Kinh Truyền Tin 5/7: Những Bí Ẩn Dành Cho Người Khiêm Nhường
Trưa Chúa Nhật 5/7, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Đoạn Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay (x. Mt 11,25-30) được chia thành ba phần: trước hết Chúa Giêsu cất lên một bài thánh thi chúc tụng và tạ ơn Chúa Cha, vì Người đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người nghèo và bé mọn; sau đó Ngài mặc khải tương quan mật thiết và độc nhất giữa Ngài với Cha; và cuối cùng là lời mời hãy đến với Ngài và bước theo Ngài để nhận được sự nghỉ ngơi.
Ở điểm đầu tiên, Chúa Giêsu ngợi khen Cha vì Người đã giấu những bí mật về Nước Trời, về sự thật, “đối với những bậc khôn ngoan và thông thái” (câu 25). Ngài gọi họ như vậy với một bức màn trớ trêu, bởi vì họ tự cho mình là khôn ngoan thông thái, và do đó nhiều lần họ khép kín trái tim. Sự khôn ngoan đích thực còn đến từ trái tim, chứ không chỉ hiểu biết những ý niệm. Nếu anh biết nhiều điều nhưng trái tim lại khép kín, thì anh không phải là khôn ngoan. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng những bí ẩn của Cha lại được tiết lộ cho “những người bé nhỏ”, những người tin tưởng mở con tim ra với Lời cứu rỗi của Ngài, họ cảm thấy cần Ngài và mong đợi mọi sự từ Ngài. Một trái tim mở rộng và tín thác vào Chúa.
Sau đó, Chúa Giêsu giải thích rằng Ngài đã nhận được mọi sự từ Chúa Cha. Ngài gọi Chúa Cha là “Cha của tôi”, để khẳng định sự độc đáo trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha. Thật vậy, chỉ giữa Con và Cha mới có sự hỗ tương hoàn toàn: người này biết người kia, người này sống trong người kia. Nhưng sự hiệp thông độc đáo này giống như một bông hoa đang nở, để mặc khải cách nhưng không vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài. Và đây là lời mời của Chúa Giêsu: “Hãy đến cùng tôi …” (câu 28). Ngài muốn cho đi những gì Ngài nhận được từ Cha. Ngài muốn ban cho chúng ta sự thật, và sự thật của Chúa Giêsu luôn nhưng không, miễn phí: là một quà tặng, là Thánh Thành, là Sự Thật.
Giống như Cha dành ưu tiên cho “những người bé mọn”, Chúa Giêsu cũng nhắc đến những người “mệt mỏi và bị áp bức”. Thật vậy, Ngài tự đặt mình trong số họ, bởi vì Ngài là “người hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (câu 29). Như trong các Mối Phúc thứ nhất và thứ ba, về những người khiêm nhường hay có tinh thần nghèo khó; và về người hiền lành (x. Mt 5,3.5): là sự hiền lành của Chúa Giêsu. Như thế, Chúa Giêsu, “hiền hậu và khiêm nhường”, không phải là hình tượng của những ai cam chịu hay đơn giản là nạn nhân, nhưng là “Con Người” sống hoàn cảnh này “bằng cả trái tim” trong sự trong suốt hoàn toàn với tình yêu của Chúa Cha, tức là với Chúa Thánh Thần. Ngài là khuôn mẫu của những ai có “tinh thần nghèo khó”, và của tất cả những người sống các mối phúc khác của Tin Mừng, những người chu toàn thánh ý Thiên Chúa và làm chứng cho Vương quốc của Ngài.
Và rồi, Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta đến với Ngài, chúng ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi: “Sự nghỉ ngơi” mà Chúa Kitô dành cho những người mệt mỏi và bị áp bức không phải là một sự nghỉ ngơi chỉ về tâm lý hay một của bố thí, nhưng đó là niềm vui của những người nghèo được nghe Tin Mừng và trở nên những người kiến tạo nhân loại mới. Đây là thông điệp cho chúng ta, cho tất cả những người thiện chí, mà Chúa Giêsu vẫn nhắc đến ngày hôm nay trong thế giới tôn vinh những người tìm kiếm giàu có và quyền lực, bất kể bằng phương tiện gì, và đôi khi chà đạp lên con người và phẩm giá con người. Chúng ta nhìn thấy điều này hằng ngày, những người nghèo bị chà đạp. Và đó là một thông điệp dành cho Giáo hội, được kêu gọi thực thi lòng thương xót và mang Tin Mừng đến cho người nghèo, trở nên hiền hậu và khiêm nhường. Chúa muốn cho Giáo hội của Ngài, tức là chúng ta như thế.
Xin Đức Maria, người khiêm tốn nhất và cao nhất giữa các thụ tạo, cầu bầu Thiên Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan của trái tim, để chúng ta biết phân định những dấu chỉ của Ngài trong cuộc sống chúng ta và được tham dự vào những bí ẩn, vốn bị che giấu đối với những người kiêu ngạo, nhưng mặc khải cho những người khiêm tốn.
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt