Kỷ Niệm 10 Năm Đức Gioan XXIII Và Đức Gioan Phaolô II Được Tuyên Thánh
“Những mục tử có mùi chiên”
Đức Angelo Roncalli và Đức Karol Wojtyła (tên của hai Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II) – lần lượt ở Venezia và Krakow, và sau đó trong sứ vụ Phêrô ở Roma – là “những mục tử có mùi chiên”, như Đức Thánh Cha nói ngày nay. Các ngài sống như những mục tử giữa dân chúng mà không sợ chạm vào những vết thương của Chúa Kitô, những vết thương thấy rõ trong đau khổ của anh chị em làm nên Thân Thể đó là Giáo Hội. Công đồng Vatican II – được sinh ra từ trái tim vâng phục và can đảm của Đức Gioan XXIII và có vị giám mục trẻ Karol Wojtyla là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất – đã đặt hình ảnh Thân Mình Chúa Kitô trở lại trung tâm đời sống Giáo hội, gắn kết Thân Mình này với kinh nghiệm đầu tiên của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được thuật lại trong Sách Công vụ Tông đồ.
Một đức tin được thể hiện trong niềm vui và hy vọng
Thời đại mà Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II sống không kém phần phức tạp, nổi bật bởi nỗi sợ hãi về sự hủy diệt của loài người. Đức Gioan XXIII, một người cao tuổi và bệnh tật, đã phải đối mặt với Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong những ngày khai mạc Công đồng. Đức Gioan Phaolô II, với tư cách là một linh mục đã trải qua nỗi kinh hoàng của Đức Quốc xã ở quê hương Ba Lan và với tư cách là một giám mục, đã phải đối mặt với chế độ độc tài Cộng sản ngột ngạt, với sự kiên trì mang tính ngôn sứ, cuộc đối đầu giữa hai khối của Chiến tranh Lạnh dẫn đến sự tan rã đầy kịch tính của Liên Xô và sinh ra ảo tưởng về “sự kết thúc của lịch sử”.
Hai vị giáo hoàng của thế kỷ 20 này đã không phản ứng trước những bi kịch của thời đại của mình bằng thái độ cam chịu và bi quan. Các ngài đã không tham gia vào đội ngũ của những “nhà tiên tri về sự diệt vong”, những người mà lúc đó, cũng như bây giờ, dường như thích phàn nàn về những gì sai trái, trái lại các ngài đã xắn tay áo lên để giúp mọi việc tốt hơn. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong bài giảng Thánh Lễ phong thánh cho các ngài, nơi Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II “niềm tin mạnh mẽ hơn – niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa của lịch sử”, một đức tin được thể hiện trong niềm vui và hy vọng rằng chỉ những ai đã gặp Chúa Kitô trong đời mình mới có thể làm chứng.
“Đó là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị thánh Giáo hoàng này đã nhận được như một món quà từ Chúa phục sinh”, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý trong bài giảng, “và đến lượt các ngài, các ngài đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, đáng để chúng ta vĩnh viễn biết ơn. Lòng biết ơn đó đối với hai vị thánh không phai nhạt theo năm tháng, nhưng ngày càng lớn mạnh trong niềm tin rằng giờ đây từ trên trời, các vị có thể cầu bầu cho Giáo hội, cho Dân Chúa, những người mà trong cuộc sống trần thế, các ngài đã phục vụ với tình yêu và sự hy sinh bản thân.
Cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II là một cuộc đời liên tục vâng phục Tin Mừng của Chúa Giêsu
Vào ngày 27/4/2024, Đức Hồng y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, kỷ niệm 10 năm tuyên thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Trong bài giảng, Đức Hồng y Angelo Comastri, nguyên Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô đã hoàn toàn tập trung vào khuôn mặt của Đức Gioan Phaolô II. Đức Hồng y Comastri nêu bật sự gắn bó với Tin Mừng và lòng can đảm của Thánh Gioan Phaolô II: bảo vệ hòa bình, gia đình, sự sống và phẩm giá của mỗi người, trong việc lên án mafia, trong việc mở ra cuộc đối thoại với giới trẻ, trong việc sống và tái khẳng định lòng tôn sùng Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô.
Đức Hồng Y hỏi: “Tại sao chúng ta lại yêu mến Đức Gioan Phaolô II nhiều đến thế?”. Ngài bắt đầu bài giảng với hình ảnh tang lễ của Đức Gioan Phaolô II, ngày 8 tháng 4 năm 2005. Về sự kiện đó, ngài nhớ lại một cơn gió bất ngờ thổi vào sách Tin Mừng đặt trên quan tài, lật từng trang và dường như để gợi ý: “Câu trả lời nằm trong Tin Mừng! Cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II là một cuộc đời liên tục vâng phục Tin Mừng của Chúa Giêsu và vì lý do này – cơn gió đã nói với chúng ta – đây là lý do tại sao bạn yêu mến ngài! Bạn đã nhận ra Tin Mừng của mọi thời đại trong cuộc đời của ngài”.
Can đảm bảo vệ hòa bình
Câu hỏi thứ hai được Đức Hồng y Comastri đặt ra là: “Sự thánh thiện của người môn đệ phi thường này của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì?” Ngài xứng đáng được gọi là “một con người can đảm trong thời đại – thế kỷ 20 – của những nỗi sợ hãi lớn lao”, “trong thời đại của những thỏa hiệp và sự thiếu quyết đoán được lập ra”. Trước hết là lòng dũng cảm “bảo vệ hòa bình, trong khi những cơn gió chiến tranh đang thổi qua”, đặc biệt là ở Vịnh Ba Tư và Trung Đông. “Đôi khi ngài giống như một ngôn sứ lên tiếng trong sa mạc của sự thờ ơ – Đức Hồng y Comastri nhận xét -: tuy nhiên Đức Gioan Phaolô II không cho phép mình nản lòng, nhưng vẫn tiếp tục nói những gì Thần Khí của Chúa Giêsu gợi ý cho ngài trong cung thánh lương tâm. Và hôm nay Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục lời kêu gọi hòa bình chân thành và không được lắng nghe này”.
Gia đình càng thánh thiện và liên đới thì xã hội càng thánh thiện
Đức Hồng y Comastri nói tiếp: “Đức Giáo hoàng Wojtyła, với đôi mắt của vị ngôn sứ, đã nhận thức rõ ràng rằng ‘ngày nay tính nhân loại của con người đang gặp nguy hiểm’, nghĩa là, dự án cấu thành nhân loại như một gia đình, như những người nam và người nữ, thông qua tình yêu chung thủy, trở thành cái nôi của sự sống và là nơi phát triển và giáo dục sự sống con người không thể thay thế được”. Đối mặt với việc Nghị viện Châu Âu lúc bấy giờ không thể đạt được thỏa thuận về định nghĩa gia đình, Đức Hồng y Comastri nhớ lại, từ trái tim của Đức Gioan Phaolô II đã xuất hiện “một giáo huấn kiên trì và đủ tiêu chuẩn về giá trị và ý nghĩa của gia đình”. Và ngài trích dẫn một câu đầy ý nghĩa của Đức Gioan Phaolô II: “Gia đình càng thánh thiện và liên đới thì xã hội càng thánh thiện. Ngược lại, sự tan vỡ của xã hội bắt đầu từ sự tan vỡ của gia đình”.
Bảo vệ sự sống
Đức Hồng Y Comastri tiếp tục bằng cách thu hút sự chú ý của các tín hữu trong Đền thờ đến công việc của Đức Giáo hoàng Wojtyla trong việc bảo vệ phẩm giá sự sống con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà ngài gặp và việc ngài đề cập đến quyền sống như nền tảng của “sự chung sống của con người”. Và Đức Hồng y đưa ra một hình ảnh khó quên khác: Đức Gioan Phaolô II tại Valle dei Templi, gần Agrigento vào ngày 9 tháng 5 năm 1993. “Với một thái độ xứng đáng với ngôn sứ Amos hay Ôsê và với ngôn ngữ mạnh mẽ như của Isaia, ngài đã hét lên trước sự kinh ngạc của mọi người: ‘Những người của mafia, hãy hoán cải! Một ngày nào đó các bạn sẽ phải trả lời trước Chúa về những gì các bạn làm hôm nay!’”.
Một người bạn của giới trẻ
Khi dường như Giáo hội không còn khả năng lên tiếng và thu hút các thế hệ mới, Đức Gioan Phaolô II “là một người can đảm trong việc tìm kiếm những người trẻ” và nói chuyện với họ. Đức Hồng y Comastri nói: “Đức Gioan Phaolô II không chấp nhận trốn chạy hay chính sách đà điểu. Ngài tìm kiếm những người trẻ và những người trẻ cảm thấy ngài là một người bạn: một người bạn thực sự, một người bạn chân thành, một người bạn không thỏa hiệp để có được khán giả, một người bạn không hạ thấp đề xuất của Tin Mừng để trở nên nổi tiếng, một người bạn không dùng chính sách mị dân để giành được những tràng pháo tay của giới trẻ”. Nhưng Đức Giáo Hoàng Wojtyla đã nhận được những tràng pháo tay đó cùng với sự cảm thông của họ. Đức Hồng y Comastri nói thêm: “Những người trẻ yêu mến Đức Gioan Phaolô II một cách mãnh liệt và tìm kiếm ngài như người ta tìm kiếm một người cha, người mà khi có cơ hội cũng biết cách sửa sai, bởi vì ngài biết cách yêu thương chân thành và chung thủy”.
Lòng yêu mến của Đức Gioan Phaolô II đối với Đức Mẹ
Điểm đặc biệt cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II được Đức Hồng y Comastri nhấn mạnh là lòng sùng kính của ngài đối với Đức Mẹ, được xác nhận bằng phương châm: “Totus tuus!”, “Tất cả thuộc về Mẹ!” hiện diện trong huy hiệu giám mục và giáo hoàng của ngài. Giáo hội khi đó đang mất dần lòng tôn sùng Đức Maria, Đức Gioan Phaolô II đã đưa Đức Maria trở lại vị trí của Mẹ, bên cạnh Chúa Giêsu. Đức Hồng y Comastri đã nói về Đức Mẹ Fatima mà Đức Gioan Phaolô II đã dâng viên đạn không giết được ngài, nhấn mạnh rằng ý nghĩa của bí mật thứ ba của Fatima đã rõ ràng bắt đầu từ ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày xảy ra vụ tấn công tại Quảng trường Thánh Phêrô, và nhất là bắt đầu từ ngày 25 tháng 3 năm 1984, khi Đức Gioan Phaolô II đáp lại lời mời thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vẹn sạch của Đức Maria. Đức Hồng y nhận xét rằng một năm sau, “Mikhail Gorbachev lên nắm quyền ở Nga và quá trình hòa bình tự phá hủy đế chế của chủ nghĩa cộng sản vô thần bắt đầu: một điều gì đó khó tin, không thể tưởng tượng được, không thể đoán trước!”.
“Totus tuus!”, “Tất cả thuộc về Mẹ!”
Cuối bài giảng, Đức Hồng y Comastri nhắc lại ký ức về việc vào năm 2014, ngài được mời đến Đền thờ Thánh Phêrô: ở đó, trước mộ của Đức Gioan Phaolô II, ngài đã gặp thấy Ali Ağca, kẻ tấn công Thánh Giáo hoàng, với một bó hoa. Ağca nói với Đức Hồng y: “Ngày 27 tháng 12”, đó là ngày vào năm 1983, anh đã được Đức Gioan Phaolô II đến thăm tại nhà tù Rebibbia. Đức Hồng y khẳng định rằng ngay cả trái tim anh cũng bị xúc động. Cuối cùng, Đức Hồng y bày tỏ lòng biết ơn của Giáo hội đối với “di sản Thánh Mẫu” do Đức Gioan Phaolô II để lại. Ngài nhấn mạnh, một lòng sùng kính “hoàn toàn dựa trên Tin Mừng”, và nhìn vào gương mẫu của Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng y nói thêm: “Mỗi lần chúng ta cầm Chuỗi Mân Côi và đọc Kinh Kính Mừng, hãy để từ trái tim của chúng ta tự động thốt lên: Totus tuus, Maria! – Lạy Mẹ Maria, mọi sự thuộc về Mẹ!”.