Kitô Giáo: “Cuộc Cách Mạng” Cho Người Dân Tộc Ở Thái Lan


Tại Ban Thoet Thai, cha Ribolini, thừa sai thuộc Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại (Pime) làm việc cho các bộ lạc của dân tộc Akhà. Tại vùng đất này, mối tương quan trong các gia đình không bền vững; nguyên dân do nghiện ma túy, nghiện rượu, trẻ em không được giáo dục, bạo lực, chia rẽ trong các gia đình. Trong hoàn cảnh này Tin Mừng đã đem lại một sức sống mới cho người dân ở đây.

“Từ việc loan báo Tin Mừng đến việc trở lại của các bộ lạc là một quá trình dài các thế hệ. Các giá trị Kitô thực sự có tính cách mạng không những về khía cạnh tôn giáo mà còn về mặt xã hội”. Cha Marco Ribolini, linh mục thuộc Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại (Pime) và là cha sở của giáo xứ Ban Thoet Thai đã cho biết như trên. Giáo xứ do cha coi sóc thuộc Giáo phận Chiang Rai, ở một vị trí rất xa thành phố. Người Công giáo của vùng đất này là các dân tộc thiểu số. Họ sống giữa núi non hiểm trở của vùng nông thôn. Họ là những người rất nghèo cả về mặt xã hội và địa lý. Bốn nhà truyền giáo thuộc Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại đã xây dựng các ký túc xá để đón tiếp và giáo dục các bạn trẻ đến từ các gia đình nghèo.

Cha Ribolini bày tỏ: “Giáo hội của chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn “dự tòng”. Địa lý ở đây rất phức tạp: các Kitô hữu sống trong những ngôi làng ở trong rừng và họ sống cách xa nhau”. Hoạt động mục vục của các thừa sai là coi sóc 27 khu định cư và dành ưu tiên các hoạt động giải trí khác nhau cho các bạn trẻ, cùng với những giây phút cầu nguyện và học giáo lý. Các buổi học này diễn ra trong 4 ngày, có khoảng 70 em khoảng độ 7 đến 12 tuổi đến học. Qua sáng kiến này các linh mục chuẩn bị cho các em lãnh nhận các Bí tích khai tâm Kitô giáo.

Cha Ribolini nói. “Trong các ký túc xá giờ cầu nguyện không bao giờ thiếu”. Không chỉ quan tâm đến đời sống thiêng liêng nhà truyền giáo còn quan tâm đến đời sống của các gia đình, tìm cách tiếp xúc với họ. Trong các buổi gặp gỡ này là dịp để cha giúp họ giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống gia đình.

Theo cha Ribolini Kitô giáo đang thay đổi mọi sự. Nhưng nơi đây có một vấn đề cần phải kiên nhẫn đó là có những tập tục đã ăn sâu trong cuộc sống của họ từ khi họ chưa là Kitô hữu. Ví dụ các các thanh niên đã quen trao đổi tình dục trước hôn nhân và ngay cả sau khi tạo lập gia đình họ cũng trao đổi vấn đề này giữa các gia đình với nhau. Họ không có khái niệm “mãi mãi”. Chính vì thế có nhiều cuộc chia tay, nhiều trẻ em không được đón nhận, bị bỏ rơi, không được giáo dục. Tất cả điều này dẫn đến tệ nạn xã hội hiện diện trong các bộ tộc.

Cha Ribolini kết luận: “Từ việc loan báo Tin Mừng đến việc trở lại của người dân thực sự là một quá trình dài. Hiện tượng thất nghiệp, đô thị hóa và di dân có thể đe dọa các giá trị mà chưa được định hình này. Những người trẻ của chúng tôi rời làng để tìm kiếm tương lai nơi thành phố hoặc ở nước ngoài. Điều này đòi hỏi chi phí xã hội rất cao”.

Ngọc Yến

Nguồn: Vatican News