Lạy Cha, Con Xin Phó Thác Hồn Con Trong Tay Cha – Thứ Sáu Tuần Thánh 2022


Thứ sáu Tuần Thánh 2022

Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha[1].

 

Theo Phúc âm thánh Luca, đó là lời cuối mà Chúa Giêsu thốt lên trước khi lìa đời.

Thế là kết thúc sự sống trong Con người Thiên Chúa nơi Đức Giêsu nhưng lại khai mở ơn cứu độ của cũng Con người Giêsu Thiên Chúa.

Chính lời phó dâng đó nói lên sự vâng phục thánh ý Chúa Cha để làm người trong thế gian từ 33 năm trước:

Thiên Chúa Cha muốn Đức Giêsu là người và trong kiếp người Ngài đã giảng dạy để loài người biết biết cách sống đẹp lòng Thiên Chúa và biết đường về với Thiên Chúa Cha. Ngài trao ban nhiều ân sủng và thể hiện cách sống biểu lộ một Thiên Chúa quyền năng đầy yêu thương.  Và cuối cùng,  8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự[2] để cứu chuộc nhân loại.

Cái chết của Ngài hoàn tất chương trình cứu độ và qua cái chết của Ngài, chúng ta thấy sự nhẫn tâm của con người: bắt đầu từ những người lãnh đạo Do Thái, kế đến những người có trách nhiệm trong phiên tòa như Philatô, ông cũng mỵ dân, ươn hèn trong quyền lực, thỏa hiệp với sự sai lầm của những kẻ chủ mưu loại trừ Giêsu, kế đến, là đám quần chúng tự phát a dua theo số đông mạnh miệng mạnh tay phủ nhận Đấng Công chính, hô hào đóng đinh Giêsu vào thập giá.

Vâng! 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”[3]

 Trong tác phẩm Quo Vadis, một người ngoại giáo hỏi Thánh Phêrô khi ngài mới đến Rôma như thế này : Athens (thủ đô Hy Lạp) đem đến cho chúng tôi sự thông thái, Rôma đem đến quyền lực, còn tôn giáo của ông đem lại cho chúng tôi điều gì? Thánh Phêrô trả lời: Tình yêu!

Thật vậy! đạo chúng ta là đạo tình yêu. Một tình yêu tha thứ, một tình yêu giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người và là tình yêu làm cho con người luôn là anh em với nhau.

Trong chiều Tiệc ly, Đức Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình[4].

Người công giáo chúng ta được mời gọi sống tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu hiến thân cho người mình yêu mà Chúa Giêsu đã làm gương. Một tình yêu như Chúa Giêsu đã dạy: phải yêu thương cả kẻ thù nữa. Loài người phạm tội đã trở nên thù nghịch với Thiên Chúa, thế nhưng Ngài yêu thương tha thứ yêu cho đến cùng: chết trên thập giá bởi những con người tiếp tục phạm tội bằng việc giết Đức Giêsu.

Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều người tiếp tục hỏi: Đạo Công giáo dạy gì?

Và vì nhiều người tự trả lời theo ý họ cho nên: hằng năm tại một số quốc gia người Công giáo vẫn bị loại trừ, bị giết hại.

Năm 2018 có hơn 40 linh mục, tu sĩ, giao dân bị giết vì lý do đơn giản: là người Công giáo.

Thập giá Giêsu kêu gọi yêu thương, lòng bao dung tha thứ. Tại sao lại bị giết?

Phải chăng nhiều người được giáo dục căm ghét Công giáo? Phải chăng lương tri thế nào sẽ giáo dục và ảnh hưởng thế ấy? Phải chăng quan niệm thế nào sẽ sống như vậy? Chủ trương thế nào thì hành xử thế đó?

Lời từ thập giá đồi cao năm nào: “lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” là lời phát xuất từ tấm lòng nhân hậu, 1 tấm lòng bao dung tha thứ, luôn coi sự sai lầm của con người là do yếu đuối, là điều có thể chấp nhận được nhưng phải là kinh nghiệm để không tái phạm, nhất là sai phạm đưa đến muôn vàn tệ hại. Người lì lợm trong sự sai quấy là người thiếu lương tri, thiếu hiểu biết. Người sống không có mục đích như con thuyền mất lái, xe mất phanh, lạc lái…

Người quan niệm chỉ có đời này thì sẽ không dại gì mà hành xử như Chúa Giêsu trên Thánh giá.

Người không ngưỡng vọng thế giới mai sau thì dành tất cả cuộc sống cho thế giới hiện tại để rồi ra đi với bàn tay trắng và sự nghiệp là một mớ hỗn độn lành ít dữ nhiều.

Là người Kitô hữu, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta được mời gọi hãy sống theo tiếng gọi của trời cao. Sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian, sống với nhiều hạng người mà luôn thấy Chúa trong họ, (hay ít ra thấy Chúa đang đứng bên cạnh và đang chờ họ mở cửa lòng để Ngài vào), để yêu thương và tha thứ để giúp họ cũng tìm về thượng giới.

Muốn được như thế, đòi hỏi nhiều hy sinh, phải biết từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo [5] .

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đóng đinh bởi những người chối bỏ Ngài là Thiên Chúa làm người, bởi những người bắt bớ những người tin vào Chúa Giêsu Kitô, chống đối Hội Thánh Chúa. Ngài còn bị đóng đinh mỗi khi chúng ta phạm tội.

Ơn cứu chuộc của Ngài luôn tuôn tràn cho những ai tin và yêu mến Ngài.

Uớc gì mỗi lần suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta càng xác tín hơn nữa rằng: tin Đức Giêsu đã chịu đóng đinh, chịu chết trên Thánh giá và phục sinh vinh hiển, chúng ta sẽ được cứu độ, được hưởng vinh quang phục sinh với Ngài. Để từ đức tin đó, mỗi ngày chúng ta sống tốt hơn, sẵn sàng chấp nhận những thử thách, khổ đau, ngược đãi như là Thánh giá Chúa gửi đến, và đừng để cho những giá trị trần gian đè bẹp những giá trị Nước trời. Amen.

Linh mục Paul Maria Trần Quốc Việt

———————-

[1] Lc 23,46

[2] Phaolô 2,6-8

[3] Ga 3,16-21

[4] Ga 15,13

[5] Lc 9,23