Khát Vọng Hòa Bình Cho Các Dân Tộc
KHÁT VỌNG HÒA BÌNH CHO CÁC DÂN TỘC
Giuse Nguyễn Văn Lâm
Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê
WHĐ (27.02.2022) – Hòa bình, khát vọng khôn nguôi của nhân loại. Khát vọng đó được trổi vang lên từng ngày nơi mọi hàng cùng ngõ hẻm của thế giới. Trong cuộc lữ hành, các quốc gia hy vọng vào một nền hòa bình đích thực ngự trị, để mọi người chung sống hòa thuận, yêu thương nhau, giúp nhau đi trọn hành trình hiện hữu. Đó là khát vọng phổ quát nhất mà ai cũng mong đạt được. Khát vọng ấy lại vang lên trong những ngày này, những ngày trong bối cảnh nước Nga phát động cuộc chiến tranh vào người anh em láng giềng Ucraina.[1] Không biết động lực của cuộc chiến là gì. Vấn đề đó chỉ có người trong cuộc mới rõ. Những bình luận đó đây cũng chỉ là phỏng đoán dựa trên một vài thông tin bên ngoài. Cốt lõi của nó thì nội tình nắm chắc hơn hết. Điều đáng nói là cuộc chiến gây thiệt hại về tài sản và nhất là tổn thất về con người. Sự thật ấy ai ai cũng biết.
Hơn bao giờ hết, hòa bình là điều đáng được chờ đời và trở thành nóng bỏng từng ngày, nhất là khi thế giới đó đây còn những cuộc chiến tranh đẫm máu, những cuộc chiến mang tính khốc liệt, tương tàn. Nền an ninh bị đe dọa, sự sống con người mất mát, tài sản bị phá hủy, vô số người tìm đường trốn chạy khỏi “lưỡi hái tử thần.” Rồi đây, cảnh ly tán gia đình, những gánh nặng cho mỗi quốc gia, vấn đề an sinh xã hội và vô số vấn đề khác cần giải quyết hậu chiến tranh. Điều vốn là mẫu số chung cho mọi cuộc chiến. Chiến tranh quả là một sự man rợ.[2] Nỗi đau chồng chất trên đời sống nhân loại.
Từ sau hai cuộc thế chiến với những mất mát không đếm xuể, có biết bao nỗ lực để hòa giải, để chung tay kiến tạo hòa bình. Những nỗ lực đến từ chính quyền các quốc gia. Những nỗ lực đến từ Giáo hội qua những dấn thân không biết mệt mỏi của các vị Giáo hoàng. Đã có biết bao học thuyết ra đời nói về tầm quan trọng của hòa bình, biết bao cuộc gặp gỡ, đối thoại vì hòa bình cho thế giới và cho mỗi người. Biết bao lời kêu gọi và cả những sáng kiến để hiện thực một giấc mơ hòa bình không biên giới. Hòa bình là tài sản quý giá nhất mà các dân tộc đều khát vọng.
Thế nhưng, thực tế lại chứng minh điều đáng buồn, phá hủy đi niềm mong ước của thế giới. Khoảng cách giữa chiến tranh và hòa bình mỏng manh quá đỗi. Còn một bức tường dài ngăn cách giữa lý thuyết và thực hành. Chiến tranh vẫn cứ chiến tranh, trong khi vẫn hô hào những khẩu hiệu hòa bình. Bạo lực bùng lên tại nhiều vùng miền. Đó là giải pháp không thích đáng. Đúng hơn “bạo lực là tội ác, không thể chấp nhận bạo lực làm giải pháp cho các vấn đề, bạo lực là điều không xứng đáng với con người. Bạo lực là sự dối trá, vì nó đi ngược lại sự thật của đức tin và sự thật của nhân loại. Bạo lực phá huỷ tất cả những gì nó hô hào bảo vệ, từ phẩm giá đến sự sống và tự do của con người.”[3]
Hiểu như thế thì “hòa bình không mất gì của ai, nhưng chiến tranh sẽ lấy đi tất cả.”[4] Chiến tranh sẽ chẳng đem lại điều gì ngay cả với những người cho mình là chiến thắng. Điều đó được chứng minh qua nhiều cuộc chiến khốc liệt mà nỗi đau vẫn còn dai dẳng trong cuộc sống con người. Điển hình, hai cuộc thế chiến đã lấy đi những điều mà lẽ ra không thể như vậy. Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ nói lên điều đó: “Chiến tranh chẳng đem lại gì ngoài nghĩa trang và những người chết: đó là lý do tại sao tôi muốn cảnh báo điều này vào lúc mà nhân loại chúng ta dường như chưa học được, hay không muốn học bài học ấy.”[5] Mới đây, trong buổi tiếp kiến các thành viên tham dự khóa họp toàn thể của Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, một lần nữa ngài nhắc lại: “nhân loại tự hào về những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực khoa học, trong tư tưởng và trong những điều tốt đẹp, nhưng đối với hoà bình thì lại đi lùi, điều này thật đáng xấu hổ.”[6]
Trong buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu, vị lãnh đạo Giáo hội đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho đất nước Ucraina. Ngài đề nghị những người có trách nhiệm chính trị hành động vì lợi ích con người. Vị chủ chăn nhấn mạnh: “một lần nữa hòa bình của tất cả lại bị đe dọa bởi các lợi ích đảng phái” và kêu gọi “những người có trách nhiệm chính trị nghiêm túc kiểm tra lương tâm trước mặt Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa của hòa bình chứ không của chiến tranh; là Cha của tất cả mọi người, không chỉ của một ai đó, Đấng muốn chúng ta trở thành anh em chứ không phải kẻ thù.”[7]
Một ngày sau đó, cuộc chiến nổ ra. Nhằm bày tỏ những lo lắng về sự tàn phá khốc liệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những hành động thiết thực với mong ước sớm chấm dứt cuộc chiến. Trưa ngày 25/2/2022 Đức Thánh Cha đã đến đại sứ quán Nga cạnh Toà Thánh để bày tỏ những lo ngại về chiến tranh đang xảy ra tại Ucraina. Không dừng lại, ngài tuyên bố sẽ dành ngày 02/3, thứ Tư lễ Tro là ngày ăn chay cầu nguyện cho đất nước này. Cùng với đó, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin, kêu gọi “những ai nắm vận mệnh của thế giới hãy cứu chúng ta khỏi sự khủng khiếp của chiến tranh.”[8] Giáo hội khắp nơi trên thế giới đang hướng về những người chịu tổn thất cả tinh thần lẫn vật chất do cuộc chiến mang lại.
Chân nhận rằng, “ở mọi thời đại, hòa bình vừa là món quà từ ơn trên vừa là kết quả của sự dấn thân chung.”[9] Món quà từ trên cao, vì tự sức mình, con người không thể kiến tạo hòa bình, nhưng phải khẩn cầu ơn ban của Thiên Chúa. Con người hòa bình khi có bình an trong tim mình và đón nhận nó từ Hoàng Tử Hòa Bình. Nhưng hòa bình cũng là dấn thân của con người. Không thể có hòa bình chỉ với những khẩu hiệu; trái lại nó phải được thực thể hiện bằng những hành động cụ thể. Những hành động được xây dựng cùng với những gì ít được chú ý nhất, với sự thăng tiến công bình, với lòng dũng cảm tha thứ, vốn là thứ dập tắt ngọn lửa hận thù. Diễn tả cách khác, “hòa bình được xây dựng ngày này sang ngày khác bằng cách thiết lập một trật tự công bằng hơn giữa loài người như Chúa muốn”[10] và hoà bình chỉ thăng hoa khi mọi người đều công nhận ai ai cũng có trách nhiệm xúc tiến hoà bình.[11]
Là con người, tất cả chúng ta cùng hành trình trên một con thuyền nhân loại, không ai đơn độc một mình, “không ai được cứu một mình, chúng ta chỉ có thể được cứu cùng với nhau.”[12] Con người không thể thờ ơ trước khổ đau của anh em mình. Nói khác đi, không thể không cảm được nỗi đau mà anh em đồng loại đang gánh chịu vì nỗi đau chiến tranh. Năm mới 2022 chưa kết thúc tháng thứ hai, nhưng chiến sự đã bùng nổ. Thời gian này, hẳn là thời gian mơ về viễn cảnh hòa bình chân chính, một nền hòa bình được kiến tạo trong công lý và tình thương.[13] Nhìn hình ảnh những người mẹ bồng ẵm trẻ thơ, những dòng người đổ xô tìm cách trốn chạy khỏi làn bom đạn, nhân loại nói chung và Kitô hữu nói riêng không thể không suy nghĩ. Một sự đồng cảm là điều cần thiết cho những người trong cảnh khốn cùng ấy. Sự thường, ai mà chẳng thích, chẳng muốn có được cuộc sống yên lành. Thế nhưng, vì đâu họ lại phải đón nhận những điều khủng khiếp và tồi tệ ngay trên đất nước mình sinh sống. Nỗi ám ảnh từ những tiếng súng vang rền ắt sẽ theo họ suốt cuộc đời. Bất cứ ai đang sống trong môi trường “được xem” là hòa bình thì không có lý do gì để mà lại không ước mơ cho những người khác cũng được sống như vậy.
Giáo hội luôn kêu gọi và cỗ vũ cho một nền hòa bình viên mãn. Nền hòa bình mà bất cứ ai hiện diện trên thế giới này đều có quyền được hưởng. Nền hòa bình ấy không phân biệt chủng tộc, châu lục, màu da, giai cấp, tôn giáo. Tất cả mọi người được tạo dựng bởi Thiên Chúa luôn có quyền được đối xử đúng với nhân phẩm, có quyền được hưởng một cuộc sống ổn định. Hòa bình là một trong những điều hiện thực hóa quyền lợi căn bản ấy.
Là môn đệ Đức Kitô, những lời của công đồng Vaticanô II vẫn vang vọng và nói lên được giá trị của nó: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ.”[14] Những lời ấy thực sự có sức đánh động lòng người, dù họ ở bất cứ nơi đâu.
Nhận ra những thiệt hại vượt sức tưởng tượng của chiến tranh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời của các vị giáo hoàng tiền nhiệm Bênêđictô XV và Piô XII trong buổi truyền tin ngày 03/11/2017: “Xin Chúa hãy ngăn lại! Đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa, đừng bao giờ! Đừng bao giờ xảy ra cuộc tàn sát vô ích này nữa! Với chiến tranh, tất cả đều mất mát. Hàng ngàn, hàng ngàn, hàng ngàn và hàng ngàn niềm hy vọng bị dập tắt. Chiến tranh là thế: chúng ta tự huỷ diệt chính mình.”
Hòa bình thực sự vắng bóng trong thế giới chúng ta đang sống. Ước gì hòa bình sớm ngự trị trên toàn thế giới, cho mỗi quốc gia. Chúng ta không được từ bỏ một giấc mơ về một thế giới không có chiến tranh. Ước mong tất cả dân tộc trên thế giới được hưởng niềm vui hòa bình.
[1] Khoảng 10h (theo giờ Việt Nam) ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào đất nước Ucraina, khiến cho nỗi lo sợ trước đó của thế giới về một cuộc chiến trở thành hiện thực.
[2] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium et Spes, 77; Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 2307-2317.
[3] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn Văn Tại Drogheda, Ailen, ngày 19 tháng 9 năm 1979; X. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi, 1975, số 37.
[4] ĐGH. Piô XII, Thông Điệp Truyền Thanh, ngày 24 tháng 8 năm 1939; ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình, năm 1993.
[5] ĐGH. Phanxicô, Buổi đọc kinh Truyền tin ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 03 tháng 11 năm 2017.
[6] ĐGH. Phanxicô, Buổi Tiếp Kiến Các Thành Viên Tham Dự Khóa Họp Toàn Thể Của Bộ Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, thứ Sáu, ngày 17/02/2022.
[7] ĐGH. Phanxicô, Buổi Tiếp Kiến Chung, thứ Tư, ngày ngày 23 tháng 02 năm 2022.
[8] Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, Tuyên bố ngày 24 tháng 02 năm 2022.
[9] ĐGH. Phanxicô, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình Lần Thứ 55, số 1.
[10] Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc – Populorum Progressio, 1976, số 76.
[11] X. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1974.
[12] ĐGH. Phanxicô, Thông điệp Tình Huynh Đệ Và Tình Thân Hữu Xã Hội – Fratelli tutti, số 30, 32.
[13] X. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Thông Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình, năm 1972.
[14] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium Et Spes, số 1.