Kinh Truyền Tin 14/2: Xin Cho Con Thoát Ra Khỏi Sự Cô Lập Chính Mình


Lúc 12 giờ trưa CN 14/2, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC có bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu.

Bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1,40-45) trình bày cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người bị bệnh phong cùi. Những người phong cùi bị coi là không thanh sạch và theo luật định, họ phải ở bên ngoài trung tâm sinh hoạt cuộc sống. Họ bị loại ra khỏi bất kỳ mối quan hệ con người, xã hội và tôn giáo nào. Trái lại, Chúa Giêsu để cho mình được người đàn ông đó đến gần, Người chạnh lòng thương, thậm chí giơ tay ra và chạm vào anh. Như thế, Người hiện thực hoá Tin Mừng mà Người loan báo: Thiên Chúa trở nên gần với cuộc sống chúng ta, Người thương xót thân phận con người thương tổn của chúng ta và Người đến để phá bỏ mọi ngăn cách cản trở chúng ta sống mối tương quan với Người, với người khác và với chính chúng ta. Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể thấy hai “sự vi phạm” gặp nhau: người phong cùi đến gần Chúa Giê-su và Chúa Giê-su, chạnh lòng thương, đã chạm vào anh để chữa lành anh.

Sự vi phạm đầu tiên là của người phong cùi: bất chấp quy định của Luật lệ, anh thoát ra khỏi sự cô lập và đến với Chúa Giê-su. Bệnh tật của anh bị xem là sự trừng phạt của Thiên Chúa, nhưng trong Chúa Giêsu, Người có thể nhìn thấy một khuôn mặt khác của Thiên Chúa: Không phải Thiên Chúa trừng phạt, nhưng là Người Cha đầy lòng thương xót và yêu thương, Đấng giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và không bao giờ loại trừ chúng ta ra khỏi lòng thương xót của Người. Nhờ đó, người này có thể thoát ra khỏi sự cô lập, bởi vì nơi Chúa Giêsu, anh tìm thấy Thiên Chúa, Đấng chia sẻ nỗi đau của anh. Thái độ của Chúa Giêsu thu hút anh, đẩy anh ra khỏi chính mình và trao phó lịch sử đau thương của mình cho Người.

Đến đây, Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “cho phép tôi có một suy nghĩ về nhiều cha giải tội tốt lành khi có được thái độ này: thu hút người ta, và nhiều người cảm thấy họ chẳng là gì, cảm thấy mình thấp hèn, do tội lỗi của họ … nhưng với sự dịu dàng, với lòng trắc ẩn… Những linh mục giải tội tốt lành này không cầm roi trong tay, nhưng chỉ đón nhận, lắng nghe và nói rằng Chúa nhân lành và Chúa luôn tha thứ, Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ.” Đức Thánh Cha mời các tín hữu hiện diện ở quảng trường thánh Phêrô vỗ một tràn pháo tay cho các linh mục giải tội tốt lành này.

Kế đến, Đức Thánh Cha tiếp: Sự vi phạm thứ hai là của Chúa Giêsu: trong khi Luật cấm đụng đến người phong cùi, thì Người chạnh lòng thương, đưa tay ra chạm vào anh để chữa lành. Nhiều người có thể nói: Ông ấy phạm tội. Ông đã làm điều luật cấm. Đúng, Người là kẻ vi phạm luật. Không giới hạn trong lời nói, nhưng Người còn chạm tay vào anh. Chạm với tình yêu có nghĩa là thiết lập một mối liên hệ, đi vào sự hiệp thông, tham gia vào cuộc sống của người kia đến nỗi chia sẻ những vết thương của họ. Với cử chỉ này, Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không thờ ơ, không giữ mình ở một “khoảng cách an toàn”; thực sự, Người gần gũi với lòng trắc ẩn và chạm vào cuộc sống của chúng ta để chữa lành nó bằng sự dịu dàng. Đây là cung cách của Thiên Chúa: gần gũi, chạnh lòng thương và dịu dàng. Đây là sự vi phạm của Thiên Chúa. Người đã vi phạm theo nghĩa này.

Thưa anh chị em, ngay cả ngày nay trên thế giới cũng còn rất nhiều anh chị em của chúng ta đang mắc phải căn bệnh quái ác này…. hoặc do các căn bệnh và tình trạng khác mà rất tiếc lại bị định kiến ​​xã hội. “Người này là một tội nhân”, Hãy nghĩ đến khoảnh khắc khi người phụ nữ bước vào bữa tiệc và đập bình nước hoa để đổ lên chân Chúa Giê-su… Những người khác nói: “Nếu ông là một ngôn sứ thì hẳn ông biết người phụ nữ này là ai: một tội nhân.” Một sự khinh thường. Nhưng ngược lại, Chúa Giê-su đón nhận: “Tội của chị đã được tha”. Đây là sự dịu dàng của Chúa Giêsu. Trong khi định kiến ​​xã hội xua đuổi người ta bằng những lời: “Đây là kẻ ô uế, đây là kẻ tội lỗi, đây là kẻ lừa đảo, đây là…” Vâng, đôi khi điều đó đúng, nhưng đừng có thành kiến. Mỗi người trong chúng ta đều có thể trải qua những vết thương, thất bại, đau khổ, ích kỷ khiến chúng ta đóng lại với Chúa và với tha nhân, bởi vì tội lỗi đóng chúng ta lại trong chính chúng ta, vì xấu hổ, vì sỉ nhục, nhưng Chúa muốn mở trái tim của chúng ta. Trước tất cả những điều này, Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là một ý tưởng hay học thuyết trừu tượng, nhưng Thiên Chúa là Đấng “để mình bị nhiễm” với nhân loại thương tích của chúng ta và không ngại tiếp xúc với vết thương của chúng ta.

“Nhưng thưa cha, cha nói gì vậy? Chúa để mình bị nhiễm gì?” Không phải tôi nói, nhưng Thánh Phao-lô đã nói điều đó: Đấng chẳng biết tội là gì, đã tự biến mình thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta. Hãy nhìn xem cách Thiên Chúa bị nhiễm uế để gần với chúng ta, để cảm thương và để thể hiện sự dịu dàng của Người. Sự gần gũi, sự cảm thương và dịu dàng.

Để giữ tiếng tốt và các phong tục xã hội, chúng ta thường im lặng trước nỗi đau hoặc đeo mặt nạ để ngụy trang nó. Để cân đối những tính toán ích kỷ của chúng ta hoặc theo nỗi sợ hãi bên trong, chúng ta không dám tham dự vào nỗi đau của người khác. Thay vào đó, chúng ta hãy xin Chúa ban ơn cho chúng ta sống hai “vi phạm” này, hai sự “vi phạm” này của Tin Mừng hôm nay. Sự vi phạm của người phong cùi, để chúng ta có can đảm thoát ra khỏi sự cô lập chính mình, thay vì ở lại trong nỗi dày vò bản thân, than khóc những thất bại của chúng ta; thay vì phàn nàn, chúng ta đến với Chúa Giêsu để nói với Người: “Lạy Chúa, con như thế này.” Chúng ta sẽ cảm thấy được ôm lấy, cái ôm tuyệt vời của Chúa Giêsu. Và kế đến là sự vi phạm của Chúa Giê-su: một tình yêu khiến chúng ta vượt ra ngoài những quy ước, vượt qua những định kiến​​và nỗi sợ phải tham dự vào cuộc sống của người khác. Chúng ta học cách trở thành những người vi phạm như hai người này: giống như người phong cùi và giống như Chúa Giê-su.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình này, người mà chúng ta đang cầu khẩn trong lời cầu nguyện của Kinh Truyền Tin.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt