Lễ Cầu Cho Các Đẳng Linh Hồn
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Rm 6, 3-9
“Chúng ta phải sống đời sống mới”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.
Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi
Hoặc đọc: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con
Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.
Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
Alleluia: Ga 11, 25-26
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 51-59
“Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
THANH LUYỆN, MỘT NỖI ĐAU ĐƯỢC CHÚC PHÚC
(Hội An 2/11/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Tất cả những ai Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6,37). Điều đó có nghĩa chúng ta có quyền chọn thuộc về Chúa hoặc không và Chúa sẽ không từ khước ai đến với Chúa, cũng không ép buộc ai đến với Ngài. Vì thế, sự lựa chọn của mỗi chúng ta được thực hiện nhiều lần trong mọi thời khắc cuộc sống, đặc biệt trong giờ phút quyết định là giờ chết, bấy giờ mọi quyết định trở nên dứt khoát: hoặc đón nhận Chúa, hoặc từ chối ân sủng thiêng liêng Chúa Giê-su ban.
- Cuộc thanh luyện được chúc phúc
Hôm qua, Giáo Hội mừng kính các thánh nam nữ trên trời, là những tín hữu yêu mến đón nhận ơn Chúa ban và trung thành nói lời xin vâng với Chúa cho đến khi “nghỉ an trong Chúa, Thiên Chúa đem họ đi làm một với Ngài” (1Tx 4,13). Chúng ta gọi các ngài là các thánh trên thiên đàng. Còn có số người mà cuộc sống của họ đầy dẫy sự gian ác, đến nỗi mọi khát vọng về sự thật, sự thánh thiện và tình yêu Chúa – yêu người trong họ đã bị họ xóa bỏ hoàn toàn, thì số phận của họ là hỏa ngục, một tình trạng cách lìa Thiên Chúa và đáng phạt. Vậy, những người còn lại thì sao, những người muốn sống đời thánh thiện nhưng lại thường xuyên thất bại?
Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời hôm nay liên quan đến các vị ấy, những vị đã qua đời và đang ở trong Luyện Ngục. Giáo Hội dạy: Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Luyện ngục không phải là kết quả cơn giận của Thiên Chúa, mà là kết quả của lòng Chúa thương xót dành cho các linh hồn thánh nhưng khi đi về với Chúa, họ chưa sẵn hành trang cuối cùng là một niềm tin và lòng yêu mến trọn vẹn dành cho Chúa, nay họ được tình yêu cháy bỏng của Thiên Chúa thanh tẩy trước khi được hưởng vinh quang vĩnh cửu trên thiên đàng.
Đôi lứa yêu nhau không hẳn kết hôn ngay, mà phải đợi đến lúc tình yêu chín muồi họ mới kết hôn về chung sống với nhau; cũng vậy, làm sao chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa là Tình Yêu mà nơi chúng ta chưa trọn vẹn tình yêu dành cho Ngài? Chân giày lấm láp, chúng ta thản nhiên bước vào nhà của người khác sao, nếu không chà chân trên tấm thảm ở ngưỡng cửa trước khi vào? Cũng vậy, chúng ta hưởng được vinh quang của Đấng chí thánh ngay được không nếu trong chúng ta đang còn những ràng buộc đối với tội lỗi, như những thói quen xấu, tính thô lỗ hoặc thói mỉa mai…, khiến chúng ta chưa sẵn sàng bước vào hưởng hạnh phúc bên Chúa, tuy không đáng phải vào hỏa ngục? Sách Khôn Ngoan cho biết Thiên Chúa tình yêu thanh luyện các linh hồn trong luyện ngục để họ xứng đáng với Ngài: “Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Ngài. Ngài đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu” (Kn 3,5-6). Thanh luyện trong lửa như thế là một nỗi đau, nhưng là một nỗi đau được chúc phúc, trong đó sức mạnh thánh thiện của tình yêu Thiên Chúa thiêu đốt chúng ta như ngọn lửa, giúp ta hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
- Bổn phận những người còn sống
Như vậy, ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời là ngày trong mỗi chúng ta có niềm thương nhớ sâu sắc đối với những người đã khuất, nhất là những thân nhân của chúng ta, còn là ngày chúng ta có niềm hy vọng sâu sắc dựa vào tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ của Chúa Giê-su. Hơn lúc nào hết, dịp này chúng ta vừa bày tỏ niềm tin tưởng của chúng ta vào lòng Chúa nhân từ xót thương, vừa dâng lời cầu nguyện và hy sinh của ta cho Chúa để dành cho các linh hồn trong luyện ngục, bởi “không ai sống một mình, không ai phạm tội một mình và không ai được cứu rỗi một mình” (Thông điệp Niềm Hy Vọng Ki-tô giáo, số 48), nên mọi lời cầu nguyện, hy sinh, nhất là dâng thánh lễ cầu cho các ngài luôn tuổn đổ ơn Chúa trên các ngài, hầu các ngài mau chóng hưởng nhan thánh Chúa. Đó là lý do thánh Ambrôsiô khuyên chúng ta: “Chúng ta đã yêu thương họ khi còn sống; chúng ta đừng quên họ khi họ đã qua đời.”
Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa lòng cảm tạ tri ân, vì Chúa cho chúng con hiểu những ngăn trở trong đời chúng con, khiến chúng con chưa thuộc về Chúa hoàn toàn và chưa yêu Chúa trọn vẹn, để chúng con sửa đổi ngay khi còn sống. Chúng con cũng cảm tạ ơn Chúa đã cho những tín hữu đi trước chúng con được ngọn lửa tình yêu Chúa thanh luyện, hầu các ngài sớm kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Và xin cho chúng con dành trọn các thánh lễ trong tháng 11 này, ra sức cầu nguyện và hy sinh để mang lại lợi ích cho các tín hữu đã qua đời, nhất là người thân thuộc chúng con.
SUY NIỆM II
CÀU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN – MỘT HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI
(Ngày 02/11/2024)
Hôm nay, chúng ta quy tụ nơi đây để cùng với toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta nhớ đến những linh hồn nơi luyện ngục – những người đang mong chờ được thanh luyện để tiến về Thiên Đàng. Lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay không chỉ là một nghĩa vụ, mà còn là một biểu hiện của lòng bác ái, sự liên đới sâu xa giữa những người còn sống và những người đã khuất. Bài giảng này mời gọi chúng ta nhìn lại sự chết dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh, khám phá niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu, và suy ngẫm về bổn phận cầu nguyện cho các linh hồn.
Trước hết, chúng ta hãy đối diện với sự thật rằng cái chết là một phần không thể tránh khỏi của cuộc đời. Như sách Khôn ngoan nói: “Người công chính dù chết yểu, nhưng sẽ được hưởng phúc lộc lâu dài, vì lòng trung tín của họ đã được Chúa ghi nhận” (Kn 4, 7-14). Đối với người Kitô hữu, cái chết không phải là dấu chấm hết mà là cánh cửa mở ra một cuộc sống mới. Thánh Phaolô đã khẳng định rõ ràng trong thư gửi tín hữu Rôma rằng: “Ai trong chúng ta cũng phải ra trình diện trước tòa Chúa” (Rm 14, 12). Như thế, sự chết chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc sống khác – cuộc sống trong Thiên Chúa.
Tuy nhiên, cái chết vẫn luôn là một bí ẩn lớn lao đối với con người. Nỗi sợ hãi và sự hoang mang thường bao phủ khi chúng ta nghĩ đến cái chết. Nhưng đối với người có niềm tin, Chúa Giêsu đã làm cho cái chết trở nên một mầu nhiệm chứa đầy hy vọng. Chính Ngài đã chiến thắng sự chết qua cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình, và Ngài đã phán với chúng ta: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Đây là lời hứa hẹn vững chắc của Chúa dành cho tất cả những ai tin tưởng nơi Ngài. Chính niềm hy vọng ấy là điều mà mỗi Kitô hữu phải ghi nhớ trong tâm hồn, nhất là khi chúng ta tưởng niệm những người đã ra đi.
Giáo Hội dạy rằng, nhiều linh hồn sau khi chết vẫn cần phải được thanh luyện trước khi có thể hoàn toàn kết hợp với Chúa trên Thiên Đàng. Đây là các linh hồn nơi luyện ngục, và họ đang chờ đợi sự giúp đỡ của chúng ta qua lời cầu nguyện và các hy sinh. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê nhắc nhở rằng chúng ta là một thân thể trong Đức Kitô, và khi một bộ phận đau khổ, cả thân thể đều đau khổ (Cl 1, 24). Các linh hồn trong luyện ngục chính là một phần của Hội Thánh đau khổ. Chính họ không thể tự cứu mình, nhưng chúng ta, những người đang sống trên trần thế, có thể giúp họ qua lời cầu nguyện, các việc hy sinh và dâng Thánh lễ.
Sách Macabêô cũng dạy rằng: “Cầu nguyện cho người chết là một việc lành thánh và đạo đức” (2 Mcb 12, 45). Lời cầu nguyện của chúng ta như những chiếc cầu nối, giúp các linh hồn đang thanh luyện mau chóng được giải thoát. Và cũng chính các linh hồn này, khi đã được vào Thiên Đàng, sẽ cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa. Đây là một mối tương quan yêu thương, một sự liên đới thiêng liêng giữa các phần của Hội Thánh.
Trong mầu nhiệm Hiệp Thông Các Thánh, Giáo Hội chia làm ba phần: Hội Thánh khải hoàn trên Thiên Đàng, Hội Thánh lữ hành đang sống trên trần gian, và Hội Thánh đau khổ trong luyện ngục. Mối liên kết giữa ba phần này là một sự liên đới đầy tình yêu thương và hiệp thông. Hội Thánh lữ hành – tức chúng ta, những người còn sống – có bổn phận cầu nguyện và giúp đỡ cho các linh hồn nơi luyện ngục. Đồng thời, các thánh trên Thiên Đàng, Hội Thánh khải hoàn, luôn cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Điều này cho thấy rằng, dù chúng ta đang ở đâu trong hành trình đức tin – ở Thiên Đàng, trên dương thế, hay nơi luyện ngục – chúng ta vẫn luôn được liên kết trong tình yêu của Chúa Kitô.
Kính thưa cộng đoàn, việc cầu nguyện cho các linh hồn không chỉ là bổn phận mà còn là một hành động bác ái lớn lao. Mỗi người chúng ta hãy tích cực dâng lời cầu nguyện, hy sinh, và Thánh lễ cho các linh hồn, đặc biệt trong tháng 11 này, tháng dành riêng để cầu nguyện cho các Đẳng Linh hồn. Đồng thời, chúng ta hãy nghĩ về chính mình: cuộc đời này thật ngắn ngủi, và chúng ta cần chuẩn bị cho ngày ra trình diện trước Chúa. Hãy sống thánh thiện mỗi ngày, hãy làm lành và tránh dữ, để khi ngày đó đến, chúng ta cũng được đón nhận vào Thiên Đàng.
Hôm nay, chúng ta dâng Thánh lễ này với niềm tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ rơi những linh hồn đang đau khổ nơi luyện ngục. Lạy Chúa, xin thương xót và đón nhận các linh hồn vào Nước Trời, nơi không còn đau khổ, nước mắt hay chia ly. Xin ban cho chúng con lòng can đảm để sống một đời sống thánh thiện, để mai sau khi đến giờ phút ra đi, chúng con cũng được hưởng phúc Thiên Đàng như lời Ngài đã hứa. Amen.