Kinh Nghiệm Của Dân Chúa: Thế Nào Là Một Hội Thánh Hiệp Hành?


Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn

WHĐ (16.09.2023) – Các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới đã khởi động tiến trình hiệp hành, qua việc thỉnh ý Dân Thiên Chúa, với câu hỏi căn bản đặt ra trong Tài liệu Chuẩn bị (PD) số 2: «Làm thế nào để tiến trình “hiệp hành” này, vốn đã thực hiện cho tới nay ở các cấp độ khác nhau (từ địa phương đến hoàn vũ), cho phép Hội thánh loan báo Tin mừng phù hợp với sứ mạng được Chúa trao phó; và đâu là những bước đi mà Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện để phát triển như một Hội thánh hiệp hành?».

Tài liệu Làm việc của giai đoạn cấp Châu lục (DCS) đã được thảo ra dựa trên các đóng góp của các Giáo hội địa phương, các Hội đồng Giám mục và các Giáo hội Đông phương. Giai đoạn cấp Châu lục đã cử hành 7 Đại hội trong đó có sự tham dự của các Giáo hội trong vùng. Giai đoạn này chúng ta đã kinh nghiệm được trước hết tính công giáo của Giáo hội, thể hiện qua các thành phần khác nhau đa dạng về tuổi tác, giới tính và hoàn cảnh xã hội, gia tài hết sức phong phú các đặc sủng và ơn gọi trong Giáo hội và một kho tàng quí giá các ngôn ngữ, văn hóa, nghi lễ phụng vụ và truyền thống thần học khác nhau. Kho báu này là đặc sủng mỗi Giáo hội địa phương đóng góp cho các Giáo hội khác (x. LG 13). Giai đoạn một chấm dứt, chúng ta thấy rõ ràng là phương pháp lắng nghe và phân định hiệp hành thực sự giúp liên hệ và phát huy các đặc sủng và ơn gọi Giáo hội mà không bị đồng dạng hóa. Đồng thời nó cũng cho thấy một số căng thẳng khả dĩ hòa hợp ở mức độ cao hơn (x. EG 221), trở nên nguồn năng lượng xây dựng chứ không suy yếu thành sự phân cực hủy diệt. Nhưng trên hết, chúng cho ta một nhận thức mới mẻ rằng Hội thánh ngày càng trở nên hiệp hành hơn là căn tính, ơn gọi và là đích điểm của Hội thánh: bước đi cùng nhau, nghĩa là làm công nghị, là con đường của các môn đệ và bạn hữu đích thực của Thầy và là Chúa, Đấng đã nói Tôi là «đường đi» (Ga 14,6).

I. HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH      1. Chiếc lều Hội thánh

      2. Một kinh nghiệm toàn diện

      3. Những dấu hiệu của Hội thánh Hiệp hành

      4. Đối thoại trong Thánh Thần

II. HIỆP THÔNG, SỨ VỤ VÀ THAM GIA

      1. Thách đố thứ nhất – Một sự hiệp thông chiếu tỏa.

      2. Thách đố thứ hai – đồng trách nhiệm trong sứ vụ.

      3. Thách đố thứ ba – tham gia, quản trị và quyền bính.

I. HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

1. Chiếc lều Hội thánh

«Hãy nới rộng lều ngươi đang ở» (Is 54,2).

Hình ảnh Hội thánh hiệp hành như chiếc lều trong truyền thống Kinh Thánh, mà tài liệu làm việc để chuẩn bị nội dung cho các công nghị hiệp hành cấp châu lục (DCS), gợi ra như chìa khóa cốt yếu giải thích đặt trong Lời hứa của Thiên Chúa (x. Is 54,10) đã trở thành ơn gọi và sứ mạng của Dân Chúa: «Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ». Hình ảnh ấy rất gợi ý về bản chất hiệp hành của Hội thánh, Dân Thiên Chúa trong Giao ước mới:

a. Dân Chúa là một dân lữ hànhđi về Đất hứa

Xưa, dân Chúa xuất hành khỏi đất nô lệ Aicập du hành qua sa mạc 40 năm về đất hứa có Đức Chúa hiện diện giữa dân nơi Nhà Tạm chứa Hòm Bia chứng ước, dẫn đường. Cột mây dẫn đường ban ngày, cột lửa ban đêm như dấu chỉ hướng dẫn, khi nào cần dừng chân cắm  trại, khi nào cần nhổ trại tiếp tục lên đường. Không phải các thủ lãnh phàm nhân dẫn đường mà là chính Đức Chúa.

b. Có Chúa dẫn đường

Môsê, người trung gian Giao ước của Thiên Chúa với Dân Người, là thủ lãnh của Dân lữ hành nhưng Đức Chúa mới thực sự là nhân vật chính dẫn đường Dân đi. Mỗi lần cần thỉnh ý Đức Chúa theo yêu cầu của Dân trên đường đi (synodo), toàn dân cắm trại, Môsê vào Lều Hội Ngộ, vốn là tiền thân của gian Cực Thánh của Đền Thờ Thiên Chúa sau này, thỉnh ý Đức Chúa và khi đi ra khỏi Lều Hội Ngộ, toàn dân đứng ở các cửa nhà lều mình mà phủ phục trước Môsê sáng láng sau cuộc gặp gỡ thần linh.

Các công nghị của Hội thánh có Thần Khí Chúa hướng dẫn là nhân vật chính.

c. Dân bước đi vững vàng giữa những căng thẳng, thách thức của thời cuộc trong cộng đoàn và ngoài cộng đoàn, và mở rộng lều ra.

Hình ảnh những sợi dây đối trọng căng các tấm bạt lều được cột chặt vào các cọc cắm chốt xuống đất, làm cho lều được dựng đứng bền vững, diễn ý Dân Chúa hiệp hành không chỉ sống và thực thi sứ vụ trong nội tình bình yên nhưng cả giữa những căng thẳng (thậm chí xung đột) trong cộng đoàn và với ngoài cộng đoàn. Dẫu thế có Chúa ở cùng mọi ngày, trong Nhà Tạm chứng ước, cho đến tận thế, Dân Chúa vẫn không bị đập tan mà vững vàng tiến bước. Những căng thẳng ấy, chúng ta không nên e sợ mà lại thấy cần thiết cho Lều Hội thánh được đứng vững và hiệp hành lớn lên.

Sứ vụ đem ơn cứu độ của Chúa đến cho muôn dân: Lều cần được căng mở tấm bạt mình ra («nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc» (Is 54,2)) để «dòng dõi ngươi sẽ thừa kế các dân tộc» (Is 54,3)). Đặc tính Hội thánh duy nhất, công giáo (hay phổ quát) làm nên sứ vụ truyền giáo và đối thoại đại kết và liên tôn.

2. Một kinh nghiệm toàn diện

Kinh nghiệm là chìa khóa mở ra cho ta hiểu tiến trình hiệp hành. Để hiểu cách thức của một Hội thánh hiệp hành ta phải bắt đầu từ ý thức rằng nhân vật chính của toàn thể tiến trình là Chúa Thánh Thần.

Những người tham dự tiến trình thượng hội đồng nhận thấy và cảm nghiệm đó như là một cơ hội cho anh chị em gặp gỡ nhau trong đức tin, qua việc lắng nghe nhau, có thể lắng nghe Chúa Thánh Thần, lớn lên trong sự kết hợp với Chúa và trong tình yêu đối với Hội thánh. Kinh nghiệm hiệp hành mở ra chân trời hi vọng cho Hội thánh, một dấu chỉ rõ ràng của Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động hướng dẫn Hội thánh trong lịch sử lữ hành về Nước Thiên Chúa. Tiến trình hiệp hành đã cho thấy cách thức hiệp hành tạo ra không gian khả thi phù hợp với Phúc Âm khi chúng ta đối diện với các vấn đề cần kíp, những vấn đề mà người ta vốn thường đặt ra với một thái độ thù địch và đời sống của Giáo hội ngày nay thiếu chỗ tiếp nhận và phân định.

Lắng nghe Dân Chúa cho chúng ta ngày càng hiểu nhiều hơn tính hiệp hành ‘từ bên trong’. Không phải từ một nguyên tắc, lí thuyết hay công thức, nhưng hiểu từ thái độ sẵn sàng bước vào một tiến trình năng động: nói, nghe và đối thoại một cách xây dựng, tôn trọng và trong tinh thần cầu nguyện.

3. Những dấu hiệu của Hội thánh Hiệp hành

Nhờ kinh nghiệm tính hiệp hành nhận thức trong tiến trình chúng ta có thể xác định một vài yếu tố cơ bản sau đây đặc trưng của một Hội thánh hiệp hành.

– Một Hội thánh hiệp hành được đặt trên nền tảng nhận thức một phẩm giá chung rút ra từ bí tích Rửa tội. Tất cả mọi người đã nhận bí tích Rửa tội là con cái Thiên Chúa, thành viên của gia đình Thiên Chúa, và là anh chị em với nhau trong Đức Kitô, có Chúa Thánh Thần cư ngụ và sai đi thực hiện một sứ vụ chung. Một Hội thánh hiệp hành chỉ có thể hiểu trong viễn tượng hiệp thông, vốn luôn là một sứ vụ phải loan báo và đem Phúc Âm hội nhập vào các chiều kích của cuộc sống nhân bản. Do đó, cần phải thiết lập một không gian – là những định chế, cơ cấu và thủ tục – trong đó phẩm giá chung của phép Rửa và tính đồng trách nhiệm trong sứ vụ không những được khẳng định nhưng còn được thực hành.

– Một Hội thánh hiệp hành là một Hội thánh lắng nghe. Lắng nghe Chúa Thánh Thần qua việc lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe nhau, cá nhân cũng như trong cộng đoàn Hội thánh. Theo gương Chúa Giêsu khi Người lắng nghe dân chúng Người gặp gỡ. Phong cách lắng nghe tạo dấu ấn và biến đổi các mối quan hệ cộng đoàn Kitô hữu được thiết lập giữa các thành viên, cũng như với các cộng đoàn khác niềm tin và với toàn thể xã hội, đặc biệt với những người không có tiếng nói.

– Một Hội thánh hiệp hành là một Hội thánh muốn sống khiêm hạ, biết mình cần học hỏi nhiều, biết mình còn nhiều sai lỗi (các khủng hoảng lạm dụng tính dục, kinh tế, quyền lực và lương tâm). Được kêu gọi theo con đường sám hối để mở ra hòa giải, chữa lành và công lí.

– Một Hội thánh hiệp hành là một Hội thánh gặp gỡ và đối thoại, không sợ sự khác biệt nhưng biết quí trọng những khác biệt, không áp đặt sự đồng dạng. Tiến trình hiệp hành làm nổi bật cái nhìn nhân học quan hệ (nhận thức người nam và người nữ là những thụ tạo xã hội sống quan hệ thường xuyên với những người khác) cổ võ chuyển tiếp từ cái ‘tôi’ đến ‘chúng ta’, biết gặp gỡ và đối thoại đại kết với những anh chị em Kitô hữu khác, với các tôn giáo tín ngưỡng khác, và với các nền văn hóa xã hội khác trong đó Giáo hội chung sống.

– Một Hội thánh hiệp hành là một Hội thánh cởi mở, tiếp đón và ôm lấy mọi người: là một Hội thánh đi ra, ý thức rằng không có biên giới nào mà không được Thánh Thần thúc đẩy phải vượt qua, lôi kéo mọi người hòa vào chuyển động ấy. Bản chất triệt để của Tin mừng Kitô giáo không thuộc riêng một thành phần ít ỏi ơn gọi đặc thù nào mà kêu gọi xây dựng một cộng đoàn sống và làm chứng qua các cách hiểu khác nhau mối quan hệ giữa anh chị em, con cái Chúa. Đời sống chứng tá ấy thực hiện chân lí của Tình yêu, quà tặng nhưng không cho con người.

– Một Hội thánh hiệp hành là một Hội thánh sẵn sàng và có thể đối phó với mọi căng thẳng mà không bị đè bẹp. Đặc biệt, đối diện cách chân thành và can đảm với tiếng gọi tìm hiểu sâu hơn mối tương quan giữa bác ái và chân lí. Hiệp hành là con đường ưu tiên hoán cải, vì muốn tái lập một Hội thánh duy nhất. Chữa lành các vết thương, giao hòa với kí ức, đón nhận sự khác biệt và cứu chuộc những chia rẽ đã mưng mủ, hầu có thể thực hiện ơn gọi «như là bí tích, hay như là dấu chỉ và khí cụ kết hợp hết sức mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại» (LG, 1).

– Một Hội thánh hiệp hành là một Hội thánh không nghỉ yên vì biết mình mỏng giòn và khiếm khuyết. Đây không phải là một vấn đề để giải quyết nhưng là một mầu nhiệm thánh khôn dò của Thiên Chúa, bởi thế chúng ta phải mở lòng cho Ngài bắt chụp lấy khi lữ hành trong lịch sử tiến về Nước trời. Đây là một món quà phải vun trồng. Điều đó cũng áp dụng cho những câu hỏi mà tiến trình hiệp hành đã mang ra ánh sáng. Như một bước đầu tiên chúng đòi ta phải lắng nghe chăm chú mà không vội vàng tìm ngay lời giải đáp. Mang lấy sức nặng của những câu hỏi này không phải là gánh nặng cho một cá nhân nhưng là nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn, mà đời sống tương quan và bí tích là câu trả lời trực tiếp rất hiệu quả.

– Một Hội thánh hiệp hành cũng là một Hội thánh được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch mầu nhiệm được cử hành trong Phụng vụ, nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Bởi vì câu trả lời hiệu quả nhất cho những vấn đề được nêu lên kia là của cả cộng đoàn Hội thánh sống tương quan và bí tích.

– Một Hội thánh hiệp hành cũng là một Hội thánh phân định, với ý nghĩa phong phú từ ngữ này có trong các truyền thống linh đạo khác nhau. Một Hội thánh phân định có nghĩa là tạo ra không gian cho Chúa Thánh Thần hành động, Ngài mời gọi ta lớn lên trong khả năng cùng nhau nhận biết các dấu chỉ.

4. Đối thoại trong Thánh Thần

Tiến trình hiệp hành có thể xác định một phương pháp phân định hiệp hành: đối thoại trong Thánh Thần.

Trong giai đoạn đầu tiên Dân Chúa đã cảm nếm được sự phân định qua thực hành đối thoại trong Chúa Thánh Thần. Hình thức của phương pháp này được nhận thấy qua thực hành trong những nhóm công nghị khác nhau, kinh nghiệm như là một biến cố Ngũ Tuần, như một cơ hội kinh nghiệm làm Giáo hội và chuyển biến từ lắng nghe anh chị em mình trong Đức Kitô đến lắng nghe trong Thánh Thần, vốn là nhân vật chính thực của tiến trình Thượng hội đồng. Thực ra, đối thoại giữa anh chị em trong đức tin dần dần mở ra không gian cho một sự ‘cùng nhau nghe ’, cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần.

Phương pháp thiêng liêng này là thành phần của truyền thống lâu đời phân định trong Giáo hội, với nhiều phương pháp và lối tiếp cận. Giá trị truyền giáo tuyệt với của nó nên được nhấn mạnh. Thực hành thiêng liêng này cho phép chúng ta đi từ “cái tôi” đến cái “chúng ta”: nó không triệt tiêu cá nhân cái “tôi” nhưng nhận biết và đưa cá nhân vào trong chiều kích cộng đồng.

Huấn luyện việc đối thoại trong Thánh Thần là huấn luyện phong cách hiệp hành để làm nên Hội thánh. Cần phải huấn luyện nên những điều phối viên có khả năng đồng hành với các cộng đoàn trong thực hành.

II. HIỆP THÔNG, SỨ VỤ VÀ THAM GIA

Tiến trình Thượng hội đồng cho đến nay cho thấy ba điểm ưu tiên liên hệ tới ba từ chủ chốt của Thượng hội đồng là: hiệp thôngsứ vụ và tham gia. Cho tới nay ta thấy có một sự thay đổi thứ tự đề cập đến hai từ cuối. Những từ ngữ ấy chỉ ra những thách đố mà Giáo hội phải xác định mình nhằm tiến một bước đi tới và trưởng thành trong hữu thể hiệp hành của mình ở mọi cấp độ và những viễn tượng khác nhau. Chúng cần được đề cập từ các quan điểm thần học cũng như giáo luật, mục vụ và linh đạo. Chúng chất vấn liên quan đến cả kế hoạch giáo phận cũng như những lựa chọn hằng ngày và lối sống của mỗi thành viên Dân Chúa.

Đảo ngược thứ tự của ‘sứ vụ’ và ‘tham gia’, bởi vì tiến trình Thượng hội đồng giúp ta hiểu rằng tham gia không phải là một cùng đích, nhưng nó được rút ra, nguồn gốc cũng như định hướng của nó, là từ Hiệp thông và Sứ vụ. Hiệp thông và Sứ vụ nối kết chặt chẽ và phản chiếu nhau. Cần phải vượt qua cách hiểu nhị nguyên: kiểu như hiệp thông diễn tả quan hệ trong nội tình cộng đoàn Giáo hội, còn sứ vụ (truyền giáo) thì hướng ra ngoài ad extra Giáo hội. Đồng thời, tiến trình hiệp hành đã khơi dậy ý thức rằng định hướng truyền giáo là tiêu chuẩn duy nhất dựa trên nền tảng Phúc-Âm cho mọi tổ chức nội bộ cộng đoàn Giáo hội Kitô, cho sự phân phối vai trò và nhiệm vụ, và quản lí các định chế và cơ cấu trong Giáo hội. Chính trong tương quan với hiệp thông và sứ vụ mà chúng ta hiểu được phải tham gia như thế nào, và bởi thế nó chỉ được đề cập tới sau hai cái kia.

1. Thách đố thứ nhất – Một sự hiệp thông chiếu tỏa.

“Làm thế nào để trở thành một dấu chỉ và khí cụ kết hợp với Thiên Chúa và hiệp nhất với toàn thể nhân loại trọn vẹn hơn nữa?”

Hiệp thông là một nhiệm vụ không bao giờ hoàn tất, xây dựng cái ‘chúng ta’ của Dân Thiên Chúa. Làm thế nào để đan dệt sự kết hiệp với Thiên Chúa (hàng dọc) với sự hiệp nhất toàn thể nhân loại (hàng ngang) trên chuyển động hướng đến ngày cánh chung. Phụng vụ trong nhiều nghi lễ khác nhau phải được gìn giữ phát triển cho ta sống trước cách biểu trưng thực tại cánh chung đó.

Chính sự hiệp thông Hội thánh cho ta hiểu thượng hội đồng không phải như một tổ chức nghị viện gồm các nghị viên đại diện và làm nhiệm vụ lập pháp quyết  định bởi biểu quyết đa số. Mà đúng hơn, nó tương tự như một qui tụ phụng vụ: phù hợp với truyền thống không đứt đoạn của Hội thánh, chúng ta phải hiểu thượng hội đồng được ‘cử hành’ bởi lẽ đó là một cuộc gặp gỡ trong đó Hội thánh trong đức tin đặt mình trong tâm thế lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Với thực tại lịch sử đặc thù của các thời đại, việc gìn giữ và cổ võ sự hiệp thông đòi chúng ta phải mang lấy những giới hạn của việc sống hiệp nhất trong những khác biệt (x. 1Cr 12). Lịch sử đã phát sinh những chia rẽ, li giáo tạo những vết thương cần được chữa lành và yêu cầu phải có những đường lối thực hiện việc giao hòa.

2. Thách đố thứ hai – đồng trách nhiệm trong sứ vụ.

“Làm thế nào để chúng ta chia sẻ đặc sủng và nhiệm vụ trong khi phục vụ Tin mừng?”

Sứ vụ loan báo Tin mừng là tầm nhìn năng động trong đó chúng ta cần phải suy nghĩ về Hội thánh hiệp hành: Hội thánh phải đi ra khỏi chính mình hướng vào thế giới. Nói cách khác, sứ vụ giúp ta đón nhận kinh nghiệm của biến cố Hiện xuống: Khi đã đón nhận Chúa Thánh Thần các Tông đồ đi ra khỏi nhà tiệc li nơi cộng đoàn tụ họp, đến với những người đang ở Giêrusalem bấy giờ, loan báo Đức Kitô Giêsu đã chết và sống lại. Hội thánh hiệp hành cũng sống bắt nguồn từ sự kiện năng động ấy.

Sứ vụ truyền giáo không phải là đi tiếp thị những sản phẩm tôn giáo nhưng là xây dựng một cộng đoàn sống các mối tương quan biểu lộ tình yêu Thiên Chúa. Chính đời sống của Hội Dân Chúa trở thành một lời loan báo hấp dẫn.

Làm thế nào khơi dậy ý thức trách nhiệm góp phần vào sứ vụ của mọi thành viên, mỗi người với ơn riêng Chúa ban (đặc sủng) và nhiệm vụ của mình. Các đặc sủng (cá nhân và cộng đoàn) và thừa tác vụ hướng đến viễn tượng lợi ích chung của Nước Thiên Chúa. Hội thánh hiệp hành phải tự vấn làm thế nào để mình nhận biết và quí trọng sự góp phần mà mỗi người tín hữu đã rửa tội có thể cống hiến cho sứ vụ, khi họ quên mình và cùng với người khác tham dự vào việc chung lớn lao hơn. Hội thánh hiệp hành công nhận sự đa dạng của các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ, thăng tiến phẩm giá bởi phép rửa của người phụ nữ, vai trò của thừa tác vụ giáo sĩ và đặc biệt thừa tác vụ của Giám mục trong Hội thánh hiệp hành truyền giáo.

3. Thách đố thứ ba – tham gia, quản trị và quyền bính.

Câu hỏi đặt ra là:

“Tiến trình nào, cơ cấu nào và định chế nào là cốt yếu đối với một Hội thánh hiệp hành truyền giáo?”

Hiệp thông và sứ vụ phải được cụ thể hóa, khuyến khích sự tham gia của mỗi người và mọi người. Tham gia vào sứ vụ là yêu sách của đức tin từ bí tích rửa tội. Hội thánh quan tâm đến các thủ tục, luật lệ và cơ cấu, tạo ra những định chế tổ chức, sẽ củng cố sứ vụ dần theo dòng thời gian. Hiệp thông sẽ không còn chỉ là một uớc vọng thuần túy. Với phương diện thủ tục (cách thức tiến hành cụ thể) sự tham gia còn thêm cái gì đó rất ý nghĩa cho nhân tính của chúng ta. Thật vậy, tham gia nói lên sự quan tâm đến các mối quan hệ, nó biểu lộ sự thấu cảm, từ bi nhân ái và lòng kính trọng ở chính giữa dự phóng của hiệp thông và dấn thân truyền giáo. Nó bảo đảm tính duy nhất độc đáo của mỗi dung mạo con người, thúc đẩy người ta hướng đến cái chung (“chúng ta”) nhưng không làm tan biến cá thể (“cái tôi”) trong một tập thể bất phân biệt. Tham  gia cốt yếu diễn tả tính sáng tạo, một cách nuôi dưỡng các mối quan hệ hiếu khách, đón tiếp con người và cống hiến phúc lợi giữa sứ vụ và hiệp thông.

Quan tâm đến sự tham gia khơi dậy sự chú ý của chúng ta đến ưu tiên thứ ba: câu hỏi về quyền bính, ý nghĩa của quyền bính và phong cách thi hành quyền bính trong Hội thánh hiệp hành. Câu hỏi này gắn liền với một câu hỏi thứ hai, quan tâm đến sự cụ thể hóa và liên tục theo thời gian: chúng ta làm thế nào để có thể làm cho tính năng động của Hội thánh hiệp hành truyền giáo này thấm vào các cơ cấu, định chế tổ chức của Hội thánh? Thay đổi định chế tổ chức, cơ cấu phẩm trật Hội thánh, như thêm vào chức trách nữ giáo sĩ, thay đổi kỉ luật độc thân giáo sĩ, đón nhận anh chị em LGBTQ+ với tư cách một đôi bạn tình yêu được nhìn nhận qua hành động chúc lành, … có phải là một thể hiện tính hiệp hành cụ thể hay chưa? Phong cách hiệp hành và hành động hiệp hành vẫn còn đó một khoảng cách không dễ vượt qua, nếu không có phân định cộng đoàn chính thực bởi ơn Chúa Thánh Thần.

Tự thân các định chế và cơ cấu tổ chức của Hội thánh chưa đủ để làm nên một Hội thánh hiệp hành. Cần thiết phải xây dựng một văn hóa hiệp hành và linh đạo hiệp hành mà sức sống bắt nguồn từ một lòng khát khao hoán cải và được nâng đỡ bằng một cuộc đào tạo thích hợp. Đào tạo là một phương thế cần kíp để làm cho con đường hiệp hành trở thành một mô hình mục vụ cho đời sống và hoạt động của Hội thánh.

Cuối cùng, ngôn ngữ Hội thánh sử dụng cũng cần được canh tân: trong phụng vụ, rao giảng, dạy giáo lí, nghệ thuật thánh, cũng như trong các hình thức truyền thông bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội xưa và nay, nói với các thành viên trong Hội thánh và với công chúng rộng hơn bên ngoài.