Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
CN 33 TN NĂM A
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
18-11-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hà Tân, Giáo họ Phú Quý
GIÁO HUẤN SỐ 50
Môi trường kỹ thuật số
Internet và các mạng xã hội đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan. Chúng là “một quảng trường công cộng, nơi mà người trẻ tiêu tốn phần lớn thời gian của mình và gặp gỡ người khác khá dễ dàng, cho dù không phải ai cũng có cơ hội như nhau để tiếp cận nó, cách riêng tại một số vùng trên thế giới. Chúng cung cấp một cơ hội phi thường để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi giữa người này và người khác, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. Hơn nữa, thế giới kỹ thuật số là một thế giới của việc dấn thân chính trị xã hội và hoạt động dân sự, nó giúp phổ biến các thông tin độc lập, cung ứng sự bảo vệ hữu hiệu cho những người yếu đuối nhất và lên tiếng công khai về những vụ xâm phạm các quyền của họ. Tại nhiều quốc gia, internet và các mạng xã hội đã làm nên một diễn đàn vững chắc để tiếp cận với người trẻ, cách riêng trong các sáng kiến và các hoạt động mục vụ. Nhưng để hiểu hiện tượng này cách toàn diện, chúng ta cần nhận ra rằng cũng như mọi thức tại con người, nó cũng có những giới hạn và khiếm khuyết. Thật không lành mạnh nếu nhập nhằng đánh đồng sự truyền thông liên lạc với sự tiếp xúc hoàn toàn ảo. Thật vậy, “môi trường kỹ thuật số cũng là một môi trường của sự cô đơn, dẫn dụ, bóc lột và bạo lực đến mức quá quắt như trường hợp các ‘web đen’. Truyền thông kỹ thuật số có thể đặt người ta trước nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần mất sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, làm bế tắc sự phát triển các tương quan liên vị đích thực. Những hình thức bạo lực mới đang tràn lan thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn việc uy hiếp trên mạng. Internet cũng là một kênh truyền bá khiêu dâm và khai thác người ta cho những mục tiêu tình dục hay cho hoạt động cờ bạc” (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 87 & 88).
———————-
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(2Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26)
Trong ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta ngắm nhìn cuộc sống của các ngài, để noi gương bắt chước :
- Đối với Chúa : Các Thánh Tử Đạo đặt Thiên Chúa lên trên hết, Chúa là quan trọng nhất trong cuộc sống.
Thánh nữ Anê Lê thị Thành chết rũ tù ngày 12-7-1841, thọ 60 tuổi. Cô Luxia Nụ, con gái út đã nói về mẹ cô như sau :
“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội Con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ”.
Cô Anna Năm cũng xác nhận : “Song thân chúng tôi chỉ gả các con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần người dạy tôi: ‘Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận Thánh Giá Chúa gửi cho’. Người cũng khuyên vợ chồng tôi : ‘Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ’”.
- Làm việc tông đồ : các thánh tử đạo lo việc nhà, việc đời, cả việc đạo nữa.
Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh bị bắt tháng 6-1838. Ngài bị diệu ra pháp trường Đồng Hới và bị cột giây thừng vào cổ kéo cho đến chết ngày 10-7-1840.
Người ta viết về thánh Quỳnh như sau: “Làm nghề thuốc, lại chữa bệnh mát tay, ngài trở thành một lương y nổi tiếng khắp nơi. Từ quan tới dân đều tìm đến thầy lang Quỳnh.
Biết ngài tốt lành, giầu lòng bác ái và có tinh thần phục vụ, dân xứ Mỹ Hương bầu ngài làm trùm chánh. Với trách vụ này, ngài lại càng nhiệt tình chăm lo các việc trong xứ đạo, đặc biệt giúp đỡ các linh mục trong vùng.
Ở Mỹ Hương bị động, ngài đưa cha Kim về trốn ở Kim Sơn. Ngài trở lại Mỹ Hương để lấy các đồ đạo. Trên đường về ngài bị bắt. Ngài đã “nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa mà phải thiệt thân”.
- Đối với gia đình : Các Thánh Tử Đạo yêu thương giúp đỡ nhau.
Thánh Cỏn bị bắt ngày 30-5-1840 và bị chém đầu ở pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định ngày 8-11-1840.
Khi các con vào thăm ngài trong tù, ngài nói : “Các con yêu dấu, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cho cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy vâng lời mẹ. Các con lớn hãy quan tâm đến các em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lời các anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa”.
- Đối với hàng xóm láng giềng : Các Thánh Tử Đạo giúp đỡ và chia sẻ.
Cụ Đaminh Phạm Trọng Khảm bị bắt tháng 8-1859 và bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu Nam Định. Ngài bị cột giây thừng vào cổ, kéo cho tới khi tắt thở.
Với xóm làng, cụ là một mẫu người đức độ, quan tâm đến nhu cầu của mọi người cả xác lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho kẻ nghèo khó, và khích lệ mọi người can đảm trước những bách hại. Gia phả con cháu cụ ghi lại rằng : “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm”.
Vì sẵn của cải chia sẻ cho mọi người, có lần cụ kiếm cớ đãi cả làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp các ngõ hẽm mời mọi người ra ruộng tổ chức đua diều. Ai thắng ai thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được một bữa no say.
- Đối với tổ tiên ông bà và các linh hồn : Các Thánh Tử Đạo thảo hiếu như điều răn thứ tư dạy.
Cha Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng đi thăm bệnh nhân thì bị bắt vào Mùa Vọng tháng 11-1855. Cha bị chém đầu tại pháp trường Cảnh Diếu, Ninh Bình ngày 27-4-1850.
Quan tố cáo cha rằng : “Tôi nghe đồn rằng, các ông khoét mắt bệnh nhân và không thờ kính tổ tiên.”
Cha trả lời : “Xin quan đừng nghe những lời đồn thổi sai lạc. Chúng tôi chỉ xức dầu trên mắt mũi tai miệng và tay chân để xin Chúa tha các tội mà bệnh nhân đã dùng các cơ quan đó để phạm tội.. Còn với tổ tiên, chúng tôi hằng cầu nguyện và làm các việc lành để cầu cho các ngài. Chỉ có điều chúng tôi không cúng cơm, cúng rượu, vì cha mẹ chẳng về ăn uống như khi còn sống”.
Cha Launay, sử gia Pháp, cất tiếng ca khen : “Hỡi Giáo Hội Việt Nam, một trong những Giáo Hội bị bắt bớ hà khắc nhất trong các Giáo Hội trên thế giới, một trong những Gíao Hội kiên vững lạ lùng. Chúng tôi cúi đầu kính chào…Giáo hội xứng đáng được danh thơm muôn thuở”.
Ngày 11-6-1933, khi tấn phong cho Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, vị Giám Mục Việt Nam đầu tiên, Đức giáo hoàng Piô XI đã tặng Giáo Hội Việt Nam danh hiệu : “Trưởng Nam của các Gíao Hội Công Giáo Á Đông”.
Chẳng những các ngài làm thơm danh cho Giáo Hội Việt Nam, mà còn làm nẩy sinh nhiều hoa trái, vì ông Téc-tu-li-a-nô đã quả quyết : “Máu Các Thánh Tử Đạo trổ sinh đức tin”.
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu, được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái mà dân thân phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành