Kính Lòng Chúa Thương Xót – Chúa Nhật II Phục Sinh


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Kính Lòng Chúa Thương Xót

19-4-2020

—————————————–

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Ngãi

GIÁO HUẤN SỐ 20

CHÚNG TA HỌC TỪ TUỔI TRẺ CHÚA GIÊSU (tt)

Lịch Giáo Phận trang 70

Chúa đang kêu gọi chúng ta thắp lên những ánh sao trong đêm tối của các bạn trẻ khác. Người đề nghị các con hướng nhìn những ánh sao đích thực, tức tất cả những dấu hiệu đủ loại mà Người trao cho để dẫn đường chúng ta, và bắt chước người nông dân xem sao trên trời trước khi đi cày ruộng. Thiên Chúa thắp sáng các ánh sao để giúp chúng ta bước đi: “Sao chiếu sáng nơi trạm canh của chúng; Ngài gọi chúng và chúng vui mừng (Br 3,34-35). Chính Đức Kitô là ánh sáng hy vọng rạng ngời của chúng ta và là người dẫn đường chúng ta trong đêm tối, vì Người là “sao mai chiếu rạng (Kh 22,16).

(Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống số 33)

————————————-

CN 2 PHỤC SINH

Kính Lòng Chúa Thương Xót

 (Cv 2, 2-47; 1 Pr 1,3-9; Ga 20,19-31)

Ngọc Liên công chúa: Một công chúa của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên,  (con trai thứ 6 của Nguyễn Hoàng), cũng là nhân vật không thể không nhắc tới, đó là Ngọc Liên công chúa. Bà là trưởng nữ của Sãi Vương, kết hôn với tướng Nguyễn Phước Vinh (quan trấn Phú Yên), có lẽ trước năm 1629. Ngọc Liên sinh năm nào không rõ; chỉ biết bà là gái trưởng. Ngọc Liên có ba em gái: Ngọc Vân kết hôn với vua Chey Chetta II (Cam Bốt); Ngọc Hoa (Khoa ?) là vợ của Nhật kiều Satano, cũng gọi là Taro, hiệu Hiển Hùng; Ngọc Đỉnh thành hôn với tướng Nguyễn Cửu Kiều (quan phủ Quảng Bình). Ngọc Liên và Ngọc Đỉnh theo ‘Đạo Hoa Lang’.

Ngọc Liên đã được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức Vương thái phi, có lẽ được rửa tội năm 1636 do cha Buzomi, mang thánh hiệu Maria Mađalêna. Chồng bà làm trấn thủ Trấn Biên dinh (Phú Yên) từ năm 1629-1643, tuy không theo đạo, nhưng lại “ước mong mọi người dưới quyền cai trị của ông theo “Đạo Hoa lang”. Ngọc Liên rất nhiệt tình với đạo, có một nhà nguyện riêng trong dinh của bà và anh chị em bổn đạo có thể tới cầu nguyện. Năm 1641, cha Rhodes ở trong dinh của tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh tẩy cho 90 người, trong số này có cậu Anrê-Phú Yên. Từ năm 1643, Ngọc Liên theo chồng về cư ngụ tại Thanh Chiêm bà vẫn một lòng đạo, hăng say giới thiệu Tin Mừng, kể cả sau khi tướng Vinh qua đời năm 1645. Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng Đàng Trong. Đầu năm 1645, bà cũng có dịp gặp gỡ và giúp đỡ 4 nữ tu Clara cùng hai cha dòng Phanxicô (tất cả là người Tây Ban Nha), đi tầu từ Áo Môn về Manila, bị gió bão trôi giạt vào Quảng Nam. Khi cha Saccano đến Đàng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thanh Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm. Năm 1663 chính quyền ra lệnh khám xét nhà Ngọc Liên, tịch thu của cải, vì bà theo Đạo Hoa Lang, lại còn thiêu hủy nhà nguyện của bà. Hai năm sau Hiền Vương ra lệnh cấm đạo ngặt hơn : ngày 29-1-1665 bà bị giam trong một nhà ngục không mái che, để cho chết đói, chết khát. Sau năm ngày, bà không chịu nổi, nên đã chối đạo. Tuy nhiên đầu tháng 2-1665, khi gặp cha Louis Chevreuil, MEP (hội Thừa sai Paris), bà đã xưng tội, nhưng bị cha phạt vạ không được rước lễ ngay. Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang73-74).

Ông Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên còn thêm vài cử chỉ đẹp của bà : “Mỗi ngày bà Ngọc Liên gởi một món quà để tặng, đến thăm thường xuyên và còn cho con gái của bà đến ở với các nữ tu (Tây Ban Nha)” (Hồng Nhuệ, Tường Trình Về Đàng Trong 1645, trang 120).

Bà Ngọc Liên là hình ảnh lòng Chúa thương xót  trong thánh lễ hôm nay.

Bài Tin Mừng : Câu chuyện thánh Tôma “cứng lòng tin” trong bài Tin Mừng hôm nay người ta thường nói đến chuyện tin phải “thấy tận mắt, bắt tận tay”, tin phải thấy; nhưng cha Nguyễn Công Đoan trong tập sách “Chiên Vượt Qua Của Chúng Ta” lại nói đến “lòng Chúa thương xót”. Cha viết : “Chúa rất khoan dung với ‘kẻ cứng lòng tin’ này, để giữ đúng lời Chúa đã thưa với Chúa Cha: ‘Con đã canh giữ và không để một ai trong họ phải hư mất (Ga 17,12)…Chúa không bỏ Tô-ma. Chúa đi tìm từng con chiên lạc! Đây lại là một trong Nhóm Mười Hai đã được tuyển chọn. Nhưng Chúa cũng để cho ông chờ một tuần nữa. Trong khi các ông khác sống trong niềm vui đã thấy Chúa thì ông vẫn một mình ôm ‘trái sầu riêng’.

“Tám ngày sau, vẫn căn phòng ấy, vẫn cửa đóng then cài. Ông Tô-ma có mặt. Chúa lại đến, đứng giữa các ông và ban bình an. Sự hiện diện của Chúa là bình an. Nhưng Chúa đâu cần ai mách, vì “con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa (Tv 139,2). Chúa nói ngay với ông để mọi người thấy rằng Chúa đến lần này chỉ vì Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.

“Tông đồ Tô-ma trở thành đại diện cho những người đã thấy mới tin. Chúa Giê-su công bố mối phúc thứ hai trong Gio-an: “Vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”. Tất cả các thế hệ sau các tông đồ có chúng ta, đều có thể hưởng cả hai mối phúc này là không thấy mà tin, và thực hành Lời Chúa. Thấy Chúa đó, xem Chúa làm phép lạ, nhưng không tin thì có ích gì cho họ đâu. Nghe Lời Chúa, thông thạo Sách Thánh mà không thực hành thì có ích gì hơn đâu” (Sđd, trang 185-186).

Câu chuyện ‘cứng lòng tin’ của thánh Tô-ma biến thành “lòng Chúa thương xót”, nên năm 2005 Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II muốn Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật kính ‘lòng Chúa thương xót’.

Bài đọc 1 : Sách Công Vụ Tông Đồ cùng tác giả Luca với sách Tin Mừng thứ ba. Sách Tin Mừng Luca dạt dào lòng Chúa thương thì sách Công Vụ cũng chan chứa lòng Chúa thương. Cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở Giê-ru-sa-lem sống theo lòng thương của Chúa, nên thành cộng đoàn hiệp thông. Nhóm CGKPV viết : “Sách Công vụ có 3 đoạn 2,42-47; 4,32-36; 5,12-16 tóm lược mọi sinh hoạt của anh em tín hữu thời sơ khai. Cộng đoàn tín hữu thể hiện niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh khi sống thành một cộng đoàn phụng vụ, một cộng đoàn bác ái huynh đệ đầy tình hiệp thông, một cộng đoàn lý tưởng sống theo Tin Mừng. Đó là Hội thánh của Chúa Ki-tô. Hội thánh là một hiệp thông, hiệp thông trong phẩm trật, hiệp thông trong chia sẻ, hiệp thông trong của cải và hiệp thông trong Chúa Ki-tô” (Kinh Thánh 2011, trang 2415).

Bài đọc 2 : Trong bài đọc 2, thánh Phê-rô nhắn nhủ các tín hữu vùng Tiểu Á : “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội – vàng là của phù vân, mà còn chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang danh dự” (1Pr 1,6-7).

Sở dĩ thánh Phê-rô tuyên bố : “Bị thử thách trăm chiều” trở thành “lời khen ngợi” và “vinh quang danh dự”,  vì lòng Chúa thương. Thời thánh Phêrô sống ở Rô-ma là thời hoàng đế Nê-rô bắt đạo. Chính thánh Phê-rô bị đóng đinh vào năm 64. Ngài cảm thấy mình chẳng xứng đáng được đóng đinh giống Chúa, ngài xin đóng đinh ngược : đầu cúi xuống đất, chân giơ lên cao.

Lạy Mẹ Trà Kiệu, xin giúp chúng con nhìn ra “lòng Chúa thương xót” cùng  “lời khen ngợivinh quang danh dự” trong đau khổ thánh giá của cuộc đời.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành