bảo vệ. Ta tìm thấy họ trong mọi giáo xứ, tại mọi Thánh lễ và trong mọi sinh hoạt của giáo xứ. Đây là những người có thể không bao giờ lên tiếng tại các cuộc hội họp, nhưng nếu không có chứng tá và sự hiện diện của họ thì chính Giáo hội sẽ nghèo kiệt đi. Như Đức Giêsu quan sát thấy bà góa trong Đền thờ (Mc 12,41tt.; Lc 21,1tt.), họ thường nói bằng ngôn ngữ của đức tin và của lòng đạo đức. Chúng ta cần phải ‘nhận thấy’ họ và học ngôn ngữ của họ. Giáo hội hiệp hành phải có con mắt của Đức Kitô để nhìn thấy những người mà sự hiện diện thinh lặng của họ tràn ngập các vùng bên lề, nơi mà đức tin không được nhận thấy và được coi là hiển nhiên. Vì Giáo hội là Giáo hội của ‘những người anawim’ – những người hèn mọn, khiêm hạ, những người không có quyền lực hay danh phận, nhưng là những người được Thiên Chúa ưu ái. Đây là những người mà đời sống chứng tá và sự phục vụ khiêm nhường của họ – trong cầu nguyện và trong hành động – thật sự nuôi dưỡng Giáo hội; họ là những người được ưu tiên thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là một trong số họ, và nếu chúng ta biết lắng nghe cách sâu thẳm, chúng ta sẽ nghe bài ca của Mẹ trong cuộc đời của những người này.

‘Giáo hội không được phép làm cho người nghèo thất vọng…’ (ĐGH. Biển Đức 16, Verbum Domini §107). Một Giáo hội hiệp hành sẽ quan tâm sao cho mọi người đều có chỗ và có tiếng nói; chúng ta sẽ đầy sáng kiến trong việc đi đến với những ai thường bị phớt lờ, không được lắng nghe hay ít khi được nghĩ đến. Mối quan tâm này sẽ bao gồm các Giáo hội Kitô khác và các truyền thống khác. Cũng rất có thể là tại những vùng bên lề của xã hội và Giáo hội mình, chúng ta có thể khám phá thấy các thánh nhân và các vị tuẫn đạo của ngày nay, các cộng đoàn bị bách hại, cùng với những người nỗ lực xây dựng các mối dây hiệp thông và hòa bình giữa các tôn giáo và các dân tộc.

Như chúng ta đã ghi nhận, tất cả những ‘ân ban hiệp hành’ này giả thiết khát vọng hoán cải của chúng ta; một khát vọng từ bỏ những định kiến và những cách nhìn cố hữu của mình đối với mọi sự, để cho phép Thiên Chúa đi vào trong cuộc sống chúng ta, các cộng đoàn chúng ta, và một lần nữa dạy chúng ta những điều thuộc về Nước Thiên Chúa; để mở đôi mắt mình và nhìn lại thế giới mà mình đang sống, trong nỗi đau và vẻ đẹp của nó, trong mất mát và hy vọng của nó; để mở trái tim mình ra nhận thấy Đức Kitô giữa các thực tế của mình, và để nghe tiếng gọi của Người một lần nữa: ‘Hãy theo Ta’.

Hoán cải là điều kiện tiên quyết của cuộc phiêu lưu và của việc liều lĩnh tin vào Đức Kitô và Thiên Chúa mà Người mạc khải. Chính trong tiến trình ‘chết đi chính mình’ ấy mà chúng ta có thể sống cho Đức Kitô và phục vụ Người cách trọn vẹn hơn (x. Pl 1,21tt.). Đó là ân sủng luôn được ban để giúp thay đổi, bắt đầu lại, và sống trong ‘tính vượt quá của Chúa Thánh Thần’. Đó không phải là một chương trình biến đổi bản thân mà chúng ta có thể tự làm cho mình. Đó là quà tặng mà chỉ Đức Kitô mới có thể ban, vì chỉ điều đó mới bảo đảm rằng đó là quà tặng của Thiên Chúa. Và món quà được ban tặng ấy có thể đến bằng nhiều cách thế, hoặc như một ngạc nhiên bất ngờ, hoặc sau một thời gian tìm kiếm lâu dài; nhưng dù món quà này đến khi nào hay cách nào, chúng ta chỉ có thể có một lời đáp trả: ‘xin vâng’. Ở khoảnh khắc ấy, chúng ta nhận ra rằng mình không một mình; chúng ta có nhiều bạn hữu cũng thưa ‘xin vâng’ và đang trên nẻo đường hoán cải cùng với chúng ta. Họ có thể giúp chúng ta luôn luôn trân trọng món quà này và giữ nó sống động, vì đó là tiếng ‘xin vâng’ đối với sự sống, đối với Thiên Chúa của sự sống. Vì thế, tiến trình hiệp hành là một hành trình của sự hoán cải, một lời ‘xin vâng’ trước Thiên Chúa của sự sống và trước một Giáo hội có sứ mạng phục vụ ‘cho thế gian được sống’ (Ga 6,51).

Tiến trình hiệp hành là một hành trình mà chúng ta thực hiện cùng với nhau trong mầu nhiệm sự sống và sứ mạng của Giáo hội. Như với mọi cuộc hành trình, sẽ có những khoảnh khắc bối rối, nghi nan, bất đồng, và mệt mỏi. Trong những khoảnh khắc như vậy, chúng ta cần đức tin và sự khôn ngoan của những người đang bước đi trong hành trình với chúng ta, nhất là sự hiệp thông tuyệt vời của các thánh, và tất cả những ai đã đi trước chúng ta vốn được ‘ghi dấu ấn đức tin’. Họ có thể cho ta thấy rằng các ân ban tuyệt vời là lòng tin, cậy, mến được sống cho Đức Kitô trong các mối tương quan với nhau, đặc biệt với những người xung quanh mình, và nhất là với những người xung quanh đang cần được nâng đỡ.

Cũng trong những khoảnh khắc ấy, chúng ta cần những ân ban hướng thần là đức tin, cậy, mến để nâng đỡ mình; các ân ban này được diễn tả nơi các thái độ nhẫn nại, kiên trì, hòa giải và quan tâm. Chúng ta được kêu gọi hành trình với nhau, mời gọi mọi người tới ‘bữa tiệc sự sống’ trong đó toàn thể tạo vật được tham dự. Khi đó, cùng với nhau trong mối hiệp thông trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa, chúng ta có thể cùng hòa ca tán tụng sự vinh thắng của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi:

Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới, xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở muôn đời! Amen (Ep 3,20-21).

III. ĐỨC MẸ CHỈ BẢO ĐÀNG LÀNH – THEOTOKOS HODEGETRIA

  1. Chỉ bảo đàng lành

Một trong những biểu tượng xa xưa nhất và được tôn kính nhất của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là ‘hodegetria’: Đấng chỉ bảo đàng lành. Để đúc kết những suy tư ở đây, chúng ta có thể tìm thấy nơi Đức Maria con người là hiện thân của tất cả các chiều kích linh đạo hiệp hành mà chúng ta đã cố gắng phác họa. Mẹ là Đấng đồng hành với Giáo hội trên hành trình hiệp hành của Giáo hội. Như được diễn tả trong biểu tượng ấy, Mẹ luôn điều hướng sự chú ý của chúng ta ra khỏi Mẹ để nhắm đến Con của Mẹ, là nguồn ơn cứu độ và là đích điểm niềm hy vọng của chúng ta. Mọi bậc cha mẹ sẽ nhận ra cử chỉ đơn sơ của Đức Maria. Trong cử chỉ yêu thương rất tự nhiên này, Đức Maria mở đường cho hành trình của Giáo hội lữ hành. Mẹ cũng chỉ con đường cho toàn thể nhân loại đang tìm kiếm sự chữa lành và sự sống viên mãn.

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, luôn ở với chúng ta trên nẻo đường hiệp hành, vì Mẹ cũng là ‘Mẹ của Giáo hội’ (Mater Ecclesiae); Mẹ của tất cả những ai là bạn đồng hành và là môn đệ của Con Mẹ. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy mất hướng, hoang mang, hay bất quyết về con đường, chúng ta chỉ cần nhìn về Mẹ để nhận ra con đường.

Đức Maria không nói. Mẹ không cần nói. Mẹ chỉ cần hướng ánh nhìn của chúng ta về Con Mẹ. Trong cử chỉ không lời của Mẹ, Mẹ đúc kết toàn bộ sứ mạng của Giáo hội. Ngay cả khi Dân Thiên Chúa đang trên đường (‘in via’), thì đoàn dân này cũng luôn ở trong sứ mạng. Hai mặt này không thể tách rời, vì chỉ có một con đường và một đối tượng cho ước muốn của chúng ta, chỉ một nguồn sự sống và hy vọng của chúng ta, đó là Đức Giêsu Kitô.


Chính trong khi thực hiện hành trình này mà chúng ta trở nên sự hiệp thông mà Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta. Khi bước đi cùng với nhau, chúng ta khám phá rằng chúng ta cần nhau để tham gia vào sứ mạng mà mình đã lãnh nhận. Dù chúng ta bước đi thế nào, dù chúng ta mang vác gì, ngay cả dù đôi khi chúng ta cần được mang vác, thì chúng ta không bao giờ là một gánh nặng. Dù bậc sống của chúng ta là gì, chúng ta cũng có thể cho thấy đối tượng của tình yêu chúng ta cũng như nguồn mạch niềm vui và hy vọng của chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Chúa và Đấng Cứu Độ chúng ta, là Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria.

  1. Cuộc hành trình với nhau

Theo một nghĩa nào đó, toàn bộ cuộc đời Đức Maria là một hành trình: cuộc hành trình nội tâm dâng hiến chính mình cho mục đích của Thiên Chúa, ngay cả khi Mẹ không hiểu rõ hành trình ấy sẽ đưa mình đi đâu – và những cuộc hành trình thể lý đánh dấu cuộc đời của Mẹ: những đoạn đường từ Nadarét tới Bêlem, con đường đi tị nạn bên Ai Cập và con đường dài trở về. Chúng ta gặp thấy Mẹ trong những chuyến hành hương của dân chúng khi họ đi Giêrusalem mừng các đại lễ của lịch sử Israel. Chúng ta gặp Mẹ trên con đường chông gai nhất: đi theo Con của Mẹ vào trong bóng tối của Canvê và Gôngôtha.

Chúng ta gặp Mẹ trong sự thinh lặng bất động của Thiên Chúa, như một người mẹ đợi chờ lời loan báo lại về sự sống mới; đợi chờ nghe người Con Phục sinh của Mẹ kêu gọi Mẹ, và Mẹ sẽ đi theo Người vào hành trình Phục sinh. Đối với Đức Maria, dù cuộc hành trình nội tâm hay thể lý, hành trình tha hương hay trở về, thì chung qui chỉ có một hành trình mà thôi: hành trình của đức tin đặt nơi Con Mẹ, là Đức Giêsu Kitô, Đấng là con đường của Mẹ.

Với Con của mình, Đức Maria hiểu biết tất cả các cuộc hành trình mà mỗi chúng ta phải dấn bước. Mẹ thật sự là ‘Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành’. Chính Mẹ cũng đã học lắng nghe và đáp trả Lời đến với Mẹ giữa nhịp sống quen thuộc hằng ngày, trong cầu nguyện, trong phụng tự, và trong gia đình. Mẹ đã học cách nói sự thật trong khiêm nhường, vì Mẹ cũng là một người ‘anawim’; học cách loan báo Nước Thiên Chúa đến; học cách phục vụ Nước Thiên Chúa với đức tin và lòng dũng cảm không lay chuyển, không tìm kiếm con đường của riêng mình mà chỉ đi con đường mà Đức Kitô bước đi.

Một trong những hành trình ban đầu của Mẹ là cuộc Thăm Viếng. Ở đây Mẹ cho thấy rằng nếu hành trình hiệp hành nhằm công bố kỳ công của Thiên Chúa, thì nó cũng là một hành trình nối kết các thế hệ. Trong chuyến đi của Mẹ đến nhà bà Êlisabét, chúng ta có thể thấy rằng các ân ban của những người ‘cao tuổi’ thật cần thiết để nhận ra, nâng đỡ và nuôi dưỡng các ân sủng của các thế hệ trẻ. Giống như Maria, một người trẻ ở Nadarét, các thế hệ trẻ cần những người có thể trao cho mình một chỗ ở, trong khi các ân sủng họ có được thì cần thời gian để triển nở. Khi gặp được ở nhau sự chào đón và đồng cảm, Maria và Êlisabét đang làm chứng cho cộng đoàn mới mà Thiên Chúa phác họa. Cùng với nhau hai người có thể cất tiếng hát bài ca đầy tính ngôn sứ và niềm vui loan báo Nước Thiên Chúa đang đến.

Bài ca của hai người không vang lên từ một bản văn được soạn sẵn, nhưng từ Thánh Thần thúc đẩy bên trong mình. Từ kinh nghiệm riêng của mình, hai người hát ‘bài ca mới’ thu tóm toàn bộ truyền thống trong đó có chỗ đứng của mình. Trong bài ca cùng hát và trong tiếng nói cùng chia sẻ, hai người tập trung công bố những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Mặc dù đứng trong truyền thống ngôn sứ của Israel, hai người không phải là những phụ nữ chỉ nhìn về quá khứ. Đây là những phụ nữ tiến bước vào tương lai mà họ vốn biết từ kinh nghiệm về ân sủng Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Đời sống của hai người phụ nữ này được đan kết lại mãi từ đây. Hai người biết rằng cuộc đời mình không còn là của riêng mình nữa. Giờ đây hai người thuộc về tương lai của Thiên Chúa và thuộc về cộng đoàn vốn đang được sinh nở.


Maria và Êlisabét báo trước về Giáo hội ngôn sứ. Sự hiện diện của hai người nhắc cho Giáo hội rằng Giáo hội lên tiếng tốt nhất khi Giáo hội nói từ kinh nghiệm về ân sủng của Thiên Chúa trong đời sống của Giáo hội. Trong hành trình của Maria đi thăm người chị họ, và trong câu trả lời của Êlisabét, chúng ta được cho thấy nẻo đường tiến tới một cộng đoàn hiệp hành, với sự chào đón, nương náu và vui mừng. Ở đây chúng ta học biết rằng từ việc lắng nghe Lời Chúa, ta sẽ đón nhận quà tặng bất ngờ của Thiên Chúa, Đấng mà đối với Ngài không gì là không thể. Cùng với nhau, Maria và Êlisabét, cũng như tất cả các thế hệ đi vào trong bài ca của hai người, làm nên cộng đoàn của niềm hy vọng rằng các lời hứa của Thiên Chúa trong Đức Kitô sẽ không bao giờ thất bại.

  1. Hành trình trong quan tâm

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rằng Đức Maria luôn ở trên đường với Đức Kitô, đôi khi ưu tư và lo liệu cho sự an toàn của Người, nhưng luôn đi theo Người với một tình yêu kín đáo, đầy quan tâm và chăm sóc. Chúng ta cảm thấy rằng cũng như Mẹ đã làm chỗ tựa nương cho Đức Giêsu, thì Mẹ cũng làm chỗ tựa nương cho các môn đệ và tất cả những ai đi theo Người. Bởi chính Đức Giêsu là chỗ tựa nương của Mẹ, nên có thể nào Mẹ không sống lòng hiếu khách? Có thể nào Mẹ không quan tâm đến những ai mà Đức Giêsu quan tâm, nhất là người nghèo và những kẻ ở bên lề xã hội vốn được Người dành chỗ đặc biệt trong trái tim Người? Cánh cửa của Mẹ luôn mở cho những ai tìm kiếm Đức Giêsu, và Mẹ luôn sẵn lòng dẫn dắt chúng ta đến với Người, đặc biệt những ai cần đến Người nhất. Theo nghĩa này, Đức Maria là Mẹ của Nước Thiên Chúa; Mẹ của tất cả những ai, giống như Mẹ, sống trong và sống cho Con của Mẹ, và cho Thiên Chúa mà Người mạc khải.

Dưới chân Thánh giá, từ người Con đau khổ và Chúa của Mẹ, sứ mạng của Mẹ được xác nhận: đó là trở thành Mẹ của cộng đoàn mới được sinh ra từ hy tế của Con Mẹ. Dưới chân Thánh giá, được qui tụ với cộng đoàn của Mẹ gồm các phụ nữ trung thành liên kết trong tình yêu và tình bạn vượt quá những ràng buộc gia đình tự nhiên, chúng ta gặp thấy Mẹ. Cùng với nhau, những con người này không sợ bị phát hiện là những kẻ yêu mến Đức Giêsu; làm chứng cho Người khi tất cả đã bỏ trốn với đầy sợ hãi. Xuyên qua cuộc canh thức dài trước đau khổ của Chúa và chấp nhận liều mạng sống mình, những con người này cho thấy một tình yêu mạnh mẽ hơn và kiên vững hơn bất cứ sức mạnh thế gian nào. Cùng với những phụ nữ này, Đức Maria chờ đón nhận tấm thi thể tan nát của Con Mẹ trong vòng tay mình và đặt Người vào trong mộ, trả Người lại cho Chúa Cha là Đấng đã ban Người cho Mẹ.

Tuy nhiên, ngay cả các môn đệ và những người theo Đức Giêsu đã bỏ Người vào giờ phút này, cũng luôn có chỗ bên cạnh Mẹ và các phụ nữ đứng đó trong liên đới với Mẹ. Đây là ân sủng của họ; ân sủng của một Giáo hội hiệp hành mà Đức Maria và các phụ nữ có tình yêu và đức tin kỳ diệu này tiếp tục kêu gọi chúng ta đạt tới. Họ không bao giờ ngừng làm chứng nhân cho các thế hệ tương lai, dù họ đi lạc xa đến mấy, họ cũng sẽ không bao giờ bị bỏ rơi. Họ sẽ luôn có chỗ tựa nương cho mình.

  1. Hành trình của Bài ca Magnificat Lễ Hiện Xuống

Chúng ta không ngạc nhiên gặp thấy Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội, nơi nương ẩn của các tội nhân và tất cả những ai tìm chỗ tựa – hiện diện với các môn đệ trong biến cố lễ Hiện Xuống, vì không ai hiểu biết tốt hơn Mẹ về cách mà Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta.

Một lần nữa, chúng ta nhận hiểu bằng cách nào mà Đức Maria, dù không nói một lời, vẫn là nguồn sâu xa và là chỉ dấu của sự thật cho các môn đệ Đức Kitô. Với Mẹ ở giữa họ, họ không bao giờ có thể phát minh ra một Đức Kitô khác. Với Mẹ hiện diện ở trung tâm cộng đoàn, cộng đoàn sẽ luôn biết Đức Kitô là ai: là Chúa và Đấng Cứu Độ của thế giới. Nơi Đức Maria, chúng ta có một hình ảnh về sensus fidelium (cảm thức của các tín hữu): tất cả những người thuộc mọi thời, nhờ ân ban Thánh Thần, hiểu biết Đức Kitô bằng tình yêu trong trái tim mình, sẽ diễn tả sự thật của Người trong đời sống mình, và luôn đầy tràn đức tin cũng như lòng trung thành đối với Người và Giáo hội của Người. Nơi Mẹ Thiên Chúa, ‘Theotokos’, ngọn lửa của lễ Hiện Xuống không nguội lạnh đi và ánh sáng của nó cũng không mờ nhòa đi, thì nơi các tín hữu cũng thế. Dù con đường phía trước tối tăm thế nào, hay khó khăn, bất định đến đâu, thì ánh sáng của Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hướng dẫn Dân thánh của Thiên Chúa.

Nơi Đức Maria, chúng ta học cách thực hiện hành trình trong tư cách một Giáo hội hiệp hành. Chúng ta học cách an cư trong thế giới và dành chỗ cho tất cả những ai tìm kiếm chỗ tựa nương, một chỗ của sự nồng nhiệt tiếp đón và an ổn, của chữa lành và cứu độ, một chỗ của hòa giải, bình an và bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu. Đó là một Giáo hội mà chúng ta ước ao và cần có được. Lúc này hay lúc khác, tất cả chúng ta đều trở thành những người tị nạn tìm kiếm một quê hương. Với Đức Maria, Mẹ Giáo hội, chúng ta học cách xây dựng Giáo hội, Thân Mình Đức Kitô, đó là một nơi chốn, một dân của sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng sống động. Chúng ta học với Mẹ để thưa lời ‘fiat’ của mình trong mọi hoàn cảnh đời sống chúng ta, và tham gia vào bản hợp xướng vĩ đại của đức tin vẫn âm vang xuyên qua các thế kỷ, ‘Magnificat anima mea dominum’ – ‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi’. Bao lâu bản hợp xướng này còn đó chứ không lịm tắt, thì thế giới này vẫn còn niềm hy vọng vững chắc; nếu thế giới hưởng ứng bài ca vĩ đại này, nó sẽ tìm thấy con đường dẫn tới món quà sự sống vô giá là Đức Giêsu Kitô.


(Discernment: Phân định; Listening: Lắng nghe; Contemplation: Chiêm niệm; Humility: Khiêm nhường; Forgiveness: Tha thứ; Reconciliation: Hòa giải; Conversion: Hoán cải; Communion: Hiệp thông; Ecumenism: Đại kết; Beauty: Vẻ đẹp; Poor and peripheries: Người nghèo và những người ở bên lề; Charisms: Các đặc sủng; Complementarity: Bổ trợ; The Beyond of the Spirit: Tính ‘vượt quá’ của Thánh Thần)

“Nơi Đức Maria, chúng ta học cách thực hiện hành trình trong tư cách một Giáo hội hiệp hành. Chúng ta học cách an cư trong thế giới và dành chỗ cho tất cả những ai tìm kiếm chỗ tựa nương, một chỗ của sự nồng nhiệt tiếp đón và an ổn, của chữa lành và cứu độ, một chỗ của hòa giải, bình an và bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu”.

LM Giuse Lê Công Đức, PSS.
Chuyển ngữ từ: 
synod.va

[1] Tài liệu Chuẩn bị, (2021), §1.

[2] Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC), Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, (2018) §42.

[3] Tài liệu Chuẩn bị, (2021) §16.

[4] Cũng được tìm thấy trong tài liệu của Ủy ban Thần học Quốc tế: Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, Chương I, 2018.

[5] Ủy ban Thần học Quốc tế §43.

[6] Hy vọng rằng mỗi đoạn, trong khi được gắn kết với một chủ điểm hay chiều kích chính, cũng có thể đứng độc lập. Bằng cách này, các đoạn văn có thể được thấy là hữu ích cho việc suy tư và thảo luận trong tinh thần cầu nguyện.

[7] Trong diễn từ cho Công nghị Giáo hội Ý Lần thứ Năm (10.11.2015), ĐGH Phanxicô nhận diện ba phẩm chất của Nhân bản Kitô giáo là: Khiêm tốn, Vô cầu, và Sống Các Mối Phúc.

[8] Vatican II, Gaudium et Spes, §4;11.

[9] Tài liệu Chuẩn bị, (2021) §6.

[10] Tham khảo Thông điệp Fratelli Tutti, ĐGH. Phanxicô, 3.10.2020.

[11] X. Vatican II, Sacrosanctum Concilium §10; Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành §109.

[12] Bài giảng 272.

[13] Tài liệu Chuẩn bị, tr. 36.

[14] Tài liệu Chuẩn bị, tr. 34.

[15] Tài liệu Chuẩn bị, tr. 35.

[16] Lumen Gentium Chương 7 tt.

[17] X. Pl 2,5; 1Cr 2,16; Ga 16,13; Rm 8,26tt. Lumen Gentium §12. Tham khảo mục ‘Hoán cải’ trong Tài liệu Chuẩn bị, tr. 25tt.

[18] Tuyển tập I, Bài giảng 74.

[19] x. Episcopalis Communio §5.

[20] Gaudium et Spes §4;11.

[21] Tài liệu Chuẩn bị, tr. 35.

[22] Tài liệu Chuẩn bị, tr. 35.